Roma - Thành phố nghìn năm tuổi
Theo truyền thuyết, Roma là tên một thành phố do vị vua đầu tiên của Italia là Romulus đặt, lúc ông được tôn làm vua năm 753 Trước công nguyên (TCN). Lúc đầu Roma là sự hợp nhất của các làng nằm trên các ngọn đồi Roma. Nhưng đến khoảng thế kỷ thứ VI và thứ V TCN, Roma phát triển nhanh và chẳng bao lâu trở thành thủ đô của một đế quốc rộng lớn, thâu tóm hầu hết các vùng đất ven biển Địa Trung Hải.
Roma là thành phố có lịch sử trên 2.500 năm, từng là thủ đô của Vương quốc La Mã, Cộng hòa La Mã và đế quốc La Mã. Trong thời kỳ cực thịnh này, những người đứng đầu nhà nước đế quốc cho xây dựng ở Roma nhiều công trình đồ sộ, còn để lại dấu tích đến ngày nay như đấu trường Colosseum, đền Pantheon, Quảng trường Hội họp La Mã, khu chợ cũ...
Từ thế kỷ III sau Công nguyên, Roma nhiều lần bị ngoại bang xâm chiếm và phá hoại dữ dội. Năm 324, do việc thành lập thủ đô Constatinople của đế quốc Roma phương Đông và với sự tranh giành quyền lực của đế quốc phương Tây đã làm cho Roma suy tàn nhanh chóng. Trên thực tế Roma chỉ còn là thủ đô tôn giáo. Mãi đến thế kỷ XIX, khi Roma trở thành thủ đô của nước Italia thống nhất, cuộc sống dân chúng ở đây được phục hồi nhanh. Mặt khác do uy tín của Tòa Thánh ở Roma dần dần được đề cao, do đó Roma lấy lại được vị thế của thủ đô Gia Tô giáo.
Thủ đô Roma của Italia ngày nay chiếm một vùng đất rộng nằm trên trên 7 ngọn đồi, thuộc miền Trung Italia, cách bờ biển Địa Trung Hải khoảng 25km về phía Tây. Nếu tính cả vùng ngoại ô, Roma có một diện tích khá lớn 1.508 km2, với dân số 2.817.000 người là một trong những thành phố lớn của châu Âu và thế giới.
Trung tâm của thủ đô Roma là là khu vực Roma cổ, gồm 22 quận, vùng ngoại ô có 35 xã, cũng đang trong quá trình đô thị hóa. Ngoài ra còn có một vùng nông thôn thuần túy, trước kia đây là vùng sình lầy, dưới thời Mussolini đã cho cải tạo thành đất ở. Đặc biệt trong thủ đô Roma có hai vùng đất theo quy chế riêng; Đó là Vatican, được coi là một quốc gia và “Khu Triển lãm Quốc tế Roma”, mang tư cách hành chính độc lập với thành phố.
Quảng trường Thánh Phero.
Roma là thành phố còn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa từ thời Cổ đại và Trung đại, nơi có nhiều viện bảo tàng nghệ thuật và những thư viện lớn nhất châu Âu. Trong những thư viện đó lưu giữ nhiều bản văn cổ rất quý hiếm.
Một công trình khoa học kỹ thuật đầu tiên được xây dựng ở Roma là hệ thống thoát nước của thành phố Cloi Kamisama. Công trình này bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI TCN, dưới thời Hoàng đế Tarquinius (616 – 578 TCN). Những phế tích còn lại của công trình khoa học kỹ thuật này là hệ thống mương cống, tiêu biểu nhất là miệng cống thoát nước chảy ra sông Tibre, được sửa chữa phục chế lại dưới thời đế chế Roma, thế kỷ III TCN.
Một trong những công trình kiến trúc đáng chú ý nhất còn hiện hữu là đấu trường Colosseum, còn gọi đấu trường La Mã, nơi diễn ra các trận huyết chiến giữa các mãnh thú với nhau hoặc giữa con người với dã thú. Như mọi người đều biết quá trình hình thành nên đế chế La Mã là một quá trình gây chiến liên tục, không ngừng, chống lại các dân tộc khác nhỏ bé hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và nếp sinh hoạt của cư dân La Mã. Họ thích các trò giải trí gây cảm giác mạnh như các trận đấu sinh tử giữa các mãnh thú với nhau. Đặc biệt man rợ hơn giữa con người và dã thú. Những thú vui này đối với người La Mã thời bấy giờ là một nhu cầu bức thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Vì vậy, ở Roma có nhiều đấu trường được dựng lên. Một trong những đấu trường đó còn lại đến ngày nay là đấu trường Colosseum (đấu trường vòng cung khổng lồ). Colosseum là một công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Roma cổ đại. Tên gốc của đấu trường này là Flavian Amphitheatre, do Hoàng đế Vespasian khởi dựng vào năm 70 đến năm 76 mới hoàn thành. Công trình ban đầu chỉ có hai tầng, được nâng bởi một hệ thống cột chống doric, cột ionic và cột corinth, kiến trúc theo kiểu vòm cuốn, vòng cung giao thoa với hành lang bao quanh.
Đến thời vua Titus (con trai của vua Vespania) và Domitia cho xây thêm tầng 3, gồm toàn những dãy cột có trổ những ô cửa nhỏ. Toàn bộ công trình cao 48m. Để tưởng nhớ vua cha, Hoàng đế Vespania sau một năm băng hà và để mừng ngày hoàn thành đấu trường vua Titus đã tổ chức trận đấu kéo dài 100 ngày tại đấu trường này.
Bức tường Aurelianus.
Đấu trường Colosseum tọa lạc nơi có ngôi biệt thự của bạo chúa Néron và gần bức tượng khổng lồ của ông ta. Đây là bức tượng cổ dát đồng, cao 100m. Tượng Néron đứng đó trong tư thế Thần Mặt Trời. Sau này người ta đã phải dùng 24 thớt voi để chuyển bức tượng này đi nơi khác.
Colosseum nằm giữa hai Quảng trường Caesar và Quảng trường Romulo, là một công trình có mặt bằng hình elip, với chu vi 527m, được chia làm 4 phần đối xứng với nhau qua hai trục dài và ngắn lần lượt có kích thước 188m và 156m.
Khán đài được xây cao dần lên, với sức chứa 5 vạn người, trong đó có 4, 5 vạn chỗ ngồi và 0,5 vạn chỗ đứng. Hàng khán giả đầu tiên cao hơn sàn đấu 5m, để đảm bảo an toàn cho người xem, còn hàng khán giả trên cùng có độ cao khoảng 16m.
Số ghế chạy vòng tròn từ dưới lên trên gồm 60 hàng, chia thành 5 lô, với cửa ra vào riêng, có tất cả 60 cửa. Hoàng đế, gia nhân và những người thân cận có lối đi riêng. Đó là đường hầm dẫn trực tiếp đến với chỗ ngồi danh dự trên khán đài trệt. Nằm sát cạnh sân đấu là khán đài dành cho tầng lớp quý tộc thượng lưu. Còn khán đài trên dành cho thứ dân. Dưới khán đài có những khoảng trống dành cho nghỉ ngơi lúc giải lao, được bố trí chạy vòng theo 3 tầng nhà.
Hệ thống tường cột chạy quanh mặt đứng gồm 60 vòm cuốn, cùng với hệ tường ngang hình rẽ quạt gồm 80 bức, đỡ toàn bộ khán đài và sàn của các tầng. Tường vây quanh tầng giữa và tầng trệt, được thiết kế theo kiểu cột cuốn, nhờ đó tạo ra nhiều cửa cuốn, làm giảm đi vẻ nặng nề của một công trình đồ sộ bằng đá, tăng vẻ đẹp bên ngoài. Trên mỗi khoảng trống của các cửa cuốn, đặt một pho tượng. Tổng cộng 60 pho, góp phần tăng vẻ uy nghi, đồ sộ, hùng vĩ của đấu trường.
Tầng trệt cấu trúc khá phức tạp. Nền lát gỗ và ngăn thành nhiều phòng. Sàn đấu nằm ngay tại trung tâm đấu trường, là một mặt phẳng hình chữ nhật trên rải cát, có kích thước 86 x 54m, được cách ly với khán giả bởi một bức tường cao, để tránh nguy hiểm cho người xem, trong những trận đấu giữa các thú dữ.
Trong các trò giải trí, hấp dẫn hơn cả đối với người dân La Mã thời bấy giờ là các cuộc đấu giữa người và thú dữ. Trò giải trí này bắt nguồn từ thời vua Valerius Maximus, khoảng năm 246 TCN. Hồi đó mỗi trận đấu chỉ có 6 đấu sĩ, được chia thành 3 cặp. Dưới thời Julius Caesar (100 – 41 TCN), số đấu sĩ trong một trận lên đến 600 người. Đó là những trận huyết chiến, đẫm máu và tàn bạo nhất. Dưới thời Trajan (98 – 117), trong một trận đấu có đến 5.000 đấu sĩ tham gia. Và trong suốt 4 thế kỷ qua, đã có nhiều người bỏ mạng cho trò tiêu khiển này. Các đấu sĩ phần lớn là những nô lệ da đen và kẻ phạm tội. Họ được học trong các trường đào tạo..
Công trình đài phun nước Trevi.
Sau khi đế chế La Mã sụp đổ năm 476, đấu trường Colosseum bị bỏ hoang phế. Các nhà quý tộc thời Trung cổ đã tháo gỡ nhiều phiến đá cẩm thạch về xây lâu đài, biệt thự của mình. Thêm vào đó là sự tàn phá của thiên nhiên. Đặc biệt vào thế kỷ XVIII, đã xảy ra một trận động đất mạnh đã làm sụp đổ 2/3 đấu trường.
Dưới thời Giáo hoàng Benoit (1740 - 1788), Giáo hội Thiên chúa giáo đã dùng nơi đây làm lễ phong Thánh, đấu trường được tu bổ sửa sang một phần. Năm 1972, nhà nước Italia có kế hoạch trùng tu sửa chữa lại.
Một trong những kiến trúc đặc sắc là đền Pantheon được xây dựng năm 27 TCN theo thiết kế của Agrippa, cánh tay phải của Hoàng đế Augustus. Đền Pantheon làm nơi thờ phụng các vị Thần của người La Mã . Đền bị hủy hoại sau hai trận hỏa hoạn. Dưới thời vua Hadrian (117 - 138), nó được xây lại thành một ngôi đền hình tròn, mà chiều cao từ mặt sàn đến nóc mái vòm bằng đường kính của nóc vòm là 43,5m. Với kỹ thuật thời đó, việc xây một nóc vòm có đường kính như vậy quả là một việc làm táo bạo. Để chịu được sức nặng của vòm đồ sộ này, người ta phải xây một khối trụ có tường dày 6,2m. Dọc theo bức tường tròn này, người ta trổ 7 hốc ngăn để trang trí làm phong phú thêm nội thất của đền thờ. Chính nhờ những hốc ngăn này, cùng với những ô vuông mà các nhà xây dựng đã đục vào vòm mái và cửa tròn để hứng lấy nguồn sáng duy nhất của công trình từ một ô tròn trên đỉnh vòm (đường kính 8,9 m) chiếu xuống.
Sàn đền và mặt đường được lát đá cẩm thạch, tường xây bằng bê tông cốt đá, phía dưới có trọng lượng lớn hơn, càng lên cao càng nhẹ dần. Cấu trúc đền, ngoài phần hình tròn làm nơi thờ cúng, có thêm không gian sảnh phía trước hình chữ nhật. Phần sảnh là khu vực còn lại của ngôi đền cũ được xây dưới thời Hoàng đế Augustus, nhưng đã bị hủy hoại trong hai trận hỏa hoạn trước đó. Sự lắp ráp hài hòa giữa hai khối kiến trúc khác nhau, đã tạo nên một công trình khá độc đáo, khiến cho vẻ đẹp của đền Pantheon dường như nằm ngay ở sự tương phản giữa hai khối hình khác nhau đó.
Đặc điểm nổi trội nhất trong việc xử lý nội thất của đền Pantheon là chia vòm lớn thành những ô vuông với những băng ngang vòng quanh ở dưới vòm, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục, hấp dẫn.
Một công trình tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc La Mã cổ đại là Quảng trường Hội họp La Mã (The Roman Forum). Đây là nơi hội họp của nhân dân để bàn việc công cộng. Quảng trường Hội họp La Mã xưa kia là một đầm lầy, về sau biến thành trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo. Dần dần quanh quảng trường các đời vua độc tài, thời cộng hòa và thời đế chế cho xây dựng nhiều công trình khác nhau như nhà thờ Giulia, nhà các nữ tu sĩ, đền thờ Discourse... Nhưng nơi một thời là Quảng trường Hội họp, nay chỉ là một thảm cỏ xanh với những mảnh vụn đá cẩm thạch, vốn là vật liệu xây dựng những ngôi đền, tượng đài và những đại sảnh của một nền văn minh vĩ đại của thế giới cổ đại.
Tại đây, Thượng viện chỉ đạo toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước La Mã. Cũng tại đây, Julius Caesar đã khước từ ngôi báu và cũng tại nơi này, một toán cướp đã đốt chiếc kiệu của nhà vua. Cũng vẫn tại đây Cicero (106 - 43 TCN) đã phát biểu hùng biện trước nhân dân La Mã và chính tại đây nửa chiếc đầu và cánh tay của nhà hùng biện Cicero đã bị Antoine cho đóng đinh trên bục diễn thuyết, sau khi ông bị những kẻ hành hung giết chết.
Quảng trường Hội họp được bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 600 TCN, dần dần sau đó, qua nhiều triều đại quảng trường đã phát triển thành một quần thể dày đặc các nhà thờ cùng nhiều tòa nhà công cộng và trở thành trung tâm của đời sống cộng đồng dân cư La Mã. Cùng lúc, các nhà hàng, chợ búa được dựng lên ở những khoảng trống, dọc theo con đường “Linh Thiêng” (Sacred way) chật hẹp dẫn vào trung tâm.
Xuôi theo đường “Linh Thiêng” và ngược lên đồi Capitoline, dẫn đến đền Jupiter (Sao Thủy), người ta dựng những pho tượng các vị tướng chiến thắng dẫn các đoàn quân và những chú hề đứng hai bên đường để nhạo báng những chiến công của các vị anh hùng, để cho các vị Thần khỏi ghen tỵ với những chiến thắng của họ.
Nhưng đến thế kỷ thứ II TCN, Quảng trường Hội họp bắt đầu đánh mất vị trí trung tâm thương mại của mình. Dưới thời trị vì của Julius Caesar, quảng trường được thiết kế lại nhằm giảm bớt sự đông đúc và biến những khối nhà lộn xộn, tạp nham thành một chỉnh thể hài hòa - một cung điện hình chữ nhật được mọc lên, bao quanh là những tòa nhà tôn giáo và chính trị. Đến năm 14, Augustus tiếp tục hoàn thiện quá trình chuyển hóa đó. Đến nay quảng trường chỉ còn mang tính biểu tượng mà thôi. Bởi trải qua nhiều thế kỷ binh đao, động đất, hỏa hoạn và cướp phá... đã làm cho quảng trường xuống cấp nghiêm trọng, trở thành đống đổ nát.
Một công trình khác có giá trị nghệ thuật cao, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó là Ngôi nhà vàng (Domus Aurea). Lâu đài này do bạo chúa Néron xây dựng trên đồi Esquilimus, sau vụ cháy lớn vào năm 64 ở Roma, mà thủ phạm chính là Néron. Nội thất lâu đài trang hoàng rực rỡ với những bức tranh hoành tráng đắp nổi rất đẹp và về sau nhiều họa sỹ Italia đã dùng mô típ này trang trí cho nhiều cung điện khác.
Ngoài ra Roma cổ đại còn có hai bức tường bao quanh. Đó là bức tường Servius bao gần hết 7 ngọn đồi, được xây từ thế kỷ thứ VI TCN và đến thế kỷ IV TCN lại được trùng tu. Còn bức tường Aurelianus vẫn còn di tích, đến nay được mở nhiều cửa ra vào các ngã của Roma.
Điều thú vị nhất một khi đến Roma là được tham quan đài phun nước Trevi, niềm kiêu hãnh và tự hào của người dân Roma. Công trình mang kiểu kiến trúc Baroque đầy ấn tượng, được xây dựng thế kỷ XVIII, do kiến trúc sư Nicola Salvi thiết kế, với đài phun nước cao 30m. Đài phun nước Trevi gắn với truyền thuyết: chỉ cần du khách ném một đồng xu xuống nước mọi điều ước sẽ thành hiện thực. Đây chính là điểm đặc biệt thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm. Bởi thế, mỗi ngày tổ chức từ thiện Caritas có thể thu về 3.000 USD do việc du khách ném đồng xu xuống đây. Và mỗi năm số tiền thu được lên đến 1 triệu USD.
Roma tự hào một nơi có nhiều bảo tàng trưng bày những hiện vật quý như Bảo tàng Vatican, biệt thự Boeghère, được xây dựng đầu thế kỷ XVIII, làm nơi ở mùa hè của Giáo chủ Boeghère, trong đó có phòng giải trí, nay trở thành phòng trưng bày các công trình điêu khắc và hội họa có giá trị nghệ thuật cao. Trong lâu đài Bacharyry, nay là phòng trưng bày quốc gia sở hữu nhiều tranh của các danh họa Raphael. Titian, Rubens...
Bảo tàng Quốc gia Roma vốn là tòa lâu đài Dioclétien, trong đó trưng bày nhiều công trình nghệ thuật Hy Lạp của Roma và của đạo Gia tô. Viện Bảo tàng biệt thự Giulya, chuyên trưng bày về khảo cổ học. Ngoài ra Roma còn có hai bảo tàng quan trọng thu hút nhiều du khách là Bảo tàng trên đồi Capitol và Bảo tàng tranh và cổ vật./.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh...
Bình luận