Tango Argentina

Trước khi rời Argentina, Phòng Thương Mại Argentina (CAC) có tổ chức một bữa tiệc chia tay với đoàn Doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Chiều muộn hôm đó đúng giờ hẹn, chị Macxela, cán bộ của CAC tới khách sạn đón chúng tôi. Xe chạy dọc đại lộ 9 tháng Bảy xuôi về hướng bờ sông River Plate, chừng 15 phút thì giảm tốc độ rồi rẽ phải và tiến sát ra phía bờ sông, nơi có một nhà hàng nổi mang tên La Casa...

Mọi người bước vào gian phòng ăn rộng lớn, ở phía cuối có một sân khấu đang khép lại bởi hai cánh màn nhung lớn màu huyết dụ. Khoảng dăm sáu chục bàn ăn lớn kê san sát bên nhau, mà vào giờ này có tới một nửa đã có khách ngồi. Một nhân viên phục vụ dẫn chúng tôi về bàn ăn đã đặt sẵn, nằm ở khoảng giữa gần với sân khấu.

Vừa ổn định chỗ ngồi thì đã thấy các nhân viên phục vụ toàn là nam giới, người thì châm nến trên bàn ăn, người mang khăn nóng cho khách lau mặt, lau tay. Tiếp đấy đến lượt các nhân viên mang rượu vang ra rót vào các ly lớn mời khách. Vị đại diện cho CAC cầm ly vang nâng lên chúc sức khỏe mọi người và chúc cho chuyến đi tiếp theo của đoàn sang Chi Lê sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Chúng tôi cùng nâng cốc cạn ly. Trong khi đó tại các bàn đặt sẵn các đoàn đến trước người ta cũng đang nâng cốc và ăn uống vui vẻ. Trong lúc đợi chị Macxela tranh thủ giới thiệu với chúng tôi đôi điều về vũ điệu Tango và phong cách ăn tối kết hợp xem nhảy Tango của người dân Buenos Aires mà chúng tôi sẽ được thưởng thức tối nay.

Tango Argentina - 1

Tango Argentina trên sân khấu (Ảnh Nguyễn Đắc Như)

Vũ điệu Tango xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19 bên dòng sông River Plate thơ mộng của thành phố Buenos Aires. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vũ điệu này có nguồn gốc từ âm nhạc Digan ở Tây Ban Nha. Nhưng một số khác lại quả quyết, nó được phát triển lên từ vũ điệu Milonga nổi tiếng của Argentina từ ba, bốn trăm năm trước.

Thoạt đầu vũ điệu mô phỏng một trận đấu giữa hai võ sĩ, họ giấu đoản kiếm phía sau tay áo, quấn chặt lấy nhau, lúc tiến lúc lùi trong tiếng đàn ghi ta giữ nhịp. Sau đó, người ta phát triển nó thành một điệu múa của một đôi nam nữ. Lúc này Tango mới chỉ như một phương tiện bộc lộ tình cảm của tầng lớp bình dân. Giai điệu các bản nhạc khi đó thường mô phỏng những tình cảm mơ màng, sầu muộn, nuối tiếc về một mối tình đã mất... Và những cuộc biểu diễn Tango như thế thường mới chỉ diễn ra ở các câu lạc bộ thuỷ thủ, bến cảng, khu chợ, các quán trọ... Tiết tấu âm nhạc và dáng điệu các bước nhảy của Tango lúc này bị coi là quá dung tục và khêu gợi. Các tầng lớp trên của xã hội không chấp nhận vì họ cho rằng nó thô thiển và tục tĩu.

Trong một thời gian dài ở xứ này, Tango được hiểu là một vũ điệu không chính thức, chỉ lưu hành trong một bộ phận xã hội bên dưới mà thôi. Khoảng cuối những năm chín mươi thế kỷ 19, một số người Argentina gốc châu Âu đã đem vũ điệu Tango sang châu Âu. Ngược lại với quê hương đã khai sinh ra nó, ở đây Tango đã được chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt, đặc biệt là ở kinh thành Paris giàu sang và hoa lệ.

Sau đó, Tango được quay trở lại Argentina. Lần này, trên quê hương mình, Tango đã được cải biên để bước vào thời kỳ mới, khi vũ điệu có sự tham gia của ban nhạc bao gồm ghi ta, violon và piano. Từ đây, điệu Tango với hình ảnh đặc trưng là đôi nam nữ dìu nhau lướt đi trong những bước nhảy dài uyển chuyển, xen lẫn với những nhịp dừng như suy ngẫm, đắn đo, đã tạo ra những động tác nhảy hết sức ấn tượng và lôi cuốn.

Người có công lớn nhất trong công cuộc cải biên để đưa Tango trở thành vũ điệu chính thức đầy tự hào của quốc gia này, chính là nhạc sĩ kiêm ca sĩ Caclos Gardel (1890 - 1930). Bài hát “Một đêm buồn” (One sad night) do ông sáng tác và trực tiếp biểu diễn lần đầu vào năm 1917, với một nhịp điệu mang tiết tấu hiện đại, một giai điệu trữ tình say đắm và lạc quan, bản nhạc đã đánh dấu một cái mốc lịch sử cho sự định hình và phát triển của điệu Tango Argentina thời hiện đại. Ông đã trở thành chủ soái của dòng nhạc Tango và vũ điệu Tango hiện đại Argentina.

Sau khi qua đời trong một tai nạn máy bay năm 1930, ông được nhân dân và đất nước Argentina suy tôn danh hiệu Anh hùng dân tộc. Ngày nay, âm nhạc của ông vẫn được người dân xứ sở Dòng Sông Bạc yêu chuộng như thời ông còn sống. Và trong những đêm biểu diễn Tango ở bất cứ nơi nào, bản nhạc đầu tiên cho một đêm múa hát, bao giờ cũng là bài “Một đêm buồn ” của Caclos Gardel.

Tango Argentina - 2

Tango Argentina trên sân khấu (Ảnh Nguyễn Đắc Như)

Sức sống mãnh liệt của vũ điệu Tango đã lan tỏa tới mức, vào năm 1920, Giáo hoàng La Mã đã phải tuyên bố rằng, chẳng có gì là tội lỗi khi nhảy điệu Tango! Sự hâm mộ vũ điệu này vì thế đã lan tới các tầng lớp thượng lưu Buenos Aires, rồi cả nước Argentina, và sau đó là cả thế giới. Tango ngày nay đã trở thành một trong những vũ điệu chính của những cuộc giao tiếp ngoại giao và cả trong những sàn nhảy nơi công cộng.

Điệu múa được cả thế giới tôn vinh, khi hàng năm tại Argentina, quê hương của Tango, đều có tổ chức Festival Tango. Sự kiện này được đặt ngang hàng với những Festival âm nhạc hàng đầu thế giới, đã thu hút được tất cả những vũ công ngôi sao hàng đầu các quốc gia cũng như những vũ đoàn chuyên biểu diễn Tango nổi tiếng toàn cầu.

Vì sao mà Tango lại trở nên nổi tiếng như thế? Không chỉ vì tiết tấu, bước nhảy thướt tha và khoẻ khoắn, mà còn là vì Tango đã mô tả được những tâm trạng bên trong rất đa dạng đầy tính cách của người phụ nữ. Toàn bộ vũ khúc như muốn giãi bày những nỗi thầm kín tâm trạng của người phụ nữ khi họ đang đi đến nơi hò hẹn, say đắm gặp gỡ, rồi sau đó phải chia tay xa cách bạn tình. Chính vì đã khắc họa được tâm trạng đa dạng con người mà vũ điệu trở nên gần gũi và có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với hàng triệu trái tim yêu thương trên khắp thế gian này.

Tại Buenos Aires ngày nay, ăn bữa tối trong lúc xem biểu diễn Tango trong các nhà hàng ba bốn sao, đã trở thành một phong cách văn hoá ẩm thực của người dân nơi đây. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới thăm thành phố, ai cũng muốn một lần được thưởng thức cái không khí văn hoá đặc sắc riêng có của vùng đất Dòng Sông Bạc này. Nhưng tất cả mọi người đến đây muốn được thoả mãn cái nhu cầu hưởng thụ như thế trong một nhà hàng, đặc biệt là những nhà hàng nổi tiếng, đều phải đặt chỗ trước đó có khi cả tháng trời, mặc dù ở Buenos Aires hiện đã có tới trên hai trăm nhà hàng chuyên doanh kiểu đó.

Những người phục vụ bắt đầu mang thức ăn tới bàn chúng tôi. Cũng giống như ở Brazil, cách phục vụ bàn ở đây cũng khác đời và mang đậm phong cách Nam Mỹ. Những chàng trai trẻ để ria mép rất dầy, đội mũ cói rộng vành, thắt lưng to bản trong trang phục của những chàng Gaucho chăn bò, tay trái họ cầm những cái xiên bằng thép không gỉ dài chừng bảy, tám chục phân, xiên dọc cả một khúc đùi bò hoặc đùi cừu quay chín vàng ươm, tay phải cầm một cái đĩa và một con dao cũng bằng inox sáng choang.

Khi phục vụ ăn uống cho ai, chàng trai đặt cái đĩa lên bàn ăn cạnh người đó, rồi chống cả xiên thịt lên lòng đĩa. Vị khách thích ăn phần nào của chiếc đùi thịt thì dùng thìa hoặc dao ăn của mình chỉ vào chỗ đó. Chàng trai phục vụ dùng dao lạng vào đúng chỗ đó lấy ra một miếng thịt khoảng bằng chiếc lưỡi lợn, nếu thực khách muốn ăn thêm một chút ở phần có mỡ gầu chẳng hạn, lại cứ việc chỉ vào nơi đó là được đáp ứng tức thì.

Khoảng chừng ba chục chàng Gaucho phục vụ trong phòng ăn như thế, họ thay nhau lượn quanh các dãy bàn để mang đến cho thực khách đủ các loại thức ăn có trong thực đơn ngày hôm đó như bò quay, cừu quay, dê quay, gà quay, cá hồi rán, tim gan gà nướng... Các loại thức ăn khác như bánh mỳ, mỳ sợi, salad, hoa quả... thì bàn ăn nào cũng đã có bầy sẵn, chỉ cần thấy vơi một chút là những người phục vụ lại bổ sung kịp thời.

Các loại đồ uống trong bữa ăn như bia, rượu vang, nước ngọt, nước khoáng... khách được dùng tuỳ ý, không hạn chế, cứ thấy cốc vơi là người ta lại rót đầy. Chỉ trừ có rượu các loại từ 210 trở lên, ai uống loại gì, bao nhiêu thì sẽ tính thêm tiền loại đó, chừng đó.

Tango Argentina - 3

Tango Argentina trên vỉa hè đường phố (Ảnh Nguyễn Đắc Như)

Chị Hồng Nga, một chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Hà Nội nhưng cũng có một vài cơ sở kinh doanh khách sạn và nhà hàng ăn uống ở Kiev - Ukraine, thấy cách phục vụ ăn uống búp phê độc đáo như vậy mới nói nhỏ với chúng tôi rằng, chị đã đi qua nhiều nơi trên thế giới, chưa thấy nơi nào lại có phong cách phục vụ ăn uống tuyệt vời như ở đây. Hồng Nga quay sang hỏi Macxela xem giá một suất ăn là bao nhiêu. Macxela cho biết là 10 USD.

Thấy mấy chị bạn Việt Nam trầm trồ khen rẻ quá, Macxela đã cho biết thêm, sở dĩ các loại thực phẩm ở Argentina có giá rất rẻ, có thể nói là rẻ nhất thế giới, là bởi ngành chăn nuôi và trồng trọt ở đây rất phát triển. Chị kể, một nửa diện tích đất đai của quốc gia rộng lớn này được dùng làm các đồng cỏ chăn nuôi gia súc.. Nhờ vậy mà Argentina đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt.

Giới thiệu xong món thịt bò Argentina, tới đây Macxela lại quay về với điệu múa Tango. Chị bảo, Tango biểu diễn trong các nhà hàng ăn uống, cho dù là nhà hàng khá nổi tiếng như La Casa, thì cũng mới chỉ là phong cách biểu diễn phổ thông. Những buổi trình diễn cao cấp, mang sắc thái kinh điển của các vũ công ngôi sao, thường được tổ chức tại nhà hát opera Columbus, nhà hát quốc gia Xervantes thì giá vé rất cao. Hồng Nga hỏi cao là bao nhiêu? Trả lời, thường là từ khoảng 100 tới 200 USD một vé, tùy đẳng cấp trình diễn của vũ đoàn và các ngôi sao. Mọi người ồ lên đều cho rằng 10 USD ăn búp phê lại được xem Tango miễn phí vậy là quá rẻ! Nhưng không, Macxela cho biết suất ăn là 10, còn Tango 50 USD, tổng cộng là 60 USD cho một người!!

Nghe cuộc hội thoại ngắn về giá cả giữa hai bà nội trợ, tôi nghĩ thầm, nghệ thuật ẩm thực thì phải nói là tuyệt vời, nhưng nghệ thuật kinh doanh ở đây thì còn trên cả tuyệt vời. Cái kiểu kinh doanh kết hợp thế này, tôi thấy ở Việt Nam người ta đã làm từ lâu. Trong bộ sưu tập những thuật ngữ thương mại để nhớ về một thời bao cấp xa xưa, có một từ được gọi là “bán kèm”.

Ví như khi ta xếp hàng rồng rắn dưới trời nắng chang chang để mua được một cốc bia hơi 3 hào, thì dứt khoát phải mua kèm một gói lạc rang, đếm ra chỉ từ tám đến mười hạt lép kẹp, răn reo, với giá 1 hào. Ai thiết gì cái thứ quà trẻ con ấy, nhưng đã là bán kèm thì cứ phải mua kèm, luật bất thành văn quy định vậy. Nghe thì chẳng đáng là bao, 1 hào, thật xấu hổ, nhưng mà đơn vị tiền tệ như thế ở thời bao cấp cách đây 40 năm không thể gọi là nhỏ. 2 hào rưỡi một bát phở chín Mậu dịch, 3 hào một bát phở tái, 3 hào một cái húi đầu... Vậy thì một hào lạc chẳng phải là đáng kể lắm sao ?

Đấy, bán kèm nên hiểu nôm na nó là như thế. Tuy vậy mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác. Bán kèm kiểu bao cấp VN tưởng đã đi vào dĩ vãng, hôm nay lại thấy xuất hiện ở Buenos Aires. Vui đáo để !

Một bản nhạc ngắn như một khúc dạo đầu bỗng nổi lên, hai cánh màn nhung từ từ mở ra, và toàn cảnh huy hoàng, sang trọng trên sân khấu hiện lên trước tầm mắt mọi người. Trong ánh đèn màu dìu dịu, một cô gái mặc bộ đồ trắng dài thướt tha bước ra cúi chào khán giả, rồi tuyên bố chương trình biểu diễn Tango của nhà hàng La Casa được bắt đầu bằng ca khúc “Một đêm buồn” của nhạc sĩ vĩ đại Caclos Gardel.

Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm khi một ca sĩ độ tuổi trung niên bước ra sân khấu trong bộ trang phục màu đen với áo đuôi tôm cổ điển. Cả dàn nhạc thính phòng rung lên nhè nhẹ với một giai điệu ở âm vực trung cao, rồi tiết tấu bước đi của nhịp bốn Tango nổi lên rõ dần, làm nền cho giọng hát nam trung baritone ấm áp của người ca sĩ. Cả gian phòng im lặng tới mức như có thể nghe rõ tiếng thở của những người xung quanh. Bài hát khai diễn đã kết thúc hồi lâu, cho đến lúc mọi người như chợt tỉnh, khi ấy tiếng vỗ tay mới lại nổi lên và kéo dài như sấm dậy.

Tiếp theo đấy là các màn trình diễn vũ điệu Tango với từng tiết mục riêng lẻ nối tiếp và với nhiều hình thức biểu diễn khác nhau. Có tiết mục chỉ có một cặp nam nữ nhảy sóng đôi từ đầu tới cuối, như có ý muốn giới thiệu với khách du lịch bốn phương những nét riêng biệt, đặc tả trong những bước nhảy Tango theo phong cách Argentina. Lại có tiết mục có nhiều cặp cùng nhảy theo một bài, với những bước đi thống nhất, nhịp nhàng nhưng luôn biến hoá, như muốn giới thiệu với khán giả về sự tinh tế và chuẩn mực của vũ điệu Tango xứ này. Cũng có tiết mục với hàng chục cặp nhảy tự do, mỗi cặp nhảy theo một bài riêng biệt.

Cũng là Tango cả đấy, nhưng sự phong phú, đa dạng và khoáng đạt của Tango Argentina hiện đại, thì lại mở ra đến vô cùng. Cứ như thế, trong khoảng hai tiếng đồng hồ, trên một chục màn trình diễn Tango, lần lượt được các vũ công trẻ đẹp và tài hoa giới thiệu hết mình, trước những khán giả cũng hết mình thưởng thức. Cuối cùng, ban tổ chức tuyên bố buổi trình diễn chính thức đã kết thúc, và bây giờ là lúc xin mời quý khán giả lên sân khấu cùng nhảy giao lưu với các nghệ sĩ của vũ đoàn.

Khoảng hơn chục người khách bước lên sân khấu, nam có, nữ có, già có, trẻ có. Họ được các nghệ sĩ đón chào và chủ động ghép đôi. Bản nhạc “Một đêm buồn” lại được tấu lên. Tất cả lại uyển chuyển, nhịp nhàng và không kém phần say đắm trong những bước nhảy diệu kỳ, cho tới khi bản nhạc chấm dứt trong tiếng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt của tất cả mọi người.

                                                *

Buổi trình diễn Tango kết thúc nhưng dư âm của nó như còn quyến luyến tâm hồn tôi. Trong cái dòng âm thanh cuộn chảy như dòng sông bạc dưới ánh trăng ngoài kia, tôi như nhận rõ hơn những nét riêng có trong giai điệu âm nhạc Caclos Gardel tựa như những ngọn sóng bạc đầu nối đuôi từ xa dạt dào vỗ nhịp vào bờ.

Nghĩ về cuộc đời ngắn ngủi của người nhạc sĩ tài hoa xuất thân từ tầng lớp bình dân, một con người mà sự nghiệp đâu có phải lừng lẫy chiến công như những vị tướng xông pha nơi trận tiền, chém tướng chặt cờ, vây thành cướp đất, hoặc cũng đâu có cao siêu huyền bí như những chính khách đầy mình tư tưởng và khuôn vàng thước ngọc lời ăn tiếng nói, mà sự nghiệp của ông khiêm nhường chỉ là những bản tình ca và vũ điệu, những mong sẻ chia và xoa dịu nỗi niềm tâm khảm của những người bình dân, để từ đó khởi đầu cho một điệu múa mang tính biểu tượng cho nhân dân, cho đất nước mình, và cũng từ đó ông đã được nhân dân và đất nước tôn vinh là người anh hùng của dân tộc.

Nghĩ về Gardel tôi lại liên tưởng tới Evita Peron, nàng lọ lem nghèo khổ đã trở thành nữ thánh được tôn thờ của đất nước, rồi người họa sĩ bình dân Benito Quinquela Martin trở thành người cha tinh thần của Buenos Aires và khu phố nghèo La Boca…

Trong một chuỗi những câu chuyện như thế, tôi đã nhận rõ hơn một điều, những tình cảm mà người dân xứ này dành cho những con người bình thường mà họ yêu mến, tự hào không đơn thuần chỉ là cách thể hiện một trạng thái tình cảm, mà cao hơn thế, đó còn là cách thể hiện một quan niệm, một lối sống, một sự hướng tới, một cách dựng tượng đài trong tình cảm, tinh thần và tư tưởng của họ.

Nói cách khác, đó cũng là cách thể hiện quan điểm chính trị của họ trước những biến động đa chiều của thế giới nhốn nháo xung quanh khi mà các con người , các thế lực chính trị cầm quyền nay lên mai xuống, nay tự xưng là vĩ đại là thiêng liêng, mai bị lật đổ lại gọi là phản quốc là tội đồ… Xét về mặt đó, tôi cứ nghĩ, có lẽ người dân Nam Mỹ nói chung, người dân Brazil, Argentina, Chile nói riêng, với lối sống trung thực và phóng khoáng, hóa ra họ lại là những con người hiện đại có lối tư duy triết học sâu sắc và mới mẻ hơn cả.

Chẳng phải thế sao? 250 năm trước, Goethe, nhà thơ, nhà triết học vĩ đạiị người Đức đã từng nói, mọi triết lý đều màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi! Câu nói đó mang nhiều nghĩa hàm súc, nhưng tôi cứ mạnh dạn ghép vào cái mạch sống rất tươi tắn ở những vùng đất mới này như là sự  thể hiện lòng yêu mến và ngưỡng mộ của mình.

Nguyễn Đắc Như

#
Lê Hồng Nam: Làm già có phở ba hào tái hả anh Như ơi. Phở bò mậu dịch giá rẻ nhất là năm hào.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Phương Bắc: Tôi muốn làm một nốt trầm

Nhạc sĩ Phương Bắc: Tôi muốn làm một nốt trầm

Có trong tay tài sản sáng tác đồ sộ với hơn 70 tác phẩm, khi nhắc đến Nhạc sĩ Phương Bắc, đại đa số nhiều người sẽ cảm thấy ngờ ngợ nhưng khi nhắc đến những sáng tác của anh thì không khỏi giật mình vì những ca khúc ấy vô cùng quen thuộc. Một nửa nội lực trong anh phục vụ cho công việc, cho quê hương cho đất nước với một phần trọng trách trên vai. Nửa còn lại anh lựa chọn c

Tổng duyệt diễn binh diễu hành Đại lễ 30/4 “Khúc dạo đầu bản anh hùng ca mừng 50 năm thống nhất đất nước”

Tổng duyệt diễn binh diễu hành Đại lễ 30/4 “Khúc dạo đầu bản anh hùng ca mừng 50 năm thống nhất đất nước”

Tham dự và chỉ đạo lễ tổng duyệt có các Ủy viên Bộ Chính trị: ông Trần Cẩm Tú - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025 (Ban chỉ đạo); ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo); ông N

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm

Giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục giảm trong bối cảnh đa số chuyên gia dự báo giá vàng tuần tới giảm trong khi đa số nhà đầu tư kì vọng tăng.

Mạch nguồn tranh cổ động

Mạch nguồn tranh cổ động

Xu hướng cách điệu hoá trong tranh cổ động càng được đẩy mạnh - có lẽ vì nó cho phép người ta không sao chép hiện thực, mà vẫn nói lên được hiện thực, bằng cách khái quát và thể hiện những nét cô đọng nhất, đặc thù nhất, và đó cũng là quy luật của thẩm mỹ, liên quan đến khái niệm nhịp điệu, hoặc khái niệm đồ hoạ hiện đại.