Thơ Nguyễn Đình Anh
QUA CẦU BẾN THỦY
Ngày ấy cùng em qua cầu Bến Thủy
Mưa trắng trời bì bõm giữa cầu phao
Không son phấn môi em lạnh tím
Mùa thi thức nhiều da em xanh xao.
Nay em về Vinh tiễn con vào đại học
Cầu mới bắc rồi, em thanh thản qua sông
Rồi không biết khi qua bến cũ
Em có nói gì về ngày ấy với con không.
1992
NHỚ VINH
Tôi có một phố phường để ở
Có một gia đình để nhớ lúc xa
Có bè bạn chiều chiều ngóng đợi
Rượu cụng ly sau buổi tan tầm
Tờ báo mới chuyền tay nhau đọc
Thơ in rồi thương nhớ vẫn chưa nguôi
Tôi có một miền quê trăn trở
Đêm bộn bề tàu giục ngoài ga
Căn gác xép giữa lưng chừng gió thổi
Bạn lên tầng vai ướt đẫm mồ hôi
Thương tôi quá bạn không hề trách móc
Vui vẻ cười để yêu mến thêm Vinh.
Và em nữa người tình xưa lỗi hẹn
Mang dỗi hờn lặng lẽ đã bao năm
Ngày anh đi không kịp về đưa tiễn
Vắng anh rồi thương nhớ có còn không.
Chiều một mình trên phố Hàng Bông
Hà Nội đó ồn ào và xa lạ
Qua Hồ Gươm liễu rũ buồn trên đá
Anh một mình thắc thỏm nhớ Vinh.
TRƯA MƯỜNG LỐNG
Mùa hè ở đây không có nắng chang chang
Không có khoảng trời rợp xanh hoa phượng đỏ
Tôi đi giữa se se ngọn gió
Đi giữa áo Chàm phố xá lưa thưa.
Tôi đi trên Mường Lống ban trưa
Cái lớp học vắng tanh lũ trẻ
Ký túc xá vẫn còn nguyên bàn ghế
Ai đã về hè để tôi bâng khuâng.
Phiên chợ vừa tan, hình như chưa tan
Ai lặng lẽ ngồi quây quần xuống chiếu
Ai thấp thoáng nghiêng mình bên cửa hiệu
Mua bán, bán mua vui vẻ chào mời.
Ai chao mình theo ngựa ngược lên đồi
Tay rối rít hái từng chùm mận chín
Mường Lống ban trưa êm như nhung mịn
Chẳng còn đâu đóa Anh Túc tím bên đường.
Tôi đã đi khắp mọi phố, mọi phường
Khắp Nam, khắp Bắc mọi miền, mọi nẻo
Nhưng chưa bắt gặp nơi nào trong trẻo
Như buổi trưa này Mường Lống của miền Tây.
KHI MÙA HÈ ĐẾN
Ít ngày nữa thôi các em tôi sẽ nghỉ hè và đi cắm trại
Khu trường thân yêu và vòm cây ở lại
Trong nắng chiều lá rụng đầy hiên.
Cô giáo ở xa về với người thân
Những giá sách xếp đầy nằm yên trong thư viện
Con ve sầu ở đâu bay đến
Rỉ rích liên hồi sau vòm cây
Lặng yên rồi nơi các em gái nhảy dây
Lặng yên rồi nơi cầu thang sau giờ tan học
Chỉ có chiếc đồng hồ và ông già thường trực
Vẩn ở lại với mùa hè và bàn ghế bảng đen.
Tôi thèm nghe một giọng nói quen
Của cô giáo dạy văn sau giờ lên lớp
Tôi mong gặp những đôi mắt thoáng ướt
Tôi đọc Kiều các em nghe say sưa.
Mùa hè về tôi xa các em tôi
Trang giáo án vẫn nằm yên trong cặp
Tôi một mình với ngổn ngang dằn vặt
Bài thơ Tiếng trống trường khe khẽ đọc trong đêm.
Các em tôi ba tháng hè về đâu
Bạn bè tôi về đâu tôi nào biết được
Mùa hè với tôi đã bao lần đón gặp
Sao vẫn xốn xang như thể lần đầu.
LƯU LUYẾN MÃI MÙA ĐÔNG
Dẫu có muộn màng sáng nay em đã đến
Ngày cuối đông bớt lạnh ở quanh anh
Anh đã sống gần bốn mươi năm chẵn
Đây lần đầu anh lưu luyến mùa Đông.
Em đã đến bên anh trong ngày cuối mùa buốt giá
Dẫu sáng mai này phố thưa thớt người đi
Những bản nhạc làm hao gầy cây lá
Nắng cuối màu nhòa khung cửa nhà anh.
Anh cứ muốn thời gian dừng lại
Để em dịu dàng ở mãi bên anh
Để em nói với anh tận cùng ân ái
Để trước mùa Đông anh bớt mong manh.
Rồi lát nữa đây sương sẽ buông nhanh
Em chẳng còn ở bên anh và sáng mai xuân đến
Anh xin được nói với mùa Đông lời sâu kín
Thời gian ơi hãy ở lại cùng tôi.
BÊN MỘ HÀN MẶC TỬ
Tôi đến với nhà thơ
Như cô gái đang yêu
Tìm đến người yêu chưa hề gặp mặt
Trái tim đã thổn thức trước những bài thơ chàng viết
Nên bao đèo bao núi cũng băng qua.
Tôi đến với nhà thơ khi tôi đã từng xót xa
Đọc những trang thơ tình trong đớn đau anh viết
Mùa xuân chín khi sức người lực kiệt
Có nỗi đau nào như thế nữa không?
Bên mép đồi thông khoáng đãng gió Quy Nhơn
Anh an nghỉ trong tình thương của Mẹ
Trước mộ anh bao người lặng lẽ
Dâng hương chụp hình ghi chép liền tay.
Khói hương bay lên nhòe cùng màu mây
Biển khẽ hát bài ca tưởng niệm
Hàn Mặc Tử chẳng uy quyền vương miệu
Mà muôn người, muôn kiếp đến tìm anh.
GẶP BẠN Ở ĐỒNG NAI
(Thân tặng Hoàng Nghĩa Đàn)
Tôi đã đến đây rồi sông Đồng Nai ơi
Một buổi trưa tháng tư quả Roi rơi đầy ghế đá
Trong công viên tôi không còn là khách lạ
Ngỡ ngàng trước sóng vỗ sông Đồng Nai.
Tôi cùng anh bạn đồng hương cả buổi chiều lai rai
Ít đồ nhậu với vài chầu bia đá
Trong khói thuốc bồng bềnh phố xá
Mới đó mà đã hơn mười lăm năm.
Mới đó mà trên đầu tóc đã hoa râm
Đời trận mạc thôi đừng nhắc lại nữa
Học xong phổ thông vội vàng nhập ngũ
Thắng giặc rồi mới mặc áo sinh viên.
Anh giờ đã là kỹ sư có nhiều thâm niên
Tôi vài đứa con dầu đà quá muộn
Trước sông Đồng Nai sóng chiều cuồn cuộn
Câu thơ nào đọc lại rưng rưng.
Chúng ta đã đi qua gần hết tuổi thanh xuân
Mới đến được Đồng Nai mật trù hoa trái
Mới đến được Đồng Nai ngọt ngào nắng trải
Phố ngợp trời chót vót mây bay.
CHỦ NHẬT CỦA TÌNH YÊU
Anh ghé qua Tân Lạc gặp em
Rất ngắn ngủi, thời gian hồi hộp quá
Đêm như có phép mầu huyện lạ
Ngày như là chủ nhật của tình yêu.
Em là người tròn trịa giữa thương yêu
Anh cũng vậy
Chẳng mong điều chi nữa
Nhưng Tân Lạc lúc xa rồi nỗi nhớ
Vẫn dâng tràn như thuở mới đôi mươi.
HÀ NỘI MÙA HOA BẰNG LĂNG
Hà Nội mùa này hoa Bằng Lăng đã nở
Những con đường nườm nượp người đi
Em có nhớ, có thương, có đợi
Có bao giờ trở lại mái trường xưa.
Anh thảng thốt trước cành xoan tím biếc
Trước khoảng trời vào hạ miệt mài xanh
Rồi bỗng nhớ chúng mình xa Hà Nội
Đã mười năm, ròng rã đã mười năm.
Ta là người của hai vùng quê xa xăm
Gặp nhau, thương nhau thêm yêu Hà Nội
Anh biết rằng không thể nào cùng em ở lại
Để sống trọn đời cùng Hà Nội em ơi.
Dẫu biết thế Hà Nội ơi
Vẫn không thể nào quên được
Bài ca ấm nồng em đã hát tôi nghe
Và em nói “Xin đừng xa Hà Nội”
Khi sân trường rụng tím hoa Bằng Lăng.
Cho tôi được trở về, được nhớ, được mong
Được hát mãi bài ca Hà Nội phố
Cho tôi được trở về nơi sân trường tím đỏ
Những đóa buồn lặng lẽ hoa Bằng Lăng.
THỜI TRẺ TRUNG CỦA EM ƠI HÃY Ở LẠI CÙNG ANH
Thời trẻ trung của em ơi hãy ở lại cùng anh
Đôi kính mát màu hồng, bộ áo dài trắng muốt
Cuốn sách cầm trên tay và vườn cây thanh khiết
Thời trẻ trung của em ơi hãy ở lại cùng anh.
Ngày ấy em đâu biết gì về anh
Anh cũng vậy sự đời đã thế
Nỗi đau và niềm vui qua đi lặng lẽ
Bao nhọc nhằn ngày ấy em đâu hay
Cho anh được trở về đọc cuốn sách em cầm trên tay
Cho anh được nâng niu tà áo mỏng
Cho anh được đón ánh mắt em nhìn say đắm
Từ cặp kính hồng thời trẻ em mang.
Thời gian trôi mau hè hết, thu sang
Tóc em dần dà rụng bớt
Sẽ quên lệ thường nhớ anh em khóc
Thì trong anh vẫn còn lại suốt đời thời trẻ trung của em.
Rồi một ngày kia em nhợt nhạt màu da
Em sợ tiếng còi tàu và những chuyến đi vội vã
Những chiều vắng bóng em đổ dài bên cửa sổ
Thời trẻ trung lùi lại quá xa.
Và anh, anh chẳng còn viết nổi những bài thơ
Ngợi ca tình yêu và tuổi trẻ
Thì em ơi, hãy tin trong âm thầm lặng lẽ
Thời trẻ trung của em vẫn còn mãi trong anh.
CHIỀU ĐÀ LẠT
Vâng, một mình anh, chỉ một mình anh thôi
Anh chậm trễ trên phố chiều Đà Lạt
Ở ngoài ấy ngút ngàn xa cách
Có phút giây nào em nhớ đến anh.
Hồ Xuân Hương trầm tư trong xanh
Cơn mưa nhỏ dù “ai nghiêng qua đó”
Đà Lạt đẹp dịu dàng anh mắc cỡ
Anh một mình nào có nói năng chi
Chợ Hòa Bình theo dòng người anh đi
Giữa ồn ã người vẫn trông hiền hậu
Anh ước được có em yêu dấu
Sẽ bớt đi giá lạnh cuối chiều.
Nhà báo Nguyễn Đình Anh
Nhà báo Nguyễn Đình Anh sinh năm 1952 tại làng Nhân Hậu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh năm 1975; nhận bằng Thạc sỹ Khoa học xã hội & Nhân văn năm 1997 tại Đại học Vinh; nhận bằng cử nhân Xây dựng Đảng & Chính quyền năm 2021 tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Nguyễn Đình Anh từng đảm nhiệm các công việc: giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THSP miền xuôi tỉnh Nghệ Tĩnh, Phó Trưởng ban Tôn giáo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Hiện là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh Nghệ An; Trưởng Cơ quan Đại diện miền Trung của Tạp chí Tâm lý - Giáo dục tại Nghệ An; Biên tập viên phụ trách khu vực miền Trung của Thời báo Văn học nghệ thuật (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam); Trưởng Ban Nghiên cứu Lý luận Phê bình Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: Tác phẩm thơ có Tình yêu của tôi (in chung với Phan Văn Từ - NXB Nghệ Tĩnh,1990), Lưu luyến mãi mùa đông (NXB Nghệ Tĩnh, 1991), Yêu suốt một đời (NXB Nghệ An, 2020); Tác phẩm nghiên cứu, phê bình có Miền đất văn chương (NXB Nghệ An, 2020), Trở lại miền đất văn chương (NXB Nghệ An năm 2024) và nhiều thơ và bài tiểu luận phê bình đăng trên các báo và tạp chí. |
Bình luận