Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn

Cách đây 36 năm, ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các chiến sĩ của chúng ta đã chiến đấu kiên cường giữ đảo. 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng. Sau đó, Việt Nam đã đưa tàu Đại Lãnh và Mỹ Á ra làm nhiệm vụ cứu hộ. Một đoàn gồm 16 nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn, quay phim đang làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông lớn của Việt Nam đã có mặt trên tàu Mỹ Á tới Gạc Ma, Cô Lin khi nơi đây vẫn vương mùi thuốc súng để kịp thời ghi lại những hình ảnh sống động nhất và những tấm gương ngời sáng của anh bộ đội Cụ Hồ kiên trung giữa biển khơi.

Trong chuyến đi ấy, có những câu chuyện chúng tôi không thể nào quên. Đó là phút giây đoàn 16 nhà báo đã nắm chặt tay nhau hát vang Quốc ca trước khi đối mặt với tàu địch và một đêm thơ đặc biệt diễn ra trên đảo Sinh Tồn, cách điểm nóng Gạc Ma không xa.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 1

Đọc thư nhà trên tàu 505 tại Bãi cạn Cô Lin

Tôi nhận được thông báo chuẩn bị đến Cô Lin - nơi chiếc tàu HQ 505 đã lao lên bãi cạn vào sáng 14 tháng 3. Mặc dù tàu chúng tôi treo cờ Hồng Thập tự với nhiệm vụ cứu hộ nhưng thuyền trưởng Quý thông báo: "Tàu ta đang vào vùng nguy hiểm. Tất cả các đồng chí cất máy quay phim, máy ảnh, tài liệu vào trong túi ni lông, buộc lại cẩn thận. Nếu tình huống tàu ta bị cháy, tất cả phải nhảy xuống biển ngay. Hãy nhớ cách sử dụng phao cứu sinh. Xin nhắc thêm, vùng biển này có rất nhiều cá mập. Khi bơi trên biển nhớ phải bơi đứng để giảm bớt khả năng cá mập tấn công!".

Thuyền trưởng Quý phổ biến xong, chúng tôi nắm tay nhau đứng trên boong tàu nhìn về phía đảo Cô Lin, nơi lá cờ Tổ quốc phần phật bay, hát vang Quốc ca. “Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”… Tiếng hát hùng tráng làm sao, bay trên những con sóng bạc đầu. Thấp thoáng là bóng đen tàu địch đang hùng hổ lao tới.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 2

Bữa cơm đạm bạc của chiến sĩ Đảo Sinh Tồn.

Những ngày trước, tàu đi trên vùng biển yên bình, Trường Sa vẫn thật đẹp. Hải âu vờn trên sóng, những đàn cá heo vui đùa. Thỉnh thoảng những chú cá chuồn tinh nghịch lại bay vèo vèo trước mũi tàu. Chúng tôi mải miết ghi những hình ảnh ấy vào ống kính. 

Còn lúc đó, chiếc tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854 đã tiến rất gần. Tôi nhìn thấy rất rõ nòng pháo rộng hoác. Đã thấy bóng lính quần áo kẻ sọc ngồi trên mâm pháo, đứng bên cạnh có lẽ là chỉ huy đang giương ống nhòm chỉ trỏ. Sóng trắng cuồn cuộn trước mũi tàu. Tiếp tục lao tới... gầm gừ, dọa dẫm một hồi lâu nó bỗng đổi hướng chạy vòng quanh. Khoảng gần nửa giờ sau, nó lại quay đầu về Gạc Ma.

Theo lệnh, tàu Mỹ Á tới Đảo Sinh Tồn. Đêm ấy, chúng tôi và các chiến sĩ trên đảo đã có một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Chúng tôi rất xúc động khi thấy người chiến sĩ kiên cường nơi đảo xa lại yêu thơ đến thế.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 3

Nhà báo Trần Bình Minh ( Đài THVN) phỏng vấn Đại uý Thái Văn Khôi, Đảo trưởng Đảo Sinh Tồn.

Tôi nhớ, cuối chiều, đạo diễn Lê Mạnh Thích đã lặng lẽ nhặt san hô tôn cao thêm những ngôi mộ của chiến sĩ ta vừa hy sinh an nghỉ dưới hàng cây phong ba. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức cũng lia ống kính tìm những góc chụp đẹp nhất. Nhà báo Lê Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh cũng tìm chỗ đặt máy cho đêm giao lưu với chiến sĩ trên đảo. Sân khấu là bãi trắng san hô, ngay sát những con sóng vỗ về đảo nhỏ, gần bên những ngôi mộ chiến sĩ vừa nằm xuống. Đạo diễn Lê Mạnh Thích như muốn tới tối linh hồn các anh sẽ trở về bên đồng đội.

Sau bữa cơm tối đạm bạc, các chiến sĩ tập trung khá đông. Mở đầu chiến sĩ Nguyễn Văn Thảo quê ở Khánh Hòa ôm cây đàn ghi-ta đã cũ vừa đàn vừa hát bài Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song: Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta/Giữa đại dương/Mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba/Ta vượt qua vượt qua…Có tiếng ai đó hát theo. Giữa biển khơi Trường Sa nghe ca khúc Nơi đảo xa ai cũng rưng rưng xúc động.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 4

Vườn rau Thanh niên trên Đảo Trường Sa.

Tôi được giới thiệu tham gia văn nghệ cùng anh em. Là người yêu thơ, tôi đọc bài thơ Con tem quân đội của nhà thơ Đinh Thu Vân: “Anh về từ chiến trường xa/Con tem quân đội làm quà trao em/Tay em năm ngón dẫu mềm/Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm”.

Những ánh mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi đọc tiếp: “Miền Nam không có mùa đông/Vẫn e se lạnh sắc hồng trong tay/E rằng chỉ thoáng gió lay/Màu tem lẫn giữa màu mây đồng bằng/Hiểu giùm em phút bâng khuâng/Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im/Nói thương người lính trong tem/Chính là thương lắm người bên cạnh mình”.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 5

Chiến sĩ tuần tra trên đảo.

Tiếng vỗ tay vang lên. Tôi bỗng thấy có những chiến sĩ lén lau nước mắt. Bài thơ đã làm xao động tâm hồn những người lính xa nhà, xa hậu phương, xa người thương (bài thơ này nằm trong số 3 bài của tác giả được Tặng thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981)… 

Khi đêm giao lưu khép lại, nhiều chiến sĩ quây quần bên tôi. Họ đề nghị tôi đọc thêm thơ. Tôi chọn bài thơ Gửi từ đảo nhỏ của nhà thơ Hữu Thỉnh, có đoạn: “Những cánh chim năm ngoái lại bay về/Mùa lại gửi những con tem đúng hẹn/Chiến sĩ nhận ra trên từng đôi cánh/Những chân trời chim đã bay qua/Đảo vắng cỏ non vẫn biết mùa xuân đến/Khi trông bờ ngắm một lá thư thăm/Biển xanh quá ước gì anh gói được/Nhờ con tàu bè bạn đến tay em…”.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 6

Tác giả trên Đảo Trường Sa tháng 4 năm 1988

Nhiều cuốn sổ tay của các chiến sĩ gửi cho tôi và mong tôi chép lại những bài thơ ấy. Vậy là suốt đêm tôi ngồi chép thơ cho chiến sĩ. Thấp thoáng dưới tán phong ba, mảnh trăng nhỏ đã chênh chếch giữa trời, tôi lại se sẽ đọc: “Khi cửa sông xếp lại lá buồm/Chiều về ngủ dưới khoang thuyền rậm rịch/Em có thấy đảo gần hơn một ít/Ở nơi này anh vừa thả trăng lên”.

Đêm thơ đặc biệt trên đảo Sinh Tồn - 7

Tác giả (bìa trái) cùng các Nhà báo Đình Trân, Lê Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh, Trần Bình Minh, Ngọc Đản tác nghiệp trên đảo Sinh Tồn tháng 4-1988

Đêm thơ trên đảo Sinh Tồn ấy là một trong những trường đoạn xúc động trong phóng sự  chuyến đi Trường Sa sau sự kiện 14 tháng 3 năm 1988 do Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, phát sóng kịp thời tới công chúng.

Mặt trời đã nhô lên trên mặt biển xa. Tôi chạy ra bãi san hô bên mép đảo gặp ngay NSNA Lê Phức, NSNA Vinh Quang, NSNA Đình Trân đang chọn góc chụp một tốp chiến sĩ đi tuần tra. Bên gốc cây phong ba, nhà báo Hồ Anh Thắng, Ngọc Đản, Trần Bình Minh, Lê Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh cũng đang trò chuyện, chụp ảnh, ghi hình các chiến sĩ. Họ đang tác nghiệp để lấy nhiều tư liệu nhất trong một sự kiện nóng bỏng này.

Gửi từ đảo nhỏ

                       Hữu Thỉnh

Những cánh chim năm ngoái lại bay về

Mùa lại gửi những con tem đúng hẹn

Chiến sĩ nhận ra trên từng đôi cánh

Những chân trời chim đã bay qua

Đảo vắng cỏ non vẫn biết mùa xuân đến

Khi trông bờ ngắm một lá thư thăm

Biển xanh quá ước gì anh gói được

Nhờ con tàu bè bạn đến tay em

Ước gì gửi cát cho em nhỉ

Để cát mang về những dấu chân

Những đêm xô cát đi tuần đảo

Gió cát lùa ngang trắng áo quần

Mênh mông lãnh hải cao chân sóng

Rừng rong bọt nước cũng thiêng liêng

Ước gì gửi sóng cho em được

Nghe cá ngoài khơi quẫy dưới thuyền

Ở đây Tết đến đào không có

Hoa đảo là hoa những cánh chim

Chim ơi bay nữa bay xa nữa

Làm chiếc cầu mây nối đất liền

Mặt trời qua đây về nở với ao bèo

Đám mây qua đây để thành gà gáy

Ngọn gió qua đây để thành sóng dậy

Sóng qua đây thành nỗi nhớ hàng dương

Khi cửa sông xếp lại lá buồm

Chiều về ngủ dưới khoang thuyền rậm rịch

Em có thấy đảo gần hơn một ít

Ở nơi này anh vừa thả trăng lên

1977

Con tem quân đội

                       Đinh Thu Vân 

Anh về từ chiến trường xa

Con tem quân đội làm quà trao em

Tay em năm ngón dẫu mềm

Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm

Miền Nam không có mùa đông

Vẫn e se lạnh sắc hồng trong tay

E rằng chỉ thoáng gió lay

Màu tem lẫn giữa màu mây đồng bằng

Hiểu giùm em phút bâng khuâng

Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im

Nói thương người lính trong tem

Chính là thương lắm người bên cạnh mình!

Chốc rồi anh lại lên đường

Con tem ở lại hậu phương nhớ thầm

Xin cho em được ân cần

Phong thư nhỏ dán tem gần tên anh

Nếu em viết vội thư thăm

Chẳng vì em chỉ vì tem đó mà!

Mong con tem gặp người xa

Cho màu hồng mãi không pha chút buồn

Dấu bưu điện sẽ in tròn

Con tem chắp cánh tâm hồn, nó bay

Thư em quen viết không dài

Xin anh nhớ hiểu những lời... phía sau.

Cũng như em đã hiểu sâu

Tình anh, khi nhận quà trao ngập ngừng

8-1980

Bài: Trung Hiền; Ảnh: Đình Trân

Tin liên quan

Tin mới nhất