Thượng tướng, Tư lệnh Phùng Thế Tài với cuộc đại chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972

Ở tuổi 97, ngày 3/8/2007 Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết: “Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của quân đội ta. Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, thượng Tướng Phùng Thế Tài là một Đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ một chiến sĩ trở nên một vị tướng tài ba của quân đội ta. Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong qúa trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc.”  

Từ Phùng Văn Thụ - Phùng Hữu Tài đến Phùng Thế Tài

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vĩ nhân thời đại, Người có biệt tài trị quốc an dân. Người tự tỏa sáng để thu phục lòng người, nhiều nhân tài tìm đến hợp sức chung tay cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc Việt Nam. Đó là những người bạn lớn trên thế giới, đó là những người học trò xuất sắc như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cùng hàng trăm nhân tài khác trên nhiều lĩnh vực quy tụ bên Người.

Muốn giành được độc lập cho đất nước, điều trước tiên phải tìm được người tài, biết cầm quân đánh giặc. Người đã tuyển chọn được nhiều thanh niên yêu nước được Người trực tiếp dìu dắt hoặc cho đi học trường Võ bị quân sự, sau họ đều trở thành những tướng quân nổi danh, kể cả địch và ta đều biết tiếng và nể phục. Chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp sau tám năm bên Người đã được Người thay mặt đất nước, dân tộc tấn phong hàm Đại tướng. Tướng Giáp đã trực tiếp đánh bại hàng chục tướng Pháp và Mỹ, trở thành danh tướng thế giới thế kỷ XX. Kế tiếp là các danh tướng: Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu An, Trần Văn Trà, Đàm Quang Trung, Nguyễn Bình, Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài…

Tôi muốn đề cập đến Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, từ một cậu bé có tên là Phùng Văn Thụ, được Bác Hồ chọn làm chiến sĩ cận vệ và được đặt tên là Phùng Hữu Tài (tức là chàng trai họ Phùng có tài), rồi được ra chiến trường cầm súng chiến đấu.

Thượng tướng, Tư lệnh Phùng Thế Tài với cuộc đại chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972 - 1

Trưởng thành từ Tiểu đội trưởng giải phóng quân, lên thẳng Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng rồi trở thành Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ huy trận đại chiến với không quân Mỹ trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không làm cho thần tượng không quân Mỹ hùng mạnh nhất thế giới bị suy sụp, buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải phái cố vấn đặc biệt - Tiến sĩ Henry Kissinger thay mặt Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ký hiệp định ngừng ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam, tiến tới lập lại hòa bình ở Việt Nam. Người trực tiếp chỉ huy các trận đánh với không quân hiện đại Mỹ trong 12 ngày đêm ấy chính là Phùng Thế Tài (Phùng Văn Thụ).

Phùng Văn Thụ sinh năm 1920 tại Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhà nghèo, phải lưu lạc sống “cầu bơ cầu bất” tận công viên Hạ Lầu ngoại thành Côn Minh bên Trung Quốc, rồi gặp may được tổ chức đưa về làm cận vệ cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1940 đến năm 1945. Đầu năm 1945, Phùng Văn Thụ khi ấy đổi tên thành Phùng Hữu Tài xin Bác Hồ được ra trận cầm súng chiến đấu. Bác đồng ý và cho làm Tiểu đội trưởng giải phóng quân ở Thất Khê, Lạng Sơn, được cử làm Ủy viên quân sự Việt Minh tỉnh Lạng Sơn.

Đầu năm 1947, Phùng Hữu Tài được điều về Mặt trận Hà Nội, là Ủy viên quân sự trong Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37. Năm 1950, Phùng Hữu Tài lại được giao nhiệm vụ Chỉ huy Trưởng quân sự Mặt trận Hà Nội. Ở tuổi 30, anh đã trực tiếp chỉ huy trận đánh “xuất quỷ nhập thần” trong trận tập kích sân bay Bạch Mai phá hủy 25 máy bay, đốt cháy 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí làm cho quân địch trong nội thành Hà Nội khiếp sợ. Trận đánh đạt hiệu quả cao cho thấy sự chỉ huy táo bạo, dũng cảm mưu trí của anh. Trận đánh sân bay Bạch Mai đã gây tiếng vang lớn, mở ra cách đánh trong lòng địch, làm nức lòng quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Chú Phùng Hữu Tài quả thực có tài”. Nhận định của Bác hoàn toàn chính xác và Bác Hồ cho làm Tham mưu trưởng Đại đoàn 320. Đồng chí Văn Tiến Dũng làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy.

Thượng tướng, Tư lệnh Phùng Thế Tài với cuộc đại chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972 - 2

Năm 1952, Phùng Hữu Tài chính thức xin Bác cho phép đổi tên thành Phùng Thế Tài. Cái tên Hữu Tài vì có tiếng dị nghị: Hữu Tài là có tài, dễ sinh ra kiêu căng, tự phụ, thiếu khiêm tốn nên mới xin Bác cho đổi chữ “Hữu” thành chữ “Thế” - Phùng Thế Tài, được Bác đồng ý. Cái tên Phùng Thế Tài có từ ngày ấy, đi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, rồi ngày 10 tháng 10 năm 1954, Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trong đoàn quân “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…” giải phóng Thủ đô Hà Nội, rồi được bổ nhiệm tiếp làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn pháo binh 349, lại nhận tiếp nhiệm vụ Tư lệnh - người đứng đầu bộ đội Phòng không Việt Nam.

Khi ở Điện Biên Phủ, pháo phòng không của ta chiến đấu rất ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay địch nhưng ở đó là vùng trời hẹp, bắt buộc máy bay địch phải lao vào trận địa của ta. Đánh Mỹ sau này rất khác, phải quản lý cả một chiến trường trên không rộng lớn, cả đất liền và vùng biển cả nước, trong khi kẻ địch có lực lượng không quân hiện đại, là cả một bài toán khó đối với vị tân Tư lệnh pháo binh chưa có nhiều kinh nghiệm, lực lượng pháo binh vẫn còn chưa đủ mạnh.

Hai lần tư lệnh họ Phùng lên gặp Bác Hồ

Lần thứ nhất là ngày 11 tháng 8 năm 1963, máy bay loại trinh sát phản lực Mỹ RF101 ngang nhiên bay lượn nhiều vòng trên bầu trời Hà Nội. Bộ đội Phòng không nhận lệnh chiến đấu nhưng ra-đa không bắt được mục tiêu đã để lỡ thời cơ tiêu diệt địch. Chúng lại lượn vòng lần thứ hai. Các Đại đội 109, Trung đoàn 220, Đại đội 130 của Trung đoàn 260 bắn nhiều loạt đạn 100mm nhưng không đạt hiệu quả, liền đặt ra một vấn đề cấp bách. Tư lệnh Phùng Thế Tài thức trắng đêm. Bác Hồ cũng đã biết chuyện đó. Bất thần, Tư lệnh Phùng Thế Tài nhận được cú điện thoại: “Chú Tài vừa dùng “đại cao” để bắn chim đó phải không?”.

Vừa nhận lệnh lên gặp Bác đã hoảng, lại bị Bác gọi điện trực tiếp cảnh cáo nhẹ làm Tư lệnh họ Phùng sợ tái người đi. “Đúng 6 giờ 30 sáng mai lên gặp Bác!”. Chuyến này không biết chừng sẽ bị ăn đòn đây. Nhưng sau khi nghe xong, trấn tĩnh lại thấy giọng Bác vẫn ôn tồn, nói “mát” nên Tư lệnh họ Phùng cũng đỡ sợ đôi chút.

Sáng hôm sau, ngày 12/8/1963, đúng giờ Bác hẹn, Phùng Thế Tài có mặt. Vừa thấy, Bác đã hỏi ngay:

- Bác vừa nghe báo cáo hôm qua chú dùng mấy chục viên đạn đại cao để bắn chim, có được con nào không mà không thấy biếu Bác?

Phùng Thế Tài lặng người đi như chết đứng vì hổ thẹn và biết lỗi. Ngừng một lát Bác lại hỏi:

- Tất cả bao nhiêu viên, chú có nắm được không?

- Dạ 45 viên ạ!

- Bác nghe nói mỗi viên đạn 100mm mà hôm qua chú cho bắn vung vãi lên trời có thể nuôi sống một gia đình trung nông trong một năm. Vậy 45 viên thì giá trị là bao nhiêu?... Chú còn nhớ không, từ khi Bác giao nhiệm vụ cho chú làm Tư lệnh (nghĩa là người đứng đầu) bộ đội Phòng không, mấy lần nghe chú báo cáo tình hình thì tưởng đâu là Mỹ nó vào là chú thịt nó được ngay (Phùng Thế Tài chắc mẩm thế nào Bác cũng nhắc đến viên Tư lệnh pháo binh Pháp, Trung tá Piroth ở Điện Biên Phủ phải tự sát nhưng chuyện đó không xảy ra), thế mà hôm qua giữa thanh thiên bạch nhật nó ngang nhiên “biểu diễn” trên đầu chú như vậy thì chú lại dùng đạn của nhân dân để “bắn chào chúng”. Chú nói ít thôi, khoe khoang ít thôi mà làm thật nhiều, thật hiệu quả chứ…”.

Với Phùng Thế Tài, đây là một bài học nhớ đời.

Thượng tướng, Tư lệnh Phùng Thế Tài với cuộc đại chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" 1972 - 3

Bác xoa đầu như vậy đấy nhưng khi hợp nhất hai lực lượng Phòng không - Không quân, Bác vẫn đủ đức tin mà vẫn cho Phùng Thế Tài làm Tư lệnh. Đại tá Đặng Tính phụ trách Quân chủng Không quân làm Chính ủy. Ngày 22/10/1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập.

Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính xin lên gặp Bác để trình bày kế hoạch chi tiết về bảo vệ vùng trời, vùng biển miền Bắc, kiên quyết tiêu diệt các loại máy bay địch xâm phạm, đã được Bác chuẩn y và cho phép thực hiện ngay lập tức.

Lần thứ hai Bác gọi điện lên gặp có lẽ là vì Phùng Thế Tài đã lập công chuộc tội.

Ngày 5/8/1964, Mỹ trắng trợn gây sự, cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo bộ đội Bắc Việt nổ súng đánh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, bất ngờ không quân Mỹ tập kích ồ ạt vào các căn cứ hải quân Việt Nam và các mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến sông Gianh (Quảng Bình). Bộ đội phòng không - không quân và lực lượng phòng không địa phương đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương 3 chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ, trung úy phi công Anvaret. Tin đó tức thì làm nức lòng quân dân cả nước, lan truyền khắp thế giới.

Chiều ngày 5/8/1964, sau khi tổ chức rút kinh nghiệm, Bộ Tổng tham mưu điện xuống: “Sáng mai (ngày 6/8/1964) Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân lên báo cáo với Bác Hồ để ngày 7/8 tổ chức lễ tuyên dương công trạng, nhớ nắm chắc tình hình giặc lái”.

Sau khi nhận điện, Tư lệnh Phùng Thế Tài lập tức đi Quảng Ninh bằng mọi giá để thị sát trận địa và kiểm tra việc bắt sống giặc lái Mỹ. Đây sẽ là một sự kiện gây chấn động thế giới. Chuẩn bị cho giặc lái lên Hà Nội ngay và lấy cho được mảnh xác máy bay có ký hiệu chính xác để đưa về Hà Nội báo cáo với Bác. Ông chỉ thị cho Ban chỉ huy quân sự Quảng Ninh như vậy.

Đúng 7 giờ 30 sáng ngày 6/8/1964, Phùng Thế Tài đã có mặt ở Cổng Đỏ, lối vào Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) ra tận cổng đón Phùng Thế Tài và nói nhỏ: “Hôm nay Bác sẽ tiếp cậu ngay trên nhà sàn”. Tư lệnh họ Phùng rất hồi hộp, bước nhẹ chân lên cầu thang nhà sàn rồi im lặng đi đến phòng làm việc của Bác. Bác nói với giọng xúc động: “Bác biết đêm qua chú thức cả đêm, nhịn đói, đưa được cả xác máy bay và tên giặc lái về, thế là rất tốt. Bác biểu dương. Việc làm của chú đúng là tài! Bác đã gọi điện cho chú Văn, chú Tô, cả chú Thận, ngày mai tổ chức trọng thể lễ Tuyên dương công trạng”. Nói rồi Bác chỉ tay vào bát phở:

- Bây giờ chú ăn đi cho khỏi đói.

Phùng Thế Tài xin phép Bác ngồi ăn trong sự xúc động.

Đúng ngày 7/8/1964, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ Tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân đã lập thành tích xuất sắc, chiến đấu ngoan cường, trừng trị thích đáng lũ giặc lái Mỹ xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chủ tọa trong buổi lễ long trọng này. Bác Hồ đọc huấn thư. Tất cả các đại biểu dự buổi lễ kính cẩn lắng nghe từng lời của Người. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương công trạng. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh trao Huân chương Chiến công. Cả nước đều hân hoan vui mừng chiến thắng.

Biết là vinh quang đấy nhưng nhiệm vụ phía trước còn vô cùng khó khăn và trách nhiệm hết sức nặng nề. Thiết nghĩ, từ cậu bé mười ba tuổi Phùng Văn Thụ sống cầu bơ cầu bất kiếm sống cho qua ngày đoạn tháng ở nước ngoài, được Bác chọn làm cận vệ, rồi Tiểu đội trưởng giải phóng quân, lên Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng và hôm nay Bác cho “ngồi’ vào chiếc ghế Tư lệnh, đứng đầu hai binh chủng Phòng không - Không quân chính quy hiện đại quả là một thử thách lớn. Dũng cảm chưa đủ mà phải biết điều binh khiển tướng, biết làm tướng cầm quân đánh thắng giặc hùng mạnh như giặc Mỹ, bởi lính ngày nay muốn đánh Mỹ phải biết sử dụng vũ khí tối tân như tên lửa, đủ gan dạ lái máy bay hiện đại đánh vỗ mặt vào kẻ thù tinh nhuệ và nguy hiểm nhất là giặc lái Mỹ.

(Còn nữa)

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Đất nước”  – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” – Một bài thơ lớn của Nguyễn Đình Thi

“Đất nước” là một bài thơ ngắn được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một khoảng thời gian dài (1948 - 1955). Phần đầu của “Đất nước” được tạo thành từ hai đoạn trong các bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), có thay đổi một số từ, riêng dòng thứ ba được thay đổi hẳn bằng một câu thơ khác. Phần sau của “Đất nước”, từ câu “Ôi nh

Văn học nghệ thuật góp phần tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc

Văn học nghệ thuật góp phần tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ  một  góc nhìn

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ một góc nhìn

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, để đánh giá thành tựu văn học của tỉnh miền Trung quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm (từ 1975 đến nay), Thời báo Văn học nghệ thuật giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Đình Anh - Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An - Biên tập viên phụ trách miền Trung của Thời báo Văn h