Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận – Vị thái giám đặc biệt thời vua Lê chúa Trịnh

Trong lịch sử phong kiến thời vua Lê chúa Trịnh, đã xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử đặc biệt. Một trong những nhân vật đó là Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận (1673-1731). Đương thời, ngài được phong Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại phu sau được phong tước Xác Lộc hầu.

Phùng Đức Nhuận làm quan trải qua ba đời vua: Lê Hy Tông (1663-1716); Lê Dụ Tông (1679-1731); Lê Thuần Tông (1699-1735) tương ứng với hai đời chúa: Trịnh Căn (1633-1709); Trịnh Cương (1686-1729).

Với nhiều công lao đóng góp trên một số lĩnh vực cho cung vua phủ chúa, nhất là giai đoạn ông đảm đương cương vị Tổng Thái giám tham gia phụ trách quốc khố Lê triều, đã thực hiện điều tiết rất hiệu quả các nguồn kinh phí quốc gia nhất là việc giao thương buôn bán với lân quốc và ngoại quốc.

Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian khá êm thuận giữa quan hệ cung vua - phủ chúa. Các đời chúa Trịnh Căn, đặc biệt là Trịnh Cương rất tin tưởng Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận. Bản thân Trịnh Cương không chỉ là một vị chúa văn võ toàn tài mà còn rất có ý thức tôn phò vua Lê.

Để có được điều đó, những trọng thần trong triều như Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đã có những tiếng nói tham mưu, kế sách vẹn toàn để cân bằng quyền lực cung vua - phủ chúa, cũng là nền tảng để ổn định nền chính trị của đất nước trong khoảng thời gian đó.

Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận với tư cách đứng đầu Giám ban - một ban rất quan trọng thời vua Lê chúa Trịnh, không chỉ kiêm quản mọi việc trong cung mà còn tham gia nghị chính và đảm đương một số công việc của triều đình, nhất là việc xác lập vai trò đích thực của Giám ban trong quản lý ngân khố, hoạch định thu thuế trên toàn quốc và xử lý mọi chi tiêu nơi cung đình. Ngoài ra, việc đề bạt, bổ nhiệm, bãi nhiệm một số chức quan cũng đã xuất phát từ Giám ban do Phùng Đức Nhuận đứng đầu.

Quan hệ giữa Giám ban và Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Lại của cung vua Lê và Lục phiên nơi phủ Chúa rất chặt chẽ. Chính điều này vô hình trung đã gia tăng quyền hạn và vị thế rất lớn của Giám ban. Nhiều nhân tài đã xuất hiện trong Giám ban mà tiêu biểu là Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776), người được Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận tiến cử chức Tả Thiếu giám, sau sung chức Nội sai trong Hình phiên phủ chúa Trịnh và trở thành danh tướng thời vua Lê chúa Trịnh được phong tới tước Việp Quận công. Ông cũng là một trong ba vị thái giám nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận – Vị thái giám đặc biệt thời vua Lê chúa Trịnh - 1

Các nhà nghiên cứu lịch sử đi điền dã tại di chỉ Lăng mộ Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận

Trong quá trình đi điền dã, các thành viên Viện Nhân học Văn hóa cùng Hội đồng họ Phùng Việt Nam khi khảo sát các bia đá trên quê hương Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đã thâu lượm được nhiều chứng cứ khoa học xác thực để khẳng định thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đó là hai tấm bia đá ở chùa Cả hiện đều đã được bảo quản và trưng bày rất tốt để giới nghiên cứu thực hiện các thao tác khoa học.

Tấm bia thứ nhất niên hiệu Vĩnh Khánh Nguyên niên dựng năm 1729, nội dung ghi về việc hậu thần trong đó nói tới công trạng của Phùng Đức Nhuận là “Vị quan trọng yếu của triều đình giữ chức Tri thị nội thư, Tả lại phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám, kiêm Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Lệnh công. Nay bản xã trên dưới cùng ghi công nhớ ơn của ông, mong muốn được báo đáp, mọi người nguyện tôn thờ hai bên dòng họ nội ngoại của ông”.

Tấm bia thứ hai ghi về việc trùng tu chùa Phúc Nghiêm (tức chùa Cả). Bia dựng năm 1726, có đoạn ghi: “Do có nhiều công trạng trong việc xây dựng ngôi chùa và có công với nhân dân địa phương nên dân làng đã cho tạc bia ghi tên công đức của viên quan họ Phùng...”.

Như vậy, các tư liệu văn bia Hán - Nôm cho thấy Phùng Đức Nhuận là vị quan trọng yếu của triều đình không những đóng góp cho vương triều nhà Lê ở đầu thế kỷ XVIII mà còn có nhiều công trạng với quê hương. Ông cho xây dựng các công trình văn hóa đình, chùa, được nhân dân tôn làm hậu thần đưa vào thờ cúng ở trong đình, được khắc ghi danh trên bia đá.

Từ các nguồn tài liệu đã được kiểm chứng, chúng ta có thể khẳng định rằng, Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận chắc chắn là một nhà quản trị nhiều lĩnh vực trong cung vua - phủ chúa. Phải lập được nhiều công trạng và nhất là thực tài thực học, có uy tín và đứa độ cao, ông mới được cả hai bên - cung vua và phủ chúa trọng dụng và giao nhiều trọng trách đến vậy.

Trong thời vua Lê - chúa Trịnh, nhất là thời chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, mối quan hệ tế nhị và rất nhạy cảm giữa cung vua và phủ chúa luôn tàng ẩn những hiểm họa khôn lường với giới đại thần, nhất là các văn thần. Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đứng đầu Giám ban hẳn hiểu rất rõ điều này và từ đó xác lập những nguyên tắc - kế sách không chỉ để giữ mình mà trước tiên phải là ổn định triều chính mới có thể phát triển đất nước.

Trong khoảng thời gian đó, bằng sự mềm mại uyển chuyển và nhất là tầm nhìn xa trông rộng, lại có được quyền hạn lớn như quản lý quốc khố, hoạch định thu thuế trên toàn quốc, điều tiết giao thương nhất là việc buôn bán với lân quốc và ngoại quốc, Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận đã có nhiều tham mưu mang tính quốc sách để yên ổn và phát triển toàn diện đất nước. Đây cũng là thành tựu lớn nhất trong toàn bộ cuộc đời ông và cũng là căn nguyên để không chỉ vua chúa đương thời mà cả các vị vua chúa kế tiếp nhiều lần phong thưởng và vinh danh cho vị Thái giám họ Phùng.

Về vấn đề xác định công lao đức độ của ông, nhất là cái cách nhìn nhận bằng văn bia khá uyển chuyển đã cho thấy người đời, nhất là người đời sau, đã vô cùng khéo léo, thậm chí là hoa mỹ khi biên chép về vị Tổng Thái giám họ Phùng trên chính quê hương phát tích của ngài.

Bia chùa Phúc Nghiêm ở Nội Hoàng đã khắc như sau:

“... Xưa chùa Phúc Nghiêm, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng xứng là danh thắng ở trời Nam. Một danh lam nổi tiếng ở Bắc. Tuy cửa thiền được mở kiến tạo trên dưới, khang trang cho nên phải làm cho nền nhân thật vững chắc. Như thế mới mong được lâu bền và trở thành nơi cổ áng trong thế gian này. Muốn cho phong tục nơi thôn dã tránh bị phai mờ tất phải giữ nguyên nếp cũ, nhất nhất không được thay mới.

Muốn tiếp đãi người có công đức lớn lao, tài giỏi, phải làm sao đây? Nay ở thôn Chiền xã nhà có vị quan đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu thị nội gián từ lễ giám, đồng tri giám sự xác lộc hầu. Ông là người họ Phùng, người thôn Chiền, được vâng mệnh hầu hạ trong cung cấm, lòng luôn nghĩ đến làm việc thiện vì mọi người đã đem tiền của ban giúp đỡ cho mọi người.

Kinh dịch có câu rằng: Chăm lo bồi đắp làm việc phúc thiên há chẳng phải để gương cho muôn đời sau noi theo sao.

Ông phát gia tài để mời thợ về sữa chữa điện thờ, hành lang, nhà chùa thêm phần quy mô, luân chuyển từ gỗ sang đá, trong ngoài phép tắc đều được lập định rõ ràng… Đến nay chùa tháp tầng tầng lớp lớp mọc thật nguy nga. Nhìn vào đó lòng ta há chẳng cung kính sao. Nhìn khung cảnh ấy thật như nơi thiền viện nguy nga lộng lẫy mà có đủ để xua tan đi bụi trần của cõi trần.

Nhìn vào nền móng vững vàng đó con người phải sớm tu chỉnh lòng hiếu, lòng trung, giữ gìn tấm lòng son sắt của mình mà truyền lại mãi về sau. Cái công lao và cái đạo đức ấy nếu không đủ thể hiện ra ngoài thì trong lòng cũng cảm thấy không được thư thái khoan dung. Thân mình cảm thấy có lỗi lầm mà lời phát ngôn có thể truyền giáo dạy được ai đây?…

Việc Tướng công lấy bản thân mình lo lắng tích chứa làm điều thiện ắt hẳn sẽ được hưởng điều phúc. Cho nên không tranh luận nữa, bậc quân tử hãy vui với đạo mà làm điều thiện giúp người. Cho nên liền chọn loại đá quý ghi chép thật rõ ràng để lưu truyền việc đó đến mãi mãi về sau”.

Văn bia cũng chính là những lời nói tốt đẹp, tấm lòng kính ngưỡng của người dân quê hương cảm mến và biết ơn Tổng Thái giám - Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận cũng là định luận chân xác về những đóng góp của ông với quê hương.

Từ những gì chúng ta biết được về Tổng Thái giám - Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận đã có thể khẳng định ông là một vị thái giám đặc biệt thời vua Lê chúa Trịnh - một giai đoạn lịch sử phức tạp nhiều biến động.

Với những đóng góp đa dạng và hiệu quả của ông, chúng ta, thế hệ hậu sinh đều hiểu sâu sắc một điều rằng, muốn xây dựng và phát triển bền vững một vùng đất, rộng hơn là đất nước, trước tiên và trước hết, chúng ta phải biết ơn, tri ân và có những hành động thiết thực nhất đối với các bậc danh nhân có công với quê hương, đất nước.

Ngụy Hữu Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất