Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Thắp sáng ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị

Những ngày tháng 7 tại Quảng Trị, năm nào cũng rất đông đảo các đoàn khách, các dòng người từ khắp các địa phương trong cả nước về đây tri ân các liệt sỹ đã hy sinh cho quê hương, đất nước. Phải nói đây là một tập tục mới rất tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc để tri ân những người đã chiến đấu và hy sinh cho dân cho nước. Quảng Trị được chọn là nơi hội tụ vì nơi đây có Thành cổ, có Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, và cũng vì nơi đây mỗi thước đất còn mang nặng trong mình bao máu xương của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của thế kỷ trước.

Những món quà, những tấm lòng

Tháng 7 này, cùng với các  đoàn đại biểu của các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, của các đoàn đại biểu các tỉnh phía Nam như Cần Thơ, Cà Mau... có đoàn của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức về đây với chương trình “Về nguồn” mang tên gọi "Thắp sáng ngọn lửa tri ân tại Quảng Trị". Hai Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – các  ông Nguyễn Đức Lợi và ông Trần Trọng Dũng; các Tổng Biên tập, phó Tổng Biên tập đại diện các báo Nhân Dân, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Người Lao Động, Báo Pháp Luật TP.HCM,  Báo Tuổi Trẻ, Báo Quảng Trị; Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị cùng đại diện đơn vị tài trợ đã tham gia đoàn.

Đặc biệt, đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, và hiện là Chủ tịch danh dự quỹ học bổng cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc vùng cao cũng tham gia hành trình với đoàn.

Trong hành trình về nguồn, ngay khi tới Quảng trị, đoàn đã đến nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại huyện Triệu phong thắp hương nhân ngày giỗ lần thứ 37 của đồng chí. Đoàn đã mang vòng hoa vào dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn tại huyện Gio Linh. Cũng với tinh thần "Thắp sáng ngọn lửa tri ân tại Quảng Trị", Đoàn đã tổ chức trao 35 suất quà tặng các nhà báo lão thành, nhà báo cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; trao 80 suất quà tặng các nhà báo con thương binh, liệt sĩ cùng người nghèo; trao máy tính bảng, xe đạp tặng học sinh nghèo hiếu học; trao kinh phí xây dựng 5 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng các gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Đông Hà, Quảng Trị.

Một nội dung hoạt động hết sức có ý nghĩa của đoàn cùng với việc tri ân các thế hệ đã ngã xuống, là chăm lo thế hể trẻ con cái của những liệt sỹ, hay các cháu còn nhiều khó khăn trong học tập và đời sống. Đoàn đã tới các huyện trong tỉnh như Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa... trao tặng hàng ngàn suất học bổng và phương tiện đi học cho các cháu học sinh, nhất là các cháu ở vùng sâu vùng xa các huyện Cam Lộ, Hương Hóa...

Tại Đông Hà, Báo Tuổi Trẻ đã trao biểu trưng 550 triệu đồng cho Hội Khuyến học và Tỉnh đoàn Quảng Trị để trao học bổng cho các học sinh nghèo. Báo Thanh Niên đã tặng 50 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (trị giá 2 triệu đồng/suất, do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tài trợ). Tại huyện Cam Lộ, đoàn trao 2 nhà tình nghĩa, 30 chiếc xe đạp cho học sinh, 40 suất học bổng do Hội Nhà báo Việt Nam, Cơ quan đại diện của Báo Nhân Dân tại TP.HCM, Báo Quảng Trị tài trợ.

Tại huyện Hướng Hóa, Báo Người Lao Động trao 5.000 lá cờ tổ quốc, 70 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), 20 chiếc xe đạp cho các đồn biên phòng, bà con dân bản và các cháu học sinh có phương tiện tới trường. Báo Sài Gòn Giải Phóng trao biểu trưng 500 triệu đồng tài trợ xây dựng lớp học của điểm trường Bản 2 (xã Thuận) cùng 30 suất học bổng (1 triệu đồng/suất).

Tại Thị trấn Cửa Việt (Huyện Gio Linh), Báo Pháp Luật TP.HCM  tổ chức chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển", trao quà (bình ắc quy, túi thuốc, sách phổ biến pháp luật) cho 100 ngư dân với tổng trị giá 400 triệu đồng. Cũng tại đây, Báo Pháp Luật TP.HCM và Báo Người Lao Động  trao 40 suất học bổng (trị giá 2 triệu đồng/suất) cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Thắp sáng ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị - 1

Một điểm nhấn trong hành trình này là tại xã vùng cao Xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), Báo Sài gòn Giải phóng do phó Tổng biên tập Nguyễn Khắc Văn làm đại diện cùng công ty Lê Bảo Minh đã trao tài trợ 500 triệu đồng xây dựng lớp học cho điểm trường tiểu học bản 2, thôn Thuận 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Đây là điểm trường  có 100%  học sinh là con em đồng bào Bru Vân Kiều.

Cũng tại xã Thuận, Ban Tổ chức đã trao trực tiếp 30 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, và tới đây khi lớp học xây xong theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, những nhà tài trợ sẽ tiếp tục tặng thầy trò một thư viện trị già 200 triệu đồng theo mong muốn của phòng giáo dục Huyện...

Các nhà báo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam như phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi, phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng, các Tổng biên tập, phó Tổng biên tập báo Đinh Như Hoan (Báo Nhân dân), Nguyễn Khắc Văn (Báo Sài gòn Giải phóng), Lê Thề Chữ (Báo Tuổi trẻ), Nguyễn Ngọc Toàn (Báo Thanh Niên), Tô Đình Tuân (Báo Người lao động), Mai Ngọc Phước (Báo Pháp luật TP.HCM), Trương Đức Minh Tứ (Báo Quảng Trị) và đặc biệt đồng chí Trương Hòa Bình - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thể hiện một tình cảm rất sâu nặng, ân tình với các thương binh liệt sỹ, với những người có công với cách mạng, với miền đất lửa Quảng Trị và đặc biệt với các cháu bé người dân tộc nơi vùng sâu vùng xa thật xúc động lòng người...

Màu cờ tôi yêu

Đi trên Đường 9, mỗi tên núi tên sông đều vang lên nhưng bản hùng ca thời đánh Mỹ, từ Làng Vây, Khe Sanh, con suối La La hay đồi không tên với người dũng sỹ Bùi Ngọc Đủ...

“Tôi về đây vơi Đường 9 Khe Sanh

Đây con đường năm xưa cha ra trận

Cha đi trong mây bay và lau trắng

Khúc quân hành và khẩu súng trong  tay”

Nhớ lại cách đây 55 năm, ngày 20-1-1968, tiếng pháo mở màn cho Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh của quân ta bắt đầu rền vang. Các quân đoàn, binh đoàn, sư đoàn, trung đoàn cùng với bộ đội địa phương và quân dân Hướng Hóa đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm phòng ngự của Mỹ ở Làng Vây - Khe Sanh - Tà Cơn.

Đến ngày 9-7-1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi, huyện Hướng Hóa là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và của miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng này đã góp phần tạo bước ngoặc có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo thế và đà để quân dân ta giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972…

Hôm nay, Đoàn nhà báo Hội nhà báo Việt Nam trở lại Hướng Hóa với những nghĩa cử đầy ân tình tri ân miền đất anh hùng năm xưa, trong chương trình về nguồn “Thắp sáng ngọn lửa tri ân” nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Đoàn đã trao 70 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo vùng biên giới; trao 20 chiếc xe đạp cho các em học sinh hiếu học và đặc biệt trao tặng 5.000 lá cờ Tổ quốc biên cương cho Bộ đội Biên phòng và người dân vùng biên giới.

Khi quân nhạc nổi lên, trực tiếp đồng chí nguyên phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, Tổng biên tập báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao cờ Tổ quốc thân yêu cho các đồn biên phòng, cho các bản làng Vân Kiều, Tà Ôi... huyện biên giới  Hướng Hóa, làm tất thấy những ai chứng kiến đếu hết sức xúc động.

Tôi biết từ ngày mai, vùng biên cương Tổ quốc sẽ rợp thêm màu đỏ của những lá cờ Tổ quốc, như những ngày trước đây, hải đảo và biển cả của chúng ta rợp màu đỏ của những lá cờ tổ quốc “Hồng như màu của bình minh,/ Đỏ như màu máu của mình, tim ơi./Búa liềm vàng rực giữa trời,/Là niềm hy vọng chói ngời tim ta”.

Mỗi lá cờ là một tình yêu thiêng liêng, là niềm sở hữu đất đai sông núi của dân tộc và hơn nữa là trách nhiệm muôn đời của mỗi con dân nước Việt với ông bà tổ tiên...

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Thắp sáng ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị - 2

Lễ Trao cờ Tổ quốc tại Huyện Hướng Hóa

Từ trên một đỉnh núi cao của Hướng Hóa, trong niềm xúc động mạnh mẽ, tôi gọi điện về tường thuật buổi lễ trao cờ hôm nay với chị Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Agribank...

Là bởi cũng lúc này, trong tôi hiện lên lung linh hình ảnh những tàu thuyền của bà con cắm cờ Tổ Quốc sáng rực biển Đông, luôn mang lại cho tôi những cảm xúc và tình cảm đặc biệt. Đấy chính  là Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” được báo Người Lao động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức phát động từ ngày 1/6/2019 tại tỉnh Bạc Liêu nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Và chính chị  Nguyễn thị Phượng đã thay mặt Agribank ký kết với  báo Người Lao Động biên bản ghi nhớ đồng hành cùng chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 300. 000 cờ Tổ quốc ở 14 địa phương có biển; trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân 8 đảo: Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, Tiên Nữ, Hòn Tre, Lý Sơn, Phú Quý, Cù Lao Chàm; trao tặng Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân 40.000 lá cờ Tổ quốc để tặng ngư dân đánh bắt trên 33 đảo, điểm đảo ở Trường Sa; trao tặng Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân 20.000 lá cờ Tổ quốc để tặng ngư dân đánh bắt gần 15 nhà giàn ở vùng biển phía Nam.

Chương trình cũng đã trao tặng cờ Tổ quốc cho đồng bào sống dọc đường biên giới trên bộ tại 3 địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam. Và đến nay là tiếp tục chương trình trao tặng một triệu lá cớ cho đồng bào các làng bản nơi biên cương Tổ quốc này...

Vĩ Thanh từ Long Đại anh hùng

Từ Quảng Trị, chúng tôi xuôi ra Quảng Bình, cũng mảnh đất “đàu sóng ngọn gió” và năm xưa chung với Quảng Trị, Thừa Thiên một chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa.

“Hướng về Nam!

Ai từng vô Ѕông Hương, từng nương Thiên Mụ

Từng ngụ Đâp Đá, Văn Xá.

Truồi Nong.

Hướng về Nam!

Ai đã vô Đông Hà đã qua Ngô Xá,

Đã đi Ɓích La, Thuỷ Ɓa, Triệu Phong.

Hướng về Nam!

Ai đã qua Đèo Ngang đã sang Ɓa Rền

Mến dòng sông Gianh, biết danh Lũу Thầу”

Nhưng hôm nay chúng tôi đến với Quảng Bình, bởi một nghĩa cử tri ân nhân ngày Thương binh Liệt sỹ: Thắp hương tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ nhân ngày 27/7 và tròn 10 năm ngày khánh thành Đền. Đoàn do phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Gải phóng Nguyễn Khắc Văn dẫn đầu, thay mặt Ban biên tập Báo Sài Gòn giải phóng và các phóng viên của Báo thường trú tại Quảng Bình, các nhà văn, nhà thơ, nhà tài trợ, cộng tác viên thân thiết của Báo và chị Lê Ngọc Hiếu - Cháu nội của Tổng Bí thư Lê Duẩn công tác tại Vietcombank.

Trong trang sử vàng chống Mỹ cứu nước, Bến phà Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình) trong chiến tranh là địa điểm Mỹ ném quả bom đầu tiên trong cuộc đánh phá nhằm cắt đứt đường chi viện cho miền Nam. Nơi đây đã hứng chịu hàng triệu tấn bom dội xuống suốt giai đoạn 1965 - 1972. Đây cũng là nơi có nhiều liệt sĩ anh dũng hy sinh khi bảo vệ tuyến đường vận chuyển Đông Trường Sơn.

Ngày 16-6-1972, tại bến phà Long Đại, 15 TNXP quê Nghệ An đang chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe thì một trận bom của không quân Mỹ dội xuống, làm cả 15 TNXP hy sinh, hầu hết họ đều ra đi khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi.

Tiếp tục nhiệm vụ của họ là lực lượng TNXP quê lúa Thái Bình, nhưng sau 3 tháng, một loạt bom khác cũng cướp đi mạng sống của 16 chàng trai, cô gái C130 đang tiếp sức cho phà Long Đại. Ngoài ra, bến phà này còn chứng kiến hàng ngàn cán bộ chiến sĩ khác hy sinh do đây là nơi bị rải bom mỗi ngày trong chiến tranh.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Thắp sáng ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị - 3

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, năm ấy đã 87 tuổi vẫn bay từ TP Hồ Chí Minh  ra Vinh, rồi từ Vinh đi xe vào Quảng Bình dự lễ khánh thành Đài tưởng niệm, đã tâm sự: “Số lượng anh em mất mát, hy sinh để bảo vệ phà được cộng thêm từng giờ, từng ngày. Ác liệt đến nỗi ngay sau khi chúng tôi đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm trung đội pháo binh bảo vệ phà, thì toàn bộ đơn vị bị bom, trung đội trưởng tên Bàng hy sinh mà trên môi vẫn cười, như tiếp lửa cho người còn sống tiếp tục chiến đấu. Rất nhiều liệt sĩ đã nằm lại, thân thể hòa với cây cỏ, sông nước Long Đại. Do vậy, đền tưởng niệm này là công trình thể hiện đạo lý, là công trình để đời cho con cháu sau này luôn nhớ về một thời cha ông đã anh dũng xả thân vì nước”.

Và cũng chính nơi này, còn khắc ghi nơi Đền thờ, những dòng thơ của một người lính - Vũ Đình Văn, cũng là bạn học của tôi, Đặng Quang Quỳnh, Nga Hằng, Phùng Cương nơi Đại học sư phạm Hà Nội:

Đêm ấy đêm trăng

Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại

Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi

Nơi trao tay mình tiền phương, hậu phương

Nơi ấy ngã ba chiến trường

Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn

Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng

Nơi mở đường đưa máu chảy về tim

Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm

Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến

Thấy những xe hàng nôn nao ra tiền tuyến

Và thấy những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn

Lại nhớ năm 2009, khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Long Đại được nhắc đến như địa danh lừng lẫy với bao chiến công của lòng yêu nước, quả cảm. Người dân Long Đại lúc đó đã thỉnh thị bằng cách gửi 10.000 bức thư đi khắp nơi. Và sau đó, một dự án dần hình thành khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng được phát động.

Sau 2 năm thi công, 17 giờ ngày 20-7, UBND tỉnh Quảng Bình, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Ngân hàng Vietcombank đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại . Công trình trị giá 10 tỷ đồng do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và Vietcombank tài trợ cho đến nay là vừa tròn 10 năm khánh thành Đền.

Đã 10 năm trôi qua, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại vẫn hết ức uy nghi, linh thiêng  và sạch đẹp soi mình bên dòng sông Long Đại trong xanh, Rất nhiều đoàn khách quốc tế, bao gồm cả những Nguyên thủ quốc gia, hàng chục ngàn đoàn khách trong và ngoài nước và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã về đây dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ cũng như nhân dân trong vùng đã hy sinh thân mình trong cuộc kháng chiến vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc. Họ sống mãi với non sông đất nước chúng ta.

Cũng tại huyện Hướng Hóa, Báo Người Lao Động tiếp tục trao 70 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo hiếu học. Đây là học bổng thuộc Chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do ông Trương Hoà Bình sáng lập và Báo Người Lao Động tiếp nhận quản lý, điều hành.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Thắp sáng ngọn lửa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị - 4

Đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - bến phà Long Đại

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Ban Tổ chức trao biểu trưng tài trợ xây dựng phòng học tại điểm trường bản 2, thôn 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa trao biểu trưng tài trợ xây dựng phòng học tại điểm trường bản 2, thôn 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa.

Ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, phụ trách phía nam (ngoài cùng bên phải) và ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng học bổng cho các em học sinh.

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất