Chữ "Hòa" trong ngày chiến thắng

(Arttimes) - Nhân ngày kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin kể một câu chuyện sâu sắc về chữ “Hòa” mà không phải ai cũng biết.

  Chữ "Hòa" trong ngày chiến thắng - 1

Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc lập sáng ngày 30.4.1975. Ảnh Tư liệu

Trong từ điển tiếng Việt, chữ “Hòa” là từ đơn âm nhưng mang nhiều nghĩa. Chữ “Hòa” đã xuất hiện cùng với đời sống loài người từ thuở hồng hoang, khi loài người còn trong xã hội nguyên thủy. Chữ “Hòa” trừu tượng, sâu sa nhưng gần gũi với đời sống xã hội con người từ gia đình nhỏ bé đến đời sống chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Chữ “Hòa” là công cụ, là phương tiện, là sức mạnh vô hình để dàn xếp xung đột, là bài thuốc vô cùng hữu hiệu để hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến tạo sự bình yên và hạnh phúc cho mỗi con người, hòa bình cho nhân loại.

Sài Gòn, sáng 30/4/1975, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 và Quân đoàn 2 rầm rộ tiến vào Sài Gòn. Xe tăng 483 húc đổ cánh cổng phụ của Dinh Độc Lập, bị mắc kẹt, xe tăng 390 lao lên, đâm đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, đồng chí Bùi Quang Thận ở xe tăng 843 vác lá cờ Mặt trận Giải phóng băng băng tiến vào, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc lập. Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh được hướng dẫn ra Đài Phát thanh Sài Gòn, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, lúc ấy là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Dương Văn Minh đã chép lại, đọc qua máy ghi âm để phát thanh trên toàn miền Nam Việt Nam và thế giới: “… Tôi Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn xin đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng…”. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Chữ "Hòa" trong ngày chiến thắng - 2

Xe Quân Giải phóng trên đường phố Sài Gòn. Ảnh Tư liệu

Cũng thời khắc ấy, ở Hà Nội, Ông Nguyễn Văn Túc (hiện 85 tuổi, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) kể lại:"Hôm đó, chúng tôi, những người giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt (phụ trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiêm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) đang ăn cơm trưa ngay tại Văn phòng thì có điện thoại.

- Xin lỗi, đồng chí là ai ? – Người gọi điện giọng rất “lính”.

- Tôi, Thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt.

- Tôi, Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng yêu cầu đồng chí báo cáo ngay với Thủ trưởng Việt là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, quân ta đã chiếm được Phủ Tổng thống ngụy lúc 11 giờ 30 phút. Chào đồng chí.

Thế là chiến tranh đã kết thúc. Mừng quá là mừng. Điều mong ước bấy lâu của nhân dân ta được Bác Hồ kính yêu thể hiện trong Di chúc của Người đã trở thành hiện thực. Niềm vui chiến thắng vỡ òa trong căn phòng nhỏ. Chẳng ai bảo ai, tất cả bỏ cơm, chạy lên vây quanh Thủ trưởng. Những chén rượu gấc đặc sản mà Ban Tài chính - Quản trị Trung ương dành riêng cho cán bộ cấp cao một thời được rót ra để ăn mừng thắng lợi.

Chuyện đang vui, bỗng Thủ trưởng quay sang hỏi tôi:

- Thế bài diễn văn kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 chiều nay ta xử lý ra sao?

Từ hồ hởi, phấn khởi, thầy trò chuyển sang trạng thái băn khoăn, lo lắng. Diễn văn đã được viết cách đây đúng một tuần, đã được tập thể Ban Thư ký Tổng Công đoàn góp ý và lãnh đạo cấp trên thông qua. Mạch văn vẫn là chiến thắng, xông lên, tiếp tục tấn công, tiếp tục nổi dậy, miền Bắc không tiếc máu xương, tất cả vì miền Nam ruột thịt… Với chiến thắng hôm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi, nghĩa là bài diễn văn hiện có đã bị “phá sản”. Thầy trò chúng tôi bàn nhau viết lại để kịp vào buổi mít tinh lúc 15 giờ chiều. Các phần khác có thể sửa nhanh.

Sau một hồi trao đổi, thầy trò quyết định sang xin ý kiến đồng chí Trường Chinh - hồi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, phụ trách công tác tư tưởng - lý luận. Sau ít phút “thả hồn” theo chiến thắng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đi thẳng vào đề. Đồng chí Trường Chinh lý giải: "Đây là thái độ của Đảng, Nhà nước ta đối với kẻ thù sau khi “Mỹ cút, ngụy nhào”, là đường lối, là chính sách. Tôi và anh không thể tự định đoạt được anh Việt ạ! Chúng ta cùng nhau sang chỗ anh Ba xin ý kiến." (Anh Ba tức đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương).

Đồng chí Trường Chinh ở nhà số 3, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà số 5, còn đồng chí Lê Duẩn ở cuối ngõ số 7, đường Nguyễn Cảnh Chân, nên chưa đầy 10 phút đi bộ, các đồng chí đã gặp nhau. Chiến thắng vĩ đại đến phần nào quá bất ngờ, ngay cả đối với những người có trách nhiệm chủ chốt trong việc chỉ đạo chiến tranh, khiến các đồng chí không giấu nổi niềm vui.

Ba cây đại thụ của cách mạng Việt Nam ôm chầm lấy nhau, miệng cười, nhưng mặt đầy nước mắt.”

Thông điệp hòa bình đầu tiên

Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt chưa kịp trình bày, đồng chí Lê Duẩn đã vào đề ngay:

- Trước đây, nhân dân ta đánh cho Mỹ cút, và hôm nay cuộc Tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão, nhân dân ta đã đánh cho ngụy nhào, cách mạng nước ta từ đây bước sang một trang sử mới. Để giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, tôi đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Bộ Chính trị vào chiều nay. Đề nghị anh Việt cùng dự và cho lùi thời gian cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 sang ngày mai, đợi kết luận của Bộ Chính trị.

Chữ "Hòa" trong ngày chiến thắng - 3

Binh lính Mỹ và gia đình rút khỏi Sài Gòn ngày 30.4.1975

Bộ Chính trị họp và đề ra nhiều quyết sách quan trọng. Riêng thái độ đối với Mỹ, diễn văn của đồng chí Hoàng Quốc Việt được viết lại với nội dung:

“Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, chúng ta gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ. Chúng ta cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chúng ta mong rằng, từ nay mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ sẽ bước sang một trang sử mới”.

Lúc đó, thú thực, khi viết những dòng chữ này, bản thân tôi không thông và có phần nào bị sốc. Mới ngày hôm qua, các phương tiện thông tin đại chúng của ta vẫn gọi Mỹ là “tên đế quốc đầu sỏ” “tên sen đầm quốc tế”, “tên hung nô thời đại” với “những tội ác ngất trời”, với “mối thù muôn đời, muôn kiếp không tan”, nay sao đổi giọng quá nhanh vậy? Tôi nêu thắc mắc, Thủ trưởng Việt chỉ nói: “Cậu cứ viết như tôi nói. Sau này cậu sẽ hiểu”

Năm tháng qua đi, tuổi tác và kiến thức của tôi cũng lớn dần. Đặc biệt là thực tiễn đã giúp tôi dần dần hiểu rõ những điều tôi viết trước đây theo kết luận của Bộ Chính trị. Đó là bức thông điệp đầu tiên mà Chính phủ và nhân dân ta gửi đến Chính phủ và nhân dân Mỹ ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Nó thấm đượm tinh thần hòa hiếu và khát vọng hòa bình. Nó đầy chất nhân văn mà ông cha ta truyền lại cho thế hệ chúng ta sau mỗi lần chiến thắng kẻ thù. Tinh thần hòa hiếu và nhân văn đó được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy trong điều kiện mới. Nó thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập, trong những bức thư mà Bác Hồ kính yêu đã gửi nhà cầm quyền Mỹ khi nhân dân ta vừa giành được độc lập" (Báo Đại biểu Nhân dân số 118-122. Nguyễn Túc: Nhớ ngày 30 tháng 4 năm ấy)

Tinh thần ấy cũng thể hiện rõ trong Diễn văn của ông Võ Nguyên Giáp ngay sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Đó là "chính sách thân thiện đối với tất cả các nước trên thế giới. Riêng Trung Hoa và Mỹ, ta có một cảm tình đặc biệt. Trung Hoa là nước láng giềng gần gũi nhất với ta về địa thế, kinh tế văn hóa và sinh hoạt… còn Mỹ là nước dân chủ… người bạn tốt”.

Thông điệp hòa bình thứ hai

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp khẩn cấp chiều ngày 30/4/1975: Một tháng sau, ngày 28/5/1975, “Việt Nam gửi thông điệp cho chính phủ Hoa Kỳ về việc Việt Nam chủ trương duy trì quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và không thù địch. Qua Liên Xô, Hoa Kỳ chuyển thông điệp trả lời, đề nghị nên theo nguyên tắc không thù địch trong quan hệ hai nước” (Ngoại Giao Việt Nam 1945-2000 – NXB Chính Trị Quốc Gia, 2005, trang 500).

Một sự ngẫu nhiên thú vị, ngày 28/5 chính là ngày sinh của cụ Hoàng Quốc Việt, người học trò xuất sắc của Bác, đã suốt đời phấn đấu hy sinh, thực hiện chủ trương hòa hiếu của Hồ Chí Minh. Con người cụ khoan dung độ lượng, thấm đượm khát vọng hòa hiếu, suốt đời hoạt động vì sự đoàn kết toàn dân,  đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết quốc tế, vì hạnh phúc cho nhân dân và độc lập, tự do cho Tổ quốc, cụ đã kịp thời đề xuất chủ trương bình thường hóa quan hệ với Mỹ và hòa giải, hòa hợp dân tộc ngay trong giờ chiến thắng.

Ngày 26/3/1976, “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger gửi công hàm cho Việt Nam nói Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận về việc phát triển quan hệ với Việt Nam” (Ngoại Giao Việt Nam 1945-2000 – NXB Chính Trị Quốc Gia, 2005, trang 502).

Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta, chữ “Hòa” đã được Lý Thường Kiệt vận dụng cương quyết và khéo léo. Khi biết quân Tống đang chuẩn bị lương thực và cỏ ngựa tập trung tại Ung Châu (Nam Ninh) để chuẩn bị tấn công Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã chủ động tấn công chớp nhoáng vào Ung Châu để tiêu diệt kho lương thảo của nhà Tống, sau đó lại chủ động lập phòng tuyến sông Cầu để phòng ngự, khiến quân Tống không thể tiến vào Bắc Ninh nơi cánh đồng phì nhiêu và cũng là quê hương nhà Lý. Khí hậu khắc nghiệt cộng với bị quân ta tấn công liên tiếp, khiến quân Tống phải rút về nước, ta lại đòi thêm được đất. Để giữ cho hòa khí bang giao Lý – Tống, Lý Thường Kiệt đã dời bỏ chức Tể tướng (như Thủ tướng ngày nay) để làm Tổng đốc Thanh Hóa (như Chủ tịch tỉnh bây giờ) trong 19 năm liền tới cuối đời.Cụ đã trấn giữ cho quân Ai Lao không thể tấn công Đại Việt từ hướng Tây. Năm 75 tuổi, cụ lại cầm quân đánh bại quân Chiêm Thành ở phía Nam. Theo lẽ thông thường, khi thắng trận tất “phá Thành và bắt Vua” nhưng với kế sách hòa hiếu, cụ đã thả vua Chiêm, lấy được 3 châu của Chiêm Thành, ngày nay gọi là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quân Chiêm Thành mất căn cứ tập kết quân đội, không có bàn đạp để đánh Đại Việt. Thời Lý giặc phương Bắc và phương Nam đều không thể đặt chân đến đất Thăng Long. Nay đền thờ Lý Thường Kiệt vẫn sừng sững uy nghi tại Hà Trung, Thanh Hóa.

Đánh bại quân Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi với chữ “Hòa”: “Lấy Đại nghĩa thắng hung tàn, lấy Chí nhân thay cường bạo”, sau khi thắng quân Minh đã cấp thuyền cấp ngựa cho tàn quân rút về nước:

… Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng

Ta lấy toàn quân là hơn để dân nghỉ sức…”

Và tại Hồ Hoàn Kiếm - Thăng Long Hà Nội, Lê Thái Tổ đã “trả lại gươm báu, giã từ chiến tranh”.

Năm 1789, bằng tấn công thần tốc, Quang Trung đã đại phá 20 vạn quân Thanh. Sau chiến thắng lẫy lừng ấy, Quang Trung được biết Tôn Sĩ Nghị đã bị cách chức Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây). Càn Long dự kiến huy động binh lính 9 tỉnh, phát động chiến tranh xâm lược nước Nam một lần nữa, Quang Trung đã thảo một bức thư gửi Càn Long ý nói rằng: “…đem quân ra đất Bắc để hỏi tội Lê Chiêu Thống, không ngờ xảy ra đánh nhau khiến người chết cầu đổ. Xiết bao sợ hãi…”. Quang Trung biết Phúc Khang An Thang Hùng Nghiệp được Càn Long cử làm Tổng đốc và Tổng binh Lưỡng Quảng là người Mãn Thanh, thân tình với quan cận thần Hòa Thân của Càn Long, ông dâng quà cáp và nhờ Hòa Thân tâu với Càn Long lời hòa giải của Quang Trung. Hòa Thân đã can gián Càn Long: các triều đại Trung Hoa chưa bao giờ được thỏa mãn và yên ổn với đất phương Nam, nay vua Nam đã thần phục. Càn Long bãi binh và mời Quang Trung sang dự lễ thượng thọ. Quang Trung lập vua giả sang triều cống và dự lễ thượng thọ của Càn Long. Hoàng đế Càn Long đã phong vương cho giả vương là An Nam Quốc vương. Cũng với chữ “Hòa”, Quang Trung đã thảo thư xin cầu hôn công chúa Mãn Thanh, và đòi Mãn Thanh trả Hải Nam, Lưỡng Quảng cho Đại Việt, đất đó vào những năm trước Công nguyên là lãnh thổ của Nam Việt, bị nhà Hán thôn tính, biến thành Giao Chỉ bộ, gồm 9 châu huyện: Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Đại Việt.

Sau khi Bảo Đại thoái vị, đầu hàng Việt Minh, cụ Hồ đã trân trọng mời Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Với chữ “Hòa” vi diệu, Bác đã kéo cả Vua, triều đình cùng Hoàng tộc nhà Nguyễn và guồng máy phong kiến về một mối phục vụ cho Việt Minh, cho cách mạng. Tuy trong lòng Bảo Đại còn trù trừ, nhưng với sự vận động khôn khéo của Việt Minh, sớm 2/9/1945, Bảo Đại đã dời cung An Định, trực chỉ Hà Nội, làm cố vấn tối cao. Bảo Đại – công dân Vĩnh Thụy đã được bố trí  sống tại  biệt thự sang trọng lộng lẫy số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (nay là trụ sở của Liên hiệp  các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam). Sự kiện này đã tạo ra khoảng trống quyền lực là căn cứ pháp lý cho sự ra đời chính đáng, chính danh, chính nghĩa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng chính nhờ chữ “Hòa” mưu lược này mà gần bốn năm sau, Chính Quyền cánh mạng tạm được rảnh tay. Tháng 7/1949 Pháp mới dựng được Bảo Đại làm Quốc trưởng, đứng đầu chính quyền phản động chống phá cách mạng

Trong những năm tháng ngàn cân treo sợi tóc của nền Cộng hòa (1945-1946), thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt đe dọa, Bác Hồ, Đảng ta đã ra chiến lược “Hòa để Tiến”.

Nhưng phải mất 20 năm (1975-1995), với chữ “Hòa”, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, với sự nỗ lực của Việt Nam và các nước, Việt Nam mới thoát khỏi chiến tranh, bao vây cấm vận.

Mười năm đầu của cuộc chiến đấu ấy (1975-1985) là 10 năm chiến đấu vô cùng cam go, khó khăn chồng chất khó khăn: Việt Nam là một chiến trường vừa dứt tiếng súng, hàng triệu ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ, nền kinh tế đình đốn. Nguồn viện trợ của Mỹ và các nước chư hầu của Mỹ cho miền Nam Việt Nam không còn nữa. Nguồn chi viện và giúp đỡ của các nước anh em bị giảm sút. Tình hình kinh tế của cả nước vô cùng khó khăn. Trong khi đó, cục diện thế giới thay đổi sâu sắc, mau lẹ. Phe Xã hội Chủ nghĩa đang bị phân hoá sâu sắc. Tình anh em đồng chí bị tác động bởi chủ nghĩa dân tộc, thực dụng là những áp lực khủng khiếp cho Việt Nam. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khốc liệt trên cả hai mặt trận phía Bắc và Tây Nam nổ ra; nghèo nàn, lạc hậu; dân thiếu từng hạt gạo, manh áo, viên thuốc; trẻ em thiếu từng quyển vở, cái bút,... Đất nước chúng ta bị cô lập, bao vây, cấm vận.

Mười năm sau (1985-1995), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo lời căn dặn của Bác, tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu để thoát khỏi chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu. Như tổ tiên xưa, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã dạy: “Khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước vậy”. Với chân lý “Dân là gốc”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã giương cao ngọn cờ đổi mới, xây dựng Cương lĩnh Đổi mới để phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ra lời kêu gọi nổi tiếng “Hãy tự cứu lấy mình trước khi Trời cứu”; xoá bỏ cơ chế kinh tế chiến tranh: tập trung, bao cấp; bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, cho người dân quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá. Đời sống người dân dần khấm khá, lòng dân thơ thới, hăng say làm kinh tế.

Ta chủ động rút quân khỏi Campuchia, sau khi đập tan hoạ diệt chủng, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, trọn vẹn nghĩa tình, sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Campuchia anh em.

Chữ "Hòa" trong ngày chiến thắng - 4

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh VOV Giao thông

Trong cuộc chiến đấu cho hoà bình và hạnh phúc, “chúng ta đã trải qua biết bao thử nghiệm, tìm tòi; thất bại và thành công đan xen nhau, tất cả đều nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh”. (Hoàng Quốc Việt: Con đường theo Bác - NXB Thanh Niên, 1990, trang 339).

Với chữ “Hòa”, Bác Hồ nói: “Giành độc lập là mục tiêu số một. Nhưng khi mục tiêu số một đạt được rồi, mục tiêu số hai: tự do, hạnh phúc lại trở thành mục tiêu số một”. Để giành được thắng lợi rực rỡ hơn nữa, để Việt Nam sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu, đó là sự nghiệp to lớn, nặng nề và phức tạp, nhưng vô cùng vẻ vang của Nhân dân ta. Với chữ “Hòa”, Đảng ta đã :

“Động viên TOÀN DÂN

Tổ chức, giáo dục TOÀN DÂN

và dựa vào lực lượng vĩ đại của TOÀN DÂN”

Gần ba mươi năm qua, toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân ta với chữ “Hòa” đã đoàn kết phấn đấu, chiến đấu trong CUỘC CHIẾN ĐẤU KHỔNG LỒ, vừa XÂY vừa CHỐNG, vừa CHỐNG vừa XÂY, kết hợp nhuần nhuyễn, âm dương hài hòa. làm cho nước Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa xã hội cũng như công nghệ, vị thế ngày càng cao trên thế giới, cuộc sống của mỗi người dân được sung sướng, tự do hơn. Với tinh thần hòa hiếu toàn dân một lòng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã ba lần chiến thắng đại dịch COVID-19, duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân. Đó là một kỳ tích lịch sử của toàn thể nhân dân Việt Nam theo con đường của Bác, khát vọng cháy bỏng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Với phép ứng xử chữ “Hòa” đầy nhân văn, đạo lý của các bậc tiền nhân: giảng hòa trong thế mạnh, có nguyên tắc, độ lượng trên tư thế của người chiến thắng, chữ “Hòa” không chỉ là khát vọng, là phép ứng xử mà còn là sức mạnh của dân tộc ta, là yếu tố quyết định cho sự bình yên của mỗi gia đình, của xã hội, của Tổ quốc ta. Với chữ “Hòa”, Đảng, Bác Hồ đã tạo dựng cho đất nước ta một cơ đồ thật to lớn, một uy tín, một vị thế lớn trên thế giới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “để nước ta sớm sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, cho người dân Việt Nam được thụ hưởng hạnh phúc trong hòa bình và độc lập tự do -  khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt.

None

Hạ Chí Nhân - Nguyễn Xuân Thu

Tin liên quan

Tin mới nhất