Tín hiệu báo trước vụ phun trào núi lửa đủ lấp đầy 58.000 bể bơi Olympic
Những phát hiện này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện khả năng dự báo các vụ phun trào trong tương lai, từ đó cứu sống nhiều người.
Vào tháng 1/2022, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, nằm dưới đáy biển ở quần đảo Tonga, đã gây ra vụ nổ mạnh nhất từng được ghi nhận, làm rung chuyển khu vực Nam Thái Bình Dương. Ngày 15/1/2022, ngọn núi lửa này đã phun trào dữ dội.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy hai trạm giám sát địa chấn ở cách đó khá xa đã ghi nhận một đợt sóng địa chấn khoảng 15 phút trước khi vụ phun trào xảy ra.
Ảnh vệ tinh vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ngày 15/1/2022.
Các nhà nghiên cứu mô tả đợt sóng này như một dấu hiệu "tiền thân của động đất", xuất phát từ sự sụp đổ ở lớp vỏ đại dương bên dưới miệng núi lửa. Vết nứt này đã cho phép nước biển và magma tràn vào khu vực giữa đáy biển và khoang magma ngầm, dẫn đến vụ phun trào dữ dội.
Sóng Rayleigh, một loại sóng âm di chuyển trên bề mặt rắn, đã được phát hiện từ khoảng cách 750 km trước khi vụ phun trào chính diễn ra.
Đồng tác giả nghiên cứu, Mie Ichihara, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Tokyo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm để giảm thiểu thảm họa, đặc biệt khi núi lửa có thể gây ra sóng thần.
Vụ phun trào này có Chỉ số nổ núi lửa (VEI) ít nhất là VEI-5, tương đương với các vụ phun trào lịch sử như Núi Vesuvius ngày 24/8 năm 79 sau Công nguyên và Núi St. Helens năm 1980.
Vụ phun trào ngày 15/1/2022 là sự kiện phá kỷ lục, đưa lượng hơi nước khổng lồ vào tầng bình lưu, tạo ra cơn bão sét chưa từng có và sóng thần lớn. Vụ phun trào giải phóng 10km3 vật liệu núi lửa và đưa 146 triệu tấn hơi nước lên tầng bình lưu - đủ để lấp đầy 58.000 bể bơi Olympic, theo Science Alert.
Vụ phun trào đưa 146 triệu tấn hơi nước lên tầng bình lưu - đủ để lấp đầy 58.000 bể bơi Olympic.
Mặc dù Hunga Tonga-Hunga Ha'apai nằm xa các khu dân cư, vụ phun trào đã gây ra sóng thần lớn, khiến ít nhất bốn người ở Tonga và hai người ở Peru thiệt mạng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những vụ phun trào tiếp theo có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu địa chấn từ sóng Rayleigh ghi nhận vào ngày 15/1, cho thấy đây là dấu hiệu báo trước cho vụ phun trào. Takuro Horiuchi, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết rằng những tín hiệu địa chấn như vậy thường rất tinh vi và chỉ được phát hiện trong phạm vi gần núi lửa. Tuy nhiên, sóng Rayleigh trong trường hợp này đã truyền đi xa, cho thấy đây là một sự kiện địa chấn đặc biệt nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng những phát hiện này sẽ giúp cải thiện khả năng dự báo các vụ phun trào trong tương lai, từ đó cứu sống nhiều người. Họ nhấn mạnh rằng việc phát hiện sóng Rayleigh bằng thiết bị từ xa có thể là một bước tiến quan trọng trong việc cảnh báo khẩn cấp trước các thảm họa núi lửa.
Bình luận