Trở lại thăm mái trường xưa

Chiếc Boeing 737 chao mình nghiêng cánh hạ dần độ cao, Leipzig xinh đẹp hiện ra mỗi lúc một rõ. Trong tôi rộn lên một cảm giác dâng trào, lâng lâng khó tả. Chẳng phải vì Leipzig nhà cao cửa rộng, phố xá tấp nập của một thành phố hội chợ quốc tế nổi tiếng... mà bởi Leipzig gắn bó cuộc đời tôi trên 5 năm học tập và rèn luyện để có ngày hôm nay. Rồi như một cuốn phim những hình ảnh thân thương quá khứ cách nay 65 năm (1959) dồn dập tràn về... Chúng tôi những thanh niên nghèo của những làng quê Việt Nam khói lửa, mà người Đức mỗi lần gặp, gọi chúng tôi “Anh là người Trung Quốc” (Du bist Chinese), là một trong những lớp người đầu tiên được Đảng, Nhà nước Bác Hồ muôn vàn kính yêu cho sang CHDC Đức (cũ) học đại học về nhiếp ảnh, để sau khi tốt nghiệp trở về phục vụ cho “Xưởng phim Cổ Loa” mà nhiều người thời bấy giờ gọi đùa: Hollywood Việt Nam - do nước CHDC Đức giúp đỡ xây dựng.

Ô tô vừa dừng lại, tôi reo lên: 

- Đây rồi! Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách (Hochschule für Grafik und Buchkunst, Leipzig viết tắt HGB), nơi tôi và những người bạn quá cố của tôi đã gắn bó cuộc đời sinh viên, ngày chăm chỉ học tập, đêm và ngày nghỉ ra nhà ga chính Leipzig (Hauptbahnhof) kiếm việc làm thêm.

Đứng trước cổng trường, tôi bâng khuâng nhớ về thầy cô, bạn bè một thuở, người còn người mất. Nhớ về những buổi lên lớp của những ngày đầu tiên, tiếng Đức nghe chưa thủng hết câu, ghi câu được câu chăng. Hơn nữa do khác múi giờ, những buổi đầu lên lớp, thầy vẫn say sưa giảng, nhưng bản thân tôi đôi mắt lơ mơ muốn ngủ, không sao cưỡng được, hay những buổi cùng các bạn đi chụp dã ngoại, những hôm được thầy cô mời tới nhà, một bầu không khí ấm áp đầy tình thương yêu gia đình của thầy cô đối với chúng tôi.

Trở lại thăm mái trường xưa - 1

Toàn cảnh nhà Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách (Hochschule für Grafik und Buchkunst, Leipzig viết tắt HGB).

Tôi nhớ như in về Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách, còn có một tên khác  “Học viện Nghệ thuật thị giác Leipzig” (Academy of Visual Art, Leipzig), tọa lạc trên đường Wächterstrasse 11, Leipzig 04107, Sachsen, được thành lập vào nửa cuối thế kỷ XVIII, chính xác là năm 1764.

Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách, Leipzig, trước đây thuộc CHDC Đức (cũ) có một lịch sử lâu đời, một trường đại học danh tiếng có nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu, trình bày sách và các hình thức nghệ thuật bao gồm hội họa, điêu khắc, đồ họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, in ấn... Trường cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho sinh viên bản địa và nước ngoài.

Riêng Khoa Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách Leipzig, chủ yếu tập trung vào việc phát triển kỹ năng nghệ thuật và sự sáng tạo cho sinh viên. Các thầy cô giáo của khoa truyền dạy cho sinh viên không chỉ kiến thức kỹ thuật, nghệ thuật được cập nhật kịp thời, mà còn thúc đẩy sinh viên chúng tôi cách tiếp cận trong việc sáng tạo và truyền đạt cho chúng tôi thông qua các phương pháp truyền thông hiện đại. Đối với sinh viên ngoại quốc, đặc biệt với các sinh viên Việt Nam, khoa hết sức quan tâm. Ngoài việc khuyến khích tham dự vào các dự án nghệ thuật và triển lãm để trải nghiệm thực tế và phát triển tư duy nghệ thuật của từng cá nhân. Hơn nữa Khoa còn chú ý bồi dưỡng khả năng viết và diễn đạt tiếng Đức phục vụ tốt cho việc học chuyên môn.

HGB Leipzig, sẵn có một môi trường học tập sáng tạo với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, riêng Khoa Nhiếp ảnh Nghệ thuật ngoài máy ảnh còn trang thiết bị hiện đại cho phòng tối, buồng sáng, phòng chụp (studio), nhà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên, đặc biệt sinh viên năm cuối đi chụp ảnh dã ngoại tại nhiều bang của CHDC Đức, trong đó có cả vùng núi và biển đảo như vùng Rostock... Sinh viên được tiếp cận các máy móc kỹ thuật, nghệ thuật tiên tiến hiện đại của thế giới để phát triển tài năng và ý tưởng sáng tạo của mình.

Ngoài ra, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Trường, Khoa Nghiếp ảnh Nghệ thuật thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của sinh viên toàn trường, cộng đồng địa phương và khách quốc tế.

Đến thăm trường lần này, là lần đầu tiên sau 65 năm xa cách, nhưng tôi nghĩ có lẽ cũng là lần cuối, bởi năm nay tôi đã bước sang tuổi 89. Đến thăm trường tôi không chỉ nhớ đến công ơn dạy bảo của thầy cô, những buổi lên lớp, những dịp thầy cô mời về nhà, tìm hiểu cuộc sống, nếp sinh hoạt của gia đình nhà giáo người Đức. Điều tôi tần ngần nhớ nhung nhất, bởi thế hệ thầy cô dạy chúng tôi, hầu hết đã về với tiên tổ. Lũ sinh viên chúng tôi thời bấy giờ đã là những chàng trai tuổi đôi mươi, thì tuổi các thầy cô tối thiểu đã vào U30, giờ đây đã 65 năm trôi qua, nếu ai đó trong số các thầy cô còn sống quả là điều hy hữu

Những đồng môn của chúng tôi, phần đông cũng đã theo thầy cô về với cõi Phật. Trong số 5 anh em chúng tôi như anh Lê Phúc (Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), anh Hồng Sỹ (chuyên gia nước bạn Lào, Giám đốc Ảnh màu Thiện Mỹ, Sài Gòn), anh Quách Đình Lương - Xuân Tâm - (Quay phim cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris) và anh Nguyễn Văn Nhân (Giám đốc Xưởng in tráng phim thời sự, tài liệu) đều đã khuất núi.

Đứng trước cửa trường, ngồi ngay trong phòng học, nơi hàng ngày cách nay hơn nửa thế kỷ chúng tôi tề tựu nghe thầy cô giảng bài, lòng tôi cồn cào, càng nhớ đến các anh. Cũng tại căn phòng này, vẫn những dãy bàn ghế xưa, vẫn bục giảng ấy, bảng đen, phấn trắng ấy..., nhưng tất cả chỉ còn trong trí nhớ. Bỗng tôi cảm giác như mình đang lạc vào “đêm tối, chốn không người”, mặc dù quanh tôi vẫn có các em, những đồng môn trẻ, vui vẻ đón chúng tôi trong sự ngỡ ngàng. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy cô đơn, lạ lẫm. Bởi các em khác với thế hệ chúng tôi quá nhiều, về tuổi đời, về nếp nghĩ của những hoàn cảnh sống trong những thời khắc khác nhau, dưới thể chế khác nhau.

Trở lại thăm mái trường xưa - 2

Các sinh viên Việt Nam đến thăm gia đình thầy giáo (Ảnh Tư liệu lưu tại trường).

Kỷ niệm về trường thân thiết bao nhiêu, đối với thành phố Leipzig tôi càng nặng lòng bấy nhiêu. Bởi quãng đời thanh xuân của tôi, trên 5 năm gắn bó với mảnh đất Leipzig  thân yêu, thành phố lớn thứ hai của nước Đức, được mệnh danh “Paris nhỏ”  của nước Đức, một trung tâm đào tạo, giáo dục nổi tiếng, nơi có nhiều phong cảnh đẹp nhất châu Âu mà mỗi kỳ nghỉ hè chúng tôi đã thả lòng mình cho thành phố tuyệt đẹp này.

Leipzig thuộc bang Sachsen, được thành lập từ thế kỷ XII, một trung tâm buôn bán sầm uất, nơi giao thông thuận lợi giữa Đông và Tây. Nơi đây hàng đêm một đội quân có nhiệm vụ đi khắp các phố đốt đèn (vào đầu hôm) và tắt đèn (vào sáng sớm) của 700 ngọn đèn đốt sáng bằng dầu hỏa, giống như thành phố Amsterdam, Hà Lan. Một kỳ quan không thể nào quên  đó là đài tưởng niệm 100 năm trận chiến thắng quân Napoléon tại Leipzig, do vua Phổ xây dựng (Völkerschlachtdenkmal). Đài tưởng niệm cao 91m với 100 bậc, những ai đủ sức leo lên đỉnh đài sẽ có thể ngắm nhìn toàn cảnh Leipzig.

Chúng tôi - những sinh viên nhiếp ảnh nghệ thuật thường được các thầy hướng dẫn cách chụp các công trình kiến trúc nghệ thuật đạt được ý đố của nhà thiết kế. Một trong những công trình chúng tôi ưa thích, đó là nhà thờ Thánh Nicolas lớn nhất Leipzig. Nhà thờ này được xây dựng năm 1165, và đã 2 lần thay đổi phong cách kiến trúc: lần đầu theo nghệ thuật kiến trúc Romanesque, sau đó thay đổi thành kiến trúc Gothique.

Những sinh viên nghệ thuật cũng rất quan tâm đến kiến trúc của hai tòa thị chính: cũ và mới. Tòa thị chính cũ được xây dựng năm 1556, hiện là bảo tàng thành phố. Tòa thị chính mới được xây năm 1905 trên phần đất còn lại của lâu đài Pleissenburg, nơi diễn ra cuộc tranh luận năm 1915 giữa John Eck và Martin -  Luther. Nay đây là nơi làm việc của Thị trưởng Leipzig. Còn nhà ga chính (Hauptbahnhof), nơi vào những ngày nghỉ, sinh viên chúng tôi tranh thủ đến đây lao động, thêm thu nhập cho sinh hoạt học tập, nó gắn bó với chúng tôi biết bao buồn vui lẫn lộn. Hauptbahnhof Leipzig là ga xe lửa lớn nhất thế giới với 26 sân ga cho tàu ra vào.

Thời gian trôi qua trên nửa thế kỷ, nhưng bụi thời gian vẫn chưa khỏa lấp được mọi kỷ niệm, đã lần lượt hiện về trong tôi, khiến tôi bàng hoàng như đang sống trong giấc mơ đẹp và chưa bao giờ nghĩ rằng mình có mặt hôm nay tại đây, nơi đã cho tôi và những người bạn của tôi một đời làm người, một đời nhà báo, một phóng viên ảnh chiến trường. Trước hương hồn các thầy cô, bạn bè đã quá cố, xin cho tôi một lạy, để tỏ lòng biết ơn của người còn sống.

Bài và ảnh: Trần Mạnh Thường

Praha - Trái tim châu Âu
Praha - "Trái tim châu Âu"

Praha, thành phố châu u theo phong cách phương Tây, một thành phố cổ với nhiều nghệ thuật đặc sắc được bảo tồn khá...

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Từ Quảng Nam ra Huế phải qua đèo Hải Vân, có thể đi ô tô hoặc tàu lửa. Con đường quanh co men theo sườn núi, nhìn sang phía bên kia là biển xanh bao la, và ngang đầu mây trắng lửng lơ bay…