Praha - “Trái tim châu Âu”

Praha, thành phố châu u theo phong cách phương Tây, một thành phố cổ với nhiều nghệ thuật đặc sắc được bảo tồn khá nguyên vẹn suốt chiều dài lịch sử 600 năm xây dựng và phát triển, tuy đã phải trải qua hai cuộc đại chiến thế giới ác liệt thứ Nhất và thứ Hai, cùng với sự tác động của thời gian và thiên tai, nhưng Praha vẫn được giữ gìn khá tốt. Chỉ riêng điều đó thôi cũng là một mãnh lực thu hút 90% du khách trên toàn thế giới đến đây chiêm ngưỡng.

Praha có từ thế kỷ thứ IX, dưới thời Hoàng tử Borivoj, nhà lãnh đạo Thiên chúa giáo đầu tiên của Praha và cũng là người lập nên đế chế Premyslid. Cháu của Borivoj là Hoàng tử Vaclav, trở thành vị vua tốt và vị thánh bảo hộ đất nước.

Praha - “Trái tim châu Âu” - 1

Praha nhìn từ sông Vltava.

Praha ngày càng trở nên thịnh vượng, nhờ nó nằm trên những con đường thương mại của trung tâm châu Âu. Đặc biệt sau khi đế chế bị diệt vong vào năm 1306, Praha trải qua thời kỳ vàng son, phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong 30 năm dưới triều đại vua Charles đệ Tứ của Luxemburg, đã làm cho Praha chuyển thành một trong những thành phố quan trọng nhất của châu Âu vào thế kỷ XIV. Nhưng sau cuộc hành hình nhà thuyết khách theo đường lối cải cách Jan Hus vào năm 1415, Praha trở thành bãi chiến trường, chìm ngập trong các cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu. Tiếp đến lại nổ ra cuộc chiến giữa những người quý tộc  đạo Tin lành  và những người Habsburg Thiên chúa giáo. Vào năm 1618, người dân Praha đã phải chịu một áp lực lớn của những thế lực chống công cuộc cải cách. Tuy vậy, công cuộc tái thiết kiến trúc nghệ thuật vẫn không ngừng tiếp tục đã làm cho bộ mặt Praha mang những nét kiến trúc đặc sắc.

Sau hơn hai thế kỷ, dưới vương triều Habsburg, Praha đã thoát khỏi tình trạng chán nản,  bởi cuộc cách mạng công nghiệp và sự phục hồi dân tộc Czech đã dẫn đến sự thành lập nước Cộng hòa đầu tiên vào năm 1918. Thế rồi Đại chiến thế giới thứ Nhất, thứ Hai nổ ra, nhưng Praha vẫn tồn tại mà không mảy may bị thiệt hại, nhiều công trình kiến trúc cổ nổi tiếng được bảo vệ nguyên vẹn. Đó là những di sản vô giá của Praha. Tất cả những kiến trúc này bắt nguồn từ một quá khứ lâu đời.

Giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, Praha phát triển từ một cảng sông và là một ngã tư của con đường thương mại. Dòng sông Vltava, một nhánh sông Elbe, chưa từng là một con đường thương mại lớn, nhưng Praha được dựng lên trên đôi bờ của nó từ thế kỷ thứ IX, do con cháu của một người gốc Slave tên là Cechy chủ xướng, mặc dầu trước đó đã có bộ tộc Celtic và Boii đến đây định cư đã lâu. Khu vực này cũng được người La Mã biết đến như là Bohemia. Nó trở thành một bộ phận của vương quốc Maravia vĩ đại, bao gồm toàn bộ Trung Âu, nơi luôn luôn khơi dậy những cuộc chiến thường xuyên  với vương quốc La Mã.

Praha - “Trái tim châu Âu” - 2

Toàn cảnh Praha

Giữa các thế kỷ IX đến thế kỷ XIX, lịch sử khu vực này rất phức tạp và hỗn độn. Nhưng sau Đại chiến thế giới thứ Nhất (1918), nước Cộng hòa Czechoslovak ra đời, trên cơ sở  một số vùng  trước thuộc Áo – Hung và hai mươi năm sau đó, nước Cộng hòa Czechoslovak bị Hitler thôn tính. Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, với sự giúp đỡ của Hồng quân Liên Xô, nước Tiệp Khắc được giải phóng. Sau cái gọi là cuộc “Cách mạng nhung” (The Velvet Revolution) là cuộc “Ly dị nhung” (The Velvet Divorce), Slovakia tách ra, để lại khu vực Bohemia và Moravia, kết hợp lại với nhau lập ra nước Cộng hòa Czech và lấy Praha làm thủ đô với dân số 1.200.460 người (1998).

Vế địa lý, dòng sông Vltava, con sông dài nhất của Czech 430km, đoạn chảy qua giữa lòng thành phố theo hướng Nam – Bắc khoảng 30km,  chia đôi Praha thành hai nửa không đều nhau: Bờ tả ngạn địa hình nghiêng dốc gồm các quận Hradcany và Mala Strana, còn bờ hữu ngạn địa hình bằng phẳng trải dài gồm các quận  Staro Mesto, Josefov và Novo Mesto, tổng diện tích 192 dặm vuông. Quận Novo Mesto (khu phố mới) là trung tâm của thành phố hiện đại, là khu vực lớn nhất với những đại lộ dài, rộng thênh thang có quảng trường Hradcany nổi tiếng ở về phía đông nam Praha nằm trên đồi, cảnh quan khá đẹp và nổi trội, bởi nơi đây xưa kia vốn là các lâu đài, nhà thờ và các cung điện của giới quý tộc giàu sang.

Phía dưới Hradcany là Mala Strana (quận nhỏ), với những đường phố hẹp có từ thế kỷ XVIII, đây là khu vực của ngoại giao đoàn, các cơ quan chính phủ và của thành phố. Nơi đây có nhiều công viên, cây xanh, vườn hoa đẹp. Bên bờ hữu ngạn của sông Vltava có thành cổ, với một mạng lưới đường có mái che, nhiều đường ngang lối tắt, tập trung quanh quảng trường Staromestskonomesti, đẹp nhất thành phố. Nằm trong ranh giới của Staro Mesto là Josefov, khu vực của người Do Thái trước kia  với vô số những giáo đường Do Thái giáo, nhưng ngày nay chỉ còn 6 giáo đường, trong đó một số giờ đây trở thành bảo tàng, tòa thị chính Do Thái, một hội trường nghi lễ, nơi trưng bày lịch sử Terezin, một trại tù nhân Do Thái của bọn phát xít, cách Praha khoảng 40 dặm về phía Bắc. Tại đây bảo quản hơn 4.000 bức tranh do các em bé của Terezin vẽ. Nhiều bức vẽ rất ngây thơ, nói về ước mơ một bữa ăn thịnh soạn sau chiến tranh, do các em tưởng tượng ra lúc đói, nhưng những đứa trẻ bất hạnh này chẳng bao giờ sống được đến lúc đó để thưởng thức những thứ mà các em mơ tưởng. Các em đã ngã xuống trước làn đạn của bọn Nazi  và tại đây còn có một nghĩa trang Do Thái, được mệnh danh là một trong 10 cảnh quan đẹp nhất thế giới.

Ngày nay trong chương trình tái thiết giáo đường Do Thái Pinkas, các nghệ sĩ đang khắc lên trên mặt trong của những bức tường giáo đường 77.297 tên của những người Czech, người Slave và người Do Thái đã ngã xuống dưới bàn tay của bọn phát xít diệt chủng. Trong đó có 46.000 người Do Thái thuộc khu vực Praha. Sau chiến tranh kết thúc chỉ còn lại khoảng 8.700 người Do Thái còn sống sót trở về nơi ở cũ.

Trong số các giáo đường Do Thái ở Praha, đáng chú ý nhất là Giao đường “Cũ - Mới”, được Xây dựng thế kỷ XIII, là giáo đường Do Thái cổ nhất châu Âu vẫn còn hoạt động. Đây là một công trình kiến trúc Gothique, có mái vòm, 5 khung cuốn ở sảnh chính . Trong giáo đường luôn luôn được thắp nến sáng, có treo một biểu ngữ màu đỏ, rộng lớn, một món quà của vua Ferdinand đệ Tam tặng cho cộng đồng người Do Thái năm 1648, về sự đóng góp của họ trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Thụy Điển, kéo dài hơn 30 năm, cuối cùng đã kết thúc thắng lợi. Trên bàn thờ sát bức tường phía Đông có đặt một bộ sách bằng da gồm 5 tập của Moes, một Giáo trưởng Do Thái.

Đặc biệt tại đây, nhiều tòa nhà bọn phát xít Đức đã biến thành cái gọi là Bảo tàng Quốc gia Do Thái, một di sản kỳ lạ, do âm mưu quái đản của Hitler, nhằm tạo ra một Bảo tàng của một dân tộc bị diệt chủng. Để làm được điều này, bọn phát xít đã cướp bóc, tập hợp hơn 2.000 hiện vật của cộng đồng người Do Thái và các giáo đường Do Thái trên toàn châu Âu.

Trong thành phố Praha có hàng trăm ngọn tháp và 18 cây cầu cổ kính bắc qua sông Vltava. Trong đó đáng chú ý nhất là cầu Charles được xây dựng năm 1357 là cây cầu dài 70.000m, được sách Guinness ghi nhận là cây cầu dài nhất thế giới và lâu đài Praha nổi tiếng tọa lạc trên một ngọn đồi. Lâu đài này vừa là pháo đài được xây dựng từ thế kỷ IX. Nó không giống như những pháo đài ở Scotland, hay những pháo đài bên bờ sông Rhine, nó là một lâu đài – pháo đài, tường cao với vô số cửa sổ, nó giống như quần thể cung điện Kremlin, Matxcova. Tại khu vực này, tập trung nhiều hiệu buôn, trụ sở các văn phòng, những ngọn tháp kiến trúc tân Gothique và ngôi nhà thờ cổ với mái vòm màu xanh oxit đồng, có tuổi đời trên 650 năm. Khu vực lâu đài thuộc quận Hradcany, quận lâu đời nhất của Praha, nơi có tòa nhà Chính phủ, gồm văn phòng và Dinh Tổng thống, trụ sở ngân hàng, bưu điện và các quán ăn, quán bar rượu vang.

Praha - “Trái tim châu Âu” - 3

Tháp cầu Charles

Tại đây còn có quảng trường thành cổ, nay gọi Quảng trường Dân chủ, một thời là nơi họp chợ, địa điểm của các cuộc hành hình và các buổi diễn đàn công cộng. Cạnh đó có ngôi nhà thờ Đức Mẹ Tyn, kiến trúc kiểu Gothique, với những ngọn tháp vươn cao. Những ngôi nhà ở đây, ngày nay mặt tiền được phục chế giống như xưa. Tòa Thị chính với đài quan sát có từ thế kỷ XIV, trên đài quan sát là chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng, mà trong vòng 400 năm qua, cứ 60 phút Chúa Jesus và 12 vị tông đồ quay đi một vòng. Cũng tại quảng trường cổ này, sau khi Tiệp Khắc được giải phóng khỏi ách phát xít Hitler, Klement Gottwald, Tổng Bí thư và là vị Chủ tịch đầu tiên của Tiệp Khắc, từ một ban công cung điện Kingsky đã tuyên bố: Hồng quân Liên Xô và những người Cộng sản Tiệp Khắc đã cứu nhân dân Czechoslovakia thoát nạn diệt chủng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của nhà cách mạng lão thành trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Tiệp Khắc, nhân dân đã xây dựng tại trung tâm thành phố Bảo tàng Klement Gottwald. Trong một hành lang của bảo tàng người ta đặt bức tượng bán thân khá lớn của ông.

Tại trung tâm thành phố còn có Bảo tàng Wolfgang Amadeus Mozart, đặt tại biệt thự Vertramka, được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi nhà soạn nhạc đã hoàn thành bản “Don Giovanni”. Phòng ngủ và phòng làm việc của Mozart đã được phục chế. Trong 7 phòng của biệt thự được trưng bày nhiều nhạc cụ thời đó  và một cây đàn Piano mà Mozart từng chơi.

Khu vực cổ kính nhất của Praha là Mala Strana hay là khu phố Lesser, có từ thế kỷ XIII, nhưng đã bị hỏa hoạn và được xây lại với những cung điện, biệt thự huy hoàng, sang trọng. Một vài tòa nhà ở đây, giờ là trụ sở của các sứ quán nước ngoài. Nerudova là một đường phố cổ, mặt tiền rất tráng lệ với những chiếc cửa gỗ lớn  và những cánh cổng sắt hoa văn cầu kỳ, đây đó điểm xuyết những vườn hoa xinh xắn, rực rỡ sắc màu.

Nổi bật trong khu này là nhà thờ Thánh Nicolas, được xây dựng từ thế kỷ XVIII, với ngọn tháp và mái vòm màu xanh oxit đồng. Nội thất nổi tiếng nhất là các bức tranh tường và các tác phẩm điêu khắc.

Một trong những công trình kiến trúc làm cho Praha rất tự hào trước hết phải kể đến Cung điện Mùa hè Hoàng gia hay còn gọi cung điện Benvize, theo tiếng Italia có nghĩa “Cung điện tuyệt đẹp”, được xây dựng từ thời Phục hưng, năm 1538 để đón tiếp các nhà quý tộc vương giả, sứ thần các nước. Cung điện được thiết kế hoành tráng. Bao quanh cung điện là từng thành được trang trí hình người  với 36 cột đỡ mái vòm. Mái của cung điện được đặt trên một giàn đỡ độc đáo, có dáng như một con tàu lộn ngược với những tấm kim loại  mạ đồng vàng óng.

Praha rất tự hào là thành phố âm nhạc nơi có có 3 nhà hát opera, hai đại sảnh dành cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng. Vào mùa hè, các loại âm nhạc hiện đại diễn ra khắp các đường phố, đặc biệt ở quảng trường cổ, với nhiều hình thức biểu diễn khác nhau. Các nhạc công violon, chơi nhạc để nhận tiền thù lao  của du khách tại những con đường nhỏ dẫn tới lâu đài. Những nhạc công accordion độc tấu tại các khu chợ tấp nập kẻ mua người bán. Còn nhạc công thổi kèn saxophone âm vang dưới những mái vòm kiến trúc Gothique. Ở đây cũng có những buổi hòa nhạc nghiêm chỉnh, gồm đàn dây, organ, và kèn trumpet. Nhạc jazz êm dịu được tổ chức hàng ngày và hàng đêm trong các nhà thờ, cung điện. Những ban nhạc nổi tiếng Aria opera của Dvorak được trình diễn ở biệt thự America, một lâu đài hoa lệ, giờ đây trở thành Bảo tàng Dvorak, nơi trưng bày khá nhiều hiện vật của nhà soạn nhạc vĩ đại người Slave như đàn violin, mũ, bút máy, một số thư từ... gợi lên cuộc sống của ông, gồm cả thời gian 3 năm (1892 – 11895) ông lưu sống ở Mỹ. 

Cuộc sống về đêm ở Praha cũng khá nhộn nhịp, một vài quán bar, nơi gặp gỡ của nhiều thanh niên, mở cửa đến 5, 6 giờ sáng.Nhiêu cuộc trình diễn nhạc cổ điển ở nhà hát thành phố, các nhà thờ và trong các khu vườn mùa hè. Praha có nhiều rạp chiếu phim, câu lạc bộ khiêu vũ và các hộp đêm.

Praha có một hệ thống tàu điện ngầm, do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng, khá hiện đại, sạch sẽ và khang trang. Cây cầu mang tên Charles Karluv Most, là niềm tự hào của người dân Praha, được xây dựng từ thế kỷ XIV, được triều vua  Charles đệ Tứ, bắc qua sông Vltava. Cây cầu này là nơi thu hút khá nhiều du khách đến tham quan ngắm cảnh. Mỗi đầu cầu có một ngọn tháp  cao. Mặt cầu dành cho người đi bộ rộng khoảng 33 feet (gần 9m), dài khoảng 1/3 dặm. Dọc hai bên lề cầu dựng khoảng 30 bức tượng Thánh.  Từ trên cầu, khách bộ hành có thể nhìn ngắm thỏa thích quang cảnh của dòng sông Vltava êm đềm, thơ mộng, được tô điểm thêm đàn thiên nga bơi lội, lung linh in bóng lâu đài cổ trên đôi bờ.

Đến Praha, không một du khách nào không mua một hai con Golem làm kỷ niệm chuyến đi. Golem là một sinh vật tưởng tượng, đặc trưng của Praha. Con vật bắt nguồn từ  một câu chuyện, rằng: Vào thế kỷ XVI, một vị giáo sĩ Do Thái Yehuda Loew, đã nặn ra một nô lệ hình người bằng đất sét của dòng sông Vltava và làm cho nó sống, bằng cách cho vào miệng nó một Shem (viên thuốc) rồi đọc một câu Thần chú Do Thái. Golem, một nô lệ trung thành bảo vệ người Do Thái. Nhưng một ngày kia, người giáo sĩ Do Thái tốt bụng đã không “giết” con quái vật của ông ta, nên con quái vật đó trở nên điên cuồng phá phách con người. Câu chuyện đó đã làm say đắm bao thế hệ văn nghệ sỹ châu Âu trong nhiều thế kỷ. Đó còn là đề tài cảm hứng  cho nhà văn Đức, Tiến sĩ Frankenstein, viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Der Golem” vào năm 1915. Ngày nay trong nhiều cửa hiệu  bán đồ lưu niệm ở Praha bày bán nhiều Golem làm bằng gốm màu nâu đất.

Praha, thủ đô của Cộng hòa Czech, có cách nay 10 thế kỷ, đã trải qua bao cuộc binh đao, Praha thành phố duy nhất châu Âu, còn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Nơi đây có hàng trăm cung điện, lâu đài, đền tháp với hàng trăm vòm tháp vàng óng nguy nga, tạo cho người xem cảm giác như đang lạc vào cung thành cổ kính trong những câu chuyện cổ tích. Vì vậy, nhiều người đã đặt cho Praha – thành phố vàng, hay Praha – bài thơ bằng đá, bởi hầu hết những công trình kiến trúc ở đây đều xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc rất nghệ thuật . Vì vậy, thành phố Praha cổ được UNESCO trước bạ vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới năm 1992./.

“Thế rồi Đại chiến thế giới thứ Nhất, thứ Hai nổ ra, nhưng Praha vẫn tồn tại mà không mảy may bị thiệt hại, nhiều công trình kiến trúc cổ nổi tiếng được bảo vệ nguyên vẹn. Đó là những di sản vô giá của Praha. Tất cả những kiến trúc này bắt nguồn từ một quá khứ lâu đời…"

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá vàng cắm đầu giảm sau thông tin mới từ Mỹ

Giá vàng cắm đầu giảm sau thông tin mới từ Mỹ

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch sáng thứ Năm tại Mỹ, chịu ảnh hưởng từ báo cáo lạm phát cao hơn kỳ vọng. Mặc dù thị trường đã chịu áp lực bán từ đêm trước, báo cáo lạm phát chỉ làm gia tăng nhẹ thêm mức giảm. Hoạt động chốt lời từ các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đè nặng lên giá kim loại quý này.

Ma Văn Kháng qua “Một chiều giông gió”

Ma Văn Kháng qua “Một chiều giông gió”

“Một chiều giông gió” là một truyện ngắn giàu chất tiểu thuyết, in đậm cá tính sáng tạo của Ma Văn Kháng. Đó là một truyện ngắn có tư tưởng nhân văn sâu sắc, ôm chứa nhiều tình huống, dung lượng đời sống lớn được dồn nén trong số ít trang, khắc họa thành công những nhân vật và biểu tượng độc đáo, có giọng điệu riêng, ngôn ngữ đặc sắc, khá đa dạng và phong phú.