Trở về nguồn cội
Sau các tập thơ “Người ở đầu nguồn”, “Bóng cây chu đồng”, “Hồn chiêng”, “Cánh bông dàn mải miết”, Thơ chọn lọc: “Bóng cây chu đồng”, “Xứ hoa Poông Traăng”, “Bốn Mường” do các nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hội Nhà văn, Văn học nối tiếp nhau ấn hành từ năm 2000 đến năm 2020, thi đàn Việt Nam nói chung và thi đàn dân tộc Mường nói riêng xuất hiện thêm một tên tuổi: Nhà thơ Đinh Đăng Lượng.
Người trai Mường
Đinh Đăng Lượng sinh ra và lớn lên ở xóm Đồng Sông, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, nay thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nguyên là kỹ sư ngành xenlulô - giấy trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971, nhưng bén duyên cùng “nàng thơ” rất sớm. Đầu mùa lũ sông Đà năm 1972, khi tôi cùng một đơn vị Thanh niên xung phong chống Mỹ được điều về mở con đường công cụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, Đinh Đăng Lượng đã là tác giả thơ quen thuộc của độc giả yêu thích các trang thơ trên báo Đảng của tỉnh và thơ in đều đặn trên các tập san văn nghệ của Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình. Trong ký ức của tôi vẫn lưu giữ những vần thơ là lạ của Đinh Đăng Lượng tôi đọc những ngày xa ấy: “Trên bếp lửa có ninh đồng/ Ninh đồng to hơn bó mạ…; Đường vào nhà máy qua làng/ Đường xỉ than có hoa cau rắc/ Tiếng tắc kè chen bản tin thời tiết/ Ống khói cao ngang tầm cây cao”...
Tôi may mắn thành bạn văn chương của đội ngũ những người cầm bút đất Mường Hòa Bình: Quách Ngọc Thiên, Thanh Ứng, Đào Khang Hải, Đinh Đăng Lượng, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Thanh Xuân, Hà Trung Nghĩa, Nguyễn Khắc Kình... từ mùa lũ sông Đà khó quên đó. Theo thời gian, hai anh Quách Ngọc Thiên, Hà Trung Nghĩa sớm về với Mường Trời. Lê Thanh Xuân rời Hòa Bình vào tìm thi hứng tận trong Đồng Nai xa xôi. Nguyễn Hoàng Sơn về báo Tiền Phong - Hà Nội. Thanh Ứng về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tây (cũ). Nguyễn Khắc Kình cũng ở lại Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tây (cũ) sau ngày tách tỉnh Hà Sơn Bình. Bùi Việt Tiến rời tổ khoan khảo sát sông Đà, về quê Nam Định, không may gặp nạn, sớm theo tiên tổ. Chỉ còn hai anh Đào Khang Hải và Đinh Đăng Lượng vẫn bám trụ nơi đất Mường Hòa Bình, sinh sống và làm thơ, mỗi người mỗi phận.
Tốt nghiệp đại học, Đinh Đăng Lượng trở thành cán bộ kỹ thuật nhà máy giấy Kỳ Sơn xây tại xóm Đồng Sông quê anh, sau mấy năm phấn đấu đã là cán bộ lãnh đạo nhà máy. Và khi tỉnh Hòa Bình tái lập, Đinh Đăng Lượng lên làm Giám đốc Sở Công nghiệp, rồi Phó ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Khóa tiếp theo, anh là ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình. Vậy là đường công danh của người trai họ Đinh xóm Đồng Sông - Kỳ Sơn khá vượng. Nhưng, rất mừng là anh không vì quan chức mà buông cây bút thơ. Nhờ vậy, Đinh Đăng Lượng có thơ in được bảy thi phẩm vừa kể, và Từ miền sử thi này là thi phẩm thứ tám của nhà thơ họ Đinh góp cho Chiếu văn đất Mường Hòa Bình và cho thi đàn Việt Nam.
Hai tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Đinh Đăng Lượng.
Có gì mới trong Từ miền sử thi của Đinh Đăng Lượng?
Đọc hết bản thảo tập thơ, thấy rõ hai điều:
Thứ nhất, về nội dung, đọc Từ miền sử thi, thấy thơ Đinh Đăng Lượng nghĩ ngợi hơn, sâu sắc hơn về quê hương mình, dân tộc mình. Có cảm giác một đời công chức anh gánh vác công to việc lớn, khi nghỉ hưu mới có thời gian đi đây đi đó khám phá đất Mường quê hương, nên đến đâu Đinh Đăng Lượng cũng ghi lại cảm xúc của mình. Đây chính là những vần thơ thấm đẫm xúc cảm để sau này anh sang sửa, chỉnh lý, đưa vào thi phẩm thứ tám. Vì vậy mà trong Từ miền sử thi mới có thơ viết về ngọn núi Viên Nam, còn gọi là núi Vua Bà, về Đồng Giang, Ao Trạch, về hát đối Mường Vang, về bản Mường trên núi Vân Sơn, về Ngòi Hoa. Rồi thơ về Mường Bi, chợ Lồ, về bến Bôi Câu, về hồ Cạn Thượng... Chưa bao giờ, chưa tập thơ nào trong bảy tập thơ đã in, Đinh Đăng Lượng nhiệt thành giới thiệu (bằng thơ) về quê hương đất Mường của mình như thế.
Đây là một Mùa hoa trên núi Vua Bà nổi tiếng của đất Mường: “Rờ rỡ vai núi Viên Nam/ Nhấp nhô ngực núi Vua Bà/ Ngợp tràn thác hoa rừng đổ xuống/ Say đắm ánh mắt người nhìn lên”. Còn đây là bài Hát đối Mường Vang: “Em đồi Lai Láng, Lai Ly/ Anh từ đồng Rậm, bờ Vy mới về/ Vò rượu đã chụm đầy khoe/ Chiếu đào gian giữa vai kề cận vai/ Lời Đang réo rắt bên tai/ Men rượu đã thấm lòng trai gái Mường”.
Yêu thương đất Mường, tác giả càng quý trọng văn hóa dân tộc mình, tự hào về trường ca Đẻ đất đẻ nước do tổ tiên mình sáng tạo nên. Bài Miền sử thi thể hiện rõ tâm tưởng này. Khổ thơ đầu thật gợi về công cuộc tìm về trường ca thấm đậm chất sử thi của dân tộc Mường: “Theo nhau về dưới những áng mây/ Những lối mòn tìm về hang động/ Đất trời rời nhau từ tiếng sấm/ Mầm sống non tơ lớn trong Mường”. Cuộc khám phá Miền sử thi bắt đầu. Tác giả dẫn người đọc tìm gặp cây Si thần, Dạ Dần, Bướm Bờ, Bướm Bạc, Hang Hao, gặp chim Chiền Chiện, lang Cun Cần, đồi Lai Láng, Lai Ly, gặp bến Bôi Câu, núi Khến, cuối cùng gặp vua Dịt Dàng chốn kinh kỳ.
Trên nền suy tưởng này, nhà thơ vượt ra khỏi đất Mường thân thương, đi và nghĩ suy về non nước Việt Nam. Bước chân nhà thơ lên đỉnh Lũng Cú, về Phú Thọ thăm Đền mẫu Âu Cơ, nhớ huyền thoại con Rồng cháu Tiên sinh ra từ cái bọc trăm trứng để có năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển, mà xuất thần hai câu thơ có sức neo giữ trong đầu người đọc: "Dẫu chiều con vẫn ghé thăm/ Cho vơi nỗi nhớ thuở nằm chung nôi!" Rời Đền mẫu, Đinh Đăng Lượng xuôi Quảng Ninh, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, lại thao thức với truyền thuyết đã thành tên vịnh biển. Tạm xa miền đất “vàng đen”, nhà thơ vào biển Quy Nhơn, thăm bảo tàng Quang Trung; dừng chân nơi trường Dục Thanh trong Phan Thiết ngắm tượng cha con Bác Hồ chia tay trước khi Bác xa cha lên đường tìm phương cách cứu nước. Lại nhớ chuyến đưa mẹ vào thăm em trai mãi trong Tây Đô, lúc vào mẹ con đi tàu chợ, khi quay về đất Mường mẹ ngồi trên máy bay. Giờ mẹ đã đã rời cõi tạm đi xa, nhớ mẹ, nhà thơ xa xót: “Một đời còng lưng trên đất dốc/ Nhớ thương dằng dặc đến cuối đời!.../ Vạt nương cũ - dáng hình của mẹ/ Như dáng hình đất nước, mẹ ơi!”.
Từ miền sử thi còn có phần thơ thứ ba: Một nẻo “Lục địa già” ghi lại chuyến thăm châu Âu của vợ chồng nhà thơ cùng cô con gái. Đây là thơ du ký quen thuộc với người đọc, sẽ không để lại ấn tượng, nếu không có bài Di nguyện. Bài thơ kể về chuyện từ ba mươi sáu năm trước, bố nhà thơ bị thực dân Pháp bắt, chúng đánh ông cụ mất hàm răng, lúc trốn thoát được, về nhà, ông cụ dặn các con: Mai sau cố mà đến Pháp xem cái bọn tự xưng là người “khai hóa văn minh” mà lại đánh dân ác thế? Chỉ tiếc là chuyện thơ cảm động, gieo nỗi xót xa, mà cả bài thơ không có được nhiều câu thơ hay (!).
Thứ hai là tập thơ đánh dấu sự trở về cội nguồn thơ dân tộc Mường của Đinh Đăng Lượng. Đó là thơ dân gian dân tộc Mường, một nền thơ đã sản sinh ra trường ca sử thi Đẻ đất đẻ nước nổi tiếng. Bản trường ca đồ sộ này đã được Quách Dao, Thương Diễm, Bùi Thiện phối hợp sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, chú giải, được Ty Văn hóa Hòa Bình cùng Nhà xuất bản Văn học phối hợp xuất bản giữa những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với các truyện thơ dân gian nổi tiếng: Nàng Ờm và chàng Bồng Hương, Vườn hoa núi Cối, Tình sử A Nàng… xuất bản những năm sau đó.
Đặc điểm mang tính đặc trưng của các tác giả thơ dân gian Mường nói riêng và của người Mường nói chung là tư duy trực giác, khác với tư duy trừu tượng của các nhà thơ dân tộc Kinh và người Kinh. Tư duy trực giác là tư duy cụ thể, trên cơ sở nhìn thấy, nghe thấy. Ở thi phẩm thứ tám này, Đinh Đăng Lượng trở về lối tư duy thơ trực giác của dân tộc mình. Từ bài Mùa hoa mở đầu tập thơ đến bài Trước ngôi nhà J.W Gớt cuối tập đều hiện rõ lối tư duy lập tứ này. Nhìn thấy Rờ rỡ vai núi Viên Nam/ Nhấp nhô ngực núi Vua Bà (bài mở đầu), và được đến ngồi ngắm ngôi nhà Gớt từng sinh sống (bài cuối cùng), mới có thơ bật ra.
Cứ như thế, được tận mắt chứng kiến cuộc hát đối ở Mường Vang, Đinh Đăng Lượng có bài thơ lục bát hay về cuộc sinh hoạt văn nghệ dân gian, với những câu thơ ấn tượng: Vò rượu đã chụm đầy khoe/ Chiếu đào gian giữa vai kề cận vai...; Tiếng chiêng ngân tự đôi tay/ Lời Đang cuối mắt đầu mày ngả nghiêng... Lặn lội ngược dốc lên đến làng bản trên núi Vân Sơn, Đinh Đăng Lượng có bài thơ cùng tên về bà con Mường nghèo khó thuở xưa chạy trốn nhà Lang phạt vạ, dắt díu nhau lên núi cao để ở, lập nên làng bản: “Trốn nhà Lang phạt vạ đi thật xa/ Nghe cuốc kêu biết là có nước/ Tiếng hoẵng tác biết còn lắm đất/ Có Mường Chậm, Lũng Vân ẩn khuất trong mây”...
Điều cần ghi nhận thêm là, sau khi trở về lối tư duy trực giác truyền thống của dân tộc mình, Đinh Đăng Lượng có ý thức kết hợp tư duy trừu tượng trong việc phát triển, nâng cao ý thơ để tứ thơ có sức dài, rộng hơn, sâu sắc hơn, nhất là trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Thêm nữa, tập thơ này, Đinh Đăng Lượng còn có những bài thơ lục bát gieo được hứng thú cho người đọc. Vì vậy, tập thơ có được những bài hay, câu hay như đã trích dẫn, tuy con số này chưa thật nhiều.
Năm nay, Đinh Đăng Lượng đã 77 tuổi. Qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn tiếp tục xuất bản được tập thơ thứ tám để gửi bạn văn chương và bạn đọc gần xa, lại được tác giả cho biết đang tuyển chọn để in tập thơ lục bát nữa, tôi thấy nhà thơ cao niên dân tộc Mường này có sức nghĩ, sức viết thật đáng trân trọng.
Vấn đề sự thật lịch sử và hình tượng nghệ thuật tưởng chừng như đã được giải quyết xong từ lâu. Vậy mà, gần...
Bình luận