Vượt lên thách thức, phấn đấu đạt các mục tiêu chiến lược
Nhân dân ta thiết tha và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để 3 năm nữa (năm 2025) Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại,vượt qua mức thu nhập trung bình thấp...
Sau sự kiện thành lập Đảng, thì Cách mạng Tháng Tám và Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước là hai sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn nhất của nước ta.
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, so sánh lực lượng ở chiến trường miền Nam sau khi Mỹ rút hết quân về nước, cục diện thay đổi rất nhanh có lợi cho ta. Lúc bấy giờ, Bộ Chính trị sáng suốt đề ra chủ trương đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang cách mạng để giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Bộ Chính trị chỉ ra rằng “cả năm 1975 là thời cơ”, đồng thời “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn vào năm 1975”. Sau chiến thắng giòn giã ở Tây Nguyên (trận đầu Buôn Ma Thuột) và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Trung ương Đảng nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành giải phóng miền Nam”. Bộ Chính trị quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kĩ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”.
Trận chiến cuối cùng này được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tổng tiến công vào Sài Gòn, Quân và Dân ta đánh mạnh vào Phan Rang, Xuân Lộc là những căn cứ phòng thủ lớn nhất của quân ngụy bảo vệ Sài Gòn từ phia đông. Sau đó,nhiều binh đoàn chủ lực của ta từ các hướng dồn dập tiến công vào Sài Gòn. Hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tại dinh Độc Lập lực lượng cách mạng vào bắt sống toàn bộ nội các Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng!.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi nhất trên chặng đường dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Quân và Dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ hùng mạnh nhất, kết thúc 30 năm oanh liệt đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt sự thống trị của đế quốc, thực dân hơn một trăm năm ở nước ta; góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng loài người, vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình trên toàn thế giới.
Đại thắng mùa Xuân 1975 mang tầm thời đại, chứng minh trí tuệ, tài thao lược của Đảng trong chiến tranh cách mạng, chứng minh tinh thân yêu nước của dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật khởi, bất khuất, lòng dũng cảm của Quân và Dân trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng 30/4 như cái dấu chấm hết ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới và chế độ phong kiến thối nát ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất nước nhà, mở ra một kỉ nguyên mới là cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kỉ niệm Ngày chiến thắng 30/4 gắn liền với Ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày hội của giai cấp công nhân thế giới và của Nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, cùng đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần Ngày 30/4 và 1/5, đẩy mạnh thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm 132 năm Ngày sinh của Người (19/5), là cơ hội dấy lên phong trào thi đua yêu nước sau đại dịch COVID-19, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam. Theo đường lối Đại hôi Đảng lần thứ XIII về “Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn các quan điểm cơ bản sau:
- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định dường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
- Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí dân tộc, tự chủ, chủ động, tích cực, hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Từ những quan điểm chỉ đạo chiến lược trên đây, Nhân dân ta thiết tha và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để 3 năm nữa (năm 2025) Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại,vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đất nước ta vừa trải qua 2 năm phòng, chống đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, thách thức, cam go đến nghiệt ngã, tổn thất lớn về người và nguồn lực xã hội, nay đã vượt qua, đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc trong trạng thái bình thường mới, Nhân dân và Doanh nghiệp tập trung sức mạnh dân tộc, phát huy năng lực sáng tạo trên các lĩnh vực thuộc 3 đột phá chiến lược, phấn đấu năm nay đạt 6 - 6,5% GDP tạo đà cho các năm sau cất cánh. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TEP) vào tăng trưởng khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5% hàng năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số khoảng 20% (GDP),v.v…
Để đạt các mục tiêu đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, phát triển đất nước mạnh, bền vững. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội đi đôi với hoàn hiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Kinh tế tập thể, Kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển, v.v…
Bình luận