Potsdam – thành phố Hollywood của Đức
Potsdam đặc biệt nổi tiếng về di sản văn hóa là thành phố ngự trị của Vương quốc Phổ, với nhiều lâu đài, cung điện, vườn hoa, nơi được ví là Hollywood của Đức. Potsdam nằm về phía Bắc nước Đức thuộc bang Brandenburg, là thành phố đông dân nhất của bang. Potsdam cách thủ đô Berlin khoảng 60km.
Do có nhiều quan hệ khăng khít với các quốc gia lân cận như Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan và nhiều quốc gia khác, nên ảnh hưởng mạnh đến lối sống và kiến trúc thành phố. Potsdam, thành phố rất thơ mộng, có núi rừng, sông hồ và nhiều cung điện nguy nga, lộng lẫy, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sỹ Đức. Ngoài kiến trúc và cảnh quan độc đáo, từ lâu Potsdam đã được các vị vua chọn nơi ngự trị và còn được các nhà làm phim lựa chọn làm nơi quay phim lý tưởng. Đặc biệt nơi đây, còn được chọn làm khung cảnh để tái hiện lại các bữa đại tiệc của những năm đầu thế kỷ XX tại Đức. Do đó, hàng loạt các tác phẩm phim nổi tiếng đã được dàn dựng quay tại Potsdam.
Cũng như một số thành phố khác của Đức, Potsdam, đã phải trải qua những thăng trầm lịch sử, nhà vua Frederick II tức Frederick Đại đế (1712 – 1786) đã trị vì nước Phổ từ 1740 cho đến 1786, đồng thời ông cũng là Bá tước của xứ Brandenburg, đã đưa Potsdam trở thành chốn cực lạc của triết học. Theo Voltaire, nhà triết học lỗi lạc Pháp là bạn thân của vua Phổ, cho biết: Nhà vua đã chiêu dụ nhân tài nhiều nơi về làm việc cho Potsdam. Frederick Đại đế được nhân dân tôn vinh là “nhà triết học khu Sanssouci” gắn bó với chủ nghĩa nhân đạo và lòng yêu chuộng hòa bình trong những năm tháng vàng son tại cung điện Sanssouci, Potsdam.
Cung điện Sansouci.
Trong khi đang lãnh đạo cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 – 1763) ông vẫn đau đáu nhớ đến cung điện Sanssouci. Sau thắng trận, ông dành phần lớn thời gian ngự tại cung điện. Cũng trong năm 1763, ông cho xây “Tân Hoàng cung” (Neues Palais), theo lối kiến trúc Baroque rất hoành tráng, để thể hiện sự phồn thịnh của đất nước. Cung điện Neues Palais, với mái vòm bằng đồng, nội thất được trang trí lộng lẫy.
Giữa thế kỷ XIX, Potsdam phát triển thành một trung tâm khoa học. Ngày nay, ở Potsdam có 3 trường đại học công lập rất danh tiếng và hơn 30 viện nghiên cứu. Số sinh viên và các nhà khoa học trẻ ở đây chiếm khoảng 15% dân số.
Trường Đại học Potsdam (Universität Potsdam) được thành lập năm 1991, với tên gọi khác Đại học của bang Brandenburg (Universität des Landes Brandenburg). Đại học Potsdam là trường đại học lớn nhất ở Brandenburg gồm 5 ngành: Khoa học quản lý, luật, mỹ thuật, kinh tế và khoa học xã hội. Đại học Potsdam được xếp trong top cao nhất tại Đức và châu Âu.
Đại học Điện ảnh Babelsberg (Filmuniversität Babelsberg), được thành lập năm 1954, là trung tâm giáo dục hàng đầu về nghệ thuật điện ảnh, truyền hình, truyền thông và công nghệ truyền thông. Đại học Điện ảnh Babelsberg là ngôi trường chuyên giảng dạy về điện ảnh, lâu đời nhất và lớn nhất của Đức. Hàng năm nhà trường đón hàng trăm sinh viên trong nước và quốc tế theo học, trong đó có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Số sinh viên này về sau đã trở thành những nhà quay phim, đạo diễn, biên tập viên... nổi danh trong làng điện ảnh Việt Nam.
Potsdam còn có Trưởng Đại học Khoa học Thực dụng (Fachhochschule Potsdam) là ngôi trường mới thành lập năm 1991, dưới sự bảo trợ của bang Brandenburg hàng năm thu hút khoảng 3.500 sinh viên theo học.
Potsdam được mệnh danh thành phố của những lâu đài, cung điện, trong đó nổi bật nhất cung điện Sanssouci, là cung điện mùa hè do vua Phổ Frederick Đại đế cho xây dựng từ năm 1745 - 1747 hoàn thành để làm nơi nghỉ ngơi, bỏ đi nỗi ưu phiền sau những buổi thiết triều tại kinh đô Berlin, nên thường được ví như cung điện Versailles, Pháp. Cung điện Sanssouci mang phong cách Rococo tinh tế trang nhã hơn so với nghệ thuật kiến trúc Baroque lộng lẫy của Versailles. Đây là một kiểu kiến trúc thiên về tông màu sáng, đặc tả sự thanh thoát, thư thái, lãng mạn. Chính sở thích (gu) thẩm mỹ của Frederick Đại đế đã ảnh hưởng rất lớn đến thiết kế và trang trí kiến trúc tòa nhà. Nhiều người gọi đó là phong cách Frederician Rococo. Nhà vua rất thích thú với thiết kế công trình này đến mức ông từng tuyên bố: “Sanssouci sẽ theo ông lên thiên đàng”. Quy mô cung điện không lớn, chỉ một tầng, tất cả có 19 phòng, bao gồm phòng khách, phòng chơi nhạc, thư viện và phòng ngủ... Việc trang trí trên các bức tường, trần nhà, trên các cột..., cách bài trí nội thất đều do nhà vua phác thảo và các nghệ nhân theo đó thực hiện với tiêu chí là ưu tiên cho sự thoải mái, tiện nghi. Phòng tiếp khách được ốp đá cẩm thạch, nên gọi là phòng Cẩm thạch, nằm chính giữa tòa nhà, có mái vòm. Tên tòa nhà được khắc ở mái vòm. Hai bên hông cung điện hướng về phía Bắc là hai hàng cột khổng lồ gồm 88 cột kiểu kiến trúc Corinthian, tượng trưng cho hai cánh tay nhà vua ôm lấy đất trời.
Ngoài cung điện còn có khu vườn nho rộng lớn, khu hoa viên rực rỡ sắc màu với nhiều cây cao chót vót. Trong hoa viên có hang động kiểu Trung Quốc, hang động Hải vương, có đền Hữu nghị và nhiều tác phẩm điêu khắc đá cẩm thạch sống động dựng quanh hồ đài phun nước, thể hiện ý tưởng hòa hợp lãng mạn giữa con người và thiên nhiên. Tại đây còn có cung điện mới và thư viện.
Ở cuối phía Đông của công viên Sanssouci là nhà thờ Frauenkirche (nhà thờ Hòa Bình) được xây năm 1844, kiến trúc theo kiểu nhà thờ San Clemente ở Roma, Italia.
Filmuniversität Babelssberg, Potsdam
Cung điện Sanssouci đã trải qua hai cuộc thế chiến ác liệt nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng cung điện hầu như không bị ảnh hưởng, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp lúc ban đầu.
Lâu đài Schloss Babelsberg là cung điện mùa hè của Wilhelm I, vị Hoàng đế đầu tiên của đế quốc Đức, trị vì đất nước gần nửa thế kỷ. Lâu đài được xây dựng năm 1835 - 1849 hoàn thành theo phong cách Anh thời Trung cổ. Lâu đài này từng chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng khi Hoàng đế Wilhelm I cử Otto von Bismarck làm thủ tướng, người về sau đã đưa nước Đức vào hàng những cường quốc ở châu Âu.
Potsdam là quê hương của những lâu đài, cung điện mà cung điện nào cũng mang đến cho du khách những điều thú vị, chẳng hạn cung điện Marmor Palais là cung điện của Hoàng gia Phổ cho đến đầu thế kỷ XX, Marmor Palais được vua Frederick Wilhelm II cho xây dựng ngay sau khi ông kế vị ngai vàng của vua cha Frederick Đại đế. Cung điện này ban đầu được xây bằng gạch đỏ theo nghệ thuật kiến trúc tân cổ điển, có vườn rộng, mặt tiền hướng ra bờ sông. Nhưng sau đó cung điện được đổi tên theo tên của một loại đá hoa cương màu trắng hoặc xám vùng Silesia. Loại đá này thường dùng làm cột chống. Cung điện này nhà vua xây dựng để tặng cho tình nhân của mình là nữ Bá tước Lichtenau và bà ta có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trang trí nội thất của cung điện. Sau thế chiến thứ II, nhà nước CHDC Đức dùng cung điện này làm Bảo tàng Quân sự. Hiện cung điện trở thành Bảo tàng Văn hóa Lịch sử.
Đặc biệt một trong những điều mơ ước lớn nhất của tôi trong cuộc hành trình này là được tận mắt nhìn thấy cung điện Schloss Cecilenhof, nơi tổ chức Hội nghị Potsdam (Potsdam Conference) giữa 3 nhà lãnh đạo của 3 cường quốc: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Hoa Kỳ Truman và Thủ tướng Anh Churchill diễn ra sau khi kết thúc thế chiến thứ II.
Tòa nhà này được xây dựng năm 1914, đến năm 1917 khánh thành theo phong cách kiến trúc Anh thời kỳ Tudor. Đây là cung điện cuối cùng do Hoàng gia Hohenzallern (dòng họ cai trị nước Phổ và đế quốc Đức) cho xây dựng. Tên cung điện được đặt theo tên Công tước Cecilia xứ Mecklenburg, Schwerin. Cung điện có cấu trúc thấp, gồm 176 phòng. Nội thất thiết kế bằng gỗ, đặc biệt cầu thang chính hoàn toàn bằng gỗ sồi.
Hiện nay tòa nhà này được bảo quản nguyên vẹn. Căn phòng tổ chức hội nghị được giữ y chang như trước, cùng với các hiện vật có liên quan.
Đến Potsdam, ngoài việc tham quan các kiến trúc cổ, còn có một điểm đến hấp dẫn, trước hết phải kể đến nhà thờ St. Nicholas (Nikolaikirche) là ngôi nhà thờ Tin lành được xây dựng năm 1830 - 1837, nổi bật nhất là gian chính điện, với mái vòm cao 77m. Trong thế chiến thứ II nhà thờ bị phá hư hỏng nặng. Năm 1981, được phục dựng lại. Tại đây, thường xuyên tổ chức nhiều buổi hòa nhạc thu hút nhiều du khách.
Là một nghệ sỹ hoạt đồng trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, tôi vui mừng được tham quan Bảo tàng Phim Potsdam, bảo tàng lâu đời nhất của nước Đức, trước, nơi đây vốn là trại ngựa của Hoàng gia Phổ.
Trường Đại học Potsdam
Kiến trúc Bảo tàng Phim Potsdam theo nghệ thuật Baroque đặc trưng của thế kỷ XVIII. Trong bảo tàng trưng bày bộ sưu tập lịch sử điện ảnh thế giới nói chung và điện ảnh Đức nói riêng từ cuối thế kỷ XIX đến nay về kỹ thuật, ý tưởng và bản gốc các bộ phim nổi tiếng. Bảo tàng còn lưu giữ khá đầy đủ hình ảnh lịch sử hãng phim Babelsberg lâu đời nhất nước Đức.
Tạm biệt nước Đức, tạm biệt Potsdam nơi tôi từng đến thực tập tại hãng phim DEFA, trong những ngày còn ngồi trên ghế Trường Đại học Đồ họa và Nghệ thuật Sách Leipzig (Universität für Grafik und Buchkunst Leipzig). Potsdam thân yêu, thành phố văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1990, là thành phố lâu đài với những cung điện, những khu rừng, vườn hoa rộng lớn và là Hollywood của Đức.
Praha, thành phố châu u theo phong cách phương Tây, một thành phố cổ với nhiều nghệ thuật đặc sắc được bảo tồn khá...
Bình luận