Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view

Giữa bộn bề nội dung hiện đại trên mạng xã hội, những video quay cảnh nấu đám giỗ cùng mẹ và bà ngoại, tiếng dao thớt lách cách, khói bếp vương vất mái hiên của chị Huyền Phi lại chạm vào lòng người một cách rất riêng.

Huyền Phi tên thật là Lê Nguyễn Mỹ Huyền, là một trong những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng của miền Tây. Chị bén duyên với bếp từ nhỏ dưới sự truyền lửa từ mẹ và bà ngoại. Không cần màu mè hay kỹ xảo, chỉ là những bữa cơm quê chân chất, nhưng kênh TikTok của cô gái sinh năm 1997 quê ở Vĩnh Long vẫn thu hút hơn 2,1 triệu lượt theo dõi. Niềm yêu bếp, thương nhà được truyền qua 3 thế hệ, trở thành sợi dây gắn kết và cũng là cảm hứng cho hàng triệu người xem.

Sau nhiều cố gắng, chị Huyền đã hoàn thành mục tiêu lớn nhất đời mình, đó là xây nhà báo hiếu bố mẹ. Từ mái tôn đơn sơ, gia đình giờ đây đã sở hữu cơ ngơi khang trang, đồng thời mở rộng xưởng làm ăn, tạo việc làm cho nhiều bà con ở địa phương. Tin vui nối tiếp tin vui, mới đây, vợ chồng chị lại vỡ oà thông báo mang thai con đầu lòng sau 5 năm kết hôn. Dù đang bầu bí, chị Huyền vẫn đều đặn nấu ăn, quay video, chia sẻ cuộc sống yên bình miền Tây. Tất cả đều bắt đầu từ một chiếc điện thoại, một chiếc bếp và một tấm lòng dành trọn cho quê hương.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 1

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 2

Chị Huyền không học bếp bài bản, nhưng dường như từ trong máu, chị đã thấm vị mắm muối quê nhà, đã thuộc lòng công thức của tình yêu từ bàn tay bà ngoại và mẹ. Chị chia sẻ rằng mình mê nấu ăn từ nhỏ, cứ vào bếp là thấy vui. Ngày còn học cấp 1, căn bếp nhà chị vẫn là bếp củi. Mùi khói bếp trộn cùng mùi cá lóc kho tộ, canh chua bông điên điển hay khổ qua hầm cứ thế thấm vào ký ức. Khi lớn hơn, gia đình chuyển sang bếp gas, nồi cơm điện, nhưng bà ngoại vẫn giữ thói quen nhóm bếp củi mỗi dịp giỗ chạp. Với bà, nồi thịt kho phải sôi riu riu trên lửa củi mới ra đúng cái hồn miền Tây.

Bà ngoại và mẹ của chị Huyền không phải thợ nấu chuyên nghiệp, nhưng ai trong xóm có đám, có tiệc đều nhờ tới. Nấu không thù lao, không tính toán, chỉ vì đam mê. Có lẽ cũng nhờ tình yêu bếp núc ấy mà chị Huyền lớn lên trong một ngọn lửa ấm - căn bếp nhỏ không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là nơi chắt chiu ký ức.

Những ký ức ấy theo Huyền Phi lên thành phố. Giữa phố thị đông đúc, chị vẫn giữ thói quen tự nấu ăn, tự đi chợ, thậm chí xung phong nấu cơm cho các bạn học cùng lớp. Những lần gọi điện về quê, chị tranh thủ hỏi mẹ, hỏi bà cách làm món mới. Họ chỉ sơ sơ, còn lại chị tự mày mò nấu. Đó là cách mà một người phụ nữ miền Tây học nấu ăn - bằng cảm xúc và ký ức.

Chị chia sẻ: “Học xong cấp 3, tôi đi học nghề spa, ở chỗ làm toàn con gái nhưng chẳng ai rành nấu ăn. Từ nhỏ, tôi được ăn món ngon của mẹ và bà ngoại, nên cũng có gu ăn uống. Thế là tôi xung phong nấu cơm cho mọi người. Dù hơi cực, nhưng thấy các bạn khen ngon, tôi càng mê nấu. Khi lên thành phố làm, tôi thích tự mua đồ về nấu, vừa tiết kiệm, vừa đúng ý mình. Khi muốn làm món mới, tôi gọi hỏi mẹ hoặc bà ngoại. Họ hướng dẫn sơ qua thôi, nhưng nhờ nhớ vị món từng ăn, tôi mày mò nấu lại tương tự. Chắc nhờ năng khiếu và đam mê mà tôi học nhanh”.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 3

Trở về quê, chị Huyền không chỉ giữ lửa bếp nhà mà còn lan tỏa nó thành một nguồn cảm hứng cho hàng triệu người xa quê. Series “mâm cơm nhà” có bà, có mẹ, có chồng, có các em - là những lát cắt yên bình của đời sống quê mà nhiều người nơi phố thị thèm khát. Ban đầu, mẹ chị ngại lên hình vì sợ ngoại hình không được chỉn chuê. Còn bà ngoại lại rất vô tư, không ngại máy quay nên con cháu cần hỗ trợ gì thì bà luôn sẵn sàng giúp đỡ.

“Lúc đầu, tôi chỉ làm video một mình. Nhưng sau đó, tôi muốn tạo một series về những bữa cơm gia đình để ai xa quê xem cũng thấy ấm lòng, gợi nhớ mùi vị quê nhà. Thế là tôi rủ gia đình cùng tham gia. Mỗi khi có món ngon cần nấu, cả nhà đều nhiệt tình góp một tay hỗ trợ”.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 4

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 5

Chị Huyền ra đồng bắt ốc rồi tự tay làm món ngon.

Chị Huyền tự hào kể, có đoạn clip chị quay cảnh nấu đám giỗ thu hút tới 8 triệu lượt xem. Ban đầu, chị chỉ muốn chia sẻ không khí đám giỗ miền Tây lên MXH không ngờ lại được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Chị chia sẻ, đám giỗ ở quê thường có hủ tiếu xào, bì cuốn, thịt heo quay hoặc thịt nướng kim tiền ăn với bánh hỏi. Nhà nào không thích thịt quay thì làm lagu gà, lagu vịt, cà ri, hoặc lẩu cù lao - món này ngày xưa phổ biến hơn lẩu chua. 

“Tôi từng chia sẻ đoạn clip dài 10 phút ghi lại các công đoạn chuẩn bị, nấu đám giỗ của ông ngoại, được tới 8 triệu lượt xem. Thấy tôi quay nấu đám giỗ hoài nên khi ra đường mọi người hay hỏi: Huyền ơi, hôm nay nấu tiệc tới đâu rồi?, tôi vui lắm. Không ngờ được yêu thích thế".

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 6

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 7

Một số món trong mâm cỗ do chị Huyền thực hiện.

Nhờ sự “truyền lửa” của 2 thế hệ trước, chị Huyền nay đã có thể tự tin làm thợ chính, nấu một bữa tiệc gồm 10 - 20 mâm, tương đường 100 - 200 khách. “Nấu ăn cực lắm, không thích thì khó mà làm được. Bà ngoại truyền công thức cho mẹ, rồi mẹ dạy lại cho tôi. Tôi may mắn được học từ cả hai người phụ nữ giỏi giang trong gia đình, bà giữ nét xưa, mẹ thì thêm chút hiện đại. Tôi kết hợp kinh nghiệm của họ với những gì tự học được qua mạng, dù không chuyên nghiệp nhưng cũng đủ để tự tin vào bếp. Món đồng quê, cơm nhà thì tôi quen nấu từ nhỏ. Nhưng những món để đãi tiệc như lẩu, giò chả thì phải tham khảo thêm bà và mẹ. Tôi hay hỏi rằng: Ngoại ơi, định lượng thế này đủ chưa? Mẹ ơi, nấu 10 mâm thì mua bao nhiêu thịt?"

Mỗi món ăn 3 thế hệ nhà chị Huyền nấu là một phần ký ức: bánh hỏi thịt quay, hủ tiếu xào, bì cuốn, lẩu cù lao - những món nghe tên thôi đã khiến người miền Tây rưng rưng nhớ quê. Chị nói, bản thân không chỉ nấu ăn vì sở thích, mà vì muốn truyền lửa, không chỉ cho con cái sau này, mà cho cả những người từng lớn lên cùng mâm cơm quê.

“Tôi rất biết ơn bà và mẹ đã truyền lại cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá. Nếu không có những món ngon ngày nhỏ, sẽ chẳng có tôi của ngày hôm nay. Ai khen nấu ngon, tôi đều tự hào bảo: Nhờ giống mẹ với ngoại đó. Sau này, tôi sẽ dạy con gái nấu ăn. Bé có thích nấu ăn hay không thì chưa nói trước được, nhưng tôi sẽ tiếp tục truyền lửa, càng nhiều thế hệ càng tốt”.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 8

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 9

Cảnh gia đình chị Huyền quây quần gói bánh tét.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 10

Sau 5 năm kết hôn, vợ chồng chị Huyền vỡ oà thông báo sắp đón con đầu lòng. Trong những buổi livestream, những buổi quay video ẩm thực, người ta bắt gặp cô gái nhỏ bụng đã lùm lùm vẫn lúi húi bên nồi nước lèo, vẫn cười tươi khi đọc bình luận của khán giả. “Nhiều anh chị ở xa nói rằng xem clip của Huyền là thấy nhớ nhà, tôi hạnh phúc lắm”.

Ở giai đoạn đầu thai kỳ, chị Huyền bị nghén nên phải giảm tần suất quay clip, livestream. Một phiên live bình thường của chị kéo dài 12 tiếng, khi có bầu, chị rút ngắn xuống còn vài tiếng, đặt sức khỏe của mẹ và bé lên hàng đầu. Mẹ và ông xã thay phiên nhau hỗ trợ sản xuất nội dung, đảm bảo đủ lượng clip cần thiết để duy trì kênh và công việc kinh doanh.

Chồng chị Huyền là hậu phương vững chắc cho vợ, hỗ trợ chị từ việc quay clip đến dựng hậu trường, chỉnh ánh sáng… Cả hai hâm nóng tình cảm từ chính công việc thường ngày. Việc quay dựng clip, hỗ trợ lẫn nhau giúp vợ chồng càng thêm gắn bó. “Tôi thường xuất hiện trước ống kính, còn anh Hải làm hậu phương. Từ kỹ thuật đến quay clip, anh giúp vợ làm hết. Hai vợ chồng làm việc cùng nhau cả ngày, nên tình cảm lúc nào cũng nóng, khỏi phải hâm (cười). Khi mệt, chúng tôi đi du lịch biển 2 - 3 ngày để nạp lại năng lượng”.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 11

Chị Huyền đang mang thai con đầu lòng sau 5 năm cưới.

Bên cạnh công việc sáng tạo nội dung, chị Huyền còn điều hành một xưởng sản xuất nhỏ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, mẹ chị nấu khoảng 30 suất ăn cho nhân công. Chị kể, mọi người thường ngồi quây quần ăn uống cùng nhau như gia đình, không khí ở xưởng rất vui. Làm nhiều việc cùng lúc trong thời gian bầu bí đôi lúc khiến chị cảm thấy áp lực, nhưng dần vượt qua nhờ sự hỗ trợ của gia đình.

Khi mang thai, chị Huyền ăn theo sở thích, không kiêng khem gì nhiều. Là dân miền Tây nên chị đặc biệt thích ăn mắm. Mỗi khi thèm, bà bầu chỉ ăn một ít chứ không dám ăn nhiều như trước.

“Tôi khá dễ tính. Lúc nghén, tôi ăn ít, nhưng giờ ổn rồi thì sẽ ăn theo sở thích, chủ yếu là các món đồng quê. Bác sĩ hay người lớn khuyên kiêng món gì thì tôi sẽ cố gắng ghi nhớ. Ngoài ra, tôi thèm gì ăn nấy, không quá khắt khe. Là dân miền Tây, tôi rất thích mắm. Nhưng có bầu ăn mặn không tốt, mỗi khi thèm mắm quá tôi cố gắng chỉ ăn một ít thôi. Hồi xưa ba mẹ mang bầu và nuôi con thế nào, tôi sẽ học theo y như vậy, kết hợp hỏi thêm ý kiến của bác sĩ”.

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 12

Bà bầu Vĩnh Long truyền cảm hứng với series học nấu ăn từ mẹ và bà ngoại, clip nấu đám giỗ miền Tây hút hơn 8 triệu view - 13

Chị Huyền đã xây được nhà báo hiếu gia đình.

Sau những năm chăm chỉ lao động, chị Huyền đã thực hiện ước mơ lớn nhất đời mình, đó là xây nhà báo hiếu cho bố mẹ. Trong thời gian tới, chị muốn tiếp tục phát triển các nội dung ẩm thực gắn liền với văn hoá miền Tây, đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh nông sản sạch, tạo thêm việc làm cho người dân quê hương và góp phần đưa đặc sản địa phương vươn xa.

“Người ta nói an cư thì mới lạc nghiệp. Sau thời gian tích góp, tôi đã xây được nhà cho bố mẹ, cũng coi như đã hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của mình. Sắp tới tôi muốn chăm sóc gia đình thật tốt, nhất là khi nhà có thêm thành viên mới. Bên cạnh đó, tôi mong các thước phim và niềm đam mê nấu ăn của mình sẽ lan toả đi xa hơn nữa, đến với nhiều bạn bè quốc tế”.

Minh Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng: Điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới

Chiều ngày 15/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 3 - 2025 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC III) tại thành phố Hải Phòng, TP Hải Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới".

Tranh cãi Chelsea vô địch thế giới, đủ binh hùng tướng mạnh để lên ngôi Ngoại hạng Anh?

Tranh cãi Chelsea vô địch thế giới, đủ binh hùng tướng mạnh để lên ngôi Ngoại hạng Anh?

Không hề xúc phạm giới hâm mộ Chelsea, nhưng cứ phải nhìn vào thực tế lạnh lùng ít ai cho rằng Chelsea là CLB xuất sắc nhất thế giới, kể cả khi họ đã lên ngôi vô địch giải FIFA Club World Cup 2025 một cách thuyết phục. Đề tài bàn luận số 1 trong làng bóng Anh trong lúc này liên quan chuyện nhà vô địch thế giới Chelsea đã đủ mạnh để tranh ngôi vô địch Premier League hay chưa?!

Vóc hình đất nước và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thơ Phạm Hồng Điệp

Vóc hình đất nước và hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thơ Phạm Hồng Điệp

Cầm nặng trĩu tay ba tập thơ “Biển gọi em về”, “Miền đất Việt”, “Cánh đồng tuổi thơ” của Phạm Hồng Điệp, tôi bỗng nảy ra ý đem cân xem thế nào và thật ấn tượng: Những ba cân rưỡi! Xưa có câu “trước tác đẳng thân” nói về viết nhiều tới mức sách xếp cao bằng người thì việc đem sách đi cân dù có lẩm cẩm và dớ dẩn chăng nữa, thiết nghĩ cũng là một cách đo sức vi

“Hành trình 6” ra mắt người yêu mỹ thuật Thủ đô

“Hành trình 6” ra mắt người yêu mỹ thuật Thủ đô

Ngày 13/7, tại Hà Nội, “Hành trình 6”, triển lãm tranh của 8 hoạ sĩ thân thiết đồng hành cùng nhau gần 1 thập kỷ gồm Cao Thanh Sơn, Nguyễn Ngần, Lê Văn Lương, Thuỳ Nga, Bích Ngà, Hoàng Trung Dũng, Phạm Xuân Hồng, Trần Thị Thanh Hoà đã ra mắt và thu hút sự quan tâm người yêu mỹ thuật Thủ đô.

Thăng Long “ngũ trấn”

Thăng Long “ngũ trấn”

Ai cũng biết thành Thăng Long xưa có tứ trấn, tức 4 ngôi đền thờ 4 vị thần hộ vệ kinh thành ở 4 mặt.