Bảo anh trai bán nhà cho tôi với giá 2,5 tỷ, anh đòi tôi 3 tỷ nhưng bán cho người khác 2,3 tỷ

Ba năm trước, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện mua nhà. Nghe tin anh định bán căn nhà cũ trên thị trấn, tôi đánh tiếng hỏi mua.

Tôi có một người anh trai, hơn tôi 5 tuổi. Anh ấy học ít, nhưng nhạy bén và chịu khó. Sau khi bố mất, anh nhận thầu ao cá trong làng rồi tích góp được ít vốn, xây được nhà hai tầng, thậm chí mua cả nhà trên thị trấn.

Trong mắt họ hàng, anh là người thành đạt nhất nhà. Nhưng với tôi, anh chưa bao giờ thực sự thân thiết. Anh coi thường tôi, luôn mang giọng điệu mỉa mai mỗi khi nói chuyện với tôi, và chưa từng đối xử nhẹ nhàng với người em gái này.

Ba năm trước, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện mua nhà, dù nhỏ thôi thì đó cũng sẽ là chốn an cư cho vợ chồng tôi và con cái, nhất là khi con trai tôi cũng đến tuổi dựng vợ, không thể để nhà gái coi thường được. Nghe tin anh định bán căn nhà cũ trên thị trấn, tôi đánh tiếng hỏi mua.

Tôi hy vọng, là anh em ruột, anh sẽ để lại cho tôi căn nhà đó với giá hữu nghị. Nhưng anh nói thẳng:

- Anh định bán với giá 3 tỷ, em mua được thì mua, không mua được thì thôi.

Tôi đắn đo, 3 tỷ với tôi là một số tiền lớn, và phải đi vay thêm thì tôi mới mua được. Vì thế, tôi ngỏ ý xin anh giảm giá, còn 2,5 tỷ. Đó là mức mà tôi có thể xoay xở được, nhưng anh lập tức gạt đi, bảo:

- Em cũng phải hiểu cho anh chứ? Căn nhà đó anh cũng phải bỏ những đồng tiền mồ hôi xương máu anh cực khổ làm ra mới mua được. Anh em thì đã sao?

Cuối cùng, tôi đành thôi, dù tiếc. Nhưng chỉ ít lâu sau, tôi nghe tin anh đã bán căn nhà ấy cho người lạ, giá chỉ... 2,3 tỷ.

Bảo anh trai bán nhà cho tôi với giá 2,5 tỷ, anh đòi tôi 3 tỷ nhưng bán cho người khác 2,3 tỷ - 1

Tôi bảo anh trai bán nhà cho tôi với giá 2,5 tỷ nhưng anh không đồng ý. (Ảnh minh họa)

Tôi choáng váng. Gọi điện hỏi thì anh thản nhiên trả lời:

- Người ta cần mua gấp, anh cũng muốn bán nhanh nên bán luôn. Với lại, nếu bán cho em, anh sợ sau này nhà có vấn đề gì thì em lại quay sang trách móc, đòi hỏi. Bán cho người ngoài thì sau này sẽ không dây dưa gì nữa, tránh được rắc rối.

Câu nói ấy như một nhát dao cắt đứt sợi dây tình cảm giữa hai anh em. Hóa ra trong mắt anh, đứa em gái ruột này lại là người không đáng tin. Người ngoài có thể thương lượng sòng phẳng, còn tôi là em ruột lại bị nhìn như một rắc rối tiềm ẩn. Thế nên, anh thà bán rẻ cho người ngoài còn hơn bán cho tôi.

Tối đó nằm trên giường, tôi khóc không thành tiếng. Chồng tôi biết chuyện, thở dài:

- Là anh em ruột thịt mà sao lại đề phòng nhau như kẻ dưng vậy không biết.

Tôi cười buồn:

- Có lẽ với anh ấy, em từ lâu đã chẳng còn là em gái nữa.

Tôi nhớ lại quá khứ, anh cũng chưa từng đối xử tốt với tôi. Ngày tôi lấy chồng, anh chỉ cho vài đồng lẻ. Khi thấy tôi hay về nhà ngoại, anh thường buông lời trách móc:

- Con gái gả đi như nước đổ ra đường. Suốt ngày cứ vác mặt về nhà mẹ đẻ làm gì vậy, hàng xóm lại cười vào mặt cho.

Những lời ấy, những hành động ấy, tôi đều cố quên. Tôi nghĩ chỉ cần mình bao dung, tình thân sẽ được giữ lại. Nhưng sau chuyện này, tôi hiểu ra rằng có những thứ không thể giữ bằng một phía. Tình thân cũng cần được nuôi dưỡng bằng sự quan tâm và tôn trọng, chứ không thể chỉ dựa vào huyết thống.

Bảo anh trai bán nhà cho tôi với giá 2,5 tỷ, anh đòi tôi 3 tỷ nhưng bán cho người khác 2,3 tỷ - 2

Chồng biết chuyện anh trai không bán nhà cho tôi mà bán cho người ngoài thì thở dài. (Ảnh minh họa)

Từ sau chuyện ấy, tôi không còn chủ động liên lạc với anh trai nữa. Nếu có việc anh gọi, tôi cũng chỉ xã giao đôi câu. Tôi không ghét bỏ, nhưng cũng không còn mở lòng.

Năm ngoái mẹ qua đời, chúng tôi gặp lại trong tang lễ, anh nhìn tôi muốn nói điều gì đó, nhưng tôi chỉ nhẹ gật đầu. Trong tôi lúc đó, mọi cảm xúc đã nguội lạnh.

Về chuyện mua nhà, sau đó tôi mua được một căn hộ nhỏ ở ven thị trấn. Dù không to, nhưng đó là tổ ấm của riêng tôi. Chồng tôi dù sức khỏe kém vẫn là người bạn đồng hành trầm lặng. Con trai tôi cũng bắt đầu trưởng thành, biết nghĩ cho bố mẹ hơn trước.

Tôi không cần một cuộc sống giàu sang. Tôi chỉ mong lòng mình bình yên. Căn nhà của anh trai, tôi không còn nghĩ đến với sự oán trách nữa, nhưng mỗi khi nhớ lại vẫn còn chút chua xót.

Bởi tôi đã hiểu ra một điều, tình thân không nằm ở huyết thống, mà ở cách người ta đối đãi với nhau.Và có những mối quan hệ, không liên lạc nữa cũng là một cách giữ lại sự tử tế cuối cùng.

Lyly

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hiểu đúng về Tiết Thanh minh trong “Truyện Kiều”

Hiểu đúng về Tiết Thanh minh trong “Truyện Kiều”

Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có đoạn miêu tả khung cảnh sinh hoạt của con người trong lễ tảo mộ và hội Đạp thanh (hội dẫm lên cỏ xanh) dịp tiết Thanh minh. Trong đoạn này có nhiều chi tiết gây tranh cãi về cách hiểu.

Mấy kỷ niệm với chàng Đăng Bẩy

Mấy kỷ niệm với chàng Đăng Bẩy

Không nhớ lần đầu tiên gặp gỡ và quen biết Đăng Bẩy như thế nào nữa. Gặp ở đâu, với ai, ấn tượng đầu tiên thế nào. Bây giờ chịu bó tay chấm com như cánh dân mạng hay viết. Nhưng biết chắc một điều rằng khi tôi còn đang lang thang ở Nga làm luận văn Phó tiến sĩ, thì Đăng Bẩy đã nổi như cồn ở Việt Nam. Chàng đã công bố bản dịch truyện vừa “Ra đi không trở lại” của V. Byko

Đa dạng các hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Đa dạng các hoạt động văn hóa tại phố cổ Hà Nội trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc tại Đình Kim Ngân, Trung tâm Văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ,…

Những câu thơ biết thức

Những câu thơ biết thức

Anh bạn cùng học ngành luật hẹn gặp, vui vẻ khoe vừa mới nghỉ hưu và đưa tôi tập thơ anh cũng kịp cho xuất bản. Nhìn qua đã thấy đẹp và trang nhã như cái “tít” của nó: Thái Hưng - “Đi qua mùa thu” - Nxb Hội Nhà văn 2024. Tôi có cảm giác nhẹ nhàng, đây là tập thơ tình chăng?