Những câu thơ biết thức

Anh bạn cùng học ngành luật hẹn gặp, vui vẻ khoe vừa mới nghỉ hưu và đưa tôi tập thơ anh cũng kịp cho xuất bản. Nhìn qua đã thấy đẹp và trang nhã như cái “tít” của nó: Thái Hưng - “Đi qua mùa thu” - Nxb Hội Nhà văn 2024. Tôi có cảm giác nhẹ nhàng, đây là tập thơ tình chăng?

Tối đến mở xem thì bất ngờ bị nó cuốn hút. Sức cuốn hút của “vật thể nặng” nên đêm trằn trọc mãi không ngủ được. Mùa thu bỗng trở nên nặng nề đến thế! Mùa thu này là sự dịu nhẹ của cọng gió thẳm xanh hay là dáng cương thường của cây sấu già trắng bão đây? Có lẽ nó có cả (!). Và, Đất sẽ là cái kết, trả lời cho những nghi vấn bắt buộc ấy. 

Năm bốn lăm làng chết trăm người

Bố tôi một mình ra tỉnh

Nửa đời trở về, tay trắng

Ông đứng lặng trước ngôi nhà xưa

Phóng chiếc mai xuống đất mà thề: 

                                  - Không đi nữa!

Như một tuyên ngôn về cái sự đời. Nửa đời long đong nơi đất khách quê người để ông đủ nhận ra canh bạc của lòng người. Ở đâu cũng thế cả, chuyện lam làm, giành giật kiếm sống; đồng bạc buột ra rơi tõm vào đám chợ. Nửa đời mà đâu đã nên người, đâu làm đã nên ăn. Cái chí lớn đeo đuổi suốt từ khi ấy chẳng thành. Và rồi người ta thấy ông đột ngột trở về, hai bàn tay trắng! Cái hình ảnh vốn cương thường kia, đứng lặng trước ngôi nhà của mình, cay đắng, nghiệt ngã, nuốt hận mà ngước con mắt lên “phóng” mạnh cái mai xuống. Không đâu bằng đất nhà mình, đất của chính ông cha nhà mình để lại. Ở đó nó có tất cả, không cần phải đi tìm ở đâu cả. Bây giờ ông đã nhận ra nó như vậy đấy!

Những câu thơ biết thức - 1

Tập thơ “Đi qua mùa thu”  của tác giả Thái Hưng.

Gần như là một tuyên ngôn thứ hai, nó có mối liên kết chặt chẽ với câu chuyện trên kia. Thơ tìm ta trú ngụ, ta nghèo xót xa trắng ngọn cỏ, ta chết còn thơ thì không. Điều này cũng chỉ được rút ra, cô đặc lại từ kinh nghiệm xương máu của người cha:

Con ơi!

Thơ không tắt thở

Thơ không cần vuốt mắt như bố

Thơ hóa thạch ở lòng người!

Thơ vận người. Nhưng người - đến lúc nào đó - nhất định rồi sẽ nhắm mắt, ngừng thở, còn thơ thì vẫn thức. Câu chuyện lại còn ẩn khuất điều kỳ lạ là: Từ nhát phóng mai xuống đất khi trở về sau mấy chục năm trời, ông thờ chữ Nhẫn. Vậy trước khi nhắm mắt xuôi tay, ở con người cả quyết ấy đã dặn lại con cháu điều gì và hành động gì của ông là sau chót? Thật chẳng ai ngờ,  ông lại bảo lấy vôi xóa sạch cái chữ Nhẫn kia đi!...Vậy chẳng lẽ từ thế hệ sau ông thì không cần đến, không chọn đến chữ Nhẫn ấy nữa.Trớ trêu vậy chăng?

Đấy là câu chuyện hay về cái nhẽ ở đời. Nhưng, đây là thơ. Thái Hưng viết thơ như thế sao? Nặng về bố cục một nội dung mà thiếu đi độ bóng bảy cần thiết? Không, với dụng ý mà tác giả cần truyền tải, anh cứ viết sao cho nó hàm xúc, nó đầy một tâm trạng chân thành. Rõ ràng, chúng ta đọc đã thực sự thấy có một sức hấp dẫn tự nhiên - như thơ tự bản năng vậy. Chợt nhớ, khi còn đi học, chúng tôi đã rất thích kiểu thơ “thời sự” của Владимирович Маяковский, (1893 - 1930), nó thức, ví như một đoạn trong bài Những người loạn họp, (cái cách diễn đạt hợp tạng, Nguyễn Thái Hưng dễ bị lây):

…Kích động quá, không tài nào chợp mắt

Trời đã sáng tờ mờ

Tôi đón ban mai với một ước mơ:

“Ôi ước sao

Được họp thêm một cuộc.

Để tìm phương thanh toán

Các cuộc họp trên đời”

(Gs. Hoàng Ngọc Hiến dịch)

Cứ mạch thơ theo kiểu cách ấy kéo dài suốt trong tập. Mỗi bài là một vấn đề được cấu tứ theo một lập luận có trình tự, song buông bỏ bằng cách đưa ra minh chứng đang tồn tại thực tế để mặc bạn đọc đi tìm cái nghĩa đích thực. 

Trong bài Anh tôi, với một cấu tứ rằng: Dưới trưa nắng xoay trần/ Vét bùn đổ lên mặt ruộng/ Mồ hôi bám lưng bóng mật/ Ròng ròng trên ngực chẳng khô/ Chân bấm lún đá ngõ làng chuyển lúa/ Vai cuộn lằn thoi gỗ/ Gánh vơi cả đồng suốt tháng suốt năm…để hình ảnh người nông dân lam làm ấy: Bóng đổ lặng im trên vách/ Lưng cong sao Thần Nông trên trời. Còn nếu muốn nghỉ thì anh ấy mượn ngày giỗ bố mà nghỉ, nghỉ xen lẫn cả giải trí nữa: Hôm nay/ Tôi về giỗ Bố/ Ngồi bên vò rượu nếp thơm/ Nghe anh tôi đọc bài thơ tự làm

Thật vậy, cái vò rượu nếp thơm kia là thành quả của sự lao động vất vả, nhọc nhằn, đối mặt với nắng, mưa, bão tố, với cả chính những thói tham lam của con người nữa. Song đêm đêm, ngước sương sao, ông vẫn còn cảm tác thành thơ. Buông bỏ mấy câu, đọc chơi như Lý Bạch (!). Đấy chính là con người.

Bài Về vùng than có những câu như thế này:

Về vùng than tìm bạn

Than đen - người đen

                        nụ cười - chớp trắng

Ngồn ngột nóng…

Dưới sâu trăm mét đất...

Than như máu chảy vọt lên.

Một đời người than

Một ngàn đời than

Sừng sững một góc bể

Những thứ lờ mờ không thể lẫn vào than.

Vậy ở cái khoảng trời bể sừng sững, mênh mang kia có những cái thứ gì lờ mờ nhỉ? Thì hãy một lần thả mắt mà nhìn trong đám mây nước mà xem, quả nhiên, nhiều vệt, nhiều hình và nhiều màu nhằng nhịt lắm. Chừng ấy nó sắm vai đại diện cho tất cả chứ không phải là cái khối màu đen xì, hé ra cái miệng chớp trắng sâu tít trong lòng đất kia! Phải rồi, ở đây, Thái Hưng lại không cho phép những cái thứ đại diện ấy được lẫn với màu riêng có của bạn mình, bởi anh coi hình ảnh đó mới là giá trị đích thực của mọi thành quả.

Trước những năm 2000, cái nghèo như con ma ngay ở sau lưng, ta sợ, vùng chạy mà nó cứ khư khư bám riết. Cái nghèo trùm lên những mối tình, đòi gây khó dễ bởi nhiều lý do khác nhau. Có những đêm đông, cha run rẩy đội mưa về bên mẹ, cứ như người đi trộm vặt về. Còn với chị vợ liệt sĩ thì:

…Trái tim thương chín cả trời

Khát khao như  lửa mà đời biết đâu

Một mình cằm cặm đêm thâu

Câu thơ như tượng Mị Châu cụt đầu

Bây giờ, người chị mà cả đời cặm cụi, lam lũ, lẩn quất ở góc cái đồng làng chua mặn ấy đã khuất xa mãi, có lẽ chỉ còn có mỗi tác giả nhớ. Cái nhớ cũng chết cứng, bất lực như tượng đá, nơi thỉnh thoảng có gió, cát và chú chim sâu đơn độc:

Mà sao giờ tiếng chim

Vọng về côi cút thế 

Vòm cây hoa vẫn nở

Người đi rồi… lắng im.

Còn với cả người mình yêu nữa, rốt cuộc cũng chỉ để lại cho anh một bi kịch suốt chặng đường đời còn lại. Bây giờ là sau năm 2000, với bao nhiêu những hình ảnh, những âm thanh và những gợi cảm đủ đầy quyến rũ, nhưng sao tác giả cứ da diết nhớ về cái tình xưa cũ ấy. Phải chăng, ý nghĩ của năm tháng đã qua đã tạo thành lối mòn trong tâm tư, rồi mặc đời, cứ thêu hoa dệt gấm cho mối tình riêng của mình:

Nhưng sao khi mùa thu đi qua

Lối mòn tình yêu trổ chùm nấm dại

Em vần vũ cơn mưa huyền thoại

Giũ rối đời anh - lá khô rơi…

Và lại nữa, những vần thơ viết sau 2000, nghĩa là sau Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, khi mà người ta có thể bộc bạch về một sự thật từng bị ẩn khuất bằng cái đầu của mình. Nguyễn Thái Hưng có một lối suy nghĩ khác về sự kiện Nhà văn hóa Nguyễn Trãi (1380 -1442), quân sư của vua Lê Lợi, với vụ oan khuất Lệ Chi Viên - vụ án đã dẫn đến cả ba đời gia tộc Nguyễn Trãi bị triều đình hành quyết, mãi 22 năm sau mới được minh oan. Điều mà Nguyễn Thái Hưng nhìn đến là ở chỗ hình như người đời đã thật sự cảm thấy thỏa đáng?! Âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng chính sự hiện diện của hình ảnh Nguyễn Trãi ở Côn Sơn thì có phải lại thêm một “oan khuất” nữa?! Rằng, Người ngồi đó, hưởng lộc trời, còn mọi người trong dòng họ của Người thì đâu rồi? Rằng, đã vô tình có một sự tương phản ở đây! 

 … 

Hai mươi hai năm máu đỏ lại rồi

Nhân dân tôn thờ, nhân dân kính vọng

Một mình ông một ngôi đền, 

                                           còn gia tộc thì đâu?!

Nước suối chảy hoài mềm lại thương đau

Mây trắng, trời xanh, gió về vi vút

Lỗi lầm xưa đất nước này đã chuộc

Sao ông vẫn ưu tư…

                                     không siêu thoát chốn tiên bồng?

(bài Viếng đền Côn Sơn)

Vâng, hầu như các bài thơ trong tập của Nguyễn Thái Hưng đều để lại hoặc khơi dậy một vấn đề mà hình như tác giả đã tự va chạm, tự hành, tự đối diện với nó trong một thời gian dài. Từ một tâm trạng nặng trịch được nhào nặn cho nó nhuần nhuyễn tới mức buột ra thành một cấu trúc thơ. Cái hàm ý về sự hiện diện của Nguyễn Trãi như nói trên được diễn tả bằng thơ thì thật phải khéo lựa lắm mới thành thơ được. Về ý nghĩa tư tưởng của bài, tác giả cũng dừng lại ở mức độ ấy là hợp lẽ, còn lại gì nữa thì thuộc về bạn đọc chúng ta.

Dẫu là thơ của một luật sư rồi một kiểm sát viên thì không chỉ viết chơi. Song để cho suy tư đau đáu, ngồn ngộn trăm chiều luôn bị đánh thức kia được dịu vợi đi, tôi mượn mấy câu dạng tự tình của anh để khép lại đôi lời của mình:

MUỘN

Cây đã quên không gọi

Mùa hè vội đi không nói

Để quả chín cuối cành

Một mình ngơ ngẩn mãi.

Là tôi đấy, quả ơi! đừng nghi ngại

Chót muộn cùng, xin hãy rụng về nhau….

Bùi Việt Mỹ

Tin liên quan

Tin mới nhất