Hiểu đúng về Tiết Thanh minh trong “Truyện Kiều”
Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có đoạn miêu tả khung cảnh sinh hoạt của con người trong lễ tảo mộ và hội Đạp thanh (hội dẫm lên cỏ xanh) dịp tiết Thanh minh. Trong đoạn này có nhiều chi tiết gây tranh cãi về cách hiểu.
“Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xã nô nức yến oanh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nen.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.
Khung cảnh được miêu tả trong đoạn thơ này hoàn toàn do Nguyễn Du sáng tạo so với tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Kiều – Tranh sơn mài của Trương Đình Dung
Trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, khung cảnh tiết thanh minh được viết rất sơ sài. Nó chỉ đơn thuần là câu kể: “Một hôm, nhằm tiết Thanh minh, cả nhà họ Vương ra đồng thăm mộ, rồi luôn dịp dự hội Đạp thanh”. Còn trong tác phẩm của Nguyễn Du, khung cảnh hiện ra đặc biệt sinh động và độc đáo.
Ở đoạn thơ trên, hiện có ba chi tiết có những cách hiểu khác nhau: Tiết tháng ba, như nen.
“Thanh minh trong tiết tháng ba”, Tiết tháng ba có người hiểu là thời gian cả tháng ba. Tức ngày nào của tháng ba cũng thuộc tiết Thanh minh. Sự thực có đúng là như vậy? Trong lịch cổ Trung Quốc, tháng ba có hai tiết là Thanh minh vào đầu tháng và Cốc vũ vào giữa tháng.
Như vậy, Thanh minh là tiết đầu của tháng ba. Thực tế, câu thơ của Nguyễn Du là dịch câu: Thanh minh tam nguyệt tiết.
Người Trung Quốc hiện nay khi nói tiết tháng ba, hay tam nguyệt tiết họ hiểu ngay đó là đầu tháng ba. Vì tiết ở đây là nói tắt hai chữ tiết khí. Mà nói tiết khí là nói thời tiết đầu tháng. Do vậy tiết tháng ba có nghĩa là đầu tháng ba chứ không phải là trong tháng ba như có người vẫn nghĩ.
Tuy nhiên thời nay, do công việc làm ăn xa, nhiều người không về tảo mộ đúng ngày Thanh minh, thậm chí không đúng tiết Thanh minh đầu tháng ba được, nên tự coi tảo mộ trong tháng ba cũng là đúng tiết Thanh minh rồi. Cuộc sống luôn có điều chỉnh, biến đổi để thích ứng.
Câu thơ “Ngựa xe như nước áo quần như nen” tả cảnh sinh hoạt. Trong tiết Thanh minh và hội Đạp thanh, ngựa xe đông đúc nối đuôi nhau đi lại trên đường như dòng nước chảy mãi không hết. Đã vậy, người và xe càng lúc càng đông, càng lúc càng chen chúc giữa khung cảnh mùa xuân trong sáng.
Hiện nay, có một số văn bản Truyện Kiều ghi là áo quần như nêm. Nhưng cũng có bản lại in là áo quần như nen.
Về từ loại, nêm là động từ, chỉ động tác chèn thật chặt một cái gì đó. Nhưng nêm cũng có khi là danh từ, chỉ cái nêm mỏng và cứng.
Trong ngữ cảnh câu thơ này, không thể hiểu nêm là danh từ vì câu thơ miêu tả cảnh con người đang đi lại. Do vậy phải hiểu nêm là động từ, chỉ hiện tượng người tham gia lễ hội cứ thêm mãi vào, càng lúc càng chen chúc trong một không gian chật hẹp. Giống như ông phó cối nêm dăm cối xay thóc chẳng hạn.
Cách hiểu chữ nêm như vậy cũng có thể chấp nhận được khi coi đó là thủ pháp nghệ thuật thậm xưng và tách khỏi văn cảnh. Nhưng khi xét chữ nêm này trong môi trường ngôn ngữ mà nó đang tồn tại, nhất là trong mối tương quan với chữ nước ở vế trước, ta sẽ thấy cách hiểu trên không ổn. Câu thơ “Ngựa xe như nước áo quần như nen” tác giả dùng thủ pháp tiểu đối (đối trong cùng một câu thơ).
Trong nghệ thuật đối, thanh phải ngược nhau. Ở đây chữ nước thanh trắc, chữ nêm thanh bằng. Vậy là đảm bảo. Nhưng trong nghệ thuật đối cũng quy định từ của hai vế phải cùng loại. Ở đây chữ nước là danh từ, chữ nêm là động từ. Rõ ràng không đúng luật đối. Vậy Nguyễn Du không viết câu tiểu đối, hay chúng ta hiểu không đúng câu thơ?
Để hiểu câu thơ, chúng ta bắt đầu xem xét trường hợp từ nen. Từ nen có nghĩa là gì? Nen là một loại cây thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân. Quê Nguyễn Du gọi là cây nen, ở Nam Định gọi là cây năn. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta vẫn thường gặp những cách gọi gần ân như vậy. Chẳng hạn có một loại quả, nơi này gọi là bưởi, nơi kia lại gọi là bòng. Trong thực tế môi trường thiên nhiên, cây nen (năn) thường mọc cùng cây lác, nên người nông dân hay gọi ghép là nen lác (nen lác mọc đầy đồng).
Cây nen có màu xanh đậm, không có cành, không có lá, mọc trong bùn, ngọn cây nhô cao khỏi mặt nước, nhọn như mũi tên, thân rỗng được ngăn thành từng khoang chừng nửa đốt ngón tay. Sức sống của cây này rất khỏe. Nước ngập đến đâu, cây vươn cao đến đấy, có khi dài hàng mét. Vào mùa lụt, hay những nơi hoang hóa, nen tốt bời bời, ken dày trên mặt nước. Mỗi khi có làn gió thổi qua, hàng ngàn, hàng vạn cây nen lắc lư, tạo thành những làn sóng xanh đuổi nhau đến tận chân đê, triền núi.
Trong cái nhìn của Nguyễn Du, người đi tảo mộ và dự lễ hội Đạp thanh tiết Thanh minh cũng thế. Từng đoàn người đông đúc đi lại, chuyển động như những làn sóng tươi vui, náo nức, nối tiếp nhau chạy đến chân trời.
Hiểu chữ nen như vậy, không chỉ cảm nhận được sự hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên với con người trong tiết Thanh minh, mà còn đúng với luật đối của câu thơ nầy nữa.
Chi tiết thoi vàng vó rắc trong câu thơ “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” có người hiểu thoi vàng là một loại mã, trong có khung nan tre, ngoài được bọc giấy màu vàng, dùng để cúng vong linh người quá cố; Vó rắc: Vó là con ngựa khỏe mạnh, chạy nhanh, rắc là động tác rải thoi vàng mã xuống đất dọc đường ngựa chạy. Với cách hiểu này, người đọc hình dung ra cảnh tượng một người ngồi trên lưng ngựa vó, vừa chạy vừa rải những thoi vàng dọc đường đi trong tiết Thanh minh.
Cách hiểu này nếu lướt qua có thể thấy khá thú vị, thậm chí còn lãng mạn nữa. Tuy nhiên, nếu đặt chi tiết này trong mối tương quan với các câu khác trong đoạn thơ, đặc biệt khi hiểu vàng vó là gì, ta sẽ thấy cách hiểu ấy vừa vô lý về thực tiễn, vừa không ổn về nghệ thuật.
Chúng ta biết rằng, khung cảnh ở đây là người người đi tảo mộ trong tiết thanh minh chứ không phải một đám ma. Chỉ trong đám ma, theo tục lệ, người ta mới vừa đi vừa rắc vàng mã để trả lộ phí cho linh hồn người chết trên đường ra nghĩa địa. Còn tảo mộ, người ta chỉ thắp hương, cúng vàng mã ở vị trí của từng ngôi mộ cụ thể đã có trước đó.
Trước câu này, ở câu 49, Nguyễn Du viết: “Ngổn ngang gò đống kéo lên”. Ngổn ngang gò đống là hình ảnh nghĩa địa có nhiều ngôi mộ, ngôi cao, ngôi thấp, ngôi dọc, ngôi ngang. Kéo lên là từng đoàn người đi tảo mộ dẫn nhau lên khu mộ ấy. Khi tới nơi, người ta sắp đồ cúng như: rượu, hương, hoa quả, đồ mã như tiền giấy (tiền âm phủ), thoi vàng v.v… ở các ngôi mộ rồi thực hành nghi lễ cúng khấn.
Về diện tích mỗi ngôi mộ, như mọi người đều biết, không lớn đến mức phải cưỡi ngựa mới rắc được vàng mã xung quanh. Thực tế, nếu người nào đó muốn rắc các thoi vàng mã xung quanh ngôi mộ, chỉ cần cầm trên tay, đi vòng quanh, mất hai ba phút là xong công việc. Vậy hà tất phải ngồi trên lưng ngựa vó để thực hiện một việc giản đơn và dễ dàng đến thế?
Về nghệ thuật, câu thơ này có nghệ thuật tiểu đối. Vế đầu: Thoi vàng vó rắc. Vế sau: tro tiền giấy bay. Ở vế sau có nhịp 3/1 (Tro tiền giấy/ bay). Đây là cảnh người tảo mộ hóa vàng (đốt) tiền giấy. Tiền giấy bị đốt thành tro, và đám tàn tro cùng với khói bay lên theo làn gió thổi.
Như vậy, nếu vế đầu của câu thơ ngắt nhịp 2/2 (Thoi vàng/ vó rắc) để hiểu ngựa vó chạy để rắc các thoi vàng, liệu có đảm bảo nghệ thuật đối với vế sau có nhịp 3/1?
Thực tế, để hiểu nội dung vế đầu câu thơ này rất đơn giản nếu người đọc biết rằng: trong các sản phẩm vàng mã, có một loại thoi vàng gọi là vàng vó (một số nơi gọi là vàng hồ). Quê hương Hà Tĩnh của Nguyễn Du gọi là vàng vó. Sự khác biệt trong cách gọi sản phẩm vàng mã này cũng giống như người miền Bắc gọi là ngô, người miền Nam gọi là bắp vậy.
Từ cách gọi tên loại vàng vó ta thấy, nhịp vế đầu của câu thơ cũng là nhịp 3/1 (Thoi vàng vó/ rắc) và nhịp này tương ứng với nhịp 3/1 của vế sau (tro tiền giấy/ bay).
“Nguyễn Du thuộc dòng dõi quý tộc, là nhà thơ bác học, nhưng ông cũng là người am hiểu sâu sắc cuộc sống thôn quê, cuộc sống bình dân. Vì thế, trong Truyện Kiều, những yếu tố sang trọng, uyên bác cùng với những yếu tố lam lũ, quê mùa nhiều khi được ông vận dụng, kết hợp và chuyển hóa vào tác phẩm rất tài tình. Do vậy, để hiểu thấu đáo Truyện Kiều, rất cần vốn sống không chỉ cao sang, lịch lãm mà nhiều khi cả cần lao, lam lũ nữa. |

Nhà thơ Nguyễn Mỹ cùng quê hương Tuy An (Phú Yên) với tôi. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Đầu năm 1954, rất tình cờ tôi gặp...
Bình luận