"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét"

Nhiều bố mẹ tin rằng việc yêu cầu con nghe lời một cách nghiêm ngặt sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tạo ra nhiều hệ lụy.

Việc nuôi dạy trẻ theo hướng "con phải nghe lời mình"  là một quan điểm phổ biến trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, quan điểm này đang ngày càng gây tranh cãi trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Mặc dù có những lý do chính đáng đứng sau quan điểm này, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Nhiều trẻ em cảm thấy không thể sống theo mong đợi của bố mẹ, dẫn đến tình trạng tâm lý tiêu cực như lo âu, trầm cảm, hay thậm chí nổi loạn. Những trẻ này có thể trở thành “con ngoan ngắn hạn” nhưng lại thiếu khả năng phát triển bền vững trong tương lai.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 1

Ảnh minh họa.

Các bậc phụ huynh cũng nên nhận thức rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc nuôi dưỡng nhân cách và giá trị sống cho trẻ. Bố mẹ có thể hướng dẫn và đưa ra lời khuyên, nhưng việc để trẻ tự quyết định trong một số vấn đề sẽ giúp trẻ cảm thấy có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình.

Phương pháp nuôi dạy con theo kiểu áp đặt có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ. Để nuôi dạy con cái một cách hiệu quả, bố mẹ cần tìm kiếm sự cân bằng, vừa định hướng vừa khuyến khích trẻ phát triển tư duy độc lập. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể trở thành những cá nhân tự tin, sáng tạo và có khả năng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đưa ra những nhận định hữu ích, cũng như giúp bố mẹ tìm kiếm phương pháp nuôi dạy con phù hợp, phát triển lành mạnh hơn.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 2

Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 3

Nhiều người đồng ý rằng câu nói "Bố mẹ là người lớn, cón phải nghe lơi" là câu "cửa miệng" khiến mối quan hệ bố mẹ - con cái tan vỡ? Chuyên gia nghĩ sao về điều này? 

Câu nói “Bố mẹ là người lớn, con phải nghe lời” phản ánh một cách tiếp cận truyền thống trong việc giáo dục con cái, đặc biệt phổ biến trong các nền văn hóa Á Đông, nơi tôn trọng uy quyền của người lớn là giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, việc sử dụng câu nói này quá thường xuyên và cứng nhắc có thể gây ra nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.

Đầu tiên, cách nói này làm mất đi sự tôn trọng và kết nối lẫn nhau: Khi bố mẹ yêu cầu con cái tuân theo mà không giải thích lý do hoặc lắng nghe ý kiến của con, trẻ có thể cảm thấy không được tôn trọng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị xa lánh và khó mở lòng chia sẻ cảm xúc hay suy nghĩ với bố mẹ. Mối quan hệ trở nên một chiều, nơi mà quyền lực thuộc về bố mẹ, còn con cái bị đẩy vào thế bị động.

Tiếp theo, nó gây ra cảm giác áp lực và phản kháng: Khi bị buộc phải nghe lời mà không được giải thích hay thấu hiểu, con cái có thể cảm thấy áp lực và dễ dàng phản kháng, đặc biệt khi đến tuổi dậy thì. Thay vì xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu, câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy bị áp bức và thiếu tự do cá nhân.

Cuối cùng, nó ngăn cản sự phát triển cá nhân và sự tự lập của con cái: Một mối quan hệ gia đình lành mạnh không chỉ dựa trên sự tuân theo mà còn cần khuyến khích sự phát triển tư duy độc lập của con cái. Nếu trẻ chỉ nghe lời mà không được phép tự quyết định hoặc suy nghĩ, chúng sẽ khó phát triển khả năng tự lập và đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân trong tương lai. 

Như vậy, câu nói “Bố mẹ là người lớn, con phải nghe lời” nếu bị lạm dụng có thể phá vỡ mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Thay vào đó, sự tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe và đối thoại nên được xem là những yếu tố quan trọng để xây dựng một mối quan hệ gia đình lành mạnh, nơi trẻ em không chỉ được yêu thương mà còn được phát triển tư duy và nhân cách một cách toàn diện.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 4

Vì sao bố mẹ thường áp lên con những câu nói như vậy? 

Bố mẹ thường áp dụng những câu nói như “Bố mẹ là người lớn, con phải nghe lời” vì nhiều lý do xuất phát từ cả truyền thống văn hóa lẫn tâm lý cá nhân. Xét về sự ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống, chúng ta thấy rằng  trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở các nước châu Á như Việt Nam, tôn trọng quyền uy của người lớn là một giá trị quan trọng.

Bố mẹ được xem là người có kinh nghiệm, tri thức, và quyền lực, và trẻ em thường được khuyến khích tuân theo sự chỉ dẫn của bố mẹ mà không thắc mắc. Những câu nói như vậy phản ánh sự kỳ vọng về sự phục tùng của con cái đối với bố mẹ, xuất phát từ niềm tin rằng bố mẹ luôn biết điều tốt nhất cho con.

Hơn thế nữa, đó có thể là sự kế thừa từ cách nuôi dạy truyền thống của thế hệ trước. Nhiều bố mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy mà họ đã từng trải qua từ chính bố mẹ của mình. Những câu nói như vậy có thể đã ăn sâu vào tư tưởng của họ từ nhỏ, và họ vô thức lặp lại cách tiếp cận này mà không suy nghĩ đến tác động tiêu cực đối với tâm lý con cái.

Xét trên góc độ tâm lý của bố mẹ, cách giáo dục này có thể bắt nguồn từ nỗi lo sợ mất kiểm soát. Bố mẹ thường có tâm lý lo lắng về việc mất kiểm soát đối với con cái, đặc biệt khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành niên.

Trong nỗ lực bảo vệ con khỏi những sai lầm hoặc những quyết định có thể gây hại, nhiều bậc phụ huynh áp dụng cách quản lý nghiêm ngặt và yêu cầu con nghe lời mà không cần giải thích. Điều này đôi khi xuất phát từ sự bất an về khả năng làm bố mẹ hoặc sợ hãi về những nguy cơ từ môi trường bên ngoài. Ngoài ra, nó có thể đến từ việc thiếu kỹ năng giao tiếp và lắng nghe của bố mẹ.

Một số bố mẹ có thể không biết cách truyền đạt suy nghĩ và kỳ vọng của mình một cách khéo léo. Họ cảm thấy rằng việc ra lệnh hoặc áp đặt là cách duy nhất để đảm bảo rằng con cái sẽ nghe lời. Thiếu kỹ năng lắng nghe hoặc thiếu sự kiên nhẫn trong đối thoại có thể dẫn đến việc sử dụng các câu nói quyền lực để nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 5

Nếu trẻ thấy không được lắng nghe trong gia đình, điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý như thế nào?

Như trên có nói, nếu bố mẹ lạm dụng câu nói này, sẽ gây nhiều tác động xấu đến mối quan hệ bố mẹ - con cái, bên cạnh đó, nó còn gây nhiều tác động tiêu cực đối với tâm lý trẻ.

Ví dụ, trẻ có thể hình thành Cảm giác bất lực và tự ti, lo sợ, hành vi kháng cự và nổi loạn, mất đi khả năng tự lập, khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề độc lập hay thậm chí là khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ lành mạnh trong tương lai.

Cụ thể, Việc bị buộc phải tuân theo mà không có cơ hội bày tỏ quan điểm có thể khiến trẻ cảm thấy bất lực, không được tôn trọng và tự ti. Trẻ có thể nghĩ rằng ý kiến và cảm xúc của mình không quan trọng, dẫn đến sự tự ti, mất tự tin trong khả năng tự quyết định.

Trẻ cũng có thể phát triển cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi khi phải đối mặt với các quyết định hoặc tình huống khó khăn, do không được khuyến khích suy nghĩ độc lập. Việc không được trao quyền tự do bày tỏ ý kiến và ra quyết định cũng có thể khiến trẻ luôn lo sợ mắc sai lầm, dẫn đến căng thẳng tâm lý và mất tự tin.

Đồng thời, việc không được khuyến khích tư duy độc lập cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý vấn đề và ra quyết định trong tương lai, khi trẻ không còn phụ thuộc vào bố mẹ nữa. Trong những trường hợp khác, trẻ có thể phản ứng bằng cách nổi loạn và kháng cự lại quyền uy của bố mẹ.

Điều này đặc biệt rõ ràng ở độ tuổi dậy thì, khi trẻ bắt đầu tìm kiếm sự độc lập và khẳng định cái tôi. Sự ép buộc nghe lời mà không có sự lắng nghe và giải thích có thể tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, dẫn đến sự xa lánh và căng thẳng trong mối quan hệ.

Ngoài ra, trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình mà sự tuân thủ và phục tùng được đề cao có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là bạn đời sau này. Trẻ có thể không biết cách giải quyết mâu thuẫn hoặc thể hiện ý kiến một cách hiệu quả, dẫn đến các mối quan hệ không cân bằng và không lành mạnh.

"Bố mẹ là người lớn, nói con phải nghe" - muốn con vâng lời mà nói câu này là "sai bét" - 6

Chuyên gia có thể chia sẻ một số cách giao tiếp hiệu quả, mà bố mẹ có thể sử dụng để tránh tạo ra khoảng cách với con không? 

Để tránh tạo ra khoảng cách với con cái và xây dựng mối quan hệ bền vững, bố mẹ có thể áp dụng những phương pháp giao tiếp hiệu quả để vừa giúp con trưởng thành lành mạnh, vừa kết nối mối quan hệ gia đình.

Một số kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất cần được áp dụng thường xuyên như: Lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi mở, tôn trọng cảm xúc và quan điểm của con, thay vì chỉ trích hay phê phán, bố mẹ nên hướng dẫn và giải thích rõ ràng điều mình mong muốn từ con, đồng thời tránh làm tổn thương cảm xúc của con.

Khi không đồng tình với ý nghĩ hay hành vi của con, bố mẹ cần giải thích lý do và hậu quả của hành vi đó thay vì ra lệnh cho con phải làm điều này, phải làm điều kia. Bởi lẽ, một trong những cách hiệu quả nhất để thể hiện sự tôn trọng và tạo không gian cho con cái chia sẻ là lắng nghe tích cực. Điều này bao gồm việc chú tâm vào những gì con nói, không ngắt lời và thể hiện sự quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con.

Bố mẹ nên đưa ra phản hồi bằng cách nhắc lại những gì con vừa nói để đảm bảo mình hiểu đúng thông điệp của con. Khi đặt câu hỏi với con, thay vì hỏi những câu hỏi có thể trả lời bằng “có” hoặc “không”, bố mẹ nên đặt câu hỏi mở để khuyến khích con bày tỏ ý kiến và cảm xúc. Điều này giúp con phát triển kỹ năng suy nghĩ độc lập và thể hiện rõ ràng hơn suy nghĩ của mình.

Bố mẹ cũng cần thể hiện sự tôn trọng quan điểm và cảm xúc của con, ngay cả khi có sự bất đồng ý kiến. Điều này giúp con cảm thấy được lắng nghe và không bị xem thường. Thay vì bác bỏ, hãy đồng cảm và thừa nhận cảm xúc của con trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình.

Luôn nhớ sử dụng ngôn ngữ tích cực giúp xây dựng không khí giao tiếp thân thiện và dễ chịu hơn, đồng thời, trao cho con quyền ra quyết định trong những vấn đề nhỏ hoặc liên quan đến chính con sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tự lập và cảm giác được tôn trọng. Điều này cũng giúp trẻ hiểu rằng mình có trách nhiệm với quyết định của mình. Một điều quan trong khác nữa mà bố mẹ cần học và hành nghiêm túc là Sẵn sàng nhận lỗi khi sai.

Bố mẹ không phải lúc nào cũng đúng, và việc thừa nhận sai lầm trước con cái là một cách tuyệt vời để dạy con về lòng khiêm tốn và sự chân thành. Điều này cũng làm gương cho con về cách giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực. Tránh phán xét con quá gay gắt hoặc so sánh con với người khác, vì nó làm con cảm thấy mình không đủ tốt. Thay vì so sánh, hãy tập trung vào những điểm mạnh của con và khuyến khích con phát triển khả năng cá nhân.

Tóm lại, để xây dựng một mối quan hệ bố mẹ - con cái gắn kết và hiệu quả, điều quan trọng là tạo không gian cho sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại mở. Khi bố mẹ áp dụng các phương pháp giao tiếp tích cực, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu, từ đó giảm thiểu nguy cơ tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khát vọng trường tồn

Khát vọng trường tồn

So với sự trường tồn của thiên nhiên và vũ trụ thì sự tồn tại của cuộc sống mỗi con người trên thế gian thật là ngắn ngủi. Dân gian thường nói: "Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ". Mà cuộc sống thì dẫu khổ cực đến đâu cũng vẫn đáng sống. Vì vậy, mong muốn kéo dài cuộc sống, khát vọng trường tồn luôn đeo đẳng cuộc đời mỗi con người và là ước mơ của cộng đồng người

Nhớ thời đầu nhập ngũ

Nhớ thời đầu nhập ngũ

Cách đây 61 năm, ngày 10/4/1963, tôi tạm biệt Phòng Kế toán Cửa hàng Than củi Lán Bè, Hải Phòng đi nghĩa vụ quân sự.

Vĩnh biệt tác giả tiểu thuyết

Vĩnh biệt tác giả tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma"

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường - tác giả tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" đã qua đời lúc 11h40 ngày 2/10, hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng vào hồi 9h15 ngày 8/10/2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10h30 ngày 8/10/2024.