Chàng trai 10X trồng hoa dại, biến ban công thành “biển hoa rực rỡ”, chỉ cần ngẩng đầu là thấy mùa hè
Khi nhìn thấy “cửa sổ hoa” tuyệt đẹp ấy, nhiều cư dân mạng bình luận: “Đẹp quá, ngẩng đầu lên là thấy mùa hè đến sống trong nhà bạn rồi. Không còn là phòng giam, mà giống như một giỏ hoa vậy”, “Thật sự quá đẹp! Đây chính là giấc mơ thời thơ ấu của tôi”,…
Trên ban công của nhiều gia đình thường có lắp lan can hoặc khung sắt bảo vệ, mục đích là để tránh tai nạn té ngã, đề phòng vật thể rơi từ trên cao gây nguy hiểm và ngăn chặn trộm cắp. Do đó, người ta còn gọi đó là “cửa sổ chống trộm”.
Thế nhưng, thứ tưởng chừng như để bảo vệ con người ấy, trong mắt một chàng trai 10X ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) lại giống như một “nhà tù”. Anh cho biết, sống trong một ngôi nhà như vậy khiến anh cảm thấy bị giam cầm.
Để thay đổi điều đó, anh đã trồng rất nhiều hoa bìm bìm bên trong khung sắt của ban công. Nhờ đó, nơi từng bị ví như “song sắt nhà tù” giờ đã biến thành “cửa sổ hoa đẹp nhất” và anh cũng trở nên nổi tiếng vì điều này.
Khi nhìn thấy “cửa sổ hoa” tuyệt đẹp ấy, nhiều cư dân mạng bình luận: “Đẹp quá, ngẩng đầu lên là thấy mùa hè đến sống trong nhà bạn rồi. Không còn là phòng giam, mà giống như một giỏ hoa vậy”, “Thật sự quá đẹp! Đây chính là giấc mơ thời thơ ấu của tôi”,…
Làm sao để trồng hoa bìm bìm trên ban công?
Hoa bìm bìm vốn là một loại hoa dại, thuộc họ Convolvulaceae, nhưng ngày nay đã “lên đời” làm cây cảnh. Hoa bìm bìm có rất nhiều loại khác nhau như bìm bìm lá tròn, bìm bìm hoa lớn, bìm bìm lá xẻ, bìm bìm cánh kép, bìm bìm ba màu, bìm bìm hình kèn, bìm bìm xanh lam, bìm bìm lùn, hay bìm bìm lá tim,…
Trong số đó, bìm bìm hoa lớn có lá và hoa rất to, nếu trồng ở ban công có thể khiến không gian trở nên rậm rạp, cản trở ánh sáng mặt trời. Bìm bìm cánh kép lại khá hiếm, hoa của chúng có hình dáng giống như hoa hồng, màu sắc rực rỡ và rất bắt mắt. Loài này có thể trồng bằng cả hạt giống lẫn giâm cành nên rất phù hợp với không gian ban công.
Còn chàng trai 10X kia đã chọn trồng giống bìm bìm lá tim. Lá cây có hình trái tim, hoa màu hồng nhẹ, khi kết hợp với tán lá xanh tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Dưới đây là cách trồng và cách chăm sóc chi tiết hoa bìm bìm:
Hoa bìm bìm cánh kép.
- Chậu trồng và đất trồng
Để tạo ra một “cửa sổ hoa” đẹp, điều quan trọng là phải chọn được giống phù hợp, sau đó chuẩn bị chậu và đất trồng đúng cách. Chậu nên là loại to, vì hoa bìm bìm có tán lá dày, ra nhiều hoa. Tốt nhất là chọn chậu có đường kính từ 20 đến 30 cm, và mỗi chậu chỉ trồng một cây để đảm bảo cây có đủ không gian phát triển.
Ngoài kích thước chậu, đất trồng cũng rất quan trọng. Nên chọn loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Có thể dùng hỗn hợp gồm phân hữu cơ đã ủ hoai, đất mùn từ lá cây mục và đất than bùn. Để tăng khả năng thoát nước, bạn nên trộn thêm một ít cát sông, giúp đất thông thoáng và tránh úng nước sau khi tưới.
- Gieo hạt
Trước khi cho đất vào chậu, bạn nên lót dưới đáy chậu một lớp vật liệu thoát nước như mảnh gạch vụn hoặc lưới cũ để hạn chế thất thoát đất và phân bón. Sau đó, cho đất vào chậu, cách miệng khoảng 3 cm, rồi dùng tay nén nhẹ cho đất ổn định. Ở giữa chậu, đào một lỗ nhỏ sâu khoảng 3 cm, đặt hạt giống hoa bìm bìm vào rồi lấp đất lại. Cuối cùng, dùng bình xịt phun nước đều để đất ẩm đều.
Khi nhiệt độ duy trì quanh mức 15 độ C, hạt sẽ nảy mầm sau khoảng 15 đến 20 ngày. Nếu thời tiết lạnh, bạn có thể phủ một lớp nilon mỏng lên mặt đất để giữ ấm, giúp hạt dễ nảy mầm hơn.
- Tưới nước và bón phân
Để trồng hoa bìm bìm tốt, bạn cần chú ý đến việc tưới nước và bón phân đúng cách. Hoa bìm bìm là loài cây ưa ẩm, đặc biệt trong giai đoạn sinh trưởng thì tuyệt đối không được để đất bị khô. Mỗi khi thấy đất bắt đầu khô bề mặt, cần kịp thời tưới đẫm nước để duy trì độ ẩm ổn định. Tuy nhiên, dù cây ưa nước, cũng không được để đất bị đọng nước. Nếu đất bị ngập nước trong 1–2 ngày, rễ sẽ rất dễ bị thối, dẫn đến cây bị chết.
Ngoài tưới nước, việc bón phân đều đặn cũng rất quan trọng để thúc đẩy cây phát triển. Khi cây còn nhỏ, bạn nên dùng các loại phân có hàm lượng đạm cao để kích thích sự phát triển của thân và lá. Giai đoạn này, nên bón phân khoảng 7 đến 10 ngày một lần.
Khi cây bắt đầu ra nụ, cần chuyển sang dùng phân chứa nhiều lân và kali như phân kali dihydrophosphat hoặc phân Huaduoduo số 2. Loại phân này giúp cây ra hoa nhiều và bền màu. Cách sử dụng là pha loãng với nước ở nồng độ khoảng 0,2%, bón 10 - 15 ngày/lần. Chỉ cần bón 2 đến 3 lần theo cách này, bạn sẽ thấy hoa nở rực rỡ, phủ kín cả khung cửa sổ.
Làm thế nào để tạo nên “cửa sổ hoa” bìm bìm đẹp nhất?
Muốn tạo nên một “cửa sổ hoa” rực rỡ với hoa bìm bìm, ngoài việc chăm sóc đúng cách như đã nói ở trên, bạn còn cần thực hiện việc cắt tỉa và dẫn dây để cây có thể leo kín cửa sổ và phủ đầy ban công bằng hoa.
- Cắt tỉa
Việc cắt tỉa hoa bìm bìm nên được tiến hành khi cây con cao khoảng 10 đến 15 cm. Lúc này, bạn cần bấm ngọn và ngắt chồi non để kích thích cây mọc ra nhiều nhánh bên. Càng nhiều nhánh, cây sẽ càng dễ dàng leo rộng và che phủ hết khung cửa.
Khi những cành mới mọc dài khoảng 10 cm, bạn tiếp tục bấm ngọn một lần nữa. Cứ thực hiện liên tục như vậy, một cây con ban đầu sẽ nhanh chóng phát triển thành một mạng lưới dây leo xanh tốt, bao phủ toàn bộ cửa sổ.
Bên cạnh việc cắt tỉa, bạn cũng cần thường xuyên bón phân. Giai đoạn đầu nên sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm cao để thúc đẩy cây phát triển thân lá mạnh mẽ. Khi dây leo đã phủ kín khung cửa, bạn chuyển sang sử dụng phân có hàm lượng lân và kali cao như phốt phát kali hoặc Huaduoduo số 2, nhằm kích thích cây ra nhiều hoa, giúp cửa sổ ngập tràn sắc màu.
- Dẫn dây và làm đẹp khung hoa
Ngoài việc bấm ngọn và ngắt chồi lặp lại nhiều lần, bạn còn cần tiến hành dẫn dây thủ công để điều hướng các nhánh mới mọc. Mục đích là giúp những cành non lan tỏa đến những khu vực còn trống, nơi chưa có cành hoặc hoa, để toàn bộ khung cửa đều được bao phủ bởi dây và hoa bìm bìm. Khi làm tốt việc này, bạn sẽ thật sự đạt được hiệu ứng “hoa phủ kín cửa sổ”.
Trong quá trình dẫn dây, cần thao tác nhẹ nhàng và cẩn thận, vì những cành mới mọc rất non và dễ gãy. Nếu kéo mạnh tay, bạn có thể làm gãy hoặc làm tổn thương cành, ảnh hưởng đến sự phát triển và ra hoa sau này.
Khi đã làm xong tất cả các bước, từ chọn giống, chăm sóc, bấm ngọn, bón phân, đến dẫn dây, việc cuối cùng chỉ còn là chờ hoa nở. Nghĩ đến khoảnh khắc “cửa sổ hoa” dần thành hình, lòng người đã cảm thấy rộn ràng, háo hức và đầy mong đợi rồi phải không?
Bình luận