Cuối tuần làm mẹt lợn mán ngon quên lối về, cả nhà xuýt xoa khen mãi
Nếu chưa nghĩ ra món gì để chế biến vào cuối tuần đãi cả nhà hoặc khách tới chơi, các bạn hãy tham khảo mẹt lợn mán dưới đây nhé!
Cuối tuần là dịp lý tưởng để cả nhà quây quần bên mâm cơm đủ vị, đủ màu. Nếu bạn đang tìm kiếm một thực đơn vừa đậm đà, vừa lạ miệng nhưng vẫn gần gũi, mẹt lợn mán dưới đây của chị Vũ Thu Hương sẽ là gợi ý hoàn hảo. Từ bắp giò hấp mềm ngọt đến giả cầy rựa mận thơm nồng, thêm chút măng nhồi thịt, rau luộc thanh mát và cơm cháy giòn rụm, tất cả tạo nên một bữa ăn tròn vị, đầy ấm cúng và hấp dẫn cho những ngày cuối tuần sum vầy.
Mẹt gồm các món:
- Bắp giò lợn mán hấp.
- Giả cầy rựa mận.
- Măng nứa nhồi thịt.
- Rau củ quả luộc.
- Cơm cháy gạo lứt chà bông.
- Bún & rau thơm ăn kèm.
Mẹt lợn mán ngon mê.
Cách làm một số món ăn trong mẹt lợn mán:
1. BẮP GIÒ LỢN MÁN HẤP
Bắp giò lợn mán lọc bỏ xương rồi dùng dây dù hoặc len cuộn lại. Cho bắp giò vào xửng hấp cùng với vài củ sả, lát riềng. Hấp đến khi bắp giò chín thì cho ra, để gần nguội thì bọc màng bọc lại rồi để vào ngăn mát khoảng 1 tiếng cho thịt chặt lại rồi đem thái miếng vừa ăn.
2. GIẢ CẦY
Nguyên liệu:
- Móng giò lợn mán, riềng, mẻ, sả, mắm tôm, bột nghệ, gia vị.
Cách làm:
- Muốn làm món này ngon, trước tiên khâu chọn móng giò rất quan trọng. Nên chọn móng của con lợn vừa phải. Móng của lợn to quá sẽ bị cứng. Ngoài ra, nên chọn móng của chân giò trước của con lợn do chân trước hoạt động nhiều hơn chân sau vì thế có nhiều gân hơn. Điều đó đồng nghĩa thịt nó mỏng và ít hơn chân sau nhưng hương vị lại có chút tinh thế hơn, thanh hơn, ngọt và hơi giòn nên phù hợp làm món giả cầy.
- Bên cạnh đó, chân giò mua về nên đem đốt cho sém vàng chứ không nên rửa sạch rồi nấu ngay. Việc đốt cho sém như vậy vừa làm chân giò sạch lông hơn, thơm hơn và da cũng giòn hơn. Bạn có thể dùng đèn khò, đốt trên bếp ga, hay bọc giấy vào đốt. Nếu có rơm đốt thì tốt nhất.
- Sau khi đốt xong thì đem móng cạo, rửa lại cho sạch rồi chặt miếng bằng bao diêm.
- Riềng, sả băm nhỏ. Cho vào âu móng giò cùng với thịt cùng mắm tôm, mẻ, chút bột nghệ, chút muối trộn đều. Ướp trong vòng 30 đến 45 phút cho thịt ngấm gia vị. (Lưu ý, tùy khẩu vị mà điều chỉnh gia vị, có người thích cho mật mía, có nơi thì cho thêm tiết, có nơi không cho mẻ...).
- Sau khi ướp xong, cho móng giò vào nồi, bật bếp, đảo cho săn lại. Sau đó cho nước ngập 2/3 mặt móng giò, ninh đến khi chín mềm là xong.
Như vậy đã có nồi giả cầy vừa mềm lại có chút dai dai thơm thơm để thưởng thức cùng cơm hoặc bún rồi!
3. MĂNG NHỒI THỊT HẤP
Chuẩn bị: Măng nứa, thịt băm, nhọc nhĩ, hành lá, rau răm (tùy khẩu vị), muối, dầu ăn.
Cách làm:
Dùng dao khoét lõi bên trong của ngọn măng nữa. Thịt băm trộn với mộc nhĩ đã ngâm nở mềm và băm nhỏ, hành lá thái nhỏ, rau răm thái nhỏ, xíu muối. Nhồi thịt vào trong giữa các ngọn măng. Xếp măng vào nồi, đổ thêm nước nóng vào, thêm chút dầu ăn rồi đun cho đến khi sôi. Hạ lửa, nấu đến khi thịt chín, măng mềm. Bạn cũng có thể hấp cách thủy nhưng cách này măng ngấm thêm dầu ăn sẽ ngon mềm hơn.
4. CỦ QUẢ HẤP
Cho cà rốt, quả lặc lè, súp lơ vào xửng hấp. Đun sôi rồi hấp thêm khoảng 4-5 phút là được.
Chúc các bạn thành công!
Bình luận