"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng

Dạy trẻ "đánh chừa", câu nói quen thuộc khiến con học cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng nhiều bố mẹ Việt vẫn đang áp dụng.

Trong văn hóa Việt Nam, việc giáo dục con cái thường gắn liền với trách nhiệm và lòng tự trọng. Bố mẹ thường mong muốn con cái phải tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ mắc lỗi, thay vì khuyến khích nhận trách nhiệm, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác. Điều này có thể xuất phát từ tâm lý bảo vệ con, mong muốn con không bị tổn thương hay bị đánh giá xấu.

Rất nhiều lần, người lớn khi trẻ còn nhỏ thì dạy "đánh chừa", hay tìm những lý do đổ lỗi tương tự, nhưng khi trẻ lớn lên bướng bỉnh và không chịu nhận lỗi khi làm sai, thì lại dạy dỗ bằng đòn roi.

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 1

Ảnh minh họa.

Điều này tạo ra một mâu thuẫn lớn trong giáo dục, vì trẻ không chỉ học từ lời nói mà còn từ hành động và cách ứng xử của người lớn. Khi trẻ nhỏ, có thể dễ dàng nhận thấy sự không công bằng trong cách mà bố mẹ hoặc người lớn phản ứng đối với những sai lầm của mình.

Sự thiếu nhất quán trong cách giáo dục này có thể dẫn đến việc trẻ cảm thấy hoang mang và không hiểu được giá trị của việc nhận lỗi.

Khi lớn lên, trẻ có thể hình thành thói quen đổ lỗi cho người khác hoặc hoàn cảnh xung quanh thay vì đối mặt với sai lầm của chính mình.

Hơn nữa, việc giáo dục bằng đòn roi không chỉ không hiệu quả mà còn gây tổn thương tâm lý cho trẻ, khiến chúng trở nên sợ hãi, khép kín và không dám chia sẻ những sai lầm của mình với người lớn.

Điều quan trọng nhất mà cả trẻ em và người lớn cần nhìn ra đó là nguyên nhân và trách nhiệm của bản thân đối với các hành vi của mình. Khi trẻ hiểu rằng mỗi hành động của mình đều có hậu quả, sẽ có động lực để suy nghĩ kỹ lưỡng hơn trước khi hành động, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong việc nhận lỗi khi cần thiết. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chị gợi ý thêm một số giải pháp, bố mẹ có thể tham khảo.

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 2

Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi.

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 3

Chuyên gia nghĩ thế nào về Văn hóa "đánh chừa" ở nhiều gia đình? Vì đâu nhiều bố mẹ Việt vẫn áp dụng cách này khi dạy con? 

Mỗi khi trẻ bị té ngã, bị đau thì ngay lập tức sẽ được ông bà bố mẹ “đánh chừa” cái làm trẻ đau. Đây là một thực tại rất phổ biến trong việc chăm sóc, giáo dục con ở Việt Nam.

Gần như mọi người nhìn người khác làm, rồi cũng làm theo và rồi thành thói quen và không suy nghĩ nhiều về nó nữa, coi nó như một việc bình thường trong giáo dục con trẻ.

Tuy nhiên, khi dùng cách này thường xuyên như vậy sẽ không tốt cho việc phát triển tâm lý tích cực ở trẻ, đặc biệt là việc không thừa nhận trách nhiệm của mình mà đổ lỗi cho người khác, vật khác hay việc khác, dẫn đến khó khăn trong việc rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân khi trưởng thành.

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 4

Có những câu nói nào thường khiến trẻ học cách đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì nhận trách nhiệm? 

Trong gia đình Việt Nam, một số câu nói phổ biến có thể ảnh hưởng đến cách trẻ em học về trách nhiệm và đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì tự nhận trách nhiệm như: “Tại mẹ không để ý mà con bị đau như vậy.” Câu này dạy trẻ rằng hành động của người khác có thể là nguyên nhân chính cho vấn đề của mình, thay vì tự chịu trách nhiệm.

“Không sao đâu, con còn nhỏ mà, đâu có biết gì.” Câu này vô tình truyền đạt rằng tuổi tác hoặc giai đoạn phát triển là lý do để không cần chịu trách nhiệm về hành động của mình.  

"Lỗi không phải của con, tại đồ chơi hỏng nên con mới bực.” Điều này khiến trẻ dễ đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài thay vì học cách kiểm soát cảm xúc và phản ứng của mình. 

“Con là đứa ngoan mà, chắc là tại ai đó làm con nổi nóng.” Câu này có thể khuyến khích trẻ nghĩ rằng lỗi luôn là của người khác, chứ không phải do cách mình xử lý tình huống.

Những câu nói này, dù mang tính an ủi và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, có thể vô tình tạo nên thói quen đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm. Việc khuyến khích trẻ phản ánh về hành động và hiểu rõ sự tác động của hành động mình lên tình huống là rất quan trọng trong việc phát triển trách nhiệm cá nhân.

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 5

Ngay chính bố mẹ có cần thay đổi phương pháp giáo dục không? Và nên thay đổi thế nào?

Khi bố mẹ nhận thấy mình đang sử dụng những câu nói tương tự như vậy, vô tình khuyến khích con không chịu trách nhiệm cho mình thì cần thiết có sự thay đổi càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, khi nhận thấy trẻ không sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của mình thì bố mẹ nên thay đổi phương pháp giáo dục của mình.

Khi bố mẹ thường xuyên dùng những câu nói khuyến khích việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, trẻ có thể phát triển thái độ không chịu trách nhiệm và không học được kỹ năng giải quyết vấn đề. Việc này có thể dẫn đến các hệ quả tiêu cực trong tương lai như thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, sự trì trệ trong việc tự hoàn thiện bản thân, và khó khăn trong việc đối diện với thử thách. 

"Đánh chừa" - Cách dạy khiến con "hư", thiếu trách nghiệm, nhưng đến 99% bố mẹ Việt nghĩ làm đúng - 6

Có những hoạt động nào trong gia đình giúp củng cố bài học về việc không đổ lỗi? khuyến khích trẻ nhận trách nhiệm?

Để giúp trẻ học cách chịu trách nhiệm với những suy nghĩ và ứng xử của mình, tôi gợi ý một vài cách thức giúp bố mẹ củng cố bài học về việc không đổ lỗi với con cái như sau:

Khuyến khích trẻ nhận thức và phản ánh về hành động của mình: Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu và xem xét hậu quả của hành động.

Ví dụ, thay vì nói “Tại bạn kia mà con bị thế này,” bố mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ xem con làm như vậy thì điều gì sẽ xảy ra?”

Dạy kỹ năng tự quản lý cảm xúc: Khi trẻ gặp phải tình huống khó khăn, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cảm xúc, như hít thở sâu hoặc suy nghĩ trước khi phản ứng. Điều này giúp trẻ học cách bình tĩnh giải quyết vấn đề thay vì tìm cách đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài.

Thay đổi ngôn ngữ khuyến khích trách nhiệm: Thay vì nói “Chắc con mệt nên mới làm thế,” bố mẹ có thể chuyển sang câu như “Con có thể làm gì khác khi cảm thấy mệt?” Điều này dạy trẻ rằng dù trong hoàn cảnh nào, bản thân vẫn có khả năng điều chỉnh hành động.

Tạo ra môi trường khuyến khích sự tự chủ và học hỏi từ sai lầm: Bố mẹ khuyến khích trẻ thảo luận về những sai lầm của mình một cách cởi mở và xây dựng, thay vì tạo cảm giác tội lỗi hay sợ hãi. Điều này giúp trẻ tự tin hơn trong việc đối diện và sửa chữa lỗi lầm.

Gương mẫu trách nhiệm cá nhân: Bố mẹ cần làm gương cho con bằng cách nhận trách nhiệm về hành động của chính mình. Điều này sẽ giúp trẻ thấy rằng việc nhận trách nhiệm là điều bình thường và cần thiết.

Như vậy, thay đổi phương pháp giáo dục để khuyến khích trẻ nhận trách nhiệm không chỉ giúp phát triển tính cách tốt mà còn giúp trẻ hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, có một cách thức ứng phó tốt với những sự kiện xảy đến trong cuộc sống của trẻ.

Thi Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm bộ sưu tập sơn mài Hùng Khuynh: Cuộc đối thoại giữa các thời đại và ý niệm

Triển lãm bộ sưu tập sơn mài Hùng Khuynh: Cuộc đối thoại giữa các thời đại và ý niệm

Là tác giả được biết đến với nhiều bức sơn mài chứa đựng tính dân gian, họa sĩ Hùng Khuynh luôn quan niệm nghệ thuật là nhịp cầu nối liền thời gian, từ cội nguồn dân gian, ông tìm về với những giá trị văn hóa đã được khắc sâu trong tâm hồn của dân tộc qua bao thế hệ. Với ông, dân gian không chỉ là quá khứ, mà còn là dòng chảy sống động qua từng nét vẽ, từng lớp màu.