Loại hình nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn
Trong bối cảnh thời đại đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam, khi mà tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) trở nên phổ biến, đa số thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng; những tệ bệnh lạm dụng chức quyền để tham nhũng, hối lộ, nịnh trên nạt dưới trong chính trường; lách luật để dối trá thủ đoạn trong thương trường; lật mặt, xảo trá để cưỡng từ đoạt lí trong tình trường và các mối quan hệ… đang nhan nhản, khó kể hết và khó khống chế nổi, thì việc tạo dựng một hình mẫu nhân vật lí tưởng quả thực rất khó, rất hiếm.
Thế nhưng điều đó không phải là không thể làm được. Thời thế tạo anh hùng vốn là lẽ muôn thuở. Và ước mơ của toàn xã hội về những người có đủ tâm tài, nổi bật trong suy nghĩ và hành động, nghiêm túc và nhiệt huyết với đất nước, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ mới của công chúng hiện đại vẫn luôn thôi thúc những người cầm bút có trách nhiệm. Chỉ có điều, những hình mẫu nhân vật lí tưởng trong tiểu thuyết đương đại không là đối tượng minh họa thuần túy cho những tư tưởng triết luận của nhà văn hay làm loa phóng thanh cho những quan điểm chính trị khô khan mà đã được xây dựng chân thực, sinh động, cởi mở và có chiều sâu, khác với thời kỳ trước đây.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Ảnh: Trung Hiền
Loại hình nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn
Về loại hình nhân vật lí tưởng, theo một số quan điểm của lí luận văn học trước đây, nhân vật lí tưởng rất hiếm trong văn học, khi phải đạt được những chuẩn toàn vẹn về đạo đức, lối sống, phải tiêu biểu và đại diện cho ước mơ khát vọng lớn lao nhưng cũng rất thực tế của toàn xã hội trong từng thời kỳ nhất định. Đặc biệt, trong hoàn cảnh xã hội, thời đại có những vấn đề khủng hoảng nghiêm trọng về đức tin, về chân lý, về các chuẩn mực đạo đức, về khuynh hướng phát triển…, đã có những “người hùng” thực sự có tài năng, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh vì những sứ mệnh lớn lao, tạo nên những bước ngoặt lịch sử có tính quyết định cho số phận dân tộc. Lịch sử nhân loại thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã và đang được chứng kiến điều đó. Chân dung của họ đã được ghi lại qua các tự truyện hoặc được các nghệ sĩ chấp bút để tái hiện lại thật sinh động và hấp dẫn qua các tác phẩm văn học.
Hình tượng nhân vật lý tưởng đã từng xuất hiện trong văn học lãng mạn phương Tây thế kỉ XIX gắn liền với tên tuổi các nhà văn như Alfred de Musset (1810 - 1857), George Sand (1804 - 1876), Victor Hugo (1802 - 1885)… Đó là những nhân vật có tâm hồn thánh thiện, giàu lòng thương người và sẵn sàng hi sinh vì chân lý thời đại như: nhân vật Quasimodo trong tiểu thuyết “Nhà thờ đức bà Paris”, Jean Valjean trong “Những người khốn khổ”, Hernani trong kịch “Hernani”… Tuy chưa hẳn đã thỏa mãn với công chúng, nhưng qua đó các tác giả đã mang đến cách nhìn mới về cuộc sống và con người, đề cao tình thương, lòng bác ái trong xã hội, phù hợp với ước mơ của nhân loại tiến bộ.
Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.
Ở Việt Nam, văn học thế kỷ XX, XXI đã bước đầu xây dựng được một số chân dung nhân vật lý tưởng để lại được ấn tượng đẹp trong lòng công chúng như hình ảnh Hồ Chí Minh, hình ảnh Đức Phật... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi khái quát lại một số những hình mẫu tiêu biểu về nhân vật lí tưởng trong một số lĩnh vực cụ thể ở các tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn.
Hình mẫu nhân vật lí tưởng trong chính trường
Trước hết đó là nhân vật Tổng Bí thư trong Lửa đắng, một nhân vật mang tầm cỡ quốc gia chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề chiến lược, vĩ mô thuộc phạm trù quốc gia, lần đầu tiên có mặt trên văn đàn Việt. Nguyễn Bắc Sơn đã xây dựng nhân vật chính khách số một quốc gia này trong cơn vặn mình, lột xác dữ dội của công cuộc đổi mới với bao biến cố, áp lực lớn không kém phần oái oăm. Khác với vẻ ngoài trau chuốt, cầu kì bóng bẩy, tung hô đón rước “làm màu chính trị” quá mức của nhiều quan chức thời đổi mới thích khoe hình thức để PR bản thân, vị Tổng Bí thư rất giản dị ngay trong cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt thành phố Thanh Hoa về những tiêu cực trong quản lý đất đai. Ngay trong cuộc họp “mà các vị chủ nhà thấy căng thẳng, nặng nề”, “không vòng vo. Ông đi thẳng vào việc” (tr.177): “Chúng ta trao đổi tranh luận. Chúng ta đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng. Các đồng chí phải phát biểu chính kiến của mình… Nếu không có ý kiến gì, thì coi như đồng ý với ý kiến của tôi. Tôi sẽ kết luận” (tr.181). Quan điểm làm việc với “các đồng chí chưa bị lộ” trong cuộc họp của vị chính khách đặc biệt đó là “nhìn thẳng vào sự thật, cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần đồng chí, tinh thần cộng sản” (tr.178).
Chính vì thế, bên cạnh sự kiên nhẫn lắng nghe đến mức có thể, ông đã tung ra những câu hỏi “trực diện - sau này có người gọi là những câu hỏi chết người” (tr.187) rất thẳng thắn cắt ngang những diễn giải vòng vo “đánh lạc hướng” hay “tự phê bình” mủi lòng: “thế có cách nào hay hơn không?”, “nhưng tôi chưa thấy nói đến việc tiêu cực, bất hợp lý trong việc cấp đất này? Báo chí đã nêu ra đấy”, “Chắc trong bụng các đồng chí đã có câu trả lời, rằng không có tiêu cực gì đâu, nếu có, đã có người kiện cáo, rằng chỉ có thể là nhầm lẫn sai sót chứ gì” (tr.184)… “Không một ai trong các đồng chí ngồi đây, không một ai trong bộ máy công quyền chúng ta công nhận sự thật này: còn cơ chế xin cho thì còn hối lộ. Từ vấn đề của cơ chế, ông nhìn thẳng vào tệ bệnh của mỗi ngành “Cái dở của tòa án chúng ta… là trọng chứng hơn trọng cung. Không ai nhận quà biếu mà lại đi ký nhận. Nếu muốn bảo vệ ai đó, cơ quan điều tra hoặc tòa án chỉ cần đưa ra kết luận: không có căn cứ để buộc tội nhận hối lộ. Thế là xong. Tôi không loại trừ chính các cơ quan này cũng có những con sâu, thậm chí sâu róm, được hối lộ nên ỉm đi nhiều vụ, làm nhẹ đi nhiều vụ” (tr.186). Từ trao đổi trong cuộc họp, Tổng Bí thư thể hiện những bức xúc trong công tác tổ chức cán bộ rất vô tổ chức: “rất nhiều việc tổ chức nhân sự, người ta cứ làm theo con đường… nào ấy, không ai giải thích được, trừ các bố tổ chức” (tr.184), hay day dứt trước sự trù dập trả thù những người dám đấu tranh chống các thủ đoạn xã hội đen trong tiêu cực đất đai: “nó dùng luật rừng, tức là luật pháp của chúng ta, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở chỗ các đồng chí, ở cả Trung ương nữa, chưa đủ mạnh” (tr.193)…
Sau ngày làm việc nặng nề với lãnh đạo thành phố Thanh Hoa, “ông nán lại đợi một người, mà câu chuyện của người này, theo kênh báo chí đến tai ông, làm ông thích thú” (tr.199). Thái độ của vị chính khách số một đầy thiện chí và tôn trọng, lời nói cởi mở và hưng phấn: “vừa nắm tay, vừa kéo anh ngồi vào ghế bên cạnh, đoạn ông xoay ghế lại… đặt bàn tay phải lên vai anh, vỗ nhẹ: Đồng chí Kiên bao nhiêu tuổi nhỉ?... Thế hả… Còn được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nhiều lắm - Ông nhìn thẳng vào mắt anh, giọng phấn chấn - Tôi đã nghe nhiều về đồng chí. Được lắm! Hay lắm! Đồng chí gửi đề án cải tiến phương thức lãnh đạo ở quận mình lên… cứ đề Văn phòng Tổng Bí thư”. Vẫn những tác phong giản dị, cử chỉ thân mật và bình đẳng của một người lính già với những người lính trẻ: “tay phải đưa ra bắt, tay trái vỗ nhẹ mấy cái vào vai Kiên. Mắt hấp háy cười. Miệng cười. Ông vừa cười vừa nói - với mọi người xung quanh: Đây là nhân tố mới của Đảng. Cái quý nhất là dám phá bỏ phương thức cũ, lề thói cũ…”. Để biết dân chửi như thế nào, ông phải ép Kiên phải nói trước cuộc họp “bây giờ tôi không yêu cầu, mà ra lệnh, đồng chí phải báo cáo với tôi. Rõ chưa?”. Để rồi khi nghe “Họ bảo… mất mùa đổ tại thiên tai. Được mùa bởi tại thiên tài Đảng ta”, ông đã lặng người trong chua xót chia sẻ với cấp dưới: “cái kém cỏi nhất, vô lí nhất của chế độ, của cả hệ thống chính trị nước ta là chế độ trách nhiệm. Sai thì chẳng biết quy kết cho ai. Chỉ nhận khuyết điểm trên giấy. Còn thành tựu vinh quang thì kéo về mình” (tr.226).
Tổng Bí thư chỉ ra điểm yếu cơ bản, có tính sống còn của hệ thống chính trị mà từ trước đến nay ai cũng hiểu, chỉ là không dám nói, không thể nói: “điểm yếu nhất của hệ thống chính quyền nước ta, ấy là sự không khoa học trong thể chế vận hành, nhất là cơ chế tổ chức giám sát, dẫn đến hậu quả tất yếu, là sự kém hiệu lực của hệ thống chính quyền. Một cái chết nữa là phẩm chất đạo đức của đội ngũ. Quái lạ, muốn có chức, có quyền, lại muốn giàu nữa thì làm thế nào được” (tr.217). Chính vì thế, không để Kiên vận động trong đơn độc, Tổng Bí thư còn cử ông Trịnh Trân về làm Bí thư Thanh Hoa với những chỉ đạo thật mạnh mẽ: “Nếu chưa có cơ sở để tin ai thì, hãy tin vào linh cảm của mình - Ông dừng lại như cân nhắc rồi nói tiếp - Đồng chí có quyền như một thủ tướng chọn các bộ trưởng. Tôi sẽ yêu cầu bên tổ chức tôn trọng ý kiến đồng chí. Nhưng đồng chí phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Tôi hoàn toàn tin vào sự khách quan và trung thực của đồng chí” (tr.216). Quyết liệt hơn, ông còn yêu cầu ông Trân phải thẳng tay: “Đồng chí hãy kiên quyết tháo khớp những đốt nào hoại tử. Nếu được thì lọc máu. Cần nữa thì thay máu!”.
Trong sinh hoạt hàng ngày, vị chính khách số một này cũng để lại nhiều ấn tượng. Có lẽ, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời và sau này đã được văn học nói về những sinh hoạt giản dị gần gũi với mọi người, thì đến nhân vật Tổng Bí thư mà có lẽ “ai cũng biết là ai cả đấy” mới xuất hiện trong văn học sống động và gần gũi như thế. Từ việc chơi đùa, tập xe với cháu nhỏ sau một ngày làm việc, đến những trò chuyện với vợ thật nhẹ nhàng tình cảm khi bà giao hẹn không cho ông thức khuya làm việc: “Được rồi, được rồi, tôi chấp hành lệnh bà!” (tr.229). Từ việc đi bộ ở vườn hoa gần nhà gợi những ký ức đời lính giữa núi rừng Trường Sơn đến việc trìu mến hỏi thăm mẹ con bé gái hàng xóm đang dạo bước. Từ việc hái khế trong đêm, nhìn lát khế trên tay mà trầm ngâm: “Hệt như ngôi sao quân hiệu trên mũ mình ngày nào… cũng ngời sắc vàng son” rồi áy náy khi nhớ đến bạn cho cây khế trồng trong vườn nhà, gọi điện cho bạn trong đêm gợi bao ngạc nhiên xúc động rưng rưng: “Ăn quả khế của anh, nhớ anh nên hỏi thăm sức khỏe thôi. Không có chuyện gì đâu. Ngủ ngon nhé” (tr.231)… Thế nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc thư giãn hiếm hoi ấy, những liên tưởng đến việc nước vẫn theo đuổi ông không dứt. Vừa ngả lưng ghế xích đu định chợp mắt thì những câu chuyện cải cách phương thức lãnh đạo của Kiên “lập tức ập đến: Cái cậu này xuất hiện mới đúng lúc chứ” (tr.229). Vừa bùi ngùi sau cuộc điện thoại ngắn ngủi khi bạn chủ động cúp máy trước để ông tập trung làm việc: “Mất cả bạn bè vì công việc”, những lát khế lại làm ông bận tâm về hiện tượng đau lòng: “Bên A là chùm khế ngọt. Cho B trèo hái mỗi ngày… Cả nước là một công trường khổng lồ. Thế mà họ cứ móc ngoặc với nhau để moi tiền. Đụng vào đâu cũng thấy vấn đề” (tr.231).
Tuy nhiên, cây cao thì gió cả. Tổng Bí thư đã phải đối mặt với những phản ứng từ nhiều phía. Trong đó, phản ứng mạnh nhất là từ “Cụ”, thủ trưởng cũ đồng thời là một lão thành cách mạng cấp cao khóa trước, dù đã nghỉ chức vụ Đảng nhưng vẫn muốn thâu tóm quyền hành, cố gây ảnh hưởng, chi phối cả hệ thống chính trị. Trước quan điểm lạc hậu, lỗi thời, chủ quan duy ý chí nhưng vẫn không chịu yên vị mà cố gắng làm kỳ đà cản mũi, Tổng Bí thư đã chấp nhận cuộc tranh luận gay gắt đến đỉnh điểm với một thái độ cương quyết, cứng rắn: “Tổng bí thư cũng đứng dậy. Mắt ông cháy lên một ngọn lửa rất lạ. Ngọn lửa ấy đã thắp sáng những người này, sưởi ấm những người kia, thiêu cháy những kẻ khác. Ngọn lửa ấy là thuốc đắng, là liều kháng sinh đặc trị những căn bệnh xã hội trầm kha, tưởng không thuốc nào chữa nổi - Lửa đắng. Ông rành rọt từng tiếng: Tôi ý thức, mình phải cháy lên thành ngọn lửa, thắp sáng thêm sự nghiệp đổi mới của Đảng, chứ không làm ngọn nến leo lét mãi tàn canh?” (tr.597). Để rồi, dù suy ngẫm lại, ông cũng hiểu tâm tư của lớp cán bộ lão thành chưa đủ “ngộ” để “buông” đúng lúc, để thể hiện lòng tự trọng về lẽ xuất xử như người xưa: “ Người ta thường luyến tiếc thời đã qua của mình. Khi phải rời bỏ nó vẫn cố níu kéo, cố chứng tỏ quyền uy của mình bằng cách dùng thế lực cũ tác động vào tình hình mới”. Chính vì vậy, để tránh tiếp diễn những câu vè phản biện chế độ kiểu như “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, hưu trí điều hành, lão thành chỉ đạo” gây hoang mang và mất lòng tin để hậu quả lâu dài, ông lựa chọn lấy cứng đối cứng, sòng phẳng, minh bạch vì Đảng, vì nước là trên hết “Xem ra, thái độ của anh ấy quyết liệt đây. Nếu phải trả giá bằng sự quyết liệt đáp lại thì cũng là vì công việc, vì sự bền vững lâu dài của Đảng này, đất nước này” (tr.598).
Bên cạnh đó, một số nhân vật như Trần Kiên, Trịnh Trân cũng góp thêm phần nào về mẫu hình nhân vật lí tưởng trên chính trường được Nguyễn Bắc Sơn tập trung thể hiện trong hai tiểu thuyết: Luật đời và cha con và Lửa đắng. Trong Luật đời và cha con, Trần Kiên, người ngoài Đảng, chỉ mới xuất hiện với tư cách là phân xưởng trưởng của phân xưởng Cơ khí Động lực thuộc Nhà máy cơ khí Thắng lợi, rất dứt khoát và kiên quyết trong quản lý sản xuất, luôn cùng phân xưởng dẫn đầu về sản lượng và chất lượng. Để rồi cùng với năng lực bản thân và sự tín nhiệm của tổ chức, anh dần trưởng thành, làm giám đốc nhà máy, rồi Bí thư Quận ủy Lâm Du. Thế nhưng bi kịch sự nghiệp của anh cũng bắt đầu từ chính khát vọng dấn thân để đổi mới nền hành chính quen “đi đêm”, “cửa sau”. Trần Kiên có thể xem như một mẫu nhân vật cán bộ lý tưởng cho nền hành chính hiện nay và xã hội, nhân dân đang rất trông mong, kỳ vọng vào những người như vậy.
Hình mẫu nhân vật lí tưởng trong báo giới
Trong báo giới, nhà báo Phạm Năng Triển - Tổng biên tập tờ Thời Luận, hay ông Thụ - Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đồng thời cũng là những nhà báo tên tuổi trong tiểu thuyết Lửa đắng, là những cái tên đáng được đề cử.
Những phẩm chất này, người đọc có thể cảm nhận trọn vẹn ở Phạm Năng Triển. Chỉ vì muốn phanh phui, vạch trần những tiêu cực trong quản lý đất đai của đám quan chức sâu mọt ở thành phố Thanh Hoa mà anh đã bị chúng ngấm ngầm thuê xã hội đen trả thù tàn độc không chỉ một lần. Lần thứ nhất, một năm trước, anh bị bọn xấu tạt axit vào mặt để lại diện mạo nửa mặt gớm ghiếc, nửa mặt lành đến chính anh dù đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng mà “cũng kinh hãi, giật mình lùi lại… vội nhắm mắt lại. Rồi lại mở to, như cố nhìn cho rõ sự thật phũ phàng, tàn nhẫn” (tr.35). Là nỗi đau lớn, là bước ngoặt cuộc đời anh, điều anh lo lắng không phải cho bản thân, mà lo cho các đồng nghiệp sẽ nhìn anh “Xót xa, ái ngại? Chia sẻ, cảm thông? Nhụt chí, nản lòng? Co lại, giữ mình?” (tr.38) mà rung động, chùn bước. Thế nhưng báo giới lại tôn vinh hết mực: “tờ Chính luận: Những người làm báo Việt Nam, coi vết sẹo trên mặt anh là bia căm thù tội ác những thế lực đen tối. Các cơ quan bảo vệ pháp luật và chúng ta phải trả cho anh món nợ này. Phạm Năng Triển – anh hùng báo chí thời kỳ đổi mới” (tr.35).
Là một nhà báo giỏi và chân chính, bút lực cực kì sắc bén, rất nhạy cảm, tinh tế đến độ tinh quái trong nghề, anh em trong tòa soạn báo vẫn chào đón tung hô dành cho anh tất cả sự kính trọng và chân thành: “Phạm Năng Triển – linh hồn Thời luận! Phạm Năng Triển – anh cả chúng ta…”. Anh luôn nhận được sự kính trọng, nể phục và tin tưởng từ đồng nghiệp và cơ quan quản lý cấp trên. Trong cuộc họp giao ban báo chí trên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương sau ngày anh đi làm trở lại, chào đón anh xuất hiện là tiếng vỗ tay của các đồng nghiệp và các quan chức lãnh đạo cùng tiếng hô tên anh loang rộng ra, điều không phải nhà báo nào cũng có vinh dự như thế, ở không gian như thế. Ngay cả ông Thụ cũng hoan hỉ khác thường lệ: “Nãy là tự phát - ông giơ hai tay ngang mặt - bây giờ là chỉ đạo (cười), chúng ta chính thức vỗ tay hoan hô đồng chí Phạm Năng Triển”. Không những thế ông còn nói như giao nhiệm vụ: “mỗi nhà báo hãy là một Phạm Năng Triển, mỗi tờ báo hãy là một tờ Thời luận” (tr.39).
Phạm Năng Triển trở thành tấm gương soi sáng cho những người làm báo, và chính anh luôn tin vào sức mạnh và sứ mệnh của công cụ quyền lực chính thống thứ tư mà mình đang nắm giữ. Hình ảnh Phạm Năng Triển là hình ảnh lý tưởng của một nhà báo luôn thầm lặng hi sinh cho công việc, cho những mục đích cao cả, thực sự xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ và niềm tự hào của công luận, mà đất nước, nhân dân luôn cần, luôn mong mỏi.
Tuy nhiên, khác với nhân vật Tổng Bí thư nói ở trên, bi kịch trong sự nghiệp đã chi phối mạnh đến bi kịch trong gia đình khi Phạm Năng Triển vẫn quyết tâm dấn thân. Không chỉ cá nhân bị tổn thương nặng về diện mạo và tâm lý, phản ứng dây chuyền đã dẫn đến sự thất bại trên mặt trận gia đình, vợ chồng anh từ lạnh nhạt đến ly thân. Lần thứ hai tai họa đã giáng xuống, từ những kẻ giật dây trong giới trùm tư sản “đỏ”, thế giới ngầm dằn mặt anh theo cách bỉ ổi nhất. Việc cô con gái duy nhất bị kẻ xấu bắt cóc, làm nhục, bị sang chấn tinh thần và suy sụp. Gia đình tan vỡ từ đây, nỗi đau đớn và sự hi sinh của anh là quá lớn. Thế nhưng, cùng với sự giúp đỡ của mọi người, nhất là bên an ninh, anh đã làm mọi cách để bảo vệ và giúp con gái cân bằng và vui sống trở lại, vạch mặt kẻ chủ mưu cùng đồng bọn đưa ra trước pháp luật, tiếp tục theo đuổi nghề báo bằng tất cả sự mạnh mẽ, cứng rắn và ý chí kiên định của mình. Chút duyên phận ngắn ngủi với nhà báo Thu Phong cá tính và tài năng của tờ Chính luận như phần bù đắp thiệt thòi, càng khiến chất người giữa đời thường của anh đáng quý hơn.
Bên cạnh Phạm Năng Triển, hình ảnh của ông Thụ, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đồng thời cũng là một nhà báo tên tuổi trong tiểu thuyết “Lửa đắng”, cũng là một nhân vật xứng đáng được nói đến. Ông phê bình một tờ báo đã nêu tên thật của một cô gái mại dâm, cả nơi ở, khiến con cô ta phải sang một địa phương khác học vì bọn bạn khinh miệt không chơi với nó, thật cảm động: “Đôi mắt ông tóe lửa, ông gay gắt: Có thể một số cô gái chọn việc này. Nhưng nhiều người bị đẩy vào con đường này. Các anh không để cho người ta sống nữa à?” (tr.40).
Những bài báo ngắn của ông như những phát súng bắn tỉa của một xạ thủ cự phách. Đã nhằm vào đâu, y như rằng hạ gục mục tiêu. Thấy bài của ông người ta phải đọc to cho sướng mồm. Những người xung quanh nghe cũng sướng tai” (tr.53).
Nhờ có những nhân vật lí tưởng là những nhà báo như Phạm Năng Triển dũng cảm xông pha, như ông Thụ dạn dày chín chắn, như Thu Phong sắc sảo bản lĩnh hay như Tùng (trong “Gã tép riu” - Nguyễn Bắc Sơn) rất thâm trầm, chắc chắn mà vẫn hài hước… kiên quyết không uốn cong ngòi bút trước danh lợi hay bạo quyền, mà đất nước và nhân dân có quyền hi vọng về tương lai…
Còn có Nguyễn Chí Thành trong “Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” - nhân vật cán bộ công chức lý tưởng. Như đã nói, tác giả rất quen thuộc với đề tài về công chức, cán bộ, cũng có hình tượng nhân vật lý tưởng là công an, nhưng trong tiểu thuyết “Lính tăng”, lần đầu tiên Nguyễn Bắc Sơn viết về đề tài chiến tranh. Chiến tranh không phải ở Việt Nam mà ở Cánh đồng Chum - Lào. Tác giả xây dựng thành công nhân vật lý tưởng là Lê Trọng Tấn tài ba, thao lược, rất nóng tính nhưng có quyết định tăng đánh đêm làm thay đổi cục diện chiến trường Lào. Nhân vật lý tưởng thứ hai trong “Lính tăng” là Tiểu đoàn trưởng xe tăng Lê Tịnh - Tịnh đen, tính nóng như lửa, mưu trí, quả cảm, lính phục lăn nhưng hi sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu vì tình hữu nghị Việt - Lào.
Nói như nhà văn Nguyễn Khải “…thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. Sở dĩ chúng tôi đã tìm tòi mổ xẻ thật kỹ một số chân dung nhân vật lý tưởng ở tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn bởi vì: thứ nhất có rất ít những nhân vật trong tiểu thuyết đương đại đạt đúng tầm xứng đáng để tôn vinh do không phải dễ xây dựng thành công với mẫu người này; thứ hai, quan trọng hơn là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay rất cần thiết để phải đề cao những hình mẫu lí tưởng là ngọn đèn soi sáng cho sự phát triển của đất nước, lấy lại niềm tin trong nhân dân và khẳng định bản lĩnh bản sắc kẻ sĩ của dân tộc ngàn năm văn hiến này. Điều đáng nói là qua việc xây dựng những nhân vật lí tưởng, Nguyễn Bắc Sơn thể hiện bút lực và tâm huyết, tấm lòng sáng láng của mình với cuộc đời trong từng trang viết.
Năm 2023, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với tiểu thuyết “Lửa đắng” và Giải thưởng Văn học sông Mê Kông với tiểu thuyết “Lính tăng”.
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giám...
Bình luận