Giáo sư tâm lý: Có hai câu bố mẹ nên giữ kín trong lòng, dù hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối không nói với con
Lời nói của bố mẹ có thể hình thành cách nhìn nhận của trẻ về bản thân và thế giới xung quanh.
Bố mẹ luôn có vị trí vô cùng đặc biệt đối với con, như ngọn hải đăng dẫn đường. Tình yêu thương, sự ủng hộ và những giá trị mà bố mẹ truyền đạt sẽ hình thành nên bản sắc và quan điểm sống của trẻ.
Chính vì vậy, lời nói và hành động của bố mẹ sẽ có ảnh hưởng tinh tế đến tiêu chuẩn làm việc hoặc thái độ sống của trẻ. Những gì trẻ quan sát và học hỏi từ bố mẹ sẽ định hình cách trẻ đối diện với thế giới xung quanh.
Vì vậy, ở một mức độ nào đó, đứa trẻ có thể có tương lai tươi sáng hay không tác động từ việc bố mẹ là người như thế nào. Nếu bố mẹ thể hiện sự kiên trì, trách nhiệm và lòng nhân ái trong cuộc sống hàng ngày, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu và áp dụng những giá trị này vào cuộc sống của mình.
Theo giáo sư tâm lý Li Meijin, dù yêu thương con đến đâu, cũng có một số điều bố mẹ nên hạn chế trước mặt con. Trẻ rất nhạy cảm với cảm xúc của người lớn, nếu bố mẹ thường xuyên thể hiện sự lo lắng, tức giận hoặc thất vọng, trẻ có thể cảm thấy không an toàn và bắt đầu hình thành những nỗi lo lắng tương tự.
Luôn than nghèo khổ trước mặt con: "Nhà mình nghèo lắm, mẹ không có tiền đâu"
Đối với bố mẹ, đây có thể là sự giải tỏa cảm xúc nhất thời, hoặc cách giáo dục nhất định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây là cách tiếp cận chưa phù hợp. Khi trẻ bị nhồi nhét quá nhiều về hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sẽ hình thành mặc cảm tự ti. Trẻ nghĩ rằng bản thân không tốt và là gánh nặng cho bố mẹ.
Đa phần trẻ được giáo dục theo cách này sẽ biểu hiện hai thái cực. Một là thường kìm nén ý tưởng của mình và đi theo con đường bố mẹ định sẵn, nhưng sống một cuộc sống không hạnh phúc. Hai là trẻ thành công trong cuộc sống, nhưng lại đặc biệt thực dụng, xu hướng chú trọng vào tiền bạc và thành tích.
Nhìn chung, bố mẹ nên dạy con cách sinh tồn trên thế giới thay vì chỉ phàn nàn về tình hình tài chính của gia đình. Điều này có thể vô thức tăng thêm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Thay vì chỉ nói về những khó khăn, bố mẹ hướng dẫn trẻ tìm kiếm giải pháp, phát triển kỹ năng. Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào những hoạt động để hiểu hơn về giá trị của sự chăm chỉ và khả năng vượt qua khó khăn.
Đồng thời, tìm cách truyền đạt thông điệp tích cực giúp trẻ hiểu rằng giá trị không chỉ nằm ở vật chất mà còn ở tình yêu thương và sự hỗ trợ trong gia đình.
“Cảnh báo” trẻ không được gây rắc rối: "Con nghịch ngợm là bố mẹ sẽ không yêu thương con nữa"
Thông thường câu nói này xuất phát từ ý tốt của bố mẹ, muốn giáo dục trẻ về việc hành động đúng mực. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể tạo ra hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.
Theo phân tích, câu nói có thể tạo ra nỗi sợ hãi trong lòng trẻ, cảm thấy tình yêu thương của bố mẹ là có điều kiện. Vô thức hình thành suy nghĩ bản thân không đủ tốt và lo lắng rằng nếu không hoàn hảo, sẽ không được yêu thương.
Trẻ có thể trở nên ngại ngùng, không dám thể hiện bản thân hoặc bày tỏ ý kiến vì sợ bị phê phán. Trẻ cũng dần học cách không trung thực, giấu giếm những gì mình đã làm, dẫn đến thiếu sót trong việc học hỏi từ sai lầm.
Nếu trẻ cảm thấy bị áp lực, có thể phản ứng bằng cách chống đối lại quy tắc, dẫn đến hành vi nghịch ngợm nhiều hơn. Khi trẻ cảm thấy rằng tình yêu thương của bố mẹ phụ thuộc vào hành vi của mình, sẽ không học được cách quản lý cảm xúc và hành vi trong các tình huống khác nhau.
Về lâu dần, trẻ khó phát triển được kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột, vì không dám bày tỏ cảm xúc thật. Nhiều trường hợp trẻ chỉ tập trung vào việc làm hài lòng bố mẹ.
Thay vì sử dụng những lời cảnh báo tiêu cực, bố mẹ nên dạy trẻ về hậu quả của hành vi nghịch ngợm và khuyến khích suy nghĩ về cảm giác của người khác. Đồng thời, ghi nhận hành vi tốt của trẻ.
Đồng thời, tạo ra một môi trường yêu thương và khuyến khích, trẻ cảm thấy an toàn để học hỏi từ những sai lầm và phát triển bản thân.
Trẻ em như một tờ giấy trắng, sự giáo dục của bố mẹ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tính cách và hành vi. Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy, bố mẹ cần chú ý đến lời nói khi giao tiếp với con.
Lời nói của bố mẹ có thể hình thành cách nhìn nhận của trẻ về bản thân và thế giới xung quanh. Khi trẻ nghe thấy những lời động viên,sẽ học được rằng mình có giá trị và khả năng. Ngược lại, nếu thường xuyên nghe những lời phàn nàn, trẻ có thể hình thành cảm giác tự ti, dẫn đến việc không dám thể hiện bản thân và ngại ngùng trong giao tiếp.
Trẻ cũng cần có cuộc sống riêng, bởi bố mẹ không thể ở bên con mãi. Việc tạo điều kiện cho trẻ tự lập sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng sống và khả năng giải quyết vấn đề, trưởng thành, tự tin và độc lập trong suy nghĩ.
Bình luận