Hai đứa trẻ bị trao nhầm trong bệnh viện, 30 năm sau cuộc đời mỗi người một số phận
Chuyện phim Hàn với mô-típ "tráo nhầm con" tưởng chỉ có trên màn ảnh, ai ngờ lại xảy ra ngoài đời thật với những tình tiết còn đau lòng hơn gấp bội.
Đó là câu chuyện gây rúng động của hai chàng trai Nam Phi: Robin và Gavin – những đứa trẻ từng bị trao nhầm tại bệnh viện từ khi lọt lòng. Nhưng điều khiến người ta nghẹn ngào hơn cả, là quyết định không hoán đổi lại con của hai người mẹ cách đây 30 năm, đã vô tình dẫn đến hai số phận trái ngược và một nỗi day dứt khôn nguôi cho những người trong cuộc.
Hai đứa trẻ bị trao nhầm tại bệnh viện.
Robin sinh tháng 2/1989 tại một bệnh viện ở Nigel, Johannesburg, Nam Phi, là con của một bà mẹ đơn thân tên Sandy Dawkins. Trong khi đó, Gavin – người đáng lẽ ra là con bà Sandy lại được đưa về cho một cặp vợ chồng khá giả là bà Megs Clinton Parker, sống cách đó hơn 500km, tại Pietermaritzburg.
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ mãi mãi bị chôn vùi, cho đến năm 1991 – khi Gavin lên 2 tuổi. Trong quá trình làm thủ tục ly hôn, chồng bà Megs bất ngờ phát hiện qua xét nghiệm ADN rằng Gavin không phải con ruột của mình. Điều tra được tiến hành, và rồi cảnh sát xác nhận: Một y tá trong ca trực hôm đó đã trao nhầm hai đứa trẻ sơ sinh cho hai bà mẹ.
Chồng bà Megs bất ngờ phát hiện qua xét nghiệm ADN rằng Gavin không phải con ruột.
Trái với phản ứng của nhiều gia đình khi phát hiện con bị trao nhầm, cả bà Sandy và bà Megs đều đưa ra một quyết định khiến ai nghe cũng phải sững sờ: Không đổi lại con.
Họ chọn cách tiếp tục nuôi đứa trẻ mình đã gắn bó, yêu thương suốt hai năm qua như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Và chính quyết định "ngang trái" ấy đã viết nên hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt.
Robin lớn lên trong cảnh nghèo khó, sống cùng mẹ đơn thân ở vùng ngoại ô nghèo nhất Johannesburg. Cậu không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, phải bươn chải từ nhỏ và sớm nhận ra cuộc đời mình không giống bất kỳ đứa trẻ nào xung quanh. Trong khi đó, Gavin được sống trong nhung lụa, học tại những trường học danh giá nhất, được mẹ nuôi tạo mọi điều kiện để thành công. Giờ đây, anh là người đàn ông thành đạt, có sự nghiệp ổn định và một cuộc sống mà ai cũng ao ước.
Robin và Gavin khác biệt về số phận.
Gavin chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã được trao cho cuộc sống này. Tôi không hối tiếc điều gì cả”.
Nhưng phía bên kia của câu chuyện, Robin – người vốn dĩ phải sống cuộc đời ấy lại không thể giấu nổi nỗi đau. Anh thừa nhận mình ghen tỵ, chua xót và cảm thấy bất công khi chứng kiến Gavin có được tất cả những gì mà anh từng ao ước.
"Đó là cuộc sống lẽ ra phải thuộc về tôi", Robin cay đắng nói. Anh cho biết mình đã từng oán trách mẹ ruột – bà Megs vì đã chọn giữ lại đứa trẻ không phải con đẻ mình, thay vì đón anh về khi biết sự thật.
Dù đau đớn, giận dữ và mang theo tổn thương suốt bao năm, Robin vẫn nói một câu khiến người nghe phải lặng đi: "Tôi căm hận, nhưng tôi hiểu. Tôi biết vì sao họ làm vậy, vì tình yêu dành cho đứa trẻ mà họ đã nuôi nấng”.
Câu chuyện trao nhầm con tưởng chừng chỉ có trong phim lại trở thành một dấu ấn ám ảnh suốt đời đối với hai người đàn ông mang hai số phận. Đằng sau quyết định không hoán đổi con năm nào là tình mẫu tử, là yêu thương – nhưng cũng là nỗi đau, sự day dứt và những vết sẹo không bao giờ lành.
Những lưu ý sau sinh để hạn chế không bị trao nhầm con
Từ câu chuyện trên, vấn đề đặt ra là các mẹ khi sinh con cần có những hiểu biết nhất định về quy trình sinh con trong bệnh viện và phải cẩn trọng để tránh nhận nhầm con. Các mẹ cần lưu ý kỹ những điều sau:
1. Xem mặt con thật kỹ
Việc trao nhầm con thường ngay trong phòng sinh nên người mẹ sau khi sinh xong nên xem mặt bé thật kĩ. Mẹ nên để ý những đặc điểm nổi bật (vết bớt hay má núm hay giống 1 ai đó trong gia đình).
2. Để ý nhân viên y tế
Người mẹ nên để ý đến nhân viên y tế thường họ sẽ cho mẹ xem mặt con rồi mang bé ra vệ sinh, cân, quấn khăn cho đến khi bé về tay mẹ.
Tuy nhiên, có nhiều mẹ sau khi sinh yếu, mất sức thường ko để ý được các đặc điểm của con nên việc này quan trọng nhất vẫn là ở phía nhân viên y tế.
3. Con đi tắm, gia đình nên theo sát
Thường khi vào phòng sinh thì sản phụ không mang theo máy điện thoại để chụp ảnh con nên người mẹ khó có thể thực hiện việc này.
Việc trao nhầm sẽ xảy ra ở 2 trường hợp: Một là lúc nhân viên y tế trao con cho mẹ và cùng trở về phòng hậu sản hoặc có những bé yếu phải nằm lồng kính. Hai là lúc bé đi tắm cũng dễ bị trao nhầm con. Do đó, khi nhận con tại phòng đẻ có nhiều gia đình đã cẩn thận chụp hình con lại hoặc khi con đi tắm, cha mẹ nên theo sát.
4. Tìm hiểu kỹ bệnh viện
Sản phụ đi đẻ nên tìm hiểu cả các biện pháp an ninh tại viện. Nếu thấy an ninh bệnh viện tốt và an toàn thì nên sinh tại nơi đó.
Xem thêm video sau:
Nguồn video: Sức khoẻ & Đời sống
Bình luận