Ngày càng nhiều người không lắp cửa trượt ở ban công, thiết kế này hữu dụng hơn nhiều
Trong quá khứ, việc lắp đặt cửa trượt cho ban công được coi là "tiêu chuẩn" trong thiết kế nhà ở.
Ban công là một trong những khu vực quan trọng nhất trong ngôi nhà, mặc dù thường được xem là diện tích do chủ đầu tư tặng, nhưng nó có nhiều công dụng và có thể giúp không gian sống trở nên rộng rãi hơn.
Trong quá khứ, việc lắp đặt cửa trượt cho ban công được coi là "tiêu chuẩn" trong thiết kế nhà ở. Nhiều người cho rằng ban công cần phải được tách biệt với phòng khách để tạo không gian riêng tư. Việc này mang lại một số lợi ích đáng kể như tạo không gian độc lập, cho phép chủ nhà thoải mái sáng tạo trong việc trang trí, và đây thường là nơi lý tưởng để trồng hoa và rau.
Lắp đặt cửa trượt giữa phòng khách và ban công tạo ra một rào cản hiệu quả, giúp ngăn bụi bẩn, tiếng ồn và sự thay đổi nhiệt độ. Theo kinh nghiệm cá nhân, việc có hay không có cửa trượt có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ trong phòng khách khoảng 2 độ C, điều này có thể làm tăng mức tiêu thụ năng lượng của điều hòa.
Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều người không lắp cửa trượt ở ban công? Tại sao vậy?
1. Tại sao ngày càng nhiều người không lắp cửa trượt ở ban công?
Mặc dù có nhiều lợi ích, việc lắp đặt cửa trượt cũng có một số nhược điểm như sau:
- Giá thành cao
Nhiều người quyết định không lắp cửa trượt tại nhà vì chi phí quá đắt. Nếu chọn loại chất lượng tốt hơn, giá có thể cao hơn nữa. Một bộ cửa trượt thông thường có thể tiêu tốn đến vài chục triệu đồng. Chính vì lý do giá cả cao, nhiều người đã từ bỏ lựa chọn này.
- Ảnh hưởng tới tầm nhìn
Một trong những nhược điểm của việc lắp đặt cửa kính trượt cho ban công là nó có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn và ánh sáng trong không gian sống. Hiện nay, nhiều gia đình đã chọn cách không lắp cửa trượt mà thay vào đó là tích hợp ban công vào không gian nội thất, giúp cho căn phòng trở nên rộng rãi hơn.
Nếu lắp cửa kính trượt, phòng khách có thể trở nên chật chội và cửa kính này còn có thể cản trở ánh sáng tự nhiên vào trong nhà, làm cho không gian trở nên tối tăm hơn. Do đó, nếu không gian sống của bạn đã có ánh sáng yếu, việc lắp đặt cửa kính trượt cho ban công có thể không phải là lựa chọn tốt.
- Dễ tích bụi bẩn
Một trong những nhược điểm lớn khi lắp đặt cửa trượt trên ban công là thiết kế ray dưới. Thiết kế này yêu cầu phải tạo một đường ray trên mặt đất, giúp việc mở và đóng cửa trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc bụi bẩn và rác thải dễ dàng tích tụ trong ray, gây khó khăn trong việc vệ sinh. Chính vì những bất tiện này mà ngày càng nhiều gia đình lựa chọn không lắp đặt cửa kéo cho ban công của mình.
Những thiết kế thay thế cửa trượt ở ban công
Khi thiết kế ban công, nếu không muốn sử dụng cửa trượt, bạn có thể mở rộng không gian này, tích hợp phòng khách và ban công. Khi cửa trượt ban công được loại bỏ và sàn trải ra tận ban công, không gian tổng thể sẽ được mở rộng về mặt thị giác, giúp phòng khách rộng rãi và sáng sủa mà không bị chật chội.
Ngoài ra, việc loại bỏ cửa trượt ở ban công sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả thông gió tổng thể và căn phòng sẽ đặc biệt mát mẻ khi có gió, ánh sáng vào nhà cũng nhiều hơn. Hơn nữa, nếu không lắp cửa trượt, những gánh nặng dọn dẹp ở ray dưới cửa cũng sẽ được loại bỏ, tiết kiệm thời gian và công sức.
Khi cửa trượt được tháo ra, ban công sẽ trở thành một phần của phòng khách, bạn có thể tự do biến đổi không gian ban công và cung cấp cho nó nhiều chức năng hơn. Cụ thể, bạn có thể biến khu vực này thành:
- Khu vực nghỉ ngơi trên nền cao
Trong quá trình cải tạo nhà, bạn có thể tạo ra một khu vực nghỉ ngơi trên ban công bằng cách nâng cao mặt sàn khoảng 10 cm. Thiết kế này cho phép bạn tạo ra một không gian tatami, không chỉ tăng cường khả năng lưu trữ mà còn mang đến nơi thư giãn và giải trí lý tưởng.
So với việc lắp đặt cửa trượt, thiết kế này không chỉ thực tiễn hơn mà còn giúp ánh sáng trong phòng khách trở nên tốt hơn.
- Khu vực giặt là trên ban công
Trong quá trình giặt giũ hàng ngày, chúng ta có thể tận dụng không gian ban công. Khi tiến hành cải tạo, hãy lắp đặt một số tủ trên ban công để bố trí máy giặt, máy sấy và tủ đựng đồ tắm. Nhờ đó, khu vực giặt là vốn đặt trong nhà tắm sẽ được chuyển ra ban công, giúp tối ưu hóa không gian này.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lắp đặt giá phơi đồ âm trần trên ban công. Với thiết kế thông minh, giá phơi này có thể hạ xuống khi cần phơi đồ và tự động nâng lên khi không sử dụng, tạo sự gọn gàng cho không gian. Đặc biệt, nếu nhà tắm có diện tích nhỏ, việc sử dụng ban công sẽ là giải pháp lý tưởng để tiết kiệm không gian.
Bạn cũng hoàn toàn có thể biến khu vực này thành khu giải trí, quán bar nhỏ, khu vực đọc sách,… giúp cải thiện đáng kể việc sử dụng không gian.
Tuy nhiên, việc mở thông phòng khách và ban công cũng có những nhược điểm như hiệu quả cách âm, cách nhiệt kém hơn. Vì thế, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi cải tạo nhà.
Bình luận