Đọc thơ Hà Minh Đức

Giáo sư, nhà văn, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật - năm nay tròn tuổi đắc thọ 90 (Ông sinh năm 1934, không phải 1935). Ông là một tên tuổi lớn về sự nghiệp nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Bảy mươi năm lao động tận tâm tận sức, ông đã công bố khoảng 90 đầu sách (kể cả chủ biên và đứng tên riêng). Tôi là một trong số các sinh viên đại học tại lớp thầy dạy khóa X (1965 - 1969) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ khi ra trường đến nay có điều kiện gần gũi thầy. Ngoài công việc nghiên cứu văn học, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn, bút ký. Riêng khu vực sáng tác này, GS. Hà Minh Đức có khoảng trên hai mươi quyển sách, trong đó có 10 tập thơ và một tập thơ nghiêng về trào phúng có tên “Đừng sợ”. Tôi thật sự bị ám ảnh bởi 4 tập thơ đầu của ông: “Đi hết một mùa thu” (1999), “Ở giữa ngày đông” (2001), “Những giọt nghĩ trong đêm” (2002), “Khoảng trời gió cát bay” (2003). Sau đó, tác giả còn gửi đến bạn đọc 7 tập thơ nữa. Tập thơ mới nhất tên “Không giới hạn” xuất bản năm 2020, “Thơ tuyển Hà Minh Đức” (1999 - 2020), được công bố năm 2021.

1. Một nửa số bài thơ (63 trong tổng số 129) của Hà Minh Đức có câu hỏi, ý hỏi và số lần hỏi gần bằng số lượng bài thơ. Số lượng bài hỏi, lần hỏi cao trong thơ Hà Minh Đức ít gặp trong thơ của những tác giả khác. Có riêng một bài hỏi, bài Vì sao? (tập 4), ba bài khác: Sao em lại giận anh vào mùa đông, Ngày mai làng đi về đâu (tập 1), Sao cuộc đời mau lãng quên (tập 3) cũng là những bài hỏi, khác chăng, đó là những câu hỏi ẩn nhòa vào cảm xúc và hình tượng thơ. Đến tập thơ cuối, khi tác giả thêm tuổi, hồn thơ thêm chín, tần số xuất hiện của lời hỏi, ý hỏi đạt đến mức cao nhất: 32 lần. 

Thơ Hà Minh Đức là thơ về những câu hỏi nửa đáp được nửa không. Khi hỏi: Anh chỉ còn là viên gạch vỡ/ Không vẹn nguyên, liệu có ích cho đời? (Với em - 1) hoặc khi hỏi Có thể dự báo được gì chuyện mai sau? (Dự báo ngày mai - 4) hoặc Hạnh phúc có chăng ngoài trái đất này? (Nghĩ về hạnh phúc - 3) thì có lời đáp. Còn khi hỏi đứa con đã mất: Đêm nay con đang ở đâu? (Viết cho con - 1), hoặc hỏi những câu: Chúng ta như đã thương nhau từ kiếp trước/ Bây giờ bơ vơ em đi đâu? (Trăng trên sông - 2), Sao dòng sông lại đánh mất con đò? (Bến đò quê - 1), Sao em giận anh vào mùa đông? (Dòng thơ trùng tên bài - 1) thì không có lời đáp, đó là hỏi vu vơ, đối diện lòng mình mà hỏi và tiếng vang đáp lại có lẽ chỉ là câu hỏi mà thôi.

Đọc thơ Hà Minh Đức - 1

Một số tập thơ của GS, NGND Hà Minh Đức.

Xét cho cùng, hiện thực thuần túy, bề mặt, xuôi chiều đã được định hình là những lời đáp sẵn của nhiều câu hỏi có thể hợp lý, có thể phi lý, có thể tạm thời, có thể vĩnh viễn. Một trong những nhu cầu cao của Hà Minh Đức khi sáng tạo thơ là luôn luôn muốn hỏi. Những câu hỏi dành cho chính mình, dành cho người, dành cho thế gian. Hỏi cụ thể, hỏi vu vơ. Hỏi không phải chỉ để mà hỏi mà là yêu cầu, là tỏ lòng khao khát tìm kiếm. Câu hỏi không gay gắt nhưng buồn, xao động không yên. Chủ thể trữ tình ngơ ngác, có khi bất lực một cách đáng thương, trước thực tế khó nắm bắt và rắc rối, bất an của ngoại cảnh, của số phận. Xúc cảm về bất an là một đặc điểm của thơ trữ tình hiện đại.

2. Với 28 lần trực tiếp nói đến giới hạn thời gian và giới hạn không gian, Hà Minh Đức cho thấy ông muốn chiếm lĩnh giới hạn và phần nào ông đã làm được. Những bài nói trực tiếp về giới hạn hoặc nói đến giới hạn ở mức độ cao là: Chân trời, Đi hết một mùa thu, Người già cuối thế kỷ, Chút tâm tư của người đi xa, Giới hạn (tập 1), Bến bờ xa lắm (tập 4).

Giới hạn thời gian trong thơ Hà Minh Đức được biểu thị bằng mùa đông, buổi cuối ngày, năm cùng tháng tận, chốn tận cùng của cõi người. Bạn đọc được cùng tác giả đến với mùa đông, cụ thể hơn là cuối ngày đông (Những khoảng cách - 2), chứng kiến buổi tàn thu, mùa thu già (Đi hết một mùa thu - 1). Thực thể hữu hình cũng được tác giả mượn để nói về giới hạn thời gian: thiếu phụ mùa đông (Đi hết một mùa thu - 1), chiếc lá cuối cùng (Đợi chờ - 1), ánh sao cuối cùng (Tản mạn về em - 2), tia nắng cuối cùng. Mùa đông, ngày đông, đêm đông, trời đông, v.v. là giới hạn tận cùng, được nhắc đến 37 lần. Nhà thơ hầu như luôn luôn nghĩ đến mùa đông. Ở bài Đi hết một mùa thu, tác giả cũng viết: Thiếu phụ mùa đông với đôi chân sáo. Ở bài viết về mùa xuân (Mùa xuân ở phía trước - 1) tác giả cũng liên hệ đến mùa đông (Nhiều mùa xuân cộng lại/ Thành mùa đông vật vờ).

Viết về Một ngày thu xa - 3 lại có câu: Đôi bàn tay chiều đông còn ấm lộc. Có riêng 7 bài nói về mùa đông: Tuyết ở Cornell, Thành phố Hồ Chí Minh một lần trở lại, Sao em lại giận anh vào mùa đông, Nỗi nhớ ngày đông (tập 1), Ở giữa ngày đông (tập 2), Nước Nga, một ngày đông, Tuyết ở Việt Nam (tập 4). Riêng bài Ở giữa ngày đông, nhan đề được chọn làm nhan đề tập thơ. Mùa đông trong thơ Hà Minh Đức mang tính lưỡng trị: nó vừa là chốn cùng của chu kỳ bốn mùa hằng năm, dấu mốc một năm sẽ qua đi, đời dài đang ngắn lại, với tiết trời giá lạnh, gây cảm giác buồn nản, già nua, nặng nề, lại vừa là một mùa đưa lại cho thi sĩ những cảm xúc khác lạ, ngọt ngào.

Trước mùa đông, nhà thơ buồn nhưng không xa lánh và bất đồng, ông cảm tạ một mùa đông ân huệ (Nỗi nhớ ngày đông - 1). Bên cạnh những câu thơ lạnh lẽo, cô đơn, trống vắng, lại là một nỗi niềm xốn xang, trong trẻo: Đã xa rồi mùa đông của tuổi xuân/ Mái tóc mượt đen với nhiều bóng nắng/ Cơn gió rét trộn hòa cùng nắng ấm/ Ta nắm tay nhau trong dạ tần ngần (Ở giữa ngày đông - 2).

Hà Minh Đức cũng hay nói đến buổi chiều, hoàng hôn, buổi đêm, đó là giới hạn của thời gian tính theo đơn vị ngày. Riêng buổi chiều và hoàng hôn, được nhắc đến 35 lần. Có 4 bài ở cả 4 tập được dành riêng nói về buổi chiều, hoàng hôn: Hoàng hôn - 1, Chiều xuống - 2, Chiều cuối năm - 3, Nhớ mẹ chiều đông - 3. Buổi đêm được nhắc đến 75 lần, riêng trong tập thơ mới nhất Khoảng trời gió cát bay có 41 lần nhắc đến đêm, vượt trội so với ba tập thơ xuất bản trước (7 lần, 17 lần, 10 lần).

Nhà thơ dành 11 bài nói về đêm, viết trong đêm: Viết cho con, Đợi chờ, Kỷ niệm Sầm Sơn - 1; Trăng trên sông, Nơi vầng trăng không chiếu sáng - 2; Những giọt nghĩ trong đêm, Kỷ niệm mùa trăng - 3; Đêm nghe nhạc, Giao thừa, Đêm trắng, Đêm Hà Nội - 4. Trong đó, có nhan đề một bài được dùng làm nhan đề một tập - tập thứ 2. Dù buổi chiều, hoàng hôn, buổi đêm thì chúng cũng đều là khoảng thời gian cuối ngày, nhưng chưa phải là chót cùng, mà nhà thơ lại luôn luôn hướng đến cái tận cùng để mong được chiếm lĩnh, cho nên ông nói về đêm vẫn nhiều hơn, thậm chí khi chưa phải là đêm, ông cũng cứ kéo bạn đọc cùng mình đi tới cõi khuya sâu thẳm.

Bài Hoàng hôn - 1 (mới chỉ là hoàng hôn) lại có câu em mát lạnh sương đêm và Dòng sông vẫn vỗ sóng trong đêm. Từ chỗ đứng hoàng hôn, nhà thơ thấy đêm giữa ngày: Anh ở bên em dưới ánh sáng ngày/ Lại có em trong đêm huyền ảo. Bài Chiều xuống - 2 lẽ ra chỉ nói về chiều muộn, hoàng hôn, ấy vậy mà nhà thơ vẫn đi vào đêm tối. Bài Tia nắng ban mai - 2, cũng mở và khép bằng cảnh đêm, bằng suy ngẫm về đêm. Dẫn người đọc về một bến sông quê hương, nhà thơ lại cho biết Dòng sông vẫn tối (Bến đò quê - 1). Nhà thơ đã tìm thấy ở đêm một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc:

Còn em, đang đi trong đêm

Có thể sẽ gặp một tia sáng

Hoặc để chính bóng tối đường

Như kinh nghiệm biết nhận ra từ trong đau khổ

(Chia tay - 1)

Cùng với thời gian, giới hạn của không gian cũng là nơi Hà Minh Đức muốn tiếp tục đánh dấu bước chân mình, tâm hồn mình vào đó. Giới hạn của không gian được nhắc đến 28 lần, vượt trội ở tập thơ mới nhất Khoảng trời gió cát bay với số lần là 12. Nhà thơ nói đến chân trời, cõi xa, nơi cuối vườn, nơi cuối cùng, chốn xa xôi, cuối trời, miền nào, vời vợi xa, từ nơi xa, cuối chân trời, xa xôi một cõi, miền đất lạ, nẻo khuất biển xa, rừng sâu, v.v. Chân trời luôn luôn là bí mật, là nỗi khát khao chiếm lĩnh đến khắc khoải của nhà thơ: 

Chân trời, điều anh muốn nói

Là những gì anh chưa nghĩ ra 

Có bao giờ đến được chân trời ? 

(...)

Mỗi ngày nhìn chân trời 

Lòng vẫn còn mơ ước 

Mỗi ngày nhìn chân trời

Sao lòng thêm buồn nản.

Giới hạn về vật chất (thời gian và không gian) ở một mức độ nào đó có thể chiếm lĩnh được và cũng có thể không. Giới hạn ấy, ở bên ngoài con người, có thể thấy được, dễ nhìn nhận, dễ cắt nghĩa. Còn giới hạn về tinh thần (tình yêu, hạnh phúc, thân phận, ước mơ, v.v.) lại rất mơ hồ, gần đấy mà xa đấy, ngỡ nắm bắt được rồi lại thoắt tuột vĩnh viễn khỏi tầm tay. Chân trời tinh thần có khi ở sát cạnh mà hóa xa lắc xa lơ, hoặc chân trời ấy đã lùi tuột về quá khứ, không thể đi ngược thời gian mà đến được.

Nhà thơ thấy Ngày rất xa và đường thì dài, thấy Có những khoảng cách gần/ Mà vời vợi xa rồi nghi hoặc: Khoảng cách nào hư vô/ Khoảng cách nào có thật (Những khoảng cách - 2) là do vậy. Nhà thơ chỉ có thể chiếm lĩnh được giới hạn cụ thể, chẳng hạn như sống đến tận cùng ngày, đó là đêm, sống đến tận cùng chu kỳ mùa, đó mùa đông, sống đến tận cùng năm, đó là giao thừa, mà không thể chiếm lĩnh được giới hạn mơ hồ. Chẳng ai đang sống bình thường, đang yêu đời, lại dám hạn định cho mình điểm chót cùng của số phận, vì niềm ham được sống, ham được trẻ luôn luôn cưỡng lại. Chẳng ai đến được chân trời, vì thật ra, xét cho cùng, làm gì có chân trời. Chân trời chỉ là một giới hạn ước lệ, cái hữu hạn của nó là hữu hạn mơ hồ. Nhà thơ không thể chiếm lĩnh được giới hạn mơ hồ.

Ông thất vọng tự hỏi: Có bao giờ đến được chân trời? Và đây, trong một bài thơ thuộc loại hay nhất của Hà Minh Đức, nhà thơ đi đến tận cùng thời gian của ngày, đó là buổi đêm, mà thấy mình như con thuyền nhỏ chơi vơi giữa không gian muôn trùng sóng, thấy chân trời đã ở phía sau, chân trời còn ở phía trước (Bến bờ xa lắm - 4).

Con người đành chấp nhận bất lực, không thể vượt qua, thậm chí không thể đến được những giới hạn mơ hồ, bởi nếu như thế, con người sẽ mất hút vào cái vô hạn, chứ không phải là chiếm được cái vô hạn. Tuy nhiên, thơ ca không bất lực khi thơ ca nói lên một cách thấm thìa, có nghệ thuật sự bất lực của con người, vì nếu đã làm được như vậy, thơ ca không còn bất lực nữa, bởi vì tác phẩm ra đời từ hoạt động sáng tạo nghệ thuật đã thay mặt chủ thể sáng tạo đến được và vượt qua cái hữu hạn để đến cái vô hạn. Thơ Hà Minh Đức phần nào chứng tỏ điều ấy.

3. Trong bốn tập thơ có 70 cặp cụm từ, dòng thơ, đoạn thơ đối sánh nhau, tạo thế cân bằng. Phần nhiều là đối sánh hai dòng (mỗi vế một dòng). 

Một số ít trường hợp đối sánh cụm từ trên cùng một dòng thơ, như: Thời gian để quên và thời gian để nhớTuổi để ai vui và tuổi để ai buồn (Một năm - 1), Hạnh phúc đơn sơ, hạnh phúc nhọc nhằn (Tản mạn về em - 2), Có ban mai mờ sương và hoàng hôn máu lửa (Nghĩ về hạnh phúc - 3). Một số ít khác đối sánh đoạn (Dự báo ngày mai - 4). Hà Minh Đức vô tình hoặc cố ý đối sánh, cân bằng ngay cả ở văn xuôi của thơ, thơ văn xuôi: Kiếp hoa ngắn ngủi. Đời lá dài lâu. Sắc hoa rực rỡ đến xao xuyến. Lá đẹp khiêm nhường và bình yên (Chùm thơ nhỏ về lá - 4).

Những cặp đôi cụm từ, dòng thơ, đoạn thơ đối sánh nhau xuất hiện nhiều trong thơ Hà Minh Đức như vừa nêu cho thấy tác giả là một người trải nghiệm, điềm tĩnh, thâm trầm, luôn luôn muốn níu giữ sự cân bằng của đời sống. Tránh cực đoan, tránh nghiêng lệch nhiều mà trọng sự cân bằng, đắp đổi, thấu hiểu qui luật luân lưu giá trị (đã có cái này thì lại phải có cái kia, đã thế này vẫn còn là thế khác), là nếp nghĩ quen thuộc, ổn định, thuần hậu của phương Đông.

Vì vậy mà thơ Hà Minh Đức có vẻ như muốn đi đến tận cùng hiện thực tâm trạng mà lại như là chưa, là không muốn, không dám đi tới, bởi tác giả luôn luôn muốn giữ thế cân bằng. Sau đó, đối sánh cân bằng đối với Hà Minh Đức còn là một đặc điểm của bút pháp nghệ thuật tồn tại bằng cách ẩn giấu, nhuyễn thấm vào quá trình sáng tạo thơ, mà có thể chính tác giả cũng không tự biết.

Thế cân bằng trong thơ Hà Minh Đức không phải luôn luôn cứng nhắc, bằng bặn, không phải hai vế luôn luôn ngược nhau về ý nghĩa hoặc vế ngôn từ mà có linh hoạt, nghiêng lệch nhất định, tạo cho thơ không sa vào nhạt tẻ, hoặc xưa cũ như ở một số trường hợp trong thơ cổ trung đại. Hà Minh Đức cân bằng trong nghiêng lệch của riêng ông, một người vừa không cực đoan, không nóng vội, tự biết mình và hiểu thấu mọi lẽ, lại vừa có cảm nhận mới mẻ, tinh tế và bạo dạn về đời sống. Xin hãy đọc:

Mặt trời mọc

Nơi có rừng chim hót

Mặt trời lặn

Thương người đi xa chưa kịp về

(Mặt trời đến từng ngày - 3)

Rõ ràng nhìn tổng thể, đây là một cấu trúc đối sánh: sáng sớm đối sánh với chiều muộn, nhưng sáng sớm thì có chim hót, mà chiều muộn lẽ ra phải là bóng đêm lặng yên chẳng hạn, hay là hình ảnh gì tương tự. Không, ý thơ ở vế sau đã chuyển một cách đột ngột, nhưng nhẹ nhàng sang một hệ khác: không phải là âm thanh, hình ảnh bề mặt mà là chiều sâu của tâm trạng, đó là nỗi khắc khoải chờ mong, nhớ thương thăm thẳm; không phải không gian, thời gian và hình ảnh vật lý và trực quan mà là không gian, thời gian và hình ảnh tâm trạng.

4. Cảm hứng về thân phận - hạnh phúc là một loại cảm hứng thi ca nổi trội trong thơ Hà Minh Đức. Tuy Sức nghĩ còn đang trẻ (Cấp cứu - 3) nhưng Thời gian trôi dần về tuổi bảy mươi (Không đề - 4) cho nên nhà thơ vẫn lo sợ và nuối tiếc trước một thực tế nghiệt ngã: Đời đang ngắn lại (Ân huệ ngày xuân - 4), Kiếp người mong manh ngắn ngủi (Lên chùa dâng hương - 4). Nhà thơ thấy Trên dòng chảy lênh đênh/ Mà sao thấy mong manh kiếp (Nghe hát trên sông Hương - 4), nhận ra Việc đời chưa hết/ Đã gần cuộc đời (Chờ đợi - 2).

Ngoài một bài riêng Nghĩ về hạnh phúc - 2, nỗi niềm không yên về hạnh phúc cứ trở đi trở lại trong thơ Hà Minh Đức. Những bài Chuyện buồn, Trái tim mệt mỏi, Nếu ngày ấy - 2, Không đề, Hạnh phúc cho em - 3, Khi chúng ta bên nhau - 4, cũng là những bài nói về hạnh phúc. Nhà thơ tự nhủ Hãy chắt chiu từng giọt/ Hạnh phúc đơn sơ hạnh phúc nhọc nhằn (Tản mạn về em - 2) bởi vì, như Tình yêu không có trên giấy (Miền cổ tích của em - 2) thì cũng vậy thôi: Hạnh phúc không dễ trên trang sách (Với em - 1). Hạnh phúc có thể đến rồi nhưng lại tuột đi, như ảo ảnh, để rồi hạnh phúc lại như sắp đến trong nỗi chờ mong khắc khoải: Hãy nén lòng chờ đợi/ Hạnh phúc đến muộn mằn/ Cũng xem là hạnh phúc (Hai nửa mùa thu - 2), hoặc: Hạnh phúc như hai bờ sáng tối/ Một nửa qua đi, một nửa đợi chờ (Vườn xuân - 4).

Hà Minh Đức ít có thơ về tình yêu lứa đôi thuần túy, trực diện. Hầu hết thơ tình của ông hướng về phía tình yêu trong ý nghĩa hạnh phúc hoặc bất hạnh. Vì thế, niềm mong đợi dẫu là đợi mong tình yêu hoặc mọi điều tốt lành khác, thì suy cho cùng, cũng vẫn là, chính là niềm đợi mong hạnh phúc. Riêng trong tập 1 có hẳn một bài Đợi chờ, trong tập 2 có riêng một bài Chờ đợi. Có thể nói, đối với Hà Minh Đức, hạnh phúc là phải đợi mong, được mong đợi.

Ngoài những bài riêng về đợi chờ, những câu thơ diễn tả nỗi đợi mong có rải rác trong cả 4 tập thơ. Dẫu biết Những điều mong ước/ Thường làm ta khổ đau (Vì sao - 4) nhưng nhà thơ không thể sống khác. Được mong đợi và phải mong đợi trong thiếu vắng, đó chính là hạnh phúc. Chủ thể trữ tình luôn luôn ở trạng thái Bây giờ anh nhớ, anh quên/ Bây giờ anh mong, anh đợi (Sao em lại giận anh vào mùa đông - 1), còn khách thể hiện thực, nhân vật trữ tình lại là người phụ nữ luôn luôn ở đâu đó rất xa, sẽ về rất muộn, buộc phải tìm, phải hỏi.

Đọc thơ Hà Minh Đức - 2

Thơ Hà Minh Đức cứ lộ ra như một chỉnh thể toàn vẹn, với mọi ưu điểm và nhược điểm ở ngay cả những bài thơ có thể chưa phải là toàn vẹn một chỉnh thể.

5. Nhìn bao quát, thơ Hà Minh Đức đi theo mạch truyền thống dân tộc và phương Đông, thiên về giản dị, thâm trầm, ấm áp, chân cảm, nhiều suy tư, giàu thiên nhiên. Ông xem trọng cảm xúc và ý tưởng hơn là cách diễn đạt. Nhà thơ để mặc cho ngòi bút đi theo cảm xúc và ý tưởng, không gò mình vào các thể thơ có câu, có khổ hạn định, chỉ cốt giữ lấy nhạc điệu tâm hồn của toàn bài. Thể lục bát làm hay thì khó, trước tiên bị vướng bận bởi hiệp vần, có khi đạt được âm hưởng du dương của ngôn từ thì lại gò gượng, cho nên tác giả đã tránh. Tác giả có vẻ như cố ý nhã đạm và ẩn giấu. Nhà thơ ít nói về cái tôi, cái ta.

Theo một nghĩa nào đó, trong tiềm thức, vô thức, và từ những trải nghiệm đương nhiên, tất yếu về đường đời và nghề nghiệp của một vị giáo sư yêu thơ, từng nghiên cứu thơ, có một số công trình khoa học về thơ, Hà Minh Đức đã viết - hóa ra là - có nghề (về thơ) ở một mức độ nào đó mà có thể chính ông cũng không tự biết một cách rành rẽ. Vì tác giả không cố ý làm nghề, cho nên khó bóc tách cái gọi nghệ thuật ra khỏi cái gọi là nội dung.

Thơ Hà Minh Đức cứ lộ ra như một chỉnh thể toàn vẹn, với mọi ưu điểm và nhược điểm ở ngay cả những bài thơ có thể chưa phải là toàn vẹn một chỉnh thể. Cái hay của thơ ông, có thể ông không tự biết, cái yếu kém, nếu có, ông cũng không quan tâm nhiều vì ông đâu có đua đòi nghề thơ, ông làm thơ chỉ vì tìm một lối thoát, gửi gắm một tâm sự, giãi bày một nỗi niềm mà ở những trang nghiên cứu, phê bình, những trang văn xuôi ông không nói được.

Theo Hà Minh Đức và cũng rất đúng với thơ ông, là Thơ hay đến như sự tình cờ và ra đi không báo trước (Tôi đến với thơ). Ông giãi bày: Tôi làm thơ theo cách của mình, tôi bắt đầu từ cải riêng, như thế mới có cảm xúc, những gì mình phải chân thực, gần gũi. Tôi không viết về những thứ xa xôi bồng bềnh. (Trả lời Tạp chí Sách và Đời sống, số 8, tháng 12-2003).

Cái chân, cái thật trong thơ Hà Minh Đức vẫn là cái chân, cái thật của một thi sĩ, tuy tuổi đã cao mới sáng tác, nhưng nguồn mạch thi ca đã được tích tụ từ thời trẻ trai hoặc trung niên, lòng yêu và sự hiểu biết về nghệ thuật thơ không chỉ đã sẵn mà còn khá nồng đượm và dồi dào. Chính vì thế mà khi thử bút, ông viết liền trong 5 năm, ra 4 tập, và ít sa vào đơn điệu, mòn cũ, ít phạm nhược điểm khô cứng, khoe ngón nghề (dẫu ông biết không ít ngón nghề tân kỳ), cũng ít sa vào vụn vặt. Bốn vấn đề nêu trên (câu hỏi, giới hạn, hạnh phúc, cân bằng) sinh thành và nuôi dưỡng nhau, giằng néo nhau, thấm nhuyễn vào nhau, được thể hiện bằng một bút pháp thống nhất, khiến chúng cùng nhau vừa là tư tưởng, hiện thực của nội dung, cũng vừa là nghệ thuật biểu hiện.

Hà Minh Đức từng tâm sự: Tài trong thơ gắn hồn trong trẻo, đắm say và thăng hoa của tâm hồn. Điều đó thuộc về trẻ (Tôi đến với thơ, đã dẫn). Mới đây ông lại phát biểu: Nói đến văn chương phải nói đến chất nghệ sĩ. Phải cố cảm hứng đam mê nồng nàn qua lối sống, cách viết. Với tôi qua hơn bốn mươi năm dạy học, nghề thầy tạo cho tôi cách nghĩ, cách sống khuôn phép, nề nếp, quy phạm. Sự chừng mực, nhiều khi không thuận lợi cho sáng tác (Tạp chí Sách và Đời sống, đã dẫn).

Có thể ông cũng biết những bài thơ trữ tình chính trị, trữ tình công dân của ông chưa hay bằng những bài thơ ông bộc bạch tâm can về nỗi niềm riêng tư. Và nếu được bạn đọc chỉ ra rằng tác giả lặp lại những giọt: giọt đắng, giọt buồn, giọt hồng, giọt nắng, giọt sương, giọt nghĩ hoặc khổ đau, tiếc nuối, cô quạnh chưa hẳn lần nào cũng cảm hóa được người đọc, thì có thể ông không phản đối.

Không khó lắm, bạn đọc được gặp một số câu thơ hay đến ngẩn ngơ: Tuổi ai vui và tuổi để ai buồn (Một năm - 1), Củi trong nhà chưa khô/ Mà tuyết sương đã phủ dày tóc mẹ (Sao em lại chia tay anh vào mùa đông - 1), Nỗi buồn năm cũ sắp qua/ Nuối tiếc chùm hoa nở chậm (Thời gian - 1), Hồn anh một ngày gió cuốn/ Theo duyên ai gặp gỡ trên đường (Người tình lang thang - 3), Nửa ngày nắng đến vội/ Nửa chiều sương khói bay (Ân huệ ngày xuân - 4). Đoạn thơ văn xuôi trên đầu Chùm thơ nhỏ về lá - 4 cho thấy những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về thiên nhiên, những suy tư thoáng nhẹ mà không kém ý vị, sâu sắc về cuộc đời.

Ngoài sự tồn tại của buổi đêm, hoàng hôn, mùa đông, chân trời, v.v. như là những tín hiệu thẩm mỹ, cao hơn, những biểu tượng, nhằm bộc lộ xúc cảm và ý tưởng nghệ thuật, thì sự tồn tại của gió cũng thế. Gió thổi 55 lần dọc qua suốt 4 tập thơ. Có riêng một bài dành cho gió mà nhan đề của nó được dùng làm nhan đề tập thơ thứ tư. Gió trong thơ Hà Minh Đức ít khi là gió thiên nhiên thuần túy mà chủ yếu là gió tâm trạng. Đó là tâm trạng xao động không yên, luôn luôn muốn cất tiếng hỏi, xin lời đáp. Gió thổi rộng, thổi rỗng không gian và làm cho cõi lòng thi sĩ thêm trống trải, nhớ và buồn xa vắng. Gió đã tăng chiều cao, chiều dài, tăng động, giảm tĩnh cho không gian trong thơ Hà Minh Đức.

Ngoài thơ, nhiều trang văn xuôi như truyện ngắn, bút ký... của Hà Minh Đức cũng giàu cảm xúc trữ tình, cứ như là có một dòng chảy róc rách của thơ. Nếu ai đó đọc lại những tập thơ buổi đầu sáng tác của Hà Minh Đức, tin rằng họ sẽ bị lôi cuốn, ám ảnh, với những mức độ sắc thái khác nhau. ở nhiều khu vực sáng tạo.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chương trình nghệ thuật “Đất nước” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Thi

Chương trình nghệ thuật “Đất nước” kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Thi

Tối 9/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo, phố hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước”, một chương trình nghệ thuật đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi.

Đồng USD tăng giá mạnh, loạt đồng tiền châu Á gặp sức ép lớn

Đồng USD tăng giá mạnh, loạt đồng tiền châu Á gặp sức ép lớn

Sự leo thang không ngừng của đồng USD đã đẩy các đồng tiền châu Á như yen Nhật, won Hàn, nhân dân tệ Trung Quốc và rupee Ấn Độ xuống mức thấp kỷ lục. Điều này khiến các ngân hàng trung ương trong khu vực đối mặt với bài toán khó giữa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.