“Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”
Hành trình đưa văn chương Việt vươn ra thế giới những năm gần đây đã diễn ra sôi động hơn trước, song tác phẩm xuất bản ở nước ngoài còn ít và dấu ấn khá mờ nhạt dù nền văn chương nước ta không thiếu những tác phẩm hay. Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Nhuận Minh, người có thơ được dịch và in ở nhiều nước trên thế giới, chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhà thơ Trần Nhuận Minh có 3 tập thơ được dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Canada để tìm hiểu những kinh nghiệm và góc nhìn của một nhà thơ trong việc xuất bản văn chương ở nước ngoài.
PV: Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, thơ của ông được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây, xin ông chia sẻ cụ thể về những tập thơ trên?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Thơ tôi được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1973, đăng lẻ 1 bài trên một số báo bạn, nhân các sự kiện chính trị ở Việt Nam. Đáng nhớ nhất là năm 1990, bài Lời Di chúc của Bác Hồ, tôi viết ngày 9/9/1969 tại Ba Đình trong Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhà thơ Nga OCMOHOBA TAABNAR dịch sang tiếng Nga, đăng báo Sự thật Công sô môn, số 19/5/1990, Kỉ niệm 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tôi gửi bản chụp kèm theo). Số này gộp 10 số cộng lại, 80 trang khổ lớn như báo Nhân dân của ta (không có một quảng cáo nào). Cả số đó, thơ chỉ có một bài là bài thơ này. Ở nước ngoài, thơ thường không có đầu đề (thơ dịch sang tiếng Việt, hầu hết đầu đề là người dịch thêm vào).
Còn dịch in thành tập là từ năm 2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, rồi sau đó là ở nhiều nước khác. Trong lĩnh vực này, tôi là người đến muộn, ít nhất là sau Trần Đăng Khoa, Mai Văn Phấn và Nguyễn Quang Thiều… Những người khác tôi không rõ. Có thể kể tên 19 tập thơ riêng của tôi, xuất bản bằng các thứ tiếng nước ngoài mà tôi đã có trên tay, như Trần Nhuận Minh – Thi ca tinh tuyển tập (Trung Quốc), Đi ngang thế gian (Đài Loan), Nhà thơ và hoa cỏ (Pháp), Bừng thức (Canada), Đi một mình (Hoa Kì)… Chưa kể, tôi còn được chọn và đăng từng chùm, trong 9 tuyển tập thơ quốc tế, và một số tạp chí văn học chuyên sâu… Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, tôi đã có 3 tập thơ xuất bản ở Mĩ, Hàn Quốc và Canada…
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
PV: Điều gì khiến những tác phẩm của ông có được vinh dự ấy?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Thưa bạn, hoàn toàn đơn giản và nếu có thể nói, là do những may mắn ngẫu nhiên, ngoài mọi cố gắng của tôi.
Hãy bắt đầu từ tập thơ đầu tiên. Năm 2012, kỉ niệm tròn 1300 năm sinh thi hào Đỗ Phủ, Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức hội thảo tại Hà Nội. GS.TS Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Quốc học trong Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo, giới thiệu tôi lên đọc tham luận. Lúc tôi đang bước lên, bỗng nhiên GS.TS Mai Quốc Liên nói thêm một câu: “Đây là nhà thơ Việt Nam kế thừa xuất sắc nhất thơ Đỗ Phủ”. Nhiều học giả Trung Quốc đứng lên vỗ tay, khiến tôi rất cảm động.
Đến lúc giải lao, GS.TS Phùng Trọng Bình gặp tôi, nói rằng, ông rất muốn đọc thơ tôi, nếu không có bản tiếng Trung thì gửi cho ông bản tiếng Anh, có tiếng Việt kèm theo. Non 2 năm sau, tôi nhận được thư ông, và tập bản thảo tiếng Trung rất dày, sẽ đưa in, mà tôi không đọc được một chữ nào. Tôi hoàn toàn mù tịt về ngoại ngữ. Tôi rất ngạc nhiên và rất mừng, thấy Giáo sư cùng các cộng sự Trung Quốc đã chọn đến 163 bài thơ của tôi và Giáo sư trực tiếp viết Lời giới thiệu rất dài.
Đây là một công trình nghiên cứu thơ tôi, rất công phu, nếu in đầy đủ ở Việt Nam thì chỉ riêng bài giới thiệu này đã khoảng 120 trang in (đã dịch và trích in ở Tạp chí Nhà văn và tác phẩm, Hội Nhà văn Việt Nam, số 14 năm 2015).
Lần thứ hai: Năm 2015, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam ở nước ngoài, tôi tình cờ được Ban tổ chức xếp ngồi cùng mâm trong tiệc chiêu đãi với các bạn Đài Loan. Nhân có một tập thơ tiếng Trung, tôi tặng GS.TS Tưởng Vi Văn, trưởng đoàn. Khoảng 5 ngày sau, tôi nhận được thư Giáo sư với nội dung mà sau này, ông đã phát biểu y như thế trong cuộc họp báo ở Hà Nội, ngày 13/8/2018, khi tập thơ tôi được xuất bản, phát hành ở Đài Loan, ra mắt ở Việt Nam. Ông nói tiếng Việt (đại ý): Ông đọc hết tập thơ tiếng Trung của tôi suốt đêm ấy tại khách sạn Hà Nội, và khi về, ngồi trên máy bay, ông đã quyết định sẽ cùng các cộng sự ở Đài Loan chọn dịch tập thơ tôi sang tiếng Đài.
Đến lần thứ ba thì rích rắc hơn. Năm 2000, GS, Viện sĩ Bùi Trọng Liễu gửi thư cho Trần Đăng Khoa, lúc đó còn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, rằng, ông đã đọc tập Nhà thơ và hoa cỏ và thấy đây là tập thơ Việt hay nhất mà ông từng đọc. Ông đã bàn với Nhà Việt Nam học và Viện Hàn lâm Văn học Pháp, sẽ dịch và giới thiệu tập thơ này ở Pháp, yêu cầu tôi cho ý kiến và cung cấp thêm một số tư liệu cho việc dịch thuật và xuất bản. Lúc đó, tôi hoàn toàn không hiểu có vấn đề bản quyền, và điều ấy đối với việc sử dụng tác phẩm của người nước ngoài, quan trọng là như thế nào.
Trần Đăng Khoa chuyển thư cho tôi. Tôi rất mừng và trình thư lên Bí thư tỉnh ủy Hà Văn Hiền cho phép tôi thực hiện, vì tôi khi ấy là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, theo quy định của công tác quản lí cán bộ. Ông Hiền rất ủng hộ, bảo tôi hãy tập trung vào mấy việc cấp bách của tỉnh do chính tôi đề xướng trước đã, là thực hiện Năm Mĩ thuật Quảng Ninh, phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh với Hội Mĩ thuật Việt Nam, trong việc đưa các họa sĩ Hà Nội (có một số hoạ sĩ Quảng Ninh đi cùng) sáng tác ở mỏ than và biển đảo, tổ chức Triển lãm Mĩ thuật 10 tỉnh vùng Sông Hồng và Hội thảo khoa học, đánh giá Mĩ thuật về Quảng Ninh và ở Quảng Ninh, đã đi đến đâu, tính từ những năm GS Viện sĩ , họa sĩ Trần Văn Cẩn về Quảng Ninh sáng tác (1960) đến nay, v.v…
Tôi vào cuộc rất tận tụy, và quên hoàn toàn cái thư của GS, Viện sĩ Liễu đã gửi. Khoa chuyển thư cho tôi, rồi cũng quên luôn. 20 năm sau, khi sửa nhà xong, lôi các túi nhựa trong suốt, có cúc bấm ra lau chùi, rồi sắp xếp lại, bỗng nhiên tôi thấy cái thư của GS, Viện sĩ Liễu ở trên cùng của các tư liệu trong túi, (nếu nó ở giữa các văn bản thư từ, thì tôi cũng không biết là có nó). Tôi bàng hoàng đến mấy phút. May sao có nhà báo Trọng Khang, phóng viên báo Quảng Ninh. Trọng Khang chụp ảnh và viết bài đăng báo luôn.
Lại cũng may sao, cái tin đó đến được bà Đạm Thư năm ấy đã 85 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh. Bà Đạm, nguyên là sinh viên trường Đại học Sorbonne (Pháp), từng làm báo Phụ nữ Việt Nam, ở Hà Nội, đã về nhà tôi 2 lần (nhưng tôi không được gặp) những năm Khoa 9 – 10 tuổi làm thơ, đã xuất bản 2 tập sách, mà nhân vật trung tâm là mẹ tôi. Bà hỏi tôi, sự thể thế nào, rất lấy làm tiếc, một dịp may vô cùng hiếm, và bảo tôi gửi thư của ông Liễu cho bà, bà rất quen biết vợ chồng ông Liễu. Ông Liễu đã mất từ hơn 10 năm trước. Còn vợ ông, người Pháp, thi thoảng bà Đạm có hỏi thăm.
Nhờ bà Liễu hỏi giùm, mới biết là Viện có bàn về việc đó, nhưng không thấy hồi âm của tôi, tức là chưa được sự đồng thuận của tác giả về bản quyền, nên đã dừng lại. Đến bây giờ, những vị đó đều đã chết cả rồi và Viện cũng không quan tâm đến việc ấy của văn học Việt Nam nữa.
Cũng lại may, bà Đạm thân với bà Dominique Demiscault, mà bà gọi thân mật là bà Đôm, một nhà thơ – dịch giả – nhiếp ảnh gia rất nổi tiếng của Pháp, đã qua Việt Nam đến 40 lần, từng dịch, giới thiệu và xuất bản một tập thơ Trần Đăng Khoa bằng tiếng Pháp. Bà Đôm nghe bà Đạm thông tin thế, bảo bà Đạm gửi cái Nhà thơ và hoa cỏ của Minh cho bà xem thế nào, bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và tiếng Việt. Bà Đôm rất hào hứng với tập thơ, và nhân dịch COVID – 19 bị phong tỏa, bà để hẳn một năm ở nhà, cùng cộng sự là TS Ngữ văn học Nguyễn Thị Hiệp, người Pháp gốc Việt, ở Viện Khảo cứu cao cấp Pháp (EPHE), chọn dịch tập thơ này, 107 bài, đưa in ở Pháp, non 250 trang.
Tính bà rất nghiêm cẩn, chỉ một sơ ý rất nhỏ trong thư tôi gửi, bị Google dịch sai, chút nữa thì bà bỏ việc. Đây là tập thơ in sang trọng nhất trong các tập nước ngoài của tôi, bìa da, giấy vàng xốp, cốt cách hàn lâm, màu in như sách cổ điển… Bà báo cho tôi số tiền nhuận bút, cũng rất khá. Tôi nói tôi muốn được tặng lại bà, vì bà dịch rất vất vả, nhưng bà không nhận vì “tôi đã có phần của tôi rồi”. Tôi rất kính nể bà.
Sau đó, các nhà thơ của Hội đồng Dịch thuật Châu Âu (mà tôi không biết tên một ai) chọn lại, một số bài dịch lại, ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha, xuất bản tại Canada, phát hành toàn cầu… Nhờ thế, thơ tôi đến được với nhiều bạn đọc và nhiều nhà thơ quốc tế, trong đó có nhà thơ Tây Ban Nha, gốc Ailen John Liddy. Ông đến tìm tôi ở TP Hạ Long.
Chúng tôi gặp nhau ở một quán nhỏ trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ, do con trai ông phiên dịch. Con trai ông đãi tôi một cốc sinh tố và ông nhận từ tôi 2 tập thơ mới xuất bản. Tháng sau, ông gửi cho tôi ảnh chụp bài tường thuật cuộc gặp này đăng trên báo Ailen, ông nói gặp tôi, ông rất lo lắng hồi hộp (tôi thấy hơi lạ)… nhưng chỉ sau mươi phút, thấy tôi rất giản dị, rất dễ gần. Một tuần sau, lại nhận được 2 trang báo, đăng phỏng vấn tôi trên báo THE CAFÉ REVIEW ra ngày 13/ 11/ 2023 tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Thơ tôi được dịch in ở Tây Ban Nha và ở Ailen, là nhờ công của ông... Mãi gần đây, tôi mới nhận được sự hỗ trợ về ngoại ngữ, của một số dịch giả trẻ Việt Nam. Tất cả chỉ có thế.
PV: Xin ông cho biết sức sống của các tập thơ dịch của ông ở nước ngoài, độc giả nước ngoài đón nhận các tác phẩm ấy như thế nào?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi được mời sang Đài Loan, là người Việt đầu tiên được mời (cá nhân) sang Đài, cũng là người Việt đầu tiên có tác phẩm được dịch in và phát hành ở Đài. Tôi dự 2 cuộc hội thảo về thơ tôi ở Đài Nam và Đài Bắc, nhận được sự đồng cảm mà tôi chưa thấy ở đâu, nồng ấm và chân thành như ở Đài Loan. Nhiều gương mặt và lời phát biểu của các GS,TS, các nhà thơ hàng đầu ở Đài Loan, làm tôi nhớ và cảm động đến tận bây giờ. Có một nhạc sĩ đọc thơ tôi đã khóc ngay khi phát biểu và tôi ngồi trên đoàn chủ trì hội thảo, phải bước xuống tận nơi, rất cảm động mà nắm chặt lấy tay ông…
Ở Pháp, bà Đôm cũng gửi tin cho tôi, có 3 lần thơ tôi được giới thiệu ở 2 thành phố Pháp và một cuộc hội thảo nhỏ ở Paris. Kết quả trông thấy là một bài viết của một nhà nghiên cứu Mĩ, tại Pháp, ông William Hanbury Tenison đã được Tạp chí Văn hiến Việt Nam dịch và cho in số 3+ 4, ra ngày 25/4/2023. Tôi rất ngạc nhiên về sự cảm thấu và hiểu tôi của ông bạn Mĩ này, sâu sắc và mới mẻ đến kì lạ. Những bài báo và nghiên cứu về thơ tôi đã đăng báo, in sách ở trong và ngoài nước, hai con tôi tập hợp và đưa in lại nguyên văn, cũng được đến 4 tập, non 2000 trang in ở Việt Nam.
Bìa một số tập thơ được xuất bản ở nước ngoài của nhà thơ Trần Nhuận Minh.
PV: Nhiều người cho rằng việc xuất bản sách ở nước ngoài là điều vô cùng khó khăn, thậm chí viển vông. Là người đã xuất bản nhiều đầu sách ở nước ngoài, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi không nghĩ thế. Tôi thấy chỉ có một khó khăn thôi. Đó là tác phẩm của ta, bạn phải bán được, bạn đọc nước ngoài bỏ tiền mua thơ (truyện) của ta, là muốn ta đáp ứng được nhu cầu của họ, về tâm lí, đời sống hay nghệ thuật. Tôi không thấy trong đó, có yêu cầu gì về chính trị.
Có một ông chủ nhà sách, đã in thơ tôi, nhắn tôi, nhờ tôi giới thiệu tập nào hay để ông xin phép tác giả cho ông được in, bản thảo tiếng Anh, hay tiếng Pháp, mà tôi cho là sẽ bán được, và ông nói thẳng, nhà sách của ông, cũng như các bạn ông, không ủng hộ bất cứ một tác phẩm nào chống Cộng, chống Việt Nam. Còn một chút khó khăn nữa, nhưng không khó khắc phục, là rào cản ngôn ngữ. Điều này chỉ có đối với các nhà thơ (văn) miền Bắc thuộc thế hệ tôi. Nghĩa là phải qua phiên dịch.
Như tôi, hoàn toàn không biết chất lượng bản dịch thơ tôi thế nào. Còn các nhà thơ (văn) xuất hiện sau năm 1975, ít hoặc không gặp khó khăn này. Các bạn biết tiếng Anh và các tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha (chẳng hạn…) chỉ một cú click chuột, 1 phút sau, tác phẩm của các bạn đã trực tiếp đến các nhà xuất bản uy tín nhất của các quốc gia, do bạn tự lựa chọn…
PV: Việc “xuất khẩu văn chương” hiện nay đã sôi động hơn nhưng còn yếu, dấu ấn văn chương Việt Nam trên văn đàn thế giới còn mờ nhạt, theo ông vấn đề là do đâu và cần khắc phục như thế nào?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Văn chương Việt Nam hiện nay có 2 luồng rõ rệt. Luồng thứ nhất được cổ súy nhiều qua các loại giải thưởng và tôi rất hoan nghênh, nhằm một mục đích quan trọng nhất và cần thiết nhất, điều này rất đúng và rất cần làm, là phản ánh những gì phù hợp với yêu cầu của mình, tác động có hiệu quả nhất vào đại đa số nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng trước mắt. Luồng thứ hai của các tác giả sau 1975, là viết để tự giải phóng, cốt đi đến tận cùng các khoái cảm của mình. Đây cũng là nhu cầu chính đáng, một trong những kết quả của công cuộc đổi mới sau 1986, mở đường phát triển cho mọi cá tính sáng tạo.
Nhưng cả 2 luồng sáng tác này, nếu giá trị tư tưởng và nghệ thuật chỉ dừng lại ở đó, thì không thể hội nhập quốc tế được. Tôi đã nhiều lần nhắc đến một câu nói kinh điển của nhà văn Pháp Faul Elouard (1895 – 1952) “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả!”. Và tôi hiểu là: Nhà thơ (văn) phải đi bằng bước chân của mình, từ chỗ mình đang đứng, nhưng cái đích đến, phải đến với toàn nhân loại: Hòa bình – Nhân ái, Quyền và Hạnh phúc của Con Người. Bạn ơi, nội dung này, ta còn ít chú ý. Nguyên nhân là gì? Cần khắc phục thế nào ư? Thưa bạn, tất cả là ở đó đấy.
PV: Cụ thể các tác giả cần làm gì để có thể xuất bản văn học ở nước ngoài góp phần quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, thưa ông?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Trong lần phát biểu ở cuộc họp báo tại Hà Nội, ngày 13/8/2023, GS.TS – dịch giả Đài Loan Tưởng Vi Văn nói rằng: “ Thơ Trần Nhuận Minh không có biên giới. Nội dung Trần Nhuận Minh phản ảnh không chỉ ở Việt Nam, mà còn có ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu thơ Trần Nhuận Minh được dịch ra ở bất cứ quốc gia nào, cũng dễ được chấp nhận”. Từ ý kiến đó, qua một ví dụ cụ thể là thơ tôi, câu hỏi bạn nêu ra, dường như đã được trả lời. Còn nói cho gọn hơn, là: “Làm sao, cái mình có, là cái các bạn nước ngoài cần. Cái các bạn nước ngoài đang cần, là cái mình đã có”. Chỉ có thế thôi. Nếu cần thêm, là cần tinh thông ít nhất 1 ngoại ngữ. Nhưng cái cần thứ 2 này (như tôi), không có, cũng dễ khắc phục. Các dịch giả tài năng và rất thân thiện đang đứng bên cạnh bạn, sẽ lập tức hỗ trợ bạn.
PV: Rất cảm ơn nhà thơ.
"Chính vì nhà văn Lê Lựu xuất hiện đầu tiên mà Trung tâm William Joiner quyết định mở rộng quan hệ với các nhà văn Việt...
Bình luận