Lê Lựu thời chống Mỹ, nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ

“Chính vì nhà văn Lê Lựu xuất hiện đầu tiên mà Trung tâm William Joiner quyết định mở rộng quan hệ với các nhà văn Việt Nam. Lê Lựu đã quyến rũ họ một cách kỳ lạ bởi cách sống của ông, bởi những câu chuyện khác biệt của ông, bởi sự chân thành đến tận đáy của ông và sự thông thái đến kinh ngạc của ông” – Nguyễn Quang Thiều

NHÀ VĂN LÊ LỰU THỜI CHỐNG MỸ

Năm 1968, Lê Lựu và Phạm Tiến Duật được tổ chức điều động vào tăng cường cho đội ngũ văn nghệ sĩ ở Trường Sơn. Lê Lựu viết báo và viết văn, Phạm Tiến Duật cũng viết báo và làm thơ. Cả hai đều xuống đơn vị thâm nhập thực tế, sống như những người lính chiến thực sự. Chùm thơ dự thi đạt Giải Nhất Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1969 của Phạm Tiến Duật gồm các bài: “Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây”, “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong” cũng từ những chuyến đi ấy. Lê Lựu bắt đầu khởi thảo tiểu thuyết “Mở rừng”, luồng sinh khí văn chương như mở toang cánh cửa trí tuệ, tâm hồn Lê Lựu. Nhưng về đời tư, lúc này Lê Lựu cũng vẫn bức xúc, nếu không “giải phóng” được cũng rất ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của mình. Muốn dứt điểm với người vợ tảo hôn, nhưng hèn một nỗi người cha xuất thân trong một gia đình nho giáo, rất có uy với gia đình, dòng tộc, làng xóm, nhất quyết không cho Lựu bỏ vợ.

Ở phòng Tuyên huấn Bộ tư lệnh 559, tôi và Lê Lựu cũng rất thân, vì là đồng hương cùng cảnh ngộ tảo hôn. Một hôm Lựu ngỏ lời: “Ông Đáng ạ, tôi muốn đưa vấn đề ly hôn của tôi ra chi bộ, ông ủng hộ tôi nhé”. “Nhất trí”. Việc Lê Lựu xin ly dị được đưa ra chi bộ xem xét, đa số đã đồng ý nhưng cũng còn phân vân. Mọi người trong chi bộ biết tôi với Lê Lựu là đồng hương Hưng Yên nên đưa ra ý kiến cử tôi về quê hương Lựu thẩm tra thêm trước khi kết luận cũng chưa muộn.

Về quê Lựu, tôi tìm gặp đồng chí Lê Nhiễm là anh ruột Lê Lựu, khi ấy là Chánh Văn phòng huyện ủy Khoái Châu thống nhất với nhau giữ bí mật và đánh tiếng với gia đình là tôi và Lê Nhiễm cùng hoạt động thời kháng chiến chống Pháp, nay có dịp về thăm gia đình. Cảm giác đầu tiên của tôi là buồn. Người cha đã mất, mẹ già yếu, vợ hơn chồng dăm ba tuổi mà chênh lệch như chị với em, không được yêu nhưng vẫn có con, do chấp hành chỉ thị của đồng chí Bí thư chi bộ: phải “hoàn thành nhiệm vụ” rồi mới được kết nạp Đảng. Mình cùng cảnh ngộ, không dám bỏ vợ, nhưng trong trường hợp này “giải phóng” cho nhau là hướng tốt đẹp nhất.

Lê Lựu thời chống Mỹ, nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ - 1

Nhà văn Lê Lựu

Kỳ họp chi bộ sau nghe tôi báo cáo, mọi người tán thành và Lê Lựu làm đơn xin ly dị. Được vào học Trường viết văn Nguyễn Du, Lê Lựu cũng dứt điểm được chuyện ly hôn. Một mặt tập trung vào học và viết, song Lựu cũng đang tìm tổ ấm. Tôi khuyên Lựu: Hãy khoan chuyện yêu đương đã, nhưng tôi cũng phát hiện ra anh chàng không nghe mình và đang có đối tượng theo đuổi, cô ta là con gái riêng của một vị quan to. Tôi nói với Lê Lựu: là thằng con trai có tài, cần gì phải dựa vào “cây đa cây đề” và theo tôi biết, ông chỉ là “ người thứ 41” chứ đâu phải mối tình đầu. “Vứt”! không thương tiếc. Đợt này Lựu nghe tôi “rút lui có trật tự”.

Nhưng lần sau thì Lựu “dấu bem”, không ngỏ lời tham khảo. Nào ai ngờ, chỉ mấy tháng sau Lựu gọi điện mời dự cưới một nhân vật khác. Hơi bị đường đột, tôi giận bạn, không đến dự cưới và cho con gái đến phục vụ cơm nước. Và cũng chỉ vài tháng sau, “cái thân làm tội cái đời”! Lựu lại đến tìm tôi sụt sùi khóc. Nhưng sự đã rồi, biết làm sao được. Suốt đời vất vả lận đận về chuyện gia đình vợ con mà già đi trước tuổi. Chuyện đời tư tuy có ảnh hưởng nhưng tiểu thuyết “Mở rừng” vẫn đến tay bạn đọc.

Mùa khô năm 1972-1973, nhà văn Lê Lựu trình Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn dự án mở trại viết cho các cộng tác viên viết văn và viết báo ở Trường Sơn là lực lượng tại chỗ, rất cần thiết. Thấy dự án khả thi, Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên phê chuẩn và bổ nhiệm nhà văn Lê Lựu là người trực tiếp đứng ra tổ chức tại Quảng Bình những năm đánh Mỹ đang diễn ra quyết liệt.

Sau khi liên hệ, được Tỉnh ủy Quảng Bình nhất trí và cử đồng chí Nguyễn Khai là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo trực tiếp làm việc với nhà văn Lê Lựu. Hôm bế mạc trại viết, nhà văn Lê Lựu trịnh trọng giới thiệu đồng chí Nguyễn Khai lên phát biểu. Bài nói kết thúc, đồng chí Khai còn nói thêm với toàn thể trại viên rằng: “Trong đời làm công tác tuyên huấn, tôi quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ Trung ương đi thực tế ở chiến trường nhưng chưa thấy ai như nhà văn Lê Lựu, ông đọc thuộc lòng một mạch cả mấy truyện ngắn vừa viết; thậm chí cả những chương tiểu thuyết. Đọc rồi phân tích cho ra lý ra lẽ, thấy cái hay, cái đẹp, tài năng của tác giả trong tác phẩm. Học viên cứ im phăng phắc lắng nghe. Trí nhớ tốt đến thế là cùng”.

Cả hội trường vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, khâm phục nhà văn Lê Lựu và tài diễn thuyết của đồng chí Nguyễn Khai. Cho đến nay, có nhiều trại viên đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng chí lái xe Phạm Hoa viết truyện ngắn đầu tay “Cái lò gạch” năm 1974, nhờ tôi chuyển ra Tạp chí Văn Nghệ quân đội, được in ngay. Tác giả Phạm Hoa sau này là nhà văn, Đại tá, Cục trưởng cục Tuyên huấn phụ trách Văn hóa Văn nghệ của Tổng cục Chính trị, vừa qua đời. Kết thúc trại viết, nhà văn Lê Lựu được chuyển về Tạp chí Văn nghệ quân đội, làm Trưởng ban văn xuôi, rồi Thư ký Tòa soạn Tạp chí. Với Lê Lựu, đây là thời cơ vô cùng thuận lợi để làm nên nhiều tác phẩm ghi dấu ấn của sự nghiệp văn chương sau này.

Sự ra đời của Tiểu thuyết “Thời xa vắng” là một minh chứng. Tác phẩm vừa được xuất bản, trên báo Quân đội nhân dân đã có bài viết về sự thành công của “Thời xa vắng”, do nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng khẳng định.

Lê Lựu thời chống Mỹ, nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ - 2

Bìa tiểu thuyết "Thời xa vắng" của Lê Lựu.

Đọc xong bài viết đó, nhà văn Nguyễn Kiên, Giám đốc NXB Tác phẩm mới (Nay là NXB Hội Nhà văn) mới thở phào nhẹ nhõm và gọi điện ngay thông báo sự thành công bước đầu của nhà văn Lê Lựu. Tại sao lại thở phào? Nhà văn Nguyễn Kiên chia sẻ: “…Vừa ký duyệt vừa run tay”, vì đây là tác phẩm đầu tiên đề cập đến vấn đề đổi mới trong văn học, đồng hành với sự đổi mới toàn diện của đất nước. Nhưng để cho yên tâm hơn, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam Hà Xuân Trường đã kịp thời tổ chức cuộc tọa đàm, mời các cây bút lý luận phê bình văn học tham khảo ý kiến rồi mới đi đến kết luận bằng câu chữ về tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Đa số các ý kiến là ủng hộ, khen nhưng cũng có những ý kiến khác “xoáy” vào những chi tiết: ông Bí thư chi bộ (là chính trị viên đại đội) giao nhiệm vụ cho nhân vật Giang Minh Sài về phép phải ngủ với vợ có kết quả rồi về đơn vị mới được kết nạp Đảng. Như vậy là chống lại công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội.

Lê Lựu lúc đó cũng đã nóng mặt nhưng vẫn giữ được sự bình tĩnh trả lời: “…đồng chí nào vừa có ý kiến đó chứng tỏ là chưa đọc kỹ, thẩm định sai. Đây là công tác Đảng của Bí thư chi bộ ấu trĩ. Trong đoạn này có cả những ý kiến của lãnh đạo Đảng cấp trên phê phán sự ấu trĩ đó, phê phán một cách nghiêm khắc. Là nhà nghiên cứu lý luận phê bình, đọc tác phẩm là phải đọc kỹ, nếu “có vấn đề” cần xem xét, lại càng phải đọc kỹ hơn rồi mới “phán”, đó mới cần đến công tác nghiên cứu lý luận, phê bình vào cuộc. Đi vào cụ thể: Tác phẩm của tôi viết về “Thời xa vắng” cơ mà…

Hiện tại khác rồi, đâu còn như thế nữa. Chưa đọc kỹ mà vội vàng phán thì nguy hiểm lắm. Tôi xin cảm ơn anh Hà Xuân Trường đã có cuộc tọa đàm tức thì để kịp thời định hướng dư luận, nếu không chỉ một chi tiết này tương lên báo đưa ra dẫn chứng, rồi mổ xẻ, phân tích, quy kết lập trường tư tưởng của nhà văn thì cuốn tiểu thuyết này “đi tong”! Một khi được nhìn nhận lại thì “chờ được mạ thì má cũng sưng”. Xin hết!”.

Cho đến nay, tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã có hàng trăm bài viết của những tác giả tên tuổi như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Yên Ba (nhà báo), Trần Đăng Xuyền, Bùi Viết Thắng, Ngô Thảo, Đinh Quang Tốn, Phạm Tiến Duật, Ngô Vĩnh Bình, Lê Thành Nghị, Phạm Xuân Nguyên, Hồng Thanh Quang, Như Bình, Phùng Văn Khai, Trần Thị Trường, Trần Hoài Nguyên…

Từ “Thời xa vắng”, họ tấn phong Lê Lựu là nhà văn lớn, có tác giả còn suy tôn Lê Lựu là “Cây đại thụ” (mặc dù tác giả tuổi chưa nhiều) trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Bạn đọc yêu văn học cả nước tìm đọc “Thời xa vắng” và khẳng định nhân vật Giang Minh Sài chính là cha đẻ của nó. Lê Lựu là Giang Minh Sài chính hiệu. “Thời xa vắng” “bay” sang một số nước, trong đó có những đối phương là kẻ thù cũng tìm đọc và mời đích danh một mình tác giả Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên sang Mỹ. Cùng với truyện dài “Người về đồng cói”, “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng” cũng được Xưởng phim truyện Việt Nam dựng thành phim đã làm cho Lê Lựu đã nổi tiếng lại càng thêm nổi tiếng.

LÊ LỰU - NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐƯỢC MỜI ĐẾN  MỸ

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã giúp Lê Lựu trong giao tiếp bằng tiếng Anh trong suốt chuyến đi dài. Ông chụp ảnh chân dung đặc tả Lê Lựu bằng ngôn ngữ văn học rất ấn tượng: “Ở giữa sân bay quốc tế hiện đại rộng lớn, ông mang theo một túi ni-lông đựng 20 chiếc bánh bao. Ông nói: đồ ăn ở sân bay rất đắt nên ông mang theo bánh bao để ăn. Ông ngồi mở túi bánh bao của mình bọc trong những mảnh lá chuối và giấy báo để ăn. Tôi ngồi nhìn ông và thấy ông hiện ra khác biệt và dị biệt trong cái thế giới hiện đại ấy. Ông ngồi lặng lẽ và bình thản ăn bánh bao giữa hàng nghìn lượt người mà quần áo, trang sức, túi xách, va ly… đẹp và sang trọng qua lại. Ấy vậy mà khi tiếp xúc với đối tượng là kẻ thù ông đã làm thay đổi nhận thức của họ về Việt Nam”.

Hình ảnh Lê Lựu thản nhiên ngồi ăn bánh bao, tôi chợt nhớ đến nhà văn Nguyên Hồng - Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng khi đã về hưu, đến thăm lại cơ quan cũ, đang còn chờ ở phòng thường trực, chờ gặp đồng chí Chủ tịch kế nhiệm mình khi trước. Cụ trải tấm ni-lông ngủ ngay dưới sân phòng thường trực làm một giấc ngon lành và một Lê Lựu trên đất Mỹ đang ngồi ăn bánh bao giữa sân bay rộng lớn và hiện đại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hai con người, hai hình ảnh cũng là một.

Lê Lựu thời chống Mỹ, nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ - 3

Nhà văn Lê Lựu (bên phải) và nhà văn Ngụy Ngữ tại Mỹ (năm 1987). Ảnh tư liệu.

Nguyễn Quang Thiều còn cho biết: Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đích danh đến Mỹ khi chiến tranh kết thúc. Ông lên đường theo lời mời của Trung tâm William Joiner đến đất nước từng là kẻ thù. Ông đến đó và cô độc giữa một thế giới mà ông hầu như không hiểu gì từ món ăn, phương tiện sống đến ngôn ngữ và văn hóa khác biệt của người Mỹ và một mình chống chọi với sự hận thù lúc đó vẫn đang còn tràn ngập xung quanh. Ở giữa đất nước văn minh hiện đại nhất thế giới, Lê Lựu hiện ra là một nông dân thực sự và là một nhà thông thái đến kinh ngạc.

Sau này, những người Mỹ ở Trung tâm William Joiner một tổ chức văn học của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nơi đã mời Lê Lựu đến Mỹ và dẫn ông đi đến nhiều nơi của nước Mỹ, gặp gỡ nhiều tầng lớp của xã hội họ đã nói với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng: “Chính vì nhà văn Lê Lựu xuất hiện đầu tiên mà Trung tâm William Joiner quyết định mở rộng quan hệ với các nhà văn Việt Nam. Lê Lựu đã quyến rũ họ một cách kỳ lạ bởi cách sống của ông, bởi những câu chuyện khác biệt của ông, bởi sự chân thành đến tận đáy của ông và sự thông thái đến kinh ngạc của ông”.

Giám đốc Trung tâm William Joiner, nhà thơ Kevin Bowen, người đã làm tất cả để đưa Lê Lựu đến Mỹ khi quan hệ Việt -Mỹ còn quá nhiều băng giá, ông đã nói với nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Sự chân thành của Lê Lựu đã thách thức mọi quan điểm thù hận, mọi thái độ khinh miệt của một số người Mỹ và đã làm cho họ cảm thấy xấu hổ. Vẫn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Lê Lựu là nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tới Mỹ sau chiến tranh và đã thuyết phục được người Mỹ phải nghĩ lại với một thái độ nghiêm túc nhất. Lê Lựu chính là người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nhịp cầu quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh. Lê Lựu là cái tên riêng của một đất nước có tên Việt Nam đầu tiên vang lên trong một cuộc trò chuyện của những trí thức nhà văn cựu binh Mỹ ở Boston.

Sau này, những chuyến đi Mỹ của Nguyễn Quang Thiều, ở đâu người ta cũng hỏi, cũng nói về Lê Lựu. Họ ví Lê Lựu là một tảng đá xù xì không một dấu vết chế tác nhưng chứa bên trong là một viên ngọc quý. Nhà thơ danh tiếng, giáo sư văn chương, cựu binh Mỹ Bruce Weigl nói: “Không ai có thể thay thế được Lê Lựu”.

Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry đã nhận Lê Lựu là anh em kết nghĩa và cùng John Kerry cưỡi ngựa đi trong trang trại của mình.

LẬP TRUNG TÂM VĂN HÓA DOANH NHÂN - MỘT PHÁT KIẾN ĐỘC ĐÁO ĐÚNG THỜI ĐIỂM

Cũng không phải Lê Lựu biết khi Đảng và Nhà nước “Ưu tiên phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đón bắt. Tự nhiên trong đầu nó nghĩ ra và được thể hiện bằng câu chữ, ấy vậy mà đúng thời điểm “bung ra” dự án thành lập “Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam”.

Tôi là một trong số ít người được Lê Lựu nói về ý tưởng thành lập Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam đầu tiên: “Ông Đáng biết đấy, đời cầm bút viết báo và viết văn của tôi đã trên dưới 40 năm và số tác phẩm to, nhỏ các loại cũng gần như thế, nhưng trước và sau “Thời xa vắng” tôi tự nhận thấy không có tác phẩm nào vượt qua được “Thời xa vắng”. Đây là “đỉnh cao” của Lê Lựu chứ không phải “đỉnh cao” của giới nhà văn Việt Nam, và cũng để lại trong lòng bạn đọc dăm ba tác phẩm gì đó. Đã đến lúc phải “chuyển giai đoạn” tìm kiếm một “tác phẩm mới”, đó là việc thành lập “Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam”.

Lê Lựu thời chống Mỹ, nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời đến Mỹ - 4

Cuốn sách "Văn hóa doanh nhân - Lý luận và thực tiễn" 

Dự án thành lập Trung tâm tôi đã hoàn thành và tìm gặp đệ trình ông Đoàn Duy Thành - nguyên Phó Thủ tướng (khi ấy là Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ 1993-2003). Ông Đoàn Duy Thành đã ký Quyết định cho phép thành lập Trung tâm vào ngày 11/09/2002. Văn phòng bước đầu đặt tạm tại phòng làm việc của tôi ở Văn Nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội.

Với hai bàn tay trắng, với diện tích 20 mét vuông của Văn Nghệ Quân đội, cho mình mượn tạm vì tôi đã có quyết định nghỉ hưu. Công việc đầu tiên là Thành lập Hội đồng cố vấn tối cao, khi ấy lẽ dĩ nhiên là tôi mời ông Đoàn Duy Thành làm Chủ tịch. Ông Phạm Văn Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ TW (cố vấn chính trị), ông Hữu Thọ (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân (cố vấn văn hóa văn nghệ), ông Tô Hoài, người thầy lớn, cây đại thụ văn học, là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Tôi mời các nhà văn nhà báo tên tuổi, cũng là bạn tôi như Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Trần Đăng Khoa, Kim Quốc Hoa… trực tiếp làm phóng viên và có “chân” trong Ban biên tập. Lê Lựu là Giám đốc Trung tâm, trực tiếp làm Tổng biên tập Tạp chí và ông Hoàng Kim Đáng đã từng làm thư ký Tòa soạn của ông Tô Hoài nay giúp tôi làm Thư ký Tòa soạn.

Tôi nhìn Lê Lựu với cái nhìn cảm phục mà nhận lời cộng tác và khẳng định rằng Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam sẽ là “Tác phẩm đỉnh cao” của Lê Lựu, sau đỉnh cao Thời xa vắng; có thể còn viết thành truyện dài, tiểu thuyết hoặc hồi ký của Lê Lựu sau đó. Tiếc thay cùng thời gian, tôi nhận được Quyết định chuyển về làm Chuyên viên Vụ Văn hóa- Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa TW. Vậy là chức thư ký tòa soạn của Tạp chí Văn hóa doanh nhân trả lại để ông Lê Lựu tìm người khác. Tuy không cộng tác trực tiếp nhưng có công việc quan trọng Lê Lựu vẫn gọi tôi. Chính cái địa điểm đặt “Đại bản doanh” ở 319 đường Tam Trinh, Lê Lựu cũng mời tôi cùng đi đến gặp Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên tại nhà riêng ở phố Nguyễn Thế Nghĩa. Cùng đi còn có cô Nguyệt (Trưởng phòng Hành chính Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) dẫn đường. Vậy mà cũng phải gần một năm sau mới chính thức nhận được địa điểm đặt nhiệm sở là một khu đất của chung cư cũ nát, nước thải nhà vệ sinh chảy tràn suốt ngày đêm. Lê Lựu phải chạy đến Công ty xây dựng nhà số 2 đề nghị sửa chữa lại.

Sau ngày khai trương, nhà số 319 đường Tam Trinh đông như ngày hội. Năm 2005, Tạp chí Văn hóa doanh nhân ra đời. Cơ cấu Trung tâm văn hóa doanh nhân gần như hoàn chỉnh. Các cuộc hội thảo, tọa đàm, phỏng vấn, giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức. Các câu lạc bộ Văn hóa doanh nhân lần lượt được thành lập trên phạm vi toàn quốc. Báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội liên tiếp đưa tin hoạt động, phỏng vấn giám đốc.

Hai cuộc hội thảo lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức đầu tiên, sau đó là đến các tỉnh lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, khu vực Tây Nguyên. Thấy được ý tưởng hay, độc đáo, rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị, văn hóa, kinh tế uyên bác tham gia cộng tác trong các cuộc hội thảo như Lê Đăng Doanh - (Chuyên viên cao cấp, Ban nghiên cứu của Thủ tướng), Giáo sư Viện sĩ Hoàng Vinh, Hữu Thọ, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trần Bạt, Lê Hồng Lý, Phan Đăng Nhật, Dương Trung Quốc, Việt Phương, Nguyễn Xuân Kính, Hồ Sĩ Quý, Trần Ngọc Thêm, Bùi Thiết, Đào Hùng, Lê Ngọc Trà, Đức Uy, Mai Hải Oanh, Huỳnh Quốc Thắng, Đặng Lê Nguyên Vũ… cùng hàng trăm các học giả thừa nhận Văn hóa doanh nhân là một ý tưởng hay, độc đáo, ra đời đúng với thực tiễn cuộc sống, hoạt động có hiệu quả.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, gửi thư chúc mừng như Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ TW Phạm Văn Thọ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hoàng Văn Nghiên - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch thành phố Hà Nội…

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2005), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị tiếp nhà văn Lê Lựu và đoàn đại biểu Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Ngày 14/1/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư chúc mừng năm mới Mậu Tý qua Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam, chúc các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam nhiều thành công, quyết giành thắng lợi mới và sau đó Lê Lựu có cuộc tiếp kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tôi chụp ảnh cuộc tiếp kiến đó. Khi xem ảnh, Lê Lựu mừng rơi nước mắt: “Không ngờ cái thằng Lê Lựu nhà quê một cục này mà cũng được “Vua biết mặt, Chúa biết tên”. Đây cũng là “Tác phẩm đỉnh cao” của Lê Lựu, sau cái đỉnh cao “Thời xa vắng”, ông Đáng ạ!”. Lê Lựu cười hấc hấc.

Năm 2007, tôi gặp Lê Lựu chân thất thểu, đi bộ quanh hồ Đền Lừ. Tôi nhìn Lê Lựu từ đầu đến chân: “Trời, sao ông xuống sức đến như thế này cơ à?”. Lê Lựu bắt tay và cười buồn: “Quy luật mà, kể cả ông rồi cũng vậy thôi. Tiện đây tôi nhờ ông Đáng giúp tôi một việc rất quan trọng. Tôi có một đống những kỷ yếu các cuộc Hội thảo, các cuộc giao tiếp với các doanh nghiệp, doanh nhân, hình ảnh làm việc và gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi đã có lời mời ông nhà thơ Phạm Đức, là Phó Giám đốc NXB Thanh Niên, đã nghỉ hưu, nay tôi mời ông về làm Giám đốc Trung tâm xuất bản và ông Phạm Đức là Phó Giám đốc, giúp tôi ra được cuốn sách thâu tóm tất cả từ những đống tư liệu này đang còn nằm đắp chiếu hàng năm nay. Tôi cử cháu Nguyễn Thị Hồng, người của cơ quan giúp hai ông thực hiện.

Tôi nhận lời và cũng hứa chỉ trong ba tháng sau khi xuất bản xong lại tạm biệt “ông bạn vàng” Lê Lựu đấy! Bắt đầu vào cuộc, gần hai tháng “Đãi cát lấy tinh” công trình mang tên “Văn hóa doanh nhân - Lý luận và thực tiễn” với độ dày gần 500 trang, khổ sách 19x27cm in trên giấy tốt, nhiều hình ảnh đẹp được “chưng cất” từ kho tư liệu ấy. Ngày tổng duyệt, ông Lưu phải thừa nhận: nội dung phong phú, bìa và sách trình bày đẹp, chỉ xin thêm đôi chữ: NHÀ VĂN LÊ LỰU - Chủ biên, vì tôi là người sáng lập ra Trung tâm Văn hóa doanh nhân, là người chủ của công trình này. Xin cảm ơn hai ông và cháu Trần Thị Hồng, tất cả những gì trong tác phẩm “Văn hóa doanh nhân - Lý luận thực tiễn” đã được huy động vào đây cả.

*

*      *

Những ngày cuối đời, Lê Lựu trở về quê hương tĩnh dưỡng và chờ ngày đi thăm các cụ Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… Tôi cũng đã tuổi cao, sức yếu, không về thăm ông được, kể cả giờ phút ông lâm chung, tôi cũng không có mặt. Ông ra đi nhưng hình ảnh còn lưu lại: Nhà văn Nguyên Hồng, thầy dạy ông, gọi ông và trao đổi: “Bài của cậu viết có nhiều chi tiết hay nhưng  cũng còn nhiều rác. Nếu biết cắt gọt những chi tiết rác rưởi ấy thì cậu có thể trở thành nhà văn được, Lựu ạ!”. Vài chục năm sau, Lê Lựu cũng trở thành nhà văn lớn…

Tôi cũng nhớ những lời ông nói với cậu học trò binh nhì Phùng Văn Khai, học viên của trại viết, do Lê Lựu làm Trại trưởng rằng: “Bài cậu viết cơ bản là hỏng, Hỏng nhưng còn cứu được chứ không hỏng hẳn. Cậu viết có văn mà đọc thì không có chuyện”. Cũng vài chục năm sau, Phùng Văn Khai thường về thăm ông, ông cũng mãn nguyện vì nó cũng trưởng thành như mình, trở thành nhà văn nổi tiếng quân hàm cấp Trung tá, Phó Tổng biên tập thường trực của Tạp chí Văn Nghệ quân đội, nơi ông ngày xưa đã từng làm việc. Có điều ông cũng chưa biết hết, nay ở tuổi ngoài 40, cậu ta cũng trở thành “Cây” viết tiểu thuyết lịch sử tiếp theo thế hệ của các thầy Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải. Có năm, Phùng Văn Khai còn viết và xuất bản đến ba cuốn tiểu thuyết lịch sử ấy. Quả thực là “Siêu tốc độ”.

Về với thế giới người hiền, ông cũng có quyền tự hào: Lê Lựu là nhà văn lớn, là nhà văn đầu tiên được mời đến Mỹ, một mình ông đã làm cho kẻ thù phải nghĩ lại, phải thán phục nhân dân Việt Nam nhân hậu, nền văn hiến Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ông đã để lại sự nghiệp văn chương sáng giá cho thế hệ sau, Nhà văn Lê Lựu không hề xa vắng!

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất