Những khúc quanh về văn chương và số phận của nhà văn Lê Lựu
Lê lựu đã sống một cuộc đời đau khổ nhưng cũng đầy thiện lương, tử tế và có ý nghĩa, cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" như một nén tâm nhang của giới văn bút kính cẩn tưởng nhớ đến ông.
Cuốn sách kết tinh từ tình đồng nghiệp, tình người
Trong gần 60 năm cầm bút, với hơn 40 đầu sách Lê Lựu đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ. Ông đã đóng góp cho nền văn chương nước nhà nhiều tác phẩm kinh điển, làm rung động đời sống văn học Việt Nam với giá trị nghệ thuật lớn, có ảnh hưởng và sức lan tỏa sâu rộng.
Lê Lựu không chỉ được người yêu văn chương mến mộ mà ông còn được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý và trân trọng. Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" được ra đời từ những tình cảm chân thành, từ những bâng khuâng trước văn chương và số phận của ông và được kết tinh từ tình đồng nghiệp, tình người.
Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" được ra mắt tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày 6/8.
Cuốn sách do Viện Nhân học Văn hóa xuất bản, với gần 350 trang sách, tập hợp bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình về sự nghiệp văn chương, cuộc đời và số phận của nhà văn Lê Lựu.
Chia sẻ về cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu có nhiều khúc quanh, bước ngoặt mà tập sách này đã chạm đến, đã chia sẻ và đồng hành, đớn đau và kiêu hãnh về ông, cho ông, một nhà văn của nhân dân và Tổ quốc.
Buổi ra mắt sách được diễn ra trang trọng với sự tham dự của người thân, đồng nghiệp và độc giả yêu quý nhà văn Lê Lựu.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, quyền Giám đốc Thư viện Quốc Việt Nam gia nhận định đây là một cuốn sách vô cùng quý giá, nói về một con người đã dành đam mê, nhiệt huyết, dũng cảm, trách nhiệm với văn chương, với xã hội, với đất nước.
Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" sẽ được Thư viện Quốc gia Việt Nam bổ sung vào thư viện và được lan tỏa đến các thư viện công cộng trong cả nước để độc giả của hôm nay thêm hiểu về văn chương và số phận của một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết.
Một đời dấn thân và cống hiến sâu sắc cho văn chương
Nhà văn Lê Lựu - người nông dân bờ bãi sông Hồng đã trót mang tai ách kiếp văn chương luôn ở trong tâm trí bạn bè, đồng nghiệp với dáng vẻ của một người không thay đổi chút gì hình thức bên ngoài của ông. Ông sống với con người bên trong ông. Và trong một đời sống càng ngày càng nhiều mỹ miều và giả tạo, ông như bị bật ra ngoài. Nhưng chính điều ấy lại làm nên con người ông và giá trị của ông.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Lê Lựu đã sống giữa thế kỷ 20 đầy biến động và nhiều giá trị bị đánh tráo giống như một người từ một thế kỷ xa xôi nào đó trở về. Ông trở về sống với những người của một thế kỷ hiện đại bằng vẻ đẹp cổ xưa của mình. Và ông trở thành Lê Lựu.
Lúc nào tôi cũng thấy Lê Lựu đi một mình trên con đường của cuộc đời. Đấy là cảm giác luôn có ở trong tôi. Nhiều lúc, Lê Lựu được bao vây bởi đám đông của bạn đọc và bạn văn. Nhưng gương mặt ông ánh mắt ông vẫn xa xôi ở một nơi chốn nào đó. Và khi đọc “Thời xa vắng”, tôi càng thấy hình ảnh ấy rõ hơn bao giờ hết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận.
Nhà văn Lê Lựu
Lê Lựu là người có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc, ông hết sức có trách nhiệm với văn chương và số phận của mỗi con người, của nhân dân và dân tộc. Xuất thân là người lính thông tin trưởng thành từ những dòng tin dưới 30 từ, ông biết rằng viết văn phải có ý tưởng rõ ràng, minh bạch. Viết đúng, viết trung thực đã đành, còn phải phản ánh đúng tâm lý nhân vật.
Đời văn của ông bội thu nhất vào quãng từ năm 1984 đến 1994, cũng là thời điểm ra đời hai tác phẩm để đời của ông: “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”. Thế nhưng, theo lời nhà văn, tác phẩm ưng ý nhất của ông là tiểu thuyết “Chuyện làng Cuội”, một câu chuyện khai thác trung thực những ngóc ngách cuộc đổi mới của đất nước.
Với quan niệm văn chương là cuộc đời, chỉ viết về những điều mình “thuộc” nhất, tác phẩm của Lê Lựu đi sâu vào các thân phận trong cuộc chuyển mình của từng thời kỳ ông sống. Nhà văn tự nhận: “Tôi không có tài năng gì, chỉ có chép lại sự thật một cách chân thành, đúng đắn, công bằng”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn phải tài năng lắm và phải biết giấu tài lắm thì Lê Lựu mới thực hiện được những trang văn như thế. Anh nhận định: Lê Lựu chính là một bậc hành giả văn chương. Lê Lựu mang hình tượng một Tôn Hành Giả trong lòng bàn tay của Phật, nằm dưới núi Ngũ Hành Sơn bao nhiêu năm từ khi bàn tay đức Phật úp xuống nên ông biết thừa sự thật và càng biết chấp nhận sự thật.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu chủ trì buổi lễ ra mắt sách.
Lê Lựu là một nhà văn độc lập. Ông đã đớn đau và dằn vặt, hy sinh rất nhiều, chịu mất đi rất nhiều bao gồm cả hạnh phúc riêng tư chỉ vì cái độc lập đó. Ông không độc lập cho riêng mình mà chính là vì số phận, thân phận của nhân dân và đất nước mà ông quyết làm một ngòi bút độc lập, nói ra những điều cần nói.
Nhà văn Lê Lựu cũng chưa bao giờ yên hàn thanh thản trong đời sống, càng chưa bao giờ tĩnh lặng với văn chương. Văn chương của ông từ cuộc sống mà ra, và lập tức chúng ùa vào cuộc sống. Văn chương của Lê Lựu là thứ văn chương vắt ra từ gan ruột.
Bởi thế mà văn chương của ông khác biệt. Bởi thế mà ông khác biệt ngay cả khi ông không nói gì, không làm gì. Ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam những trang văn gắn liền với sự thay đổi của thời đại. Những tác phẩm với những giá trị nghệ thuật không bao giờ cũ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ôn lại những kỷ niệm về nhà văn Lê Lựu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Tôi học được ở Lê Lựu nhiều điều, trước khi anh viết, anh phải nghĩ ra một cái gì đấy để có thể gửi gắm cho độc giả và điều ấy anh sẽ không nói thẳng luôn ra mà anh nói bằng cốt truyện, bằng số phận nhân vật, bằng cả cái câu chuyện của anh. Cho đến nay, không còn nghi ngờ gì nữa, Lê Lựu là một trong những nhà văn rất lớn mà chúng ta dường như vẫn chưa hiểu hết được ông.
Cuốn sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận" đã chạm đến nhiều khúc quanh về văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu, trình bày những sự thật về văn chương và con người Lê Lựu, như chính ông, từ chính ông. Cuốn sách cũng một lần nữa cho ta thấy rằng, Lê Lựu đã không còn nhưng “Thời xa vắng” của ông đã không bao giờ làm ông vắng xa.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 09 tháng 9 năm 1937, tại Thành phố Huế, ông người làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu...
Bình luận