Lốc rừng: Tình người không bị vùi dập

Đọc Tiểu thuyết “Lốc Rừng” của Nhà văn Vũ Quốc Khánh NXB Hội Nhà văn Giải Ba cuộc thi Tiểu thuyết về đề tài Biên giới và Biển đảo Hội Nhà văn Việt Nam - 2021.

Tôi từng nói với một người bạn văn rằng: Văn chương không quan trọng việc đến sớm hay đến muộn. Vì đến sớm hay đến muộn thì nhà văn cũng phải viết ra bằng hết những thứ mình cần viết. Người đến với văn chương muộn thường làm việc vô cùng nghiêm túc và với một năng lực phi thường. Trong làng văn Việt, không khó để chỉ ra những tác giả như thế. Là đồng hương của nhà văn Vũ Quốc Khánh - một trường hợp điển hình của năng lực ấy, tôi thấy, dường như anh đang rốt ráo để hoàn thành sứ mệnh văn chương của mình. 

Tám cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn, một số tập tiểu luận phê bình là tâm huyết của nhà văn sinh ra và lớn lên, gắn trọn cuộc đời với sự nghiệp văn chương nơi quê hương Đất Tổ. Những ai quan tâm đến vùng đất được mệnh danh là "văn vật" này hẳn ít nhiều ghim trong trí nhớ của mình những cá tính văn chương mạnh mẽ, đại diện cho nết đất, nết người vùng trung du Bắc bộ. Đó là một Nguyễn Hữu Nhàn dí dỏm hài hước trong mọi tình huống, cười ra nước mắt. Một Hà Phạm Phú đa năng, sâu sắc và sâu cay. Một Nguyễn Tham Thiện Kế tài hoa, sang trọng, đôi lúc có phần điệu đà. Một Đỗ Xuân Thu chân chất, hồn nhiên và tha thiết niềm tin yêu cuộc đời. Còn nhà văn Vũ Quốc Khánh, trong cảm nhận của tôi, đó là một tàng thư về văn hóa dân gian, văn hóa tộc người và bách khoa về vốn sống, một khi đã trút lòng lên trang viết là tỉ mỉ, chu đáo và quyết liệt đến tận cùng để người đọc thấy rõ hết những thông điệp mà nhà văn ý nhị gửi gắm.

Thế mạnh của nhà văn Vũ Quốc Khánh là rừng. Khi viết về rừng, ngòi bút của anh tự tin mà tung tẩy, tự tin trổ hết ngón nghề, khiến người đọc như bị dẫn vào rừng sâu mà không dám dừng lại. Vì sợ bị lạc lối. Người ta có thể đoán biết được chủ đề tư tưởng của tác phẩm khi dàn nhân vật lần lượt xuất hiện và trình diện. Nhưng tuyệt đối không thể biết nhân vật sẽ làm gì với chính số phận của họ. Chuyện kể về chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ Trần Quốc Hoàng và quyết định đến công tác tại mảnh đất biên cương xa xôi, nơi Anh hùng Liệt sỹ Trần Quốc Trường, bố anh, đã cùng đồng đội chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Sức mạnh của tuổi trẻ cộng với sự vun vén, cổ vũ từ mẹ và đồng đội của bố đã cho Hoàng có thêm dũng khí, niềm tin mãnh liệt vào con đường mình đã chọn, đồng thời tự nhủ dù khó khăn đến mấy thì anh cũng sẽ vượt qua.

Chính vì quyết tâm ấy mà trong cuộc khởi đầu vô vàn khó khăn, trở ngại tại bản Nùng Xín, Hoàng đã từng bước vượt qua những thử thách và dần chiếm được tình cảm yêu mến của bà con. Thế nhưng, câu chuyện về chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ Trần Quốc Hoàng dường như chỉ là cái cớ, là nhân duyên ban đầu để nhà văn dẫn dắt người đọc khai thác một cốt truyện với không gian, bối cảnh đồ sộ. Hoàng giống như trục trung tâm để dần dần, quanh anh, từng nhân vật xuất hiện, tìm chỗ đứng trong câu chuyện và trình diễn cho độc giả thấy sự sinh động phong phú của số phận trong hành trình khẳng định bản ngã.

Lốc rừng: Tình người không bị vùi dập - 1

Tiểu thuyết "Lốc rừng"

Nhà văn Vũ Quốc Khánh là một người có tài miêu tả nội tâm và tính cách nhân vật. Với lối hành văn rõ ràng mạch lạc, cộng với tốc độ câu chữ chậm rãi như người vùng cao đi núi, đi nương, những nhân vật của anh hễ bước ra là sẽ đem tới một câu chuyện dự báo đầy biến động về cuộc đời của chính họ. Quả thực, nhân vật của nhà văn Vũ Quốc Khánh không có chính phụ, không có tuyến một, tuyến hai, chỉ có những vị trí đắc địa như những quân cờ trên một bàn cờ. Họ hiện diện trong không gian ấy một cách vừa vặn, không thể thiếu một ai, không thể thừa một ai. Họ đan vào nhau, liên quan nhau, trói buộc, ràng díu nhau.

Đó là Tiểu đoàn trưởng Trần Quốc Trường, là Đại đội trưởng Bàn Văn Lung và cô con gái xinh đẹp lém lỉnh Bàn Thị Liên, là chủ tịch xã Hoàng Chí Tài, là xã đội trưởng Tráng A Pinh và vợ anh, cô giáo Thào Thị Lẫm. Là Thào Sính Lùng. Là thầy mo Triệu... Đó còn là Vương Quân Lịnh, Vương Xá Lình, những kẻ được các thế lực phản động quốc tế lợi dụng để chống lại nhà nước dân chủ nhân dân của ta. Mỗi người một vẻ, một diện mạo, một tính cách và một nhiệm vụ. Tất cả đều hiện ra độc đáo, riêng biệt.

Dù miêu tả trực tiếp hay gián tiếp thì điều đặc biệt là người đọc đều như được đứng trước mặt nhân vật để quan sát họ một cách dễ dàng nhất. Những thước phim hiện lên từ ký ức đau thương nhưng quá đỗi hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc được nhà văn từng khoác áo lính này miêu tả chân thực, hết sức tỉ mỉ và bén nhạy. Tiểu đoàn trưởng Trần Quốc Trường và những đồng đội của mình đứng trước nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, đối mặt với sự ác liệt của chiến tranh, sự lạnh lùng chết chóc của bom đạn và sự man rợ của kẻ thù, không mảy may sợ sệt. Thế nhưng họ vẫn có nuối tiếc khi chưa kịp hoàn thành những dự định, chưa kịp thực hiện những ước mơ về một cuộc sống bình yên, no ấm đến với những bản làng, nơi phên giậu Tổ quốc.

Sức hút và giá trị của những thước phim tư liệu đẫm đầy tính bi hùng ấy ngay từ phần đầu của cuốn tiểu thuyết đã trở thành động lực mạnh mẽ để bạn đọc bước qua trận địa ngổn ngang tiến về hiện tại. Nơi những con người có những hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau đang nắm tay nhau để cùng hoàn thành những ước nguyện của lớp người đi trước. Thực tế thì Bình Thanh còn nghèo, đời sống của đồng bào H'Mông, đồng bào Dao còn bấp bênh lắm. Ở nơi đó lương thực của người và gia súc, gia cầm hoàn toàn trông chờ vào nương ngô, đám lúa mỗi năm vài vụ truyền thống. Ở nơi đó từ giống cây trồng đến vật nuôi, phương thức canh tác đều đã lỗi thời, giống như tấm áo cũ kỹ chật hẹp, vá víu đang căng ra để che đậy một thân thể đang không ngừng bung cựa, khao khát lớn mạnh hơn.

Thực tế, đời sống của bà con Nùng Xín còn lạc hậu với vô vàn hủ tục, nơi tiếng nói của thầy mo giá trị hơn tiếng nói của thầy giáo và thầy thuốc. Đấy là mảnh đất màu mỡ cho mê tín dị đoan tồn tại, vươn rộng, trói buộc con người. Một thực tế như thế, khiến những kẻ chống phá hý hửng, tự tin mở cờ trong bụng. Chúng tìm mọi cách kích động mua chuộc Thào Sính Lùng và họ hàng của anh ta bằng quà cáp và loại rượu có chất gây nghiện. Chúng lợi dụng yếu điểm của cán bộ Tráng A Pinh đã có lần phạm sai lầm từ nhiều năm trước để đe dọa, buộc anh phải tiếp tục chịu sự sai khiến. Chúng thao túng từ trưởng thôn Vương Thụ với câu chuyện về vua Mèo Vương Trung Thành và nhân vật người Mông nổi tiếng Vương Chí Sình. Chúng khống chế thầy mo Sùng A Triệu bằng chính mối quan hệ của Triệu với Thào Thị Lẫm. Mo Triệu có thể cúng ma khô giỏi, có thể kết nối bà con với thánh thần thì chúng nghĩ mo Triệu cũng có thể khiến bà con tin vào sứ mạng gây dựng vương quốc tự trị của người Mông. Chúng dùng bạc hoa xòe để mua chuộc dân bản Nùng Xín.

Tất cả những điểm yếu của bà con nhân dân Nùng Xín trở thành điểm mạnh của những kẻ âm mưu phá hoại. Đối trọng với cả một tập thể đông đảo các tầng lớp nhân dân Nùng Xín nhưng phía bên kia chỉ có hai nhân vật mà tiêu biểu là Vương Quân Lịnh và Vương Xá Lình đến từ bản Chí Sần. Phải chăng đó là dụng ý của nhà văn, cố tình tạo ra sự chênh lệch ấy để người đọc biết rõ những hạn chế của đồng bào vùng cao mà có thêm kinh nghiệm trong bước đường công tác trên mảnh đất vùng sâu vùng xa này. Vương Quân Lịnh khoác lên người cái vỏ bọc hậu duệ của Vua Mèo, con chiên của Đức Chúa Trời, tín đồ trung thành của đạo Tin Lành. Hắn dùng những bài diễn thuyết ma mị, dối trá và vẽ ra ánh hào quang mang tên "Vương quốc H'Mông tự trị" khiến tất cả chao đảo, hỗn loạn như trong một trận Lốc rừng mịt mù không biết đến lúc nào mới có thể dừng lại. Chỉ cần sơ sẩy để lý trí con người rơi vào sự thê thảm, rệu rã đến mức mắt không đủ sáng, tâm không đủ tĩnh để nhìn rõ chân tướng sự việc thì sẽ đẩy người dân đến việc mất niềm tin vào chính quyền, đặt niềm tin vào kẻ địch.

Quả thực những người H’Mông từ khắp mọi nơi bị mua chuộc bằng những đồng tiền trước mắt và những lời hứa hẹn ngọt ngào, giả dối đã bỏ đất, bỏ bản để rồng rắn nhau kéo đến Nùng Xín. Còn người Nùng Xín cũng bỏ nương bỏ ruộng, bỏ đất đai để vạ vật trước cửa ủy ban biểu tình đòi công bằng cho cái chết của mo Triệu. Chỉ cần vài ba quân cờ độc và dăm nước đi hiểm của những kẻ phá hoại, mang danh nghĩa đồng tộc, họ hàng, "anh em tốt" Nùng Xín đã gần như hoàn toàn thất thủ. Nùng Xín trở thành ổ bệnh dịch, thiếu lương thực, thiếu thuốc men, thiếu nước sinh hoạt và nguy hiểm hơn là khủng hoảng niềm tin bùng phát, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của mấy ngàn người bị chúng lừa phỉnh tới đây. Đấy chính là bài học xương máu cho những người làm cán bộ của Đảng của dân trên đất nước ta.

Trong bối cảnh ấy, bạn đọc có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi, nếu như không có kỹ sư Trần Quốc Hoàng, với nhiệt tình của tuổi trẻ và trách nhiệm cao cả của anh đối với lời hứa thiêng liêng trước anh linh của cha mình thì sao? Nếu không có một Trưởng công an huyện Tân Lập Bàn Văn Lung nhạy cảm, tinh tường và đồng đội sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ ổn định an toàn, an ninh làng bản quê hương thì sao? Nếu không có sự cố gắng để làm thức tỉnh của những cái đầu u mê và sự gượng dậy của những tâm hồn mong manh yếu đuối thì sao? Và độc giả đã tìm thấy câu trả lời qua từng trang viết của tiểu thuyết.

Dù đã đọc 4/8 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Vũ Quốc Khánh, nhưng theo cảm quan cá nhân mà nói, đây là cuốn sách cho tôi nhiều rung cảm nghệ thuật nhất. Đó là thứ nghệ thuật vị nhân sinh vừa sâu sắc, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có rất nhiều những trang văn cảm động và chứa đựng những ẩn ức giống như những tiền đề để những nhân vật có thể tự tha thứ cho bản thân, tha thứ cho nhau. Ví dụ, Tráng A Pinh không yêu Thào Thị Lẫm nhưng vẫn cưới cô vì món nợ quá lớn, lưu cữu từ đời ông nội anh để lại. Không yêu vợ không phải vì vợ xấu. Ngược lại Thào Thị Lẫm là một cô giáo người H'Mông rất xinh đẹp, khéo léo. Pinh không yêu vợ vì trong lòng khắc hằn quá sâu hình ảnh của mối tình đầu tiên với một thiếu nữ Dao khi cô tung quả pao trong ngày hội Gầu Tào để anh bắt được.

Chính vì cuộc hôn nhân lạnh lẽo, không được vun đắp tình yêu từ hai phía, cộng với nhiệm vụ của một xã đội trưởng đã cuốn anh đi suốt ngày để người vợ một mình vò võ trong nỗi cô đơn dằng dặc. Vì thế vô tình Pinh đã đẩy Lẫm vào vòng tay của thầy mo Triệu, một người đàn ông tài hoa, khéo ăn khéo nói, hiểu biết, quan hệ rộng rãi lại khôi ngô tuấn tú. Triệu được mời đến làm lễ cúng ma khô cho bố vợ của Thào Sính Lùng. Từ đó tư vấn cho Thào Sính Lùng tổ chức lễ hội Gầu Tào để cầu con. Những lễ cúng, lễ hội ấy tại nhà anh trai ruột đã kéo Lẫm lại gần mo Triệu hơn. Họ si mê nhau, cuốn lấy nhau và Thào Thị Lẫm đã mang trong bụng đứa con của thầy mo Triệu. Câu chuyện ba người, Pinh, Lẫm và Triệu được nhà văn Vũ Quốc Khánh khắc họa một cách tài tình, ý nhị và rất đỗi chân thực. Nhà văn kể về tình yêu, tâm tư tình cảm, cả những tính toán của người đàn bà đã có chồng nhưng không được chồng yêu đầy rộng lượng, nhân văn và tinh tế. Đấy là những trang văn mê đắm nhưng không suồng sã, nhục dục. Đau đớn, dằn vặt, tủi hổ nhưng vẫn rạo rực bản năng và mê mải bị cuốn đi trong dòng chảy xiết của ái ân vụng trộm không thể cưỡng lại. Văn phong ấy khiến người đọc không kìm nén được những xót thương, tiếc nuối. Xót cho Lẫm và thương cho Pinh, tiếc cho cả hai người, khiến cho độc giả luôn mong muốn tìm cho ra câu trả lời tại sao tình yêu lại không thuộc về đôi trai tài gái sắc ấy?

Những trang viết về Tráng A Pinh là những trang viết đẹp nhất và cuốn hút vô cùng. Từ một chiến sĩ trên trận địa luôn sống giữa lằn ranh sinh tử đến những thử thách cam go trong sinh hoạt cùng đồng đội Tráng A Pinh đã để lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến. Khi toàn bộ nguồn nước quanh đơn vị đều bị kẻ thù khống chế, anh đã dũng cảm lựa chọn cách đu mình trên vách đá để tìm ra đường đi lấy nước cứu đồng đội qua cơn khát. Trong lần đi lấy nước đó Trưởng tiểu tổ Vương Quân Lịnh đã lợi dụng cùng là người H’Mông để giăng bẫy, dùng mưu mẹo trói buộc Tráng A Pinh vào cam kết sau này phải làm việc cho chúng. Hắn đã nắm giữ một ngón tay sấy khô của Pinh để khống chế anh. Khi gặp lại Vương Quân Lịnh ở lễ hội Gầu Tào do Thào Sính Lùng (anh trai Lẫm) tổ chức, Pinh đã dự cảm được những điều xấu xa, tồi tệ bắt đầu đến với mình vì lỗi lầm nhận lời làm việc cho kẻ địch lúc bị dồn đến bước đường cùng ngày trước. Bỏ lại sau lưng những trò chơi dân gian đánh yến, đánh quay, đám hát gầu plềnh, cuộc thi bắn nỏ, hội thi múa khèn và bỏ lại cả những bình rượu cần, Tráng A Pinh về nhà, thu mình trong góc tối với tâm trạng hoang mang, lo sợ. Dù không phải kẻ hèn nhát, ham sống sợ chết, phản bội đồng đội nhưng Pinh không dám hé răng tâm sự với ai vì sợ họ không hiểu mình.

Trong tột cùng hỗn độn, Vương Quân Lịnh xuất hiện. Biết Tráng A Pinh là người H'Mông lại là xã đội trưởng nên Vương Quân Lịnh đã dùng áp lực giao cho Tráng A Pinh nhiệm vụ lôi cuốn bà con vùng Tân Lập chuẩn bị cơ sở cho người H’Mông ở các nơi khác kéo về Nùng Xín để chống lại chính quyền, đòi thành lập Vương quốc H'Mông tự trị theo sự xúi giục của các thế lực phản động. Với bản tính ngay thẳng và trung thành Tráng A Pinh đã kiên quyết chống đối. Anh trốn ra lán coi nương của nhà, không tiếp xúc với người họ Thào và Vương Quân Lịnh. Nhưng Vương Quân Lịnh không buông tha. Hắn dùng Thào Thị Lẫm, dùng mo Triệu để tiếp cận lán coi nương của Pinh với mục đích khống chế anh quay về phục vụ cho hắn. Đương nhiên, bản năng sinh tồn của một người trai H'Mông trỗi dậy, Pinh đâu dễ dàng bị khuất phục. Khi bị tấn công, anh dùng tên nỏ bắn vào cánh tay kẻ đi đầu với ý đồ cảnh cáo, nhưng anh rút nhầm mũi tên độc nên Sùng A Triệu chết ngay tại chỗ. 

Cái chết của mo Triệu là cao trào của câu chuyện, một lần nữa đẩy Tráng A Pinh đơn thương độc mã đến bên miệng vực. Nó đã trở thành cái cớ không thể tốt hơn cho Vương Quân Lịnh và đồng bọn lợi dụng Trưởng bản Vương Thụ kích động nhân dân Nùng Xín tụ tập ở ủy ban xã để gây rối, kích động những người H’Mông ở nơi khác đến, biến Nùng Xín trở thành một trận đồ bát quái, an ninh trật tự rối loạn, mất kiểm soát. Điều này khiến cho Trưởng Công an huyện Bàn Văn Lung và đồng đội phải căng mình, cử người cải trang vào tận "hang ổ" của quân phản loạn để nắm tình hình. Ngay cả Trần Quốc Hoàng vì muốn vào bản Nùng Xín để thuyết phục nhân dân đừng bỏ cây ngô đang cần chăm sóc cũng bị bắt nhốt. May mà anh được Thào Thị Lẫm bí mật thả ra, nếu không đã bị chúng giết chết. Cuộc chiến gay cấn diễn ra giữa lực lượng bảo vệ an ninh huyện Tân Lập và nhóm đối tượng mạo danh "sứ giả" vua Mèo đã lật tẩy hoàn toàn mưu đồ của bọn phản loạn. Tên Vương Sa Chẩy trước khi chạy trốn đã nhằm vào đại úy Thào Xuân Sơn nổ súng, nhưng chiến sỹ công an Vũ Văn Tiến đã đỡ đường đạn bắn vào Xuân Sơn và anh dũng hy sinh, tạo ra sự tiếc thương vô hạn cho độc giả. 

Nhờ cán bộ và chiến sỹ Công an Nhân dân, những kẻ chống phá chính quyền, gây mất đoàn kết trong nhân dân đã bị bắt, những người lầm đường lạc lối được cảm hóa. Cuộc sống bình yên ở Nùng Xín từng bước được ổn định. Kỹ sư Trần Quốc Hoàng đã hóa giải được nguy cơ thiếu đói lương thực cho nhân dân Nùng Xín nhờ nghiên cứu tìm ra giống ngô ngắn ngày có năng suất cao. Trẻ em được trở lại lớp học nhờ công của các cô giáo trong đó có Bàn Thị Liên và Thào Thị Lẫm. Mọi mặt sinh hoạt dần dần trở lại nề nếp cũ. Chỉ có Tráng A Pinh vẫn mất tích, trở thành niềm trăn trở trong lòng cán bộ và nhân dân Nùng Xín. 

Ba năm đã trôi qua đủ thời gian để người ta nguôi ngoai chuyện cũ và bước vào những khởi đầu mới. Hoàng và Liên đã thành chồng, thành vợ. Lẫm đã sinh con trai và dù không phải con Pinh nhưng chị vẫn cho đứa trẻ mang dòng họ Tráng. Chỉ có số phận nghiệt ngã đẩy A Pinh lùi sâu vào hang núi lạnh lẽo, cách xa đồng loại, né tránh loài người, mất dần phương hướng giữa rừng thiêng nước độc. Chính bối cảnh khốn khó đó đã làm nền cho ý tưởng của nhà văn Vũ Quốc Khánh gửi gắm qua Lốc rừng: “Cuộc sống này dù có bao nhiêu điều phiền muội, nhưng ngoài sự hận thù phải giải quyết bằng lý trí, còn lại thật đáng quý biết bao, Tất cả mọi sự chạy trốn, sống trong nỗi cô đơn, lạnh lẽo chỉ là sự biện minh cho sự tàn độc và vô nghĩa”.

Đó chính là Tình yêu Cuộc sống. Những trang viết mô tả nỗi cô đơn, niềm trăn trở, những độc thoại, niềm ân hận, mong ước đối diện với hiện tại và khao khát trở về của Tráng A Pinh trong tiểu thuyết theo tôi là phần xuất sắc nhất của cuốn sách. Bởi lẽ nó đã bứt phá qua sự kể chuyện thông thường để nâng lên tầm văn chương có đẳng cấp, khiến độc giả vừa nhức nhối cùng với niềm thương cảm, vừa day dứt trong sự đi tìm lẽ sống. Chính điều đó đã tôi rèn ý chí, nghị lực sống cho con người. 

Bạn đọc dễ dàng nhận thấy Tráng A Pinh là một trong số ít những nhân vật văn chương có sức sống bền bỉ, dẻo dai và tinh thần nhạy bén không chịu buông xuôi. Bỏ trốn là bản năng khi bị dồn vào tình huống nguy hiểm và hèn nhát không dám đối diện với tội lỗi của chính bản thân mình là hai nguyên nhân tạo ra sự đày đọa và sự tự trừng phạt của Pinh. Cuối cùng, chỉ có niềm tin vào những người từng sát cánh bên nhau trong cuộc sống mới đủ để Pinh có nghị lực từ bóng tối bước ra ánh sáng. Sự đón tiếp Tráng A Pinh trở về của Trần Quốc Hoàng tại lán coi nương là những trang viết ấm áp, đầy tính nhân văn, mang lại cho độc giả niềm tin về con người trong xã hội chân thiện mỹ. 

Sau cơn Lốc rừng nghiệt ngã, tất cả còn lại là tình người. Ở nơi đó con người không phân biệt sang hèn, không phân biệt vị thế, dòng tộc, sống chung trong một cộng đồng, uống chung một mạch nước, hít thở chung bầu không khí, tự nguyện dang rộng vòng tay che chở đùm bọc và yêu thương nhau để cùng xây dựng cuộc sống mới, văn minh và tiến bộ. 

Tôi nghĩ, đó cũng là một trong những thông điệp đẹp đẽ mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc.

Tống Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá vàng đạt nhiều kỷ lục mới, được dự báo tiếp tục thống trị thị trường kim loại quý

Giá vàng đạt nhiều kỷ lục mới, được dự báo tiếp tục thống trị thị trường kim loại quý

Năm 2024 là một năm đầy biến động đối với thị trường kim loại, với vàng giữ vị trí nổi bật, trong khi bạc cũng ghi nhận những bước tiến đáng kể. Dự đoán cho năm 2025, vàng tiếp tục là ứng cử viên sáng giá, nhưng bạc có thể sẽ là “ngôi sao mới” với tiềm năng vượt trội trong nửa cuối năm.