Nguyễn Văn Á - Ký ức làm nên ánh sáng tâm hồn

Tôi dừng lại ở bài thơ “Lỗi hẹn tháng tư” trong tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ”của nhà thơ Nguyễn Văn Á. Bài thơ tình lãng mạn, nhiều cảm xúc. Đọc bài thơ, người đọc được tác giả đưa đến Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Trị.

Bài thơ này, anh sáng tác vào đúng 30/4/2021, cách đây 4 năm. Thời điểm đó, cả nước đang căng mình chống lại “kẻ thù phi truyền thống” là đại dịch Covid-19. 

Khi đọc đến khổ thơ thứ 6 trang 7 khổ thơ thì tôi giật mình: “...Tháng tư này Thành Cổ vắng đôi ta / Bên bến thả hoa tri ân đồng đội / Giọt nước mắt mẹ ơi đừng lau vội / Tấm bia thiêng, đền liệt sĩ con nằm” (Lỗi hẹn tháng tư)

Quá khứ ám ảnh, trong cả giấc mơ về tình yêu của Nguyễn Văn Á. Từ văn bản, tôi mới tìm hiểu về tác giả. Hóa ra anh là một cựu chiến binh từng đứng trong chiến hào. Trong Lỗi hẹn tháng tư có mảng thơ về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.

Nguyễn Văn Á - Ký ức làm nên ánh sáng tâm hồn - 1

Nhà thơ Nguyễn Văn Á.

Nguyễn Văn Á nhập ngũ tháng 8/1971, chiến đấu tại Quảng Trị từ 1971 đến 1973. Anh thuộc biên chế Đại đội 16, Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390), Quân đoàn I. Bàn chân người lính Nguyễn Văn Á rong ruổi từ chiến trường khốc liệt ấy cho đến ngày đất nước thống nhất. 

“Hai bảy năm tôi khoác màu áo trận / Ba chiến trường làm nước mắt cha rơi” (Cha tôi). Hai câu thơ này này đã phác họa cuộc đời chinh chiến của người lính Nguyễn Văn Á. Năm 1975, anh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến đấu ở Bình Dương và TP. Sài Gòn. 

Tưởng “Từ đây đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù”, nhưng “Anh bộ đội Cụ Hồ” lại phải bước vào hai cuộc chiến tranh không hề mong muốn ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Năm 1977, người lính Nguyễn Văn Á chiến đấu ở biên giới Tây Nam chống quân Khơ me đỏ, giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Từ năm 1978 đến 1980, anh tham gia ở mặt trận Đồng Đăng (Lạng Sơn) chiến đấu trong chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. 

Nguyễn Văn Á phục vụ trong quân đội từ binh nhất đến cấp hàm cao nhất là Thượng tá, 27 năm. Là người có năng khiếu, đam mê viết, từ 1982 - 1997, Nguyễn Văn Á làm thông tin viên cho báo Quân đội nhân dân; từ tháng 8/1998 - 2012, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, anh chuyển sang Thời báo Tài chính Việt Nam, giữ chức Trưởng phòng Truyền thông tài chính.

*Tập thơ Giọt sương bên cửa sổ có 3 phần; Phần I được dùng làm tên chung cho cả tập thơ, gồm 27 bài; Phần II có tiêu đề Khúc giao mùa, gồm 29 bài; Phần III có tiêu đề Hoài niệm, gồm 19 bài; tất cả có 75 bài. Đề tài trong thơ khá đa dạng, từ tình yêu bố mẹ, người thân đến tình yêu quê hương, đất nước; đề tài hậu chiến; đề tài thế sự (02 bài thơ về đại dịch Covid-19). Về thi pháp có các thể thơ truyền thống như tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát và thơ tự do.

Những bài thơ trong tập, Nguyễn Văn Á đều sáng tác từ những năm 70 đến nay. Điều kỳ lạ là trong khói lửa chiến tranh, Nguyễn Văn Á không nghĩ về sống chết. Những bài thơ ở thời điểm này, ở phần I lại về chủ đề tình yêu; hơn thế đó là tình yêu của thời  trai trẻ.

 Thái Hòa ơi, một bài thơ mảng đề tài chiến tranh cách mạng Nguyễn Văn Á sáng tác năm 1971, lúc anh vào bộ đội. “Em có nghe gió nói câu gì / Trong xóm nhỏ một thời mong đợi / Trong xóm nhỏ một thời sôi nổi / Nụ hôn nào năm tháng vẫn còn say”. Ngoài ba lô hành quân ra trận Nguyễn Văn Á còn có “ba lô tâm hồn”.

Có một thời như thế thuở yêu nhau

Anh lỗi hẹn, cây xạc xào cuối ngõ

Hoa chanh rắc tím dày nỗi nhớ

Mây trốn tìm - trăng phút chốc bơ vơ

(Có một thời như thế).

Rất trong trẻo, thánh thiện, ước mơ về hạnh phúc lứa đôi nhân bản. “Phút hờn ghen cơn gió thoảng bên đường / Thổi nhớ tím cả khoảng trời anh đến / Ngõ nhỏ dài ra níu bước chân bịn rịn / Tàu cau khuya chải tóc dưới trăng thề” (Có một thời như thế). 

Người lính nào, giữa mặt trận, giữa lúc ngưng tiếng súng không nhớ về quê hương? Cố thổ là nơi lưu giữ ký ức của họ, trong đó có cả đầu đời luôn là sức mạnh tinh thần, giúp họ thêm “chân cứng đá mòn”. Với quán chiếu này, thế hệ sau hiểu thêm sức mạnh, phẩm chất nhân văn của anh bộ đội Cụ Hồ. 

Tâm hồn họ có ánh sáng của ký ức. “Thuở ta mới yêu nhau/ Đất trời như hẹp lại/ Chiếc hôn đầu buổi ấy/ Tròn mãi ánh trăng rằm (Thuở mới yêu nhau); “Hoa thương mối tình xưa/ Một thời ta giấu kín/ Trong trang sách học trò/ Âm thầm mong trái chín” (Ngẫu hứng hoa sim). Trong chiến hào, ngoài súng trên tay, người lính Nguyễn Văn Á còn có trái tim: “Cùng tháng năm thức dậy/ Tình yêu em trong lòng”.

Trong đạn bom khốc liệt của chiến tranh, trước hết những người lính mong muốn hòa bình. Trong chiến hào, họ luôn nghĩ về hạnh phúc. Trong ba lô của họ, lọn “tóc thề”, tấm hình, lá thư bạn gái luôn trở thành năng lượng sống, năng lượng cảm xúc. Ước mơ về cái đẹp luôn luôn tạo ra sự khác biệt của người lính – “Anh Bộ đội Cụ Hồ” suốt cả chiều dài chiến tranh giữ nước. Nguyễn Văn Á là một giọng thơ góp phần làm nên vẻ đẹp khác biệt ấy.

Người lính hơn ai hết, trân quý nghĩa tình. Tình đồng đội cũng là một “tài sản” của anh bộ đội Cụ Hồ. “Tuổi trẻ chúng tôi chẳng được thế này đâu/ Một mẩu lương khô cũng ấm tình đồng đội/ Một lá thư nhà chuyền tay nhau đọc vội/ Dưới chiến hào khét lẹt đạn bom rơi” (Thạch Hãn chiều nay).

Trong Giọt sương bên cửa sổ, ngoài bài thơ Lỗi hẹn tháng tư có dư âm hậu chiến, đề tài này hiện rõ trong 10 bài thơ khác như: Vợ lính, Mỗi bước anh đi, Bên nấm mộ không tên, Mẹ đừng buồn, Thạch Hãn chiều nay, Tháng bảy về, Con xin ở lại nơi này, Giọt sương bên cửa sổ, Lỗi hẹn với tháng tư, Tự hát 1, chiếm 11% trong tổng số bài của tập thơ.

Nguyễn Văn Á - Ký ức làm nên ánh sáng tâm hồn - 2

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Văn Á.

“Ngày con đi vào chớp bể, mưa nguồn / Lưng mẹ bắc cầu vồng năm tháng / Thương nhớ cũng mang hình viên đạn / Chồng không về - em hoá đá Vọng Phu”, (Mẹ đừng buồn). Vì đất nước, người mẹ Việt Nam luôn sẵn sàng dâng hiến “núm ruột” của mình cho Tổ quốc.

Bài thơ Mẹ đừng buồn, Nguyễn Văn Á sáng tác năm 2016, khi trở lại viếng đồng đội ở Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 ở Phương Ngạn, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Nguyễn Viết Á luôn tự hào về đồng đội, tri ân những người ngã xuống “Những người lính trẻ măng từ miền Bắc/ Vào Cổ Thành đã nằm lại nơi đây/ Cùng Thạch Hãn viết lên thời hoa lửa / Làm bài ca giữ nước đến muôn đời” (Thạch Hãn chiều nay). 

Nguyễn Văn Á nhắc đến tên đồng đội, những người đã ngã xuống cả trong giấc mơ và trong tác phẩm (Con xin ở lại nơi này). Những bài thơ về đồng đội, đồng chí, về hậu chiến của Nguyễn Văn Á luôn lấp lánh vẻ đẹp của tư tưởng.

...

Mẹ có về Bến Tắt với con không?

Nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn bia mộ

Nơi quần tụ những linh hồn lính trẻ

Trên con đường mang tên Bác thân yêu

(Tháng bảy về)

Cho đến bây giờ, Nguyễn Văn Á vẫn nặng lòng với đồng đội, đồng chí. Vì thế, anh luôn bền bỉ với công tác đền ơn đáp nghĩa... Mỗi lần như vậy, anh được sống trong hai chiều kích, vừa được tri ân, đáp nghĩa; vừa được “hành hương về quá khứ”, trò chuyện cùng quá khứ. 

Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn là một dòng chảy của lịch sử. Những ai “quay mặt” với quá khứ, hẳn nhiên khó làm điều tốt cho hiện tại và gửi thông điệp tử tế đến tương lai. 

Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính trong thơ Nguyễn Văn Á còn thể hiện ở các bài: Thử thách, Tiếng hát trên tàu 561, Song Tử Tây

Đất nước luôn cần hòa bình để phát triển, nhất là ở “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Do vậy xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc luôn là hai nhiệm vụ chiến lược song hành. Đọc Giọt sương bên cửa sổ của Nguyễn Văn Á, chứng minh rằng, chiến tranh cách mạng và người lính, luôn là một đề tài hấp dẫn đối với lực lượng sáng tác chuyên và không chuyên. 

Nguyễn Văn Á từng là một chiến sỹ, với tư cách “người trong cuộc”, viết về mình và đồng đội của mình, thơ của anh là tiếng lòng chân thực, do vậy tác phẩm của anh gây được xúc động.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Á từng đạt được nhiều giải về văn chương và báo chí ở các cuộc thi khác nhau, như: Giải B giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” với tác phẩm “Nước mắt da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Tạp chí Da cam tổ chức (năm 2021); Giải B về đề tài hậu chiến tranh do Bảo tàng hậu chiến tranh của nhà văn Minh Chuyên phát động. Về văn học ông đã đạt Giải Khuyến khích Cuộc thi truyện ngắn và thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989 – 1990).

Ngô Đức Hành

Hồn tranh hồn thơ
Hồn tranh hồn thơ

Họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu đã xa bạn bè cách đây hơn 40 năm nhưng vẫn phảng phất quanh ta một hồn thơ mong manh, một giọng...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Warren Buffett cũng sai lầm, mất trắng 700 triệu USD

Warren Buffett cũng sai lầm, mất trắng 700 triệu USD

Warren Buffett được coi là nhà đầu tư giá trị thành công nhất trong lịch sử. Nhưng ẩn sau tất cả những thành công vang dội của ông cũng có những tính toán sai lầm về tiền bạc và thất bại trong kinh doanh.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”

Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 71 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025), từ ngày 5 - 31/5 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.