Hồn tranh hồn thơ
Họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu đã xa bạn bè cách đây hơn 40 năm nhưng vẫn phảng phất quanh ta một hồn thơ mong manh, một giọng thơ tinh tế, ân tình của sự hài hòa giữa thơ và họa.
Bạn yêu thơ nhớ đến Hoàng Hữu ở bài Hai nửa vầng trăng (giải A cuộc thi Thơ Tuần báo Văn Nghệ, 1981) như là sự hao khuyết định mệnh của cuộc đời anh trong kiếm tìm cái đẹp: Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/ Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
Họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu
Lại nhớ hồi tôi lên Vĩnh Phú thăm anh điều trị ở bệnh viện thành phố Việt Trì sau cơn đau tim nặng. Hoàng Hữu gượng dậy, khuôn mặt xanh xao, dáng mệt mỏi nhưng trong mắt anh ánh lên nét xởi lởi vốn có và bừng tia hy vọng sẽ qua khỏi bệnh trọng. Anh nhắc lại những dự định của mình về tranh, về thơ mà anh sẽ thực hiện sau đó. Hoàng Hữu đưa tôi xem bài thơ Mỉm cười trên giấy điệp - bài thơ anh tâm đắc. Vừa là họa sĩ vốn yêu mến dòng tranh Đông Hồ, vừa quen biết bạn bè làm thơ xứ Bắc chúng tôi, nên Hoàng Hữu gửi gắm, ký thác những tình cảm riêng biệt của anh về vùng đất giàu nét tài hoa mà anh yêu mến và ngưỡng vọng.
Bây giờ đọc lại bài thơ Mỉm cười trên giấy điệp, tôi chợt phát hiện ra nét nhất quán trong tâm hồn anh. Đó là sự kết hợp vẻ đẹp của cá thể người nghệ sĩ: Người xa phơ phất hồn lau gió/ Thổi trắng chân đồi như khói pha... Một không gian tràn ngập ánh trăng kỳ ảo thơ mộng lòng hồ, sự xuất hiện của các em cũng thật thánh thiện: Dường như các em nở ra từ nước/ Mát tươi tơ ngó ùa lên. Mà đây là vẻ đẹp của lam làm, của bùn đất ruộng đồng, của sự gột rửa mà không xa lạ đời sống nhưng cũng thật khó xác định, như thực lại như mơ: Suốt một ngày tay cuốc tay liềm/ Giờ khỏa nước ngón xòe nõn búp/ Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn ngực/Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai.
Vẻ đẹp ấy toát lên từ chiều hương lúa, hương sen, của tay cuốc tay liềm: Vũ điệu dân gian của tảo tần bận mọn được nâng lên, ngợi ca con người trong ánh sáng diệu kỳ của thiên nhiên tràn đầy, hòa nhập với hồn người thanh khiết trong khả năng tự nghiệm: Được buông thả hết mình cùng cỏ cây ngợi sáng/ Được thật với chính mình nào dễ đâu em. Ấy là sự sáng tạo kỳ diệu của người nghệ sĩ trong tái tạo đời sống, của ý thức nâng đỡ con người trong hóa thân và nhập cuộc, như cuộc truyền gửi những thông điệp về cái đẹp tới mai hậu: Họa sĩ dường nhập cuộc với thiên nhiên/Màu thuần phác đồng quê tươi mới mãi/ Hồn dân dã tổ tiên trao gửi/ Qua nét khắc mộc thô trên vân gỗ lượn bày.
Sau biết bao vật vã chuyển hóa vẻ đẹp đời sống đến vẻ đẹp nghệ thuật là sự tự ý thức của người sáng tạo và cũng là hạnh phúc muôn thuở của người nghệ sĩ, không phải ai cũng dễ có: Anh trân trọng truyền lên mặt giấy/ Nét mỉm cười sau những giọt mồ hôi. Chao ôi, sao cái vẻ đẹp bình dị, đằm thắm ấy trải lên nền trinh bạch của màu điệp ám ảnh làm vậy!
Dẫu mệnh yếu, Hoàng Hữu không qua khỏi ở cái tuổi 36 ấy nhưng anh để lại những câu thơ thật tâm huyết về cuộc kiếm tìm cái Đẹp như “Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm”, cho bạn bè và người yêu thơ, yêu tranh của anh một khát vọng sáng tạo không hề ngưng nghỉ để có được những giá trị nghệ thuật đích thực dâng hiến cho Đời.

Nhà thơ Văn Đắc sinh năm 1942 tại Thanh Hoá. Các tác phẩm chính có "Hai triền sông" (tập thơ năm 1973), "Khúc hát từ nguồn...
Bình luận