Người mẹ suýt tử vong khi sinh con, chia sẻ bức hình đau lòng cảnh báo các bà bầu

Người mẹ này suýt chút nữa không giữ được mạng sống trong quá trình vượt cạn.

Tờ Cafemom đưa tin, một người mẹ giấu tên đã chia sẻ câu chuyện về hành trình vượt cạn đầy nguy hiểm của mình để cảnh báo các mẹ bầu khác tránh rơi vào tình trạng tương tự. Được biết, trong quá trình mang thai, người mẹ không có dấu hiệu bất thường gì.

Đến tuần thứ 39, cô bắt đầu cảm thấy có những cơn co thắt. Người mẹ nhớ lại: "Tôi cảm thấy đau đớn không thể nào chịu được. Cảm giác như bên trong cơ thể mình đang bị xé toạc từng chút một. Tôi phải lết từng bước từ bãi đậu xe đến bệnh viện để đi khám. Tôi đã nôn vì quá đau".

Khi đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết, sản phụ này chỉ mới mở 2 phân. Họ nói rằng người mẹ cứ trở về nhà nghỉ ngơi. Sau 2 tiếng đồng hồ, cơn đau ngày càng quằn quại hơn. Người mẹ quay trở lại bệnh viện và khi vỡ ối, máu chảy đầm đìa ngay sau đó. Sản phụ đã mất 700ml máu. 

Nhịp tim của sản phụ giảm dần, cô được đưa vào phòng mổ cấp cứu ngay lập tức. Khi em bé chào đời, đứa trẻ phải hô hấp nhân tạo vì bị mất oxy. Sau sinh, em bé được chuyển đến bệnh viện khác để điều trị.

Người mẹ suýt tử vong khi sinh con, chia sẻ bức hình đau lòng cảnh báo các bà bầu - 1

Người mẹ chia sẻ ảnh của mình và con nhỏ khi gặp biến chứng nguy hiểm.

Người mẹ buộc phải tách khỏi con gái mới sinh hoàn toàn. Cuối cùng, sau 5 ngày cô mới được bế con gái nhỏ. Theo các bác sĩ, tình trạng của người mẹ và em bé xuất phát từ việc nhau bong non, một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Theo các bác sĩ, những em bé có người mẹ mắc biến chứng này thì 60% có khả năng chết lưu và 25% là bị tổn thương não. Hai tuần sau, bé gái được chụp cộng hưởng từ để kiểm tra phần não, rất may không có điều gì bất thường xảy ra. Bây giờ đứa trẻ đã hai tuổi và hoàn toàn phát triển bình thường.

Người mẹ cho biết thêm: "Trước khi sinh con, tôi chưa bao giờ nghe nói về hiện tượng bong nhau thai non. Tôi muốn gửi đến các bà mẹ là đừng cố chịu đau đớn, hãy nhấn mạnh cho các bác sĩ biết về tình trạng của mình. Tôi biết có điều gì đó không ổn nhưng lại không lên tiếng quyết liệt. Tôi và con đã suýt mất mạng, do đó, hy vọng rằng không có ai rơi vào trường hợp tương tự như tôi".

Tiến sĩ Sarah Marshall là bác sĩ y khoa gia đình ở Sacramento, California (Mỹ) đã chia sẻ một số thông tin cụ thể về tình trạng này. Theo đó, nhau bong non hay còn gọi là rau bong non (Placental Abruption) là tai biến sản khoa nguy hiểm. Nó xảy ra khi nhau thai bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi sẵn sàng chào đời. Tai biến sản khoa này có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào sau 20 tuần của thai kỳ, tuy nhiên phổ biến nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Người mẹ suýt tử vong khi sinh con, chia sẻ bức hình đau lòng cảnh báo các bà bầu - 2

Nhau bong non là biến chứng nguy hiểm diễn ra ở cuối thai kỳ. (Ảnh minh họa).

Nhau thai là bộ phận quan trọng, giúp kết nối và tiếp nhận dinh dưỡng từ mẹ truyền sang thai nhi. Tuy nhiên, nhau bong non khiến nhau thai bị bong sớm trước khi thai nhi sẵn sàng chào đời, nghĩa là dòng máu nuôi dưỡng thai nhi đã bị cắt đứt. Điều này gây ra hệ lụy nguy hiểm, em bé sinh ra quá sớm và người mẹ có thể bị mất nhiều máu. 

Các triệu chứng thường gặp là sản phụ bị chảy máu ở âm đạo; bị đau tử cung và có dấu hiệu chuyển dạ sớm với những cơn co thắt thường xuyên. Ngoài ra, khi sản phụ thấy đau bụng dữ dội, cảm giác nôn mửa, thở nhanh và dường như sắp ngất đi, đó rất có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị nhau bong non.

Hiện chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này nhưng có một số yếu tố rủi ro được các chuyên gia liệt kê như huyết áp cao; sử dụng cocain và các chất kích thích; tiền sử bị nhau bong non ở những lần mang thai trước; mang thai khi lớn tuổi...

Theo tiến sĩ Sarah Marshall, để ngăn ngừa tình trạng này các sản phụ cần:

- Luôn thắt dây an toàn khi đi xe, đặc biệt là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu không may gặp chấn thương do tai nạn, té ngã hoặc có vật đập mạnh vào vùng bụng, thai phụ cần đến cơ sở y tế ngay.

- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích trong quá trình mang thai. 

- Nếu có tiền sử tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp thai kỳ, hãy thông báo với bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn chăm sóc và theo dõi thai kỳ chặt chẽ.

- Nếu người mẹ có tiền sử nhau bong non ở những lần mang thai trước và có kế hoạch mang thai tiếp tục, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được lên kế hoạch, chuẩn bị thật tốt nhằm giảm thiểu nguy cơ bị bệnh ở lần mang thai này.

Chương Ngọc

Tin liên quan

Tin mới nhất