Trẻ nói "Bố mẹ không hiểu con gì cả!", cách trả lời tinh tế quyết định tương lai cả nhà
Theo chuyên gia tâm lý, giao tiếp cởi mở là chìa khóa giả quyết tốt các vấn đề xung đột trong gia đình.
Sự thấu hiểu giữa bố mẹ và con là yếu tố quan trọng nhất trong để xây dựng mối quan hệ gia đình vững chắc và hạnh phúc. Khi cả hai bên đều cố gắng thấu hiểu nhau, mối quan hệ này trở nên gần gũi, tạo ra một môi trường an toàn và tích cực cho sự phát triển của trẻ.
Vậy, sự thấu hiểu này có ý nghĩa như thế nào, và làm thế nào để nâng cao trong gia đình? Khi trẻ cảm thấy bố mẹ hiểu rõ những suy nghĩ, cảm xúc và những thách thức mình đang phải đối mặt, an tâm hơn trong việc chia sẻ những vấn đề riêng tư.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đạt được sự thấu hiểu nhau như trên. Nhiều trường hợp trẻ nói “Bố mẹ không hiểu con gì cả!”, khi cảm thấy bị bỏ rơi, không được lắng nghe. Đây có thể là lời phản kháng, biểu hiện của những tâm tư, lo lắng và khát khao được thấu hiểu của trẻ.
Một trong những lý do chính khiến trẻ cảm thấy bố mẹ không hiểu là sự khác biệt về thế hệ. Bố mẹ lớn lên trong một bối cảnh xã hội khác, với những giá trị và quan niệm khác so với thế hệ trẻ hiện nay. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu đồng cảm và hiểu biết về những vấn đề mà trẻ đang phải đối mặt, như áp lực học tập, tình bạn, hay các mối quan hệ tình cảm.
Nhiều bậc bố mẹ thường bận rộn với công việc và cuộc sống hàng ngày, dẫn đến việc không có đủ thời gian để lắng nghe và trò chuyện với con. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra phân tích sâu sắc, cũng như gợi ý những cách giúp bố mẹ giải quyết tốt hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui
Vì sao nhiều trẻ thường cảm thấy rằng bố mẹ không hiểu mình? Có phải do sự khác biệt trong cách diễn đạt cảm xúc giữa trẻ và người lớn?
Trong trường hợp này, sự khác biệt trong cách diễn đạt cảm xúc giữa trẻ và người lớn là một trong những lý do. Ngoài ra, còn ảnh hưởng từ nhiều phương diện khác.
Tùy theo cách phân chia giữa sự thật và suy tưởng đã có bằng chứng cho thấy nhiều phụ huynh không thể thấu hiểu được con mình, có thể xuất phát từ khác biệt thế hệ, văn hóa, môi trường nuôi dưỡng, bối cảnh kinh tế khi lớn lên... khiến bố mẹ không có khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, đứa trẻ có những suy nghĩ sai về bố mẹ. Ví dụ, trẻ cho rằng bố mẹ cấm đoán, mong muốn được khen ngợi nhưng không nhận lại được như kỳ vọng...
Theo quan sát của tôi, câu nói "Bố mẹ không hiểu con gì cả!" rất phổ biến trong nhiều gia đình, đây không chỉ đơn thuần là lời nhận xét, mà còn là cách để trẻ bày tỏ cảm xúc, sự bất lực. tức giận của trẻ.
Ví dụ, trẻ nói "Mẹ không hiểu gì con hết!" nhằm kết thúc cuộc tranh cãi, hay "Mẹ không hiểu gì về con" để kết thúc của sự thuyết phục bất thành... phản ánh nhiều hàm ý, các tình huống khác nhau trong gia đình.
Có nên chờ đợi một khoảng thời gian trước khi thảo luận về cảm giác của trẻ, hay nên lập tức giải quyết ngay khi trẻ bày tỏ cảm xúc?
Vấn đề này tùy thuộc vào bố mẹ, văn hóa giao tiếp trong gia đình. Bởi nhiều gia đình có văn hóa giao tiếp cởi mở, ngay sau khi nhận được tín hiệu này, bố mẹ nên nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ suy nghĩ như vậy, điều gì khiến trẻ bộc phát lời nói đó, sự thấu hiểu bố mẹ dành cho con đang ở mức độ nào...
Bố và mẹ nên trò chuyện trước với nhau, tìm hiểu kỹ ý muốn, nhu cầu đằng sau thông điệp đó. Sau đó, tìm kiếm cơ hội thích hợp để trò chuyện giúp trẻ giải quyết vấn đề, hoặc đơn thuần là trẻ cảm thấy bất lực trong tình huống nào đó, dẫn đến việc phát ngôn bất đồng. Vì vậy, trẻ cần thời gian để bình tâm, suy nghĩ tốt hơn.
Thực tế, không phải gia đình nào cũng có cách giao tiếp cởi mở, vì vậy vấn đề quan trọng không nằm ở việc bố mẹ nên giải quyết ngay hay không, mà cần xem xét bản chất câu nói đó từ trẻ là gì, có thể là tín hiệu cầu cứu, sự ghi hấn, trẻ mong muốn điều gì...
Đa phần câu nói này phổ biến ở độ tuổi trẻ dậy thì, đặc biệt thời điểm tiền dậy thì, khả năng nổi loạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Trẻ nói "Bố mẹ không hiểu con gì cả!", lúc này bố mẹ nên trả lời thế nào? (Chuyên gia gợi ý một số câu bố mẹ đối đáp cởi mở với con)
Chúng ta cần xem xét ở nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ, nếu bố mẹ phản ứng "Đây chỉ là cảm nhận của một mình con, chứ bố mẹ vẫn đang hiểu con muốn gì" điều cần thiết nên làm là trấn an trẻ.
- "Con có thể kể cho bố mẹ nghe chuyện gì đang xảy ra không?"
- "Con có thể nói cụ thể cho bố mẹ biết cảm xúc của mình hiện tại thế nào"?
- "Điều gì khiến con nói như vậy?"
- "Con có cần 10 phút để nghỉ ngơi trước khi chúng ta thảo luận về vấn đề này không"?
- "Con có thể đưa ra ví dụ cụ thể khi nào bố mẹ không hiểu con"?
- "Con có thể giúp bố mẹ biết làm thế nào để hiểu con không"?
Những câu trả lời trên không chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề, mà còn đưa ra tín hiệu cho trẻ biết rằng bố mẹ đang cố gắng thể thấu hiểu cảm xúc thật của trẻ. Đồng thời, sự sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của bố mẹ trong gia đình.
Làm thế nào để bố mẹ tạo ra không gian an toàn cho trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ? Đồng thời, có phương pháp nào để dạy trẻ kỹ năng giao tiếp hiệu quả, giúp diễn đạt cảm xúc rõ ràng hơn?
Có nghiên cứu chứng minh rằng, 65% các vấn đề trong gia đình xuất phát từ việc giao tiếp, khoảng 80% các thành viên thiếu sự lắng nghe để tìm ra lỗ hỏng khi tranh cãi, căng thẳng. Vì vậy, bố mẹ nên tập cách lắng nghe để thấu hiểu, nhằm có phương pháp làm dịu căng thẳng, giải quyết xung đột tốt hơn.
Việc lắng nghe thấu hiểu ban đầu đến từ sự chấp nhận, cảm thông với trẻ. Về sau là cần kỹ năng cụ thể, ví dụ ánh mắt hướng về trẻ, đầu gật nhẹ khi trẻ nói, hạn chế ngắt lời, hỏi các câu hỏi mở (Như thế nào, tại sao, điều gì...)
Về vấn đề thứ hai, phương pháp nào để dạy trẻ kỹ năng giao tiếp hiệu quả, giúp diễn đạt cảm xúc rõ ràng hơn. Thực tế, cảm xúc bắt đầu từ suy nghĩ, lúc này bố mẹ cần giúp trẻ thấu hiểu bản thân, ví dụ trẻ đang nghĩ gì, nhu cầu hiện tại như thế nào, mong muốn và kỳ vọng ra sao... để gọi tên cảm xúc đó, học cách giao tiếp trong gia đình hiệu quả hơn.
Bình luận