Chiến tranh Việt Nam – Nguồn dữ liệu hãy còn tiềm ẩn
Cho dù hiện nay trên toàn cõi Việt Nam đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế thì vấn đề người lính và chiến tranh vẫn luôn cần được nhìn lại, viết tiếp, nhằm khẳng định căn tính dân tộc, một căn tính yêu chuộng hòa bình, và vì yêu hòa bình mà không chịu cúi đầu trước bất cứ đội quân xâm lược nào.
Trong lịch sử Việt Nam đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Hầu như thế kỷ nào cũng xảy ra một vài cuộc mà Việt Nam luôn ở thế bị động, nghĩa là bị các quốc gia khác gây chiến, xâm lăng. Có thể kể tiêu biểu như cuộc chiến tranh nhà Trần chống quân đế quốc Nguyên Mông thế kỷ XII, chiến tranh nhà Hậu Lê chống quân Minh thế kỷ XV, chiến tranh nhà Tây Sơn chống quân Mãn Thanh thế kỷ XVIII, chiến tranh chống thực dân Pháp (1946 – 1954), cuộc chiến với đế quốc Mỹ (1954 – 1975), chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt – Iêngxari (1977 – 1980), Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1986)…
Trong lịch sử thế giới cũng từng diễn ra nhiều cuộc chiến tranh, điển hình là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945). Hai cuộc chiến tranh đó cực kỳ khốc liệt, bên nào cũng hao người tốn của, nhưng diễn ra trong thời gian không dài như đa số những cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Ở Việt Nam ngoài các cuộc chiến tranh kéo dài như tôi đã nêu thì còn rất nhiều cuộc chiến không tên khác. So với hai cuộc chiến tranh thế giới, ngoài đặc điểm các cuộc chiến tranh ở Việt Nam thường kéo dài thì còn một đặc điểm nữa: Hai cuộc chiến tranh thế giới là chiến tranh giữa các nước tư bản phát triển hoặc đang phát triển; còn những cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhất là cuộc chiến tranh với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những cuộc chiến giữa một nước Việt Nam nhỏ bé, có nền kinh tế nông nghiệp cát cứ, nghèo nàn, lạc hậu với những quốc gia có nền kinh tế tư bản phát triển, với tiềm năng quân sự tiến tiến nhất nhì thế giới, để tồn tại và chiến thắng, người Việt Nam chỉ còn một khả năng duy nhất từ căn tính của mình. Cái căn tính khát khao hòa bình, luôn ngẩng cao đầu, sẵn sàng chiến đấu với bất cứ đội quân xâm lược nào, dù có phải hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng.
Từ các thế kỷ trước đã thế, sang thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, căn tính ấy bộc lộ mạnh mẽ, quyết liệt hơn bao giờ hết.
Tất cả những cuộc chiến tranh ở Việt Nam đều mang tính chất tự vệ, chống xâm lược, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quyền sống của một dân tộc có tổ quốc.
Về bên gây chiến: nuôi tham vọng xâm lược, mở rộng lãnh thổ, khai thác tài nguyên, mở rộng thị trường, muốn cả dân tộc Việt Nam phải khuất phục, làm thân nô lệ, sống lưu vong ngay trên quê hương xứ sở của mình. Đặc biệt là những cuộc chiến tranh giữa hai bên mang hai ý thức hệ, hai thể chế chính trị khác nhau: một bên là chế độ chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với một bên là chế độ tư bản thực dân Pháp (1946 – 1954), tư bản đế quốc Mỹ 1954 – 1975 thì cực kỳ tàn khốc, đẫm máu, không đội trời chung, một mất một còn.
Đến đây tôi xin nói về cuộc chiến tranh với đế quốc Mỹ làm dẫn chứng. Tiến hành cuộc chiến xâm lược Việt Nam, một cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử nước Mỹ, kéo dài qua 5 đời Tổng thống (Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Gerald Ford) với lý do đảm bảo “an ninh quốc gia”, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành một quốc gia riêng biệt nằm trong “thế giới tự do”, đối lập với “phe cộng sản”. Mỹ đã huy động một lực lượng lớn quân Mỹ và 5 nước đồng minh của Mỹ trực tiếp tham chiến, sử dụng hầu hết các chiến lược chiến tranh, hầu hết vũ khí hiện đại (trừ vũ khí hạt nhân) với những khoản chi phí khổng lồ. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, Việt Nam là đất nước bị ném nhiều bom nhất. Số bom Mỹ ném xuống Việt Nam gần gấp 3 tổng số bom sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ thứ hai.
Nghiêm trọng hơn, Mỹ đã sử dụng vũ khí hoá học, tiến hành khai quang rừng núi và đồng ruộng ở miền Nam bằng chiến dịch Ranch Hand, biến nhiều vùng rừng núi nhiệt đới rậm rạp với nhiều tầng thực vật khác nhau ở miền Nam Việt Nam thành đồi, núi trọc; biến nhiều vùng rừng ngập mặn thành các bãi hoang trống, triệt hạ các căn cứ của Quân giải phóng và du kích; hủy diệt mùa màng, nhằm cắt nguồn tiếp tế của lực lượng cách mạng; đồng thời cưỡng bức, dồn dân vào các trại tập trung hoặc những vùng do Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.
Nhà văn Lê Hoài Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về chiến tranh Việt Nam và hình tượng bộ đội cụ Hồ, ngày 4 tháng 10 năm 2024.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại và có tầm vóc quốc tế, nhân dân Việt Nam phải trải qua những tổn thất, hy sinh vô bờ bến.
Có nhiều tài liệu trong và ngoài nước viết về hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà những con số cụ thể chưa trùng khớp, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là hậu quả đó hết sức nặng nề đối với tất cả các bên tham chiến.
Hiện nay quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có nhiều thay đổi. Cuộc sống tưởng như đã trở lại bình yên với sự hồi sinh của màu xanh trên khắp mọi miền đất nước. Nhưng, hậu quả chiến tranh vẫn còn hiển hiện, từ thương tích trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học, đến sự ly tán trong nhiều gia đình; từ những thảm thực vật hoàn toàn biến dạng, đến những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại... Nhân dân Việt Nam vẫn đang phải gồng mình trong cuộc vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Cho dù gần 50 năm đã đi qua, việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là điều mà những bên tham chiến đều đang quan tâm giải quyết. Việt Nam đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo môi trường, rà phá bom mìn, chăm lo thực hiện các chính sách xã hội... Nhưng nhiều việc, nhiều vấn đề vẫn còn ở phía trước.
Tuy Chính phủ và nhân dân Việt Nam không yêu cầu bất cứ một chính phủ nào phải xin lỗi vì đã đưa lực lượng quân sự tới Việt Nam và gây ra những hậu quả chiến tranh nghiêm trọng đối với đất nước, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là khi tính tùy thuộc vào nhau giữa các quốc gia dân tộc ngày càng tăng, trong điều kiện quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã và đang được hòa giải, từ chỗ là kẻ thù không đội trời chung trở thành đối tác chiến lược toàn diện, thì với lương tâm, trách nhiệm đạo lý và pháp lý, với tinh thần nhân văn, tình thương yêu, quý trọng cuộc sống con người, vấn đề hậu quả chiến tranh Việt Nam, một vấn đề do quá khứ để lại nhưng không bị lãng quên, có thể và cần phải được sự quan tâm giải quyết tích cực hơn nữa từ nhiều phía, nhất là từ Chính phủ Hoa Kỳ.
Hậu quả của các cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn để lại sự chia rẽ về văn hóa rất sâu xa. Mặc dù đã bắt tay nhau, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng một số tổ chức, hội đoàn và cơ quan truyền thông của một số nước từng tham chiến ở Việt Nam gần đây vẫn còn nói về Việt Nam một cách thiếu thiện chí, thiếu khách quan. Những nước ấy còn trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học viết xuyên tạc về chiến tranh và hình tượng người lính giải phóng ở chiến trường, bóp méo hình tượng người anh hùng và những danh nhân văn hóa của nước Việt.
Nhưng hậu quả lớn nhất của các cuộc chiến tranh là làm cho Việt Nam, một đất nước ở một vị trí vô cùng thuận lợi để phát triển kinh tế, có tiềm năng lớn về tài nguyên trở thành một đất nước tụt hậu, phải khắc phục hậu quả chiến tranh trong nghèo đói triền miên. Vào thế kỷ XIX, trình độ kinh tế, xã hội của Việt Nam có những nét tương đồng với Nhật Bản. Ở Nhật Bản là chính quyền phong kiến Mạc Phủ bế quan tỏa cảng, đóng cửa với các nền văn minh, đến nỗi các cha cố phương Tây sang truyền đạo, vừa bước chân xuống tàu đã bị quân Mạc Phủ chém đầu mà không cần xét xử. Nhưng chính sự cai trị nghiệt ngã ấy đã nuôi khát vọng canh tân trong một số trí thức. Họ vượt biển tìm đến các nước phương Tây có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến học tập, mang những điều học được về đất nước giáo hóa dân chúng, làm cho đất nước Nhật Bản phát triển mạnh mẽ sau đó.
Cùng thời điểm với sự xuất hiện những trí thức nuôi khát vọng canh tân của Nhật Bản thì ở Việt Nam cũng xuất hiện những nhân vật trí thức có tư tưởng canh tân như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tư Giản, Phan Bội Châu, sau đó là Nguyễn Ái Quốc… Họ cũng sang phương tây học tập mang kiến thức về với niềm khao khát canh tân đất nước, nhưng khi ấy ở Việt Nam người Pháp đã có mặt trên toàn xứ xở. Họ đến nước Việt không chỉ để khai thác thuộc địa như trước mà còn có những đội quân mang theo súng đạn. Tất cả những gì các nhân vật canh tân học được từ phương Tây mang về đều phải gác lại, ưu tiên cho công cuộc chống đỡ với quân xâm lược. Làm sao mà có thể xây dựng và phát triển đất nước dưới tầm đại bác?
Trong cuốn tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết của tôi xuất bản năm 2023, tôi cho nhân vật Phạm Hữu Thẩm, một chiến sĩ có trình độ văn hóa tương đối cao, gọi “Chiến tranh là một hiện tượng bất bình thường”. Nó không bình thường bởi ở nơi chiến trận bom rơi đạn nổ suốt ngày đêm, không có loài chim nào xuất hiện ngoài hai loài quạ và kền kền. Hai loài chim này đều ăn thịt người nên cứ ở đâu có mùi xác chết là chúng bay đến kiếm ăn. Người chết càng nhiều thì quạ và kền kền bay đến càng nhiều. Nếu là cuộc sống bình thường thì con người không bao giờ ăn thịt hai loài chim gớm ghiếc này vì thịt của chúng rất hôi tanh. Nhưng những hôm đi chiến đấu về những người lính không còn cái gì ăn, họ phải mang súng tiểu liên đi bắn quạ và kền kền ngoài bãi chôn người mang về làm thức ăn cho đơn vị. Thịt quạ, thịt kền kền xào với thứ rau rừng đắng chát. Những người lính phải nhắm mắt bịt mũi mà nhai nuốt cái thứ thực phẩm khủng khiếp ấy để tồn tại. Đó là một hiện tượng bất bình thường.
Trong cuốn tiểu thuyết ấy, bạn đọc sẽ còn được đọc những chương có nhiều hiện tượng bất bình thường khác nữa như có những trận bộ đội hy sinh nhiều quá, thi thể người này lẫn với thi thể người kia, phải đào hố chôn tập thể. Thậm chí có trận biết trước sẽ có nhiều người hy sinh, bộ đội phải tự đào huyệt trước cho mình…
Những chuyện bất bình thường như thế chính là những “chi tiết vàng” của tiểu thuyết, truyện ngắn, nhiều nhà văn đi chiến trường từng chứng kiến, nhưng ngày đó họ không thể viết, bởi lẽ nếu viết và xuất bản mà thanh niên đọc được, họ sẽ không dám lên đường nhập ngũ. Các nhà văn thường chỉ chọn những gì có tác dụng cổ vũ tinh thần, nâng cao bản lĩnh của bộ đội, nếu có máu và nước mắt cũng chỉ trong chừng mực cho phép. Trong chiến tranh mọi hoạt động trên mọi lĩnh vực đều hướng về một khát vọng lớn: Chiến thắng kẻ thù! Mỗi văn nghệ sĩ đều phải là một chiến sĩ. Người nghệ sĩ viết gì, vẽ gì, biểu diễn gì cũng chỉ nhằm mục đích động viên khích lệ người lính hăng hái cầm súng ra trận.
Hồi ấy, miền Bắc Việt Nam cũng có dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt, nhưng chủ yếu là văn học Liên Xô, Trung Quốc và một số nước Đông Âu trong cùng thể chế chính trị như Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari, Bungari, Tiệp Khắc, Albania… Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky được nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mang theo trong ba lô ra trận. Tôi chứ không phải ai khác đã gọi cuốn tiểu thuyết đó là “vị chính ủy vĩ đại nhất” của mình. Nhiều đồng đội của tôi chiến đấu và hy sinh, cũng để lại trong ba lô cuốn tiểu thuyết ấy.
Tác phẩm văn chương của một số nước khác thể chế chính trị với Việt Nam như Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Cộng hòa liên bang Đức… cũng được dịch, nhưng phải qua chọn lọc rất kĩ. Nghĩa là những tác phẩm được dịch phải có nội dung không ảnh hưởng gì đến tinh thần chiến đấu của quân và dân nước Việt. Thậm chí, cái tố chất “miễn dịch” ấy đã trở thành “quán tính” kéo dài tới tận khi đất nước đã hòa bình. Sau hòa bình có dịch giả chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết rất hay viết về chiến tranh thế giới có tên Một thời để yêu và một thời để chết của nhà văn Tây Đức Erich Maria Remarque, khi biên tập, Nhà xuất bản Tác phẩm mới đã sửa tên sách thành Một thời để yêu và một thời để sống cho “an toàn”, tránh chữ “chết”.
Các nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam ngay khi cuộc chiến đang diễn ra, nói chung, tuân thủ theo nguyên tắc tư tưởng ấy. Và đa số họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính vì thế khi đất nước hòa bình, đất nước không thể không tính công cho họ. Nhiều người trong số họ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà Nước, phong Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và những ưu đãi khác.
Hòa bình được thiết lập. Việt Nam mở cửa với thế giới. Các nhà văn được tiếp cận với nhiều nền văn học lớn của nhân loại. Không chỉ có những tác phẩm văn học cổ điển, văn học hiện đại mà còn có cả văn học hậu hiện đại nữa. Có những trào lưu tiểu thuyết mà chỉ có một số người Việt Nam biết một cách lơ mơ thì giờ đây đã đã được dịch sang tiếng Việt như tiểu thuyết hiện thực huyền ảo, tiểu thuyết dòng ý thức, tiểu thuyết cực hạn v.v… Một số nhà văn thuộc các dòng văn học mới lạ ấy cũng từng được giải Nobel văn chương như Albert Camus, Jean-Paul Sartre (Pháp), Gabriel García Márquez (Colombia), Cao Hành Kiện (Trung Quốc)…
Phần lớn nhà văn Việt Nam thì coi hiện tượng “trăm hoa đua nở ấy” là một diễm phúc cho văn học nước nhà. Bởi mỗi nhà văn cần tiếp cận nhiều dòng văn học khác nhau mới làm giàu vốn kiến văn của mình, từ đó tìm ra lối viết phù hợp với tạng của mình, lại phù hợp với thời đại. Mỗi nhà văn một phong cách sẽ tạo nên một nền văn học đa dạng, một “vườn hoa văn chương Việt” đa sắc màu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức phong phú của độc giả, góp phần nâng tầm nhãn quan văn hóa của người Việt Nam, cho dù một số dòng văn học ấy xuất hiện ở phương Tây đã gần nửa thế kỷ, nó mang tính thể nghiệm là chính, chẳng được bao lâu người phương Tây đã nhận ra giá trị của nó không lớn lao như họ tưởng, và dần dần họ đã không còn mặn mà với nó.
Với tôi, một nhà văn cựu chiến binh đọc một số tiểu thuyết hậu hiện đại viết về chiến tranh, tôi cũng thấy khá xa lạ với tính chất của các cuộc chiến tranh Việt Nam nên hầu như không thừa hưởng được gì nhiều từ những tác phẩm ấy. Nhưng có một số người Việt Nam tự cho mình là tầng lớp cấp tiến lại tiếp nhận nó một cách vồ vập, quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, coi các dòng văn chương xa lạ ấy như một lá bùa cứu cánh cho nền văn chương Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Họ rao giảng nhiệt thành cho các sinh viên khoa văn, các lớp học viết văn. Nhiều cây bút trẻ học theo cách viết ấy, nhưng do cái phông văn hóa chưa thật vững nên tác phẩm của họ chắp vá kệch cỡm, đầu ngô mình sở rất ít người đọc. Các nhà văn viết về chiến tranh từ thời cuộc chiến còn đang diễn ra thì số đông vẫn trung thành với lối viết cũ nên cũng ít dần bạn đọc. Một số khác có trăn trở đổi mới, nhưng những tác phẩm được chú ý của họ lại là phản ánh bên lề cuộc chiến hoặc hậu phương của người lính.
Có một thực tế rằng bạn đọc văn học ở Việt Nam hiện nay bị thu hẹp hơn trước. Trong cuộc cạnh tranh giữa văn học mạng và văn học in giấy cho đến nay văn học in giấy yếu thế hẳn. Những tác phẩm được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đầu tư, bảo trợ để phát hành trong lực lượng còn có thể in trên dưới 1000 bản. Còn lại phần lớn tác giả tự bỏ tiền in. Cuốn tiểu thuyết nào được dư luận chú ý mới có thể bán được vài trăm bản. Còn hầu hết in ra để tặng bạn bè. Nhà văn nào khá giả thì đem đến làm từ thiện cho các thư viện thôn xã, cho các trường học vùng sâu vùng xa. Có thể nói từ ngày tôi biết đến văn chương chưa khi nào tác phẩm văn học Việt Nam in thành sách tìm đến với bạn đọc khó khăn như bây giờ.
Cá nhân tôi là một người lính đi qua chiến tranh khi còn rất trẻ. Những thực tế mà tôi chứng kiến và tích luỹ mà trước đây vì e ngại viết thành văn học sẽ không được xuất bản, hoặc nếu xuất bản sẽ bị biên tập cắt xén thì giờ đây tôi lôi ra viết, viết một cách trung thực. Cuốn tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết mới xuất bản cuối năm 2023 mà tôi đã nhắc đến viết trong tinh thần ấy.
Trong tiểu thuyết, bạn đọc sẽ rất khó tìm thấy những câu văn đèm đẹp, hoa mỹ, làm duyên làm dáng, rất khó tìm thấy những trang văn tuyên truyền, hoặc lên gân lên cốt, to giọng triết lý to tát điều này điều nọ. Tôi mô tả những trận chiến như nó vốn có, bằng lối văn ngắn gọn “như không có văn”, chỉ ngồn ngồn những hiện thực là hiện thực. Tác phẩm được Tổng cục Chính trị đầu tư, xuất bản. Sự ưu ái này vui thì có vui nhưng tôi cũng thấy lo lo, chỉ e sợ bị cắt gọt và biên tập cho tròn trĩnh.
Nhưng thật may, khi sách phát hành, tôi đọc lại, thấy biên tập không cắt gọt thô bạo như tôi tưởng. Tôi ngộ ra rằng, các nhà văn và các nhà quản lý văn nghệ hôm nay đã thấm thía một điều rằng nếu viết về chiến tranh mà chỉ mô tả một chiều, phô ra mặt sáng, che đi mặt tối, biểu dương cái phi thường mà né tránh cái bất bình thường, tôn vinh nụ cười mà bỏ quá cái mất mát, đớn đau thì vô tình chúng ta đã làm cho các thế hệ trẻ Việt Nam hiểu sai về cuộc chiến tranh. Như thế chúng ta đã tự làm nghèo nền văn chương của chúng ta.
Đã đến lúc các nhà văn Việt Nam phải tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh; phải viết những gì mà các thế hệ trước chưa thể viết, để cho các thế hệ sau này hiểu rằng cái giá chúng ta phải trả cho nền hòa bình nó đắt đến nhường nào; từ đó mà các thế hệ trẻ Việt Nam biết trân quý mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, mỗi ngôi nhà, mỗi đường phố mà họ đang được hưởng thụ trong cuộc sống hòa bình.
Tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam in và phát hành trong quân đội. Tôi có xin phép in nối bản mấy trăm cuốn chỉ với mục đích để tặng bạn bè, nhưng khi tôi “khoe” trên facebook, bạn đọc lại đặt mua khá chộn rộn. Nhưng cũng chỉ bán được vài trăm cuốn. Bạn đọc văn chương ở Việt Nam đang ngày càng ít đi, ngoài căn nguyên cạnh tranh của mạng internet, còn có căn nguyên chiến tranh làm cho văn học Việt Nam tự phải thu hẹp chức năng của mình và kéo dài quá lâu nên không thuyết phục được bạn đọc ngày nay không? Đấy còn là một câu hỏi bỏ ngỏ cho tất cả những ai còn tâm phúc mong muốn một công cuộc chấn hưng văn chương nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung.
Ấn tượng đọc "Niềm vinh quang của làng", tập truyện ngắn của Trần Quang Quý, Nxb Dân trí, 2024
Bình luận