Chuyện làng chuyện đời

Ấn tượng đọc "Niềm vinh quang của làng", tập truyện ngắn của Trần Quang Quý, Nxb Dân trí, 2024

Giữa đôi bờ văn thơ

Văn sản của nhà thơ Trần Quang Quý khá phong phú: tính đến năm 2024 đã xuất bản 15 tập thơ, 7 tập văn xuôi (trong đó có 2 tập truyện ngắn). Ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 với chùm 3 tác phẩm Giấc mơ hình chiếc thớt, Siêu thị mặt Màu tự do của đất

Thơ Trần Quang Quý khoáng đạt, có chiều sâu tư tưởng tình cảm, phong cách và bút pháp biến ảo, trữ tình riêng tư và trữ tình công dân hài hòa. Nhà thơ có ý thức cách tân thơ nhưng không đi chệch khỏi quỹ đạo văn hóa dân tộc. Đọc thơ ông chúng ta cảm nhận rõ tính hiện đại và tính truyền thống cố kết với nhau, được tiếp biến văn hóa rõ nét.

Nói Trần Quang Quý là một trong những nhà thơ cách tân, rất trúng và đúng. Nhưng riêng tôi thấy người thơ này còn là một cây bút truyện ngắn có duyên ngầm, với hai tập truyện ngắn Bờ sông trăng sáng (2010) và Niềm vinh quang của làng (2024); Ông từng nhận giải Ba truyện ngắn báo Người Hà Nội năm 1996, dành cho truyện ngắn Bố vợ. Dĩ nhiên, Trần Quang Quý chưa phải là một tác giả truyện ngắn có hạng, nhưng nếu cẩn chọn một số truyện để đưa vào một tuyển tập nào đó thì cũng có thể lựa ra trong số những cái ông đã viết một vài cái tiêu biểu như Bờ sông trăng sáng, Dốc sung, Niềm vinh quang của làng, Những đêm miệt vườn, Bố vợ.

Chuyện làng chuyện đời - 1

Tác phẩm "Niềm vinh quang của làng".

Chuyện làng nhìn từ văn hóa Việt

Làng được quan niệm như một đơn vị văn hóa truyền thống Việt Nam với những cảm hứng muôn thuở về những gì gần gũi gắn kết với con người như là cố cư (nơi chôn nhau cắt rốn), đất đai (đất làng), phong tục tập quán (lệnh vua thua lệ làng), tín ngưỡng (thành hoàng làng), tình cảm cộng đồng (tình làng, nghĩa xóm),... Nhà văn Kim Lân đã viết một truyện ngắn đặc sắc Làng đạt tới giá trị cổ điển. Tuy chúng ta đang xây dựng một nước Việt Nam có nền kinh tế công nghiệp phát triển vào những thập kỷ tới nhưng trong tâm cảm người Việt thì văn hóa dân tộc có căn rễ từ “tam nông” (nông nghiệp - nông thôn - nông dân).

Nếu chúng ta nói đến một “Văn hóa tình thương” như là đặc sắc của đời sống tình cảm người Việt từ truyền thống đến hiện đại thì có thể bắt đầu từ một điểm xuất phát - làng, nơi lưu giữ mỹ tục “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Ngày nay, đọc văn hiếm thấy người nào viết âu yếm về làng quê mình như thế này “Làng tôi nằm kẹp giữa hai con sông, sau lưng là núi. (...). Làng bị phong thủy nghèo lắm. (...). Bù lại, làng tôi đẹp. Tháng ba, cây gạo ven đê nức nở đỏ. Chuối xanh rợp phù sa. Ký ức của lảng tôi là những vườn chuối tươi tốt gối bờ sông. Ánh trăng ướt át chảy lóng lánh trên những tàu non. Đêm huyền bí bâng khuâng” (Bờ sông trăng sáng). Với nhà thơ Trần Quang Quý thì cảnh làng đẹp đã đành. Nhưng quan trọng hơn là người làng đẹp tốt. Vì “Người ta là hoa đất” (Tục ngữ). Trong làng “tôi” có những con người thật tốt, thật đẹp như chị Châu. Nhưng dường như “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Cuối cùng chị chết vô lý và đau đớn trong tay người thân. Người ta bảo đó là số kiếp?!

Nhưng chuyện làng không chỉ có thế. Có những con người mang về niềm vinh quang của làng như anh Minh trong truyện Niềm vinh quang của làng. Anh là một người anh hùng trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Nhưng có người anh hùng là vì có những bà mẹ anh hùng, như bà Thuận, mẹ đẻ anh Minh nên anh đã ý thức được rõ ràng “Chiến công của tôi ư? Tôi nghĩ là rất nhỏ, thậm chí chưa nặng bằng những giọt nước mắt chịu đựng, hy sinh thầm lặng của mẹ tôi và bao bà mẹ khác. Chính cái thầm lặng, vô hình ấy mới đáng cho ta cảm phục. Chỉ điều ấy, cái bục cao kia cũng không đủ xứng với họ. Tôi xin cảm tạ những bà mẹ và không bước lên vị trí ấy...!”. Đúng như văn hào Nga M. Gorki viết: “Không có người mẹ thì không có mặt trời, không có thi ca và cũng không có người anh hùng”. Nói tận cùng của văn hóa là con người chính là thế. Suy cho cùng trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê theo cách diễn đạt của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam. Nên thi sỹ Nguyễn Bính mới có những câu thơ bất hủ “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê”.

Làng quê hiện đại không còn là cố cư của những anh chàng “chân đất, mắt toét” theo định kiến xưa, thậm chí con đường của một anh nông dân chính hiệu là rời khỏi cái nôi từ nhà mình đi tới... nghĩa trang theo cách diễn đạt của đại văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn. Theo cách nhìn đó thì Dốc sung là một trong ba truyện hay nhất trong tập Niềm Vinh quang của làng.

Chuyện kể về anh Phởn - Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện đã có vợ và hai con gái. Như người ta nói, Phởn là người thành đạt “chính trị, chuyên môn, vợ đẹp, con khôn”, khi mọi sự có vẻ như an bài, viên mãn. Nhưng không may anh ta sa vào lưới ái tình với Voan, người phụ nữ đa tình và sát đàn ông, và làm sao thoát được khi hai khối hỏa diệm sơn gặp nhau. Và chính Phởn không muốn thoát nên đã chủ động xin về vườn đề được tự do sống với Voan. Thật là chuyện động trời, xưa nay hiếm ở bản Kẽm hiu hắt. Nhưng quan trọng hơn cả là Phởn và Voan hạnh phúc vì họ được sống thật với chính mình, là vì mình dẫu cho đôi khi có vẻ ngang trái với mọi lý lẽ thông thường.

Kết thúc truyện, tác giả viết “Tin thì tin không tin thì thôi”. Riêng tôi đọc truyện này thì tin câu chuyện tác giả kể là có thật, vì sự thật chính là điều tác giả tin và truyền đến người đọc niềm tin ấy, không hẳn và cũng không câu nệ là nó có thật hay không. Cớ sao chúng ta cứ phải vân vi?! Viết truyện này, tác giả rất mạnh tay đi vào bản thể, bản năng gốc của con người đôi khi đi theo tiếng gọi của miền vô thức hoang dã - nhục thể thăng hoa.

Nói chuyện làng cũng là nói chuyện đời. Cũng có thể do cái gốc gác của nhà văn là “tam nông” nên những chuyện về phong tục tập quán được kể khá nhuần nhuyễn, sinh động và hấp dẫn, tiêu biểu phải kể đến truyện Bố vợ. Dân gian có câu “Nhất vợ, nhì giời” đủ biết vai trò của nội tướng trong một gia đình là quan trọng thế nào với người vợ. Nhưng một người đàn ông làm rể nhà người ta mà kể chuyện bố vợ thì cũng là xưa nay hiếm. Phải là tâm đầu ý hợp, phải là thấu hiểu và thấu cảm nhiều lắm mới làm được như thế. Câu chuyện về một ông bố vợ là người hiền tài chỉ tội hơi “gàn” thành ra người nghe kể trở nên hấp dẫn như món ăn ngon thêm gia vị phù hợp. Dĩ nhiên, bố vợ không phải là ông thánh, vẫn cứ bằng xương bằng thịt nên phải có tý chút khuyết điểm, như lời bà mẹ vợ: “Chỉ ghét ông ấy cái tính hay trêu gái”?! Thực tình thì bố vợ có hoa tay nên làm Trưởng ban văn hóa của thời kỳ tiền hợp tác xã, hay giao lưu nên nếu có đầu mày cuối mắt thì cũng lượng thứ được. Trên thực tế bố vợ là người chỉn chu với gia đình, tận tụy với việc công, tính tình thẳng như cây tùng, cây bách. Thật là độc nhất vô nhị trong văn chương đương thời có một truyện ngắn hay về nhân vật bố vợ, bởi vì: “Ông như người độc hành vào thiên nhiên. Đi mãi, đi mãi...”.

Lối cũ ta về

Nếu trong thơ Trần Quang Quý ráo riết đổi mới thì trong truyện ngắn, trái lại tác giả có vẻ “bảo thủ”, nghĩa là nương theo lối viết truyền thống - với lối kết cấu tuyến tính của cốt truyện (theo trình tự thời gian câu chuyện được kể), nhân vật rõ nét, tình tiết và chi tiết điển hình, hành động và tâm lý hài hòa, kể và tả nhịp nhàng.

Đặc biệt, lối văn của tác giả trong các truyện đều có tính nhịp điệu (rhythm), tạo nên tính tốc độ của câu chuyện được kể, tránh vòng vèo, trực chỉ hành vi và tâm trạng nhân vật nhờ vào những câu văn ngắn, có sức chuyển tải cảm xúc trước các sự kiện, ví như đoạn: “Người ta chuẩn bị khám tử thi. Chiếc vỏ khăn hoa hồng kéo xuống ngang eo chị. Kìa, chị vẫn như một thiên thần đang ngủ. Cơ thể đẹp đến thành tội ác. Mắt chị nhắm hờ, như phảng phất điều gì còn dang dở, còn phiêu diêu cõi trần thế” (Bờ sông trăng sáng).

Đôi khi, tôi thấy chất thơ tràn vào văn xuôi Trần Quang Quý như trong trường hợp Những đêm miệt vườn - một truyện ngắn đẹp, trong trẻo, tinh khôi những cảnh và người. Ở đây, chuyện đời và cảnh trí thiên nhiên hòa quyện tuyệt vời. Ở đây văn hóa sông nước miệt vườn có tính nhu nhẫn trội lên, uyển chuyển và linh hoạt, mềm mỏng và năng động khó phân biệt trong tâm lý, tình cảm của con người của một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Đây là một truyện, theo tôi, chạm tới được “thung thổ văn hóa Nam Bộ” vốn là kho tài liệu gợi cảm hứng bất tận với người sáng tác nhiều thế hệ./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Thủ đô Hà Nội

Tôn vinh những tình yêu lớn dành cho Thủ đô Hà Nội

Chiều 8/10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng năm nay diễn ra vào dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), do đó chương trình trao giải được tổ chức kết hợp với hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống và triển lãm những tác phẩm xuất sắc nhất được đề cử.