Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng

Tại Hội nghị giao ban đánh giá công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra chiều 2/1, tại Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác văn hóa – văn nghệ trong năm 2024 và khẳng định đây là một năm có nhiều điểm sáng, có sự chuyển biến rõ nét từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho tới công tác quản lý, điều hành.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương (sau đây gọi tắt là Liên hiệp và các hội) trong năm 2024 đã bước vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, tập trung rà soát, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; đồng thời bắt đầu triển khai các hoạt động chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng - 1

Toàn cảnh hội nghị giao ban đánh giá công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Trong báo cáo công tác văn hóa – văn nghệ năm 2024, bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, các hoạt động văn hóa – văn nghệ được triển khai theo đúng định hướng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Liên hiệp và các hội tiếp tục phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, trong điều kiện còn có nhiều khó khăn, hạn chế về kinh phí, Liên hiệp và các hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư sáng tạo, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm khu vực, góp phần tập hợp lực lượng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, chuyên nghiệp cho hội viên thi đua sáng tạo, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Việc chăm lo cho các hội viên cao tuổi, hội viên có hoàn cảnh khó khăn được các hội quan tâm, thực hiện thường xuyên. Công tác thi đua, khen thưởng của Liên hiệp và các hội được chú trọng triển khai, có tác dụng tích cực trong thực tiễn, góp phần ghi nhận, biểu dương, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo và đóng góp vào các công việc chung của hội;...

Liên hiệp và các hội đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội, hướng dẫn các chi hội tổ chức đại hội cơ sở, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2025-2030. Nhiều hội đã tiến hành kiện toàn nhân sự lãnh đạo các ban chuyên môn, các cơ quan trực thuộc theo yêu cầu thực tiễn; triển khai công tác thành lập ban tổ chức, các tổ chuyên môn giúp việc đại hội; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành liên quan, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của hội viên để tập trung xây dựng Đề án tổ chức đại hội, đề án nhân sự; dự thảo các văn kiện trình đại hội.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Liên hiệp và các hội đã tập trung rà soát, nghiên cứu thực trạng tổ chức bộ máy để có các phương án đổi mới, sắp xếp theo hướng giảm bớt đầu mối, sáp nhập các đơn vị, phòng ban, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng - 2

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết về công tác văn hóa - văn nghệ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội nghị, đại diện các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để công tác văn hóa – văn nghệ đạt được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủ tục, hướng dẫn triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, cho đến thời điểm này, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong công tác văn học nghệ thuật.

Bên cạnh đó, việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin, sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ trên không gian mạng chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn xuất hiện những tác phẩm nhảm nhí, xoáy sâu khai thác các yếu tố tính dục, bạo lực đơn thuần như là công cụ câu khách, đi ngược lại những giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tình trạng “nhạc chế” diễn ra phổ biến trên không gian mạng, trong đó xu hướng đáng lo ngại là sự xuất hiện những trào lưu “búp măng non”, làm biến tướng và lệch lạc tính tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ của các ca khúc dành cho thiếu niên, nhi đồng.

Một số văn nghệ sĩ chưa đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, vi phạm các quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, trong việc sử dụng mạng xã hội, thiếu trách nhiệm trong phát ngôn, sử dụng trang phục biểu diễn không phù hợp,... trong đó có những trường hợp đã vượt qua khỏi “khung báo động” về quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều văn nghệ sĩ vi phạm pháp luật, sa vào vòng lao lý, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã được hoàn thiện một bước cơ bản, nhưng vẫn còn thiếu; một số lĩnh vực chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh (như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; văn học,...); một số chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ đã bất cập nhưng chậm được sửa đổi.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, luật pháp về văn hóa chưa đồng bộ dẫn tới việc xuất hiện nhiều rào cản cho lĩnh vực văn hóa – văn nghệ phát triển.

“Tình trạng nói vậy mà không phải vậy trong lĩnh vực văn hóa vẫn diễn ra… Tôi rất băn khoăn về nguồn lực của văn hóa nghệ thuật, trong đó đặc biệt là vấn đề nhân lực, còn thiếu về cả số lượng và chất lượng. Trong việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực này cũng cần chú ý đến vấn đề ngoại lệ văn hóa, vấn đề này phải được tính toán bằng các văn bản và là vấn đề chúng ta cần quan tâm, giải quyết trong năm 2025 và các năm tới”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong công tác văn hóa – văn nghệ, bên cạnh những sự kiện lớn cũng cần phải quan tâm đến những sự kiện nhỏ, được tổ chức với mục đích lấy người dân làm trung tâm, tạo ra sự thẩm thấu, đi sâu và cần nhấn mạnh đến chất lượng của các sự kiện đó.

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng - 3

TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: “Trong công tác văn hóa – văn nghệ năm 2024, từ trung ương đến địa phương các đồng chí lãnh đạo đều hướng tới việc đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Hoạt động văn hóa – văn nghệ ngày càng đi vào nề nếp, phục vụ nhu cầu thụ hưởng của người dân và định hướng người dân hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Liên hiệp và các hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, nắm chắc tình hình, tư tưởng của đội ngũ văn nghệ sĩ và đặc biệt là cổ vũ, động viên văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng cao”.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các hoạt động văn hóa - văn nghệ phải bám sát với thực tiễn, các nhiệm vụ chính trị của đất nước; các cơ quan quản lý về văn hóa – văn nghệ cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ để các hoạt động đi đúng hướng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2025.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ cần tập trung phục vụ tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước và đặc biệt là tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Công tác văn hóa – văn nghệ phải được đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn và đi vào chiều sâu.

Về đại hội các hội văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp và các hội tập trung tổ chức tốt từ công tác văn kiện, nhân sự cho đến công tác lễ tân, hậu cần của đại hội, để đại hội được tiến hành đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

Cùng với đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đề nghị Liên hiệp và các hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu thực trạng tổ chức bộ máy để có các phương án đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hiệu quả.

Công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 có nhiều điểm sáng - 4

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất