Cải cách hành chính để quản trị quốc gia tốt hơn

(Arttimes) - Cải cách hành chính (CCHC) là thay đổi có tính hệ thống, lâu dài, mục đích làm cho hệ thống hành chính nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ quản trị quốc gia.

Trong thời kì hội nhập phát triển kinh tế - xã hội, CCHC là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, chuyên nghiệp lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng Chính phủ với phương châm “phục vụ”. Từ đó, đột phá hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lí nhằm thay đổi và tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia…

CCHC nhà nước là một xu hướng của thế giới. Các quốc gia coi CCHC là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Thông qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Hoa Kỳ coi CCHC là “tái tạo lại chính phủ”, CHLB Đức xác định là “Mô hình quản lí mới”, Thụy Sĩ thì “Hành chính công định hướng hiệu quả”, v.v…Tuy nhiên, do các quốc gia có sự khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống, phong tục tập quán mà việc CCHC cũng có những quyết sách, cách làm khác nhau.

Cuộc cải cách này không chỉ mang ý nghĩa làm thay đổi nội bộ mà còn phản ảnh một xu hướng mới trong hoạt động của nhà nước; nền hành chính không chỉ làm chức năng “cai trị” mà còn có chức năng “phục vụ”, chủ yếu là cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển, cần đầu tư tập trung, không dàn trải, thực chất, không hình thức, v.v…

Cải cách hành chính để quản trị quốc gia tốt hơn - 1

Những bước đi mang tính đột phá

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, trong những năm qua công cuộc CCHC ở nước ta đã có bước đột phá đạt thành công tích cực. Với vai trò tự thân, Chính phủ có nhiều cuộc bàn chuyên đề về xây dựng pháp luật, trình Quốc hội thông qua một số dự án, sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật; ban hành 200 Nghị quyết, 139 Nghị định, Thủ tướng ban hành 41 Quyết định quy phạm pháp luật, 36 Chỉ thị chỉ đạo hành pháp, v.v…

Chính phủ ráo riết chỉ đạo khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại.

Để làm thay đổi cả hệ thống, Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính để đơn giản gọn nhẹ, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, tích cực dổi mới trong chính sách tuyển dụng, giảm biên chế, phân cấp nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh chuyên nghiệp và viên chức; giảm được hơn 10 % biên chế công chức, 11,6 % biên chế sự nghiệp; bỏ quy định bắt buộc về một số chứng chỉ. Nổi bật là công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp, quản lí căn cước công dân, sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lí xã hội. Bước đột phá của công nghệ thông tin tạo thuận lợi lớn cho tổ chức, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc tinh giản bộ máy, giảm biên chế mang lại hiệu quả lớn. Theo Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ chính trị (Khóa XII) cần giảm 10% biên chế, đã thực hiện vượt chỉ tiêu. Giai đoạn 2016 - 2020 giảm được 25% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 557 đơn vị hành chính cấp xã. Qua sắp xếp đã giảm 27.900 công chức, 243.000 viên chức. Công chức từ cấp huyện trở lên giảm khoảng 40.000 người, 148.000 người cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố; hợp động lao động giảm 7.000 người. Chỉ riêng việc này, trong 2 năm (2017-2019) ngân sách giảm chi thường xuyên 15.000 tỉ đồng; cả nước giảm 7 tổ chức cấp sở, 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; đơn vị sự nghiệp giảm 12,35 % so với năm 2015.

Về thủ tục hành chính, trong 5 năm (2016 - 2020) các cơ quan bộ, ngang bộ cắt giảm, đơn giản hóa 4.000 thủ tục hành chính, hơn 6.700 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Riêng việc này, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Từ khi hoạt động Cổng dịch vụ công Quốc gia (chỉ từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2020) tiết kiệm 8.000 tỉ đồng so với trước, v.v…

Kết quả đó mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, không chỉ tiết kiệm về thời gian, công sức, của cải cho xã hội, mà còn minh bạch hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh hình thức dân chủ, tăng cường lòng tin của Nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phòng, chống tham nhũng, v.v…

Tập trung tay đổi về “chất”

Tiếp tục thực hiện CCHC theo đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII, phải lựa chọn mục tiêu khả thi và bố trí nguồn lực. Hiện nay, bộ máy hành chính Nhà nước còn quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc đầu mối bên trong. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, trùng lặp, đan xen chức năng nhiệm vụ. Đơn vị hành chính các cấp còn nhiều cấp phó, nhiều trung gian. Một số địa phương chưa quyết liệt trong việc sắp xếp bộ máy; việc rà soát tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với  nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy trình lỗi thời.

Thực hiện CCHC sẽ làm tăng tính khoa học tổ chức, tăng chất lượng cán bộ, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội. Phấn đấu đạt các tiêu chí: Giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm biên chế, giảm cấp phó, giảm thủ tục hành chính rườm rà, giảm chi cho bộ máy. Không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế được. Từ đó, đột phá vào việc sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Cấu trúc bộ máy hành chính theo hướng “phẳng” hơn, thay cho bộ máy quan liêu, đồ sộ, cồng kềnh trước đây; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản hội đủ các yêu cầu về chức danh đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Trọng tâm của CCHC là phân cấp, phân quyền, xác định rõ nhiệm vụ giữa Chính phủ với các bộ, ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, quyền hạn. Phân định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, bảo đảm quản lí Nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Người đứng đầu bộ máy phải hơn hẳn cấp dưới về năng lực, thể hiện bản lĩnh, nêu gương đạo đức, phong cách và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước phát triển phồn vinh, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực chất của CCHC là thay đổi về “chất” của bộ máy hành chính Nhà nước, chức năng và phương thức quản lí của nền hành chính, chế độ công vụ, phân chia quyền lực hành pháp giữa Trung ương và địa phương, những nguyên tắc chủ đạo nhằm phục vụ tôt nhất cho đời sống Nhân dân và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, thủ tục hành chính là yếu tố dẫn dắt được điều chỉnh bằng quy phạm thủ tục, là cơ sở pháp lí cho cơ quan nhà nước thực hiện chức năng chuyển từ nền hành chính “cai quản” sang hành chính “phục vụ”, coi Nhân dân là gốc và Doanh nghiệp là trung tâm…

None

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất