Chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng…
Chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, quyết liệt, không ngừng nghỉ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể ngườì đó là ai và không chịu sức ép của bất kì tổ chức, cá nhân nào”. Các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực trước hết cần chống “giặc nội xâm” ngay trong tổ chức, cơ quan mình để sáng ngời “thanh bảo kiếm”!
Người đi chống tham nhũng, tiêu cực không thể “nhúng chàm”…
Trong hệ thống hành chính Nhà nước, nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân, ngành Thuế, Hải quan, cơ quan chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… Đội ngũ cán bộ, công chức trong các ngành, các lĩnh vực này là “rường cột” nước nhà, những “Bao Công” của thời đại. Đảng, Nhà nước, Nhân dân đặt niềm tin, trông cậy váo sự công tâm, liêm chính trong thực thi công vụ của họ.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm qua, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà cố ý vi phạm các quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ô danh cho lực lượng, cho ngành. Nhiều người bị kỉ luật, bị xử lí pháp luật với nhiều tội danh khác nhau, trở thành tội đồ của “quốc nạn nội xâm”. Đã đến lúc, thiết lập kỉ cương để bảo đảm người đi chống tham nhũng, tiêu cực không thể bị “nhúng chàm”…
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng
Giữ trong sạch từ “Phủ Khai Phong” đến thanh tra chuyên ngành
Lực lượng Thanh tra Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ chính là chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người làm công tác thanh tra cần mẫu mực về nhân cách, đạo đức, lối sống, vững vàng về bản lĩnh. Vậy mà, một số người bất chấp kỉ cương, làm những việc sai trái nghiêm trọng.
Năm 2007, Đoàn Thanh tra Chính phủ đi thanh tra Dự án tuyến ống kho cảng LPG Thị Vải và Dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Các ông Trần Quốc Trượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Vụ trưởng Lương Cao Khải… đã “ăn hối lộ” lớn làm méo mó kết luận thanh tra đều đã phải “vào lò”.
Ông Trần Văn Truyền, Tổng Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2007-2011, được mệnh danh người đứng đầu “Phủ Khai Phong” bộc lộ nhiều sai phạm trong chỉ đạo công tác và rất thiếu gương mẫu. Nhất là vi phạm nghiêm trọng về công tác cán bộ, ồ ạt kí bổ nhiệm hàng loạt chức vụ cấp cục, cấp vụ và tương đương trước khi nghỉ hưu, trong khi hầu hết các đầu mối đã có đủ chức danh theo định biên. Ông có khối tài sản “khổng lồ” với nhiều đất đai, biệt thự, của cải khác. Về nghỉ hưu bốn năm ở Bến Tre, ông vẫn giữ nhà công vụ ở Hà Nội. Báo chí phản ảnh chính xác, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, ông bị cảnh cáo, bị thu hồi hai biệt thự.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng là một nhân vật khác thường. Làm công tác thanh tra một số năm, ông giàu mức “của chất như núi”. Kê khai tài sản để bổ nhiệm năm 2011: Ông có 2 nhà, đất gần 400 m2 đều xây 5 tầng ở phố Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội, 1.800 m2 đất ở dự án đô thị Mê Linh, 104.000 cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội; 27.900 CP ở Ngân hàng Nam Á, 200.000 CP ở Ngân hàng Liên Việt, 100.000 CP ở xi măng Công Thanh, 50.000 CP ở Công ty CP Thiết bị Bưu điện, 425 triệu đồng trái phiếu, 7,18 tỉ đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng VIB…
Ông Ngô Văn Khánh kí một số kết luận thanh tra có dấu hiệu mờ ám. Điển hình là kí kết luận Thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tự ý cắt giảm từ 6.500 tỉ đồng sai phạm xuống chỉ còn 1.000 tỉ đồng; kí kết luận thanh tra đất đai Khu đô thị Thủ Thiêm gần như không có gì cần xử lí pháp luật, đến khi đoàn thanh tra khác vào làm thì phát lộ sự thật vô cùng nghiêm trọng của Dự án Thủ Thiêm…
Đối với thanh tra chuyên ngành cấp bộ, cấp tỉnh thì ở đâu cũng bộ bộc lộ hành vi sai trái và “vòi” tiền đối tượng. Điển hình là đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đi thanh tra 34 dự án xây dựng cấp xã ở tỉnh Vĩnh Phúc. Phó trưởng phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn “vòi” các doanh nghiệp, các xã đưa và nhận hối lộ 2,153 tỉ đồng chia nhau, riêng Kim Anh hưởng 1,3 tỉ đồng…
Giữ vững “Thanh bảo kiếm”, ngăn chặn “giặc nội xâm”
Lực lượng Công an Nhân dân là “thanh bảo kiếm” trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Song cũng có những cán bộ thoái hoá, biến chất, không giữ được đạo đức của người Công an Nhân dân. Có cả chục tướng lĩnh trong ngành vi phạm nghiêm trọng. Trong vụ án Vũ Nhôm, hai Thứ trưởng Bộ Công an là Thượng tướng Trần Việt Tân, Trung tướng Bùi Văn Thành đều bị khởi tố, bị đi tù.
Trong vụ án đánh bạc công nghệ cao, Trung tướng Phạm Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, Cục trưởng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao lại chống lưng, bảo kê, tiếp tay cho bọn tội phạm tổ chức đánh bạc với 5.877 đại lí cấp 2, có 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng.
Ở cấp tỉnh: Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa mà báo chí từng phản ảnh, vi phạm nghiêm trọng trong quản lí tài chính, chi tiêu bừa bãi, sử dụng 39,7 tỉ đồng làm quà biếu, tiếp khách (không loại trừ chạy thăng quân hàm), để lại cho cơ quan món nợ ngân sách lớn.
Công an tỉnh Đồng Nai trong nhiều năm trước, hai đời giám đốc là các ông Huỳnh Tiến Mạnh và Nguyễn Văn Khánh đều vi phạm rất nghiêm trọng Luật Công an Nhân dân và pháp luật khác. Sai phạm của hai ông kéo theo nhiều cán bộ cao cấp bị kỉ luật theo: Các đại tá Trần Thị Ngọc Thuận, Ngô Minh Đức, Lý Quang Dũng, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Kim.
Cũng tại tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Năm, nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh bị bắt quả tang nhận hối lộ và để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng không được xử lí nghiêm.
Còn ở cấp huyện (quận) phải kể vụ Công an Đồ Sơn (Hải Phòng) làm sai lệch hồ sơ. Đại tá Trưởng Công an quận Trần Tiến Quang và Vũ Hoàng Vân (cùng tội danh) bảo kê cho tội phạm sử dụng trái phép chất ma tuý tại quán Karaoke Hải Sơn 86, nhận nhiều tiền hối lộ của nhà hàng và người thân đối tượng…
Lực lượng Hải quan (Bộ Tài chính) hàng năm xử lí kỉ luật cán bộ, công chức trên dưới 300 người vẫn không đủ răn đe, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, “vòi” doanh nghiệp, nhận hối lộ. Tại cục Hải quan tỉnh An Giang, trong một vụ hoàn thuế GTGT (VAT) 46 công chức bị khởi tố do nhận hối lộ của 11 doanh nghiệp.
Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra nhiều vụ án “nhận hối lộ” ở Chi cục Hải quan khu vực 4, Tòa án Nhân dân tuyên phạt tù 26 công chức. Tại tỉnh Kiên Giang, 23 cán bộ Hải quan cửa khẩu Giang Thành bị khởi tố liên quan đến vụ án Trần Hữu Thọ - Võ Thanh Tuyền (Công ty Khánh Ly) chiếm đoạt 110 tỉ đồng tiền thuế GTGT…
Trong Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua, báo cáo của Ban Nội chính Trung ương và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đề cập việc cần chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phòng, chống tại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm trong sạch nội bộ, nêu tấm gương và dương cao “thanh bảo kiếm”, xứng vai “Bao Công”.
Về thể chế, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để đội ngũ nòng cốt này không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng…
Bình luận