Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng – Còn mãi trong ký ức Hoàng Kim Đáng

Năm 2022, Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng vừa tròn 110 năm ngày sinh. Ông được Tổ chức Y học thế giới công nhận là một trong những nhà phẫu thuật giỏi nhất thế giới và là người đầu tiên ở châu Á thực hiện phương pháp phẫu thuật cắt gan khô.

Trong gần 40 năm làm khoa học (1941 – 1975), ông đã thực hiện 715 ca phẫu thuật cắt gan khô theo phương pháp được mệnh danh là “Phương pháp Tôn Thất Tùng” – một kỷ lục về y học mà trên thế giới chưa mấy ai đạt tới. Ông được Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris trao tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Ông đã để lại 123 công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về y học.

Ông còn được ghi danh trong Từ điển Bách khoa, trong Từ điển Y học thế giới, Giáo sư – Viện sĩ danh dự nhiều quốc gia, nhiều đường phố mang tên Tôn Thất Tùng, trường học Tôn Thất Tùng. Ông được tặng nhiều Huân chương cao quý, danh hiệu Anh hùng lao động và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt đầu tiên năm 1996. Năm 2002, Bộ Y tế quyết định thành lập Giải thưởng về y học mang tên nhà bác học Tôn Thất Tùng.

Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng – Còn mãi trong ký ức Hoàng Kim Đáng - 1

Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng (Ảnh Hoàng Kim Đáng)

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ - nhà văn Nguyễn Văn Bổng có chủ trương ngoài chức năng thông tin văn nghệ, giới thiệu những “đặc sản” văn học nghệ thuật trong và ngoài nước ra còn lần lượt giới thiệu những nhà văn hóa lớn, những nhà khoa học lớn của đất nước. Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng là người được giới thiệu đầu tiên. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và tôi được tòa soạn phân công đi viết và chụp ảnh về nhà khoa học nổi tiếng ấy. Khi phỏng vấn, chúng tôi cùng nghe, cùng hỏi, cùng ghi nhưng khi thực hiện, mỗi loại hình nghệ thuật có những đặc trưng, những yêu cầu riêng của nó. Vậy là sau đó chúng tôi bắt đầu “độc lập tác chiến”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng không chỉ được thể hiện trong một thiên phóng sự mà phải là dung lượng của một cuốn sách lớn. Tôi đã hình dung ra cách chụp chân dung khi ông đang ngồi nghiên cứu khoa học, ghi cận cảnh đôi mắt và vầng trán rộng để lột tả thần thái ông đang tập trung cao độ thực hiện một ca mổ, rồi lại lùi ra xa ghi toàn cảnh và bên cạnh ông có quý phu nhân, bà Vi Thị Nguyệt Hồ phụ giúp. Chuyển sang cảnh khác, tôi ghi lại hình ảnh ông đang thuyết trình trước giảng đường của một hội nghị khoa học, cảnh ông đang chủ trì một cuộc giao ban.

May thay, tôi có quen biết một ông tên là Nguyễn Trung Thực. Ông là bệnh nhân được mổ tim và chịu ơn bác sĩ Tùng suốt đời. Ông Thực là người làng Phù Lưu (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh) cùng quê với nhà văn Kim Lân và nhà văn Nguyễn Địch Dũng. Ông nói: “Đời tôi vinh dự nhất là được Giáo sư Tôn Thất Tùng đích thân mổ tim cho tôi. Khi tôi được cứu sống, bác sĩ Tùng nhìn tôi nheo mắt cười và nói: Tôi chỉ có khả năng giúp ông sống thêm được dăm, bẩy năm nữa thôi đấy! Nào ai ngờ, đã qua hơn 10 năm, tôi vẫn sống vui, sống khỏe. Tôi mong ước được gặp lại bác sĩ Tôn Thất Tùng để chia vui và cảm ơn ông mãi mãi”.

Với tôi, ông Thực là một “nhân vật” quan trọng trong phóng sự, là sợi dây liên kết với bác sĩ Tôn Thất Tùng. Tôi có ý định nhân dịp làm phóng sự này sẽ tạo điều kiện ông Thực gặp được Bác sĩ Tùng một cách bất ngờ để hai người ôm hôn nhau thắm thiết, cũng là lúc tôi bấm máy lưu lại vĩnh viễn hình ảnh vô cùng xúc động ấy.

Sáng hôm sau, tôi xách máy ảnh đến dự giao ban nghiệp vụ do Giáo sư Tôn  Thất Tùng chủ trì và chụp được chân dung ông đang tiến hành công việc. Khi cuộc giao ban kết thúc, ông bước ra sân hội trường bắt tay tôi và tranh thủ thông báo: “Rất tiếc, ngày mai tôi phải đi họp ở nước ngoài. Khi nào về, tôi báo lại để chú biết và chụp thật nhiều hình ảnh đấy nhé!”. Ông cười và giơ tay chào tạm biệt. Như vậy là tôi phải chờ đợi ông, hết thứ ba, thứ tư, thứ năm rồi đến cuối tuần vẫn chưa thấy ông điện thoại. Chờ đợi và chờ đợi cái giây phút ông Tùng gọi điện thoại cho tôi để được tiếp tục công việc của người làm báo. Trong khi chờ đợi, Tôi đâu có biết ông đã ra đi từ sáng thứ 6, ngày 7/5/1982.

Tôi xem lại tài liệu đã ghi được. Hình ảnh Tôn Thất Tùng từ từ hiện ra như trong một bộ phim được quay chậm.

Tôn Thất Tùng sinh trong một gia đình hoàng tộc, ra đời được ba tháng thì cha mất. Cha là Tôn Thất Niên làm Tổng đốc Thanh Hóa. Người mẹ sinh hạ được năm người con, đành phải đưa nhau về Huế sinh sống bên bờ bắc dòng sông Hương, trước mặt là cồn Dã Viên. Năm 19 tuổi, Tôn Thất Tùng ra Hà Nội học tại trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An) vừa học vừa dạy thêm để có tiền ăn học, đỡ cho mẹ một phần.

Năm 1938, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa, vào làm việc tại nhà thương Phủ Doãn (sau gọi bệnh viện Phủ Doãn) và tình nguyện làm việc hai năm không lấy lương và phụ cấp. Ban ngày làm việc của bệnh viện, mỗi ngày phải mổ từ hai đến ba ca, tối tranh thủ vào nhà xác mổ đến trên 200 lá gan người chết để tìm ra cách cắt gan tối ưu nhất.

Năm 1939, ông đã thành công phương pháp cắt gan bằng một dụng cụ thô sơ mà không cần dùng đến dao điện. Phương pháp cắt gan này của ông đã được Trường Đại học Y ở Paris (Pháp) tặng huy chương Bạc.

Năm 1941, ông lại tìm ra phương pháp cắt gan mới bằng cách buộc (kẹp) các mạch máu lại trước khi cắt để không bị mất máu của bệnh nhân. Lại một thành công mới rất đáng khích lệ nhưng vẫn bị Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris – Giáo sư V.Brontano rất nổi tiếng thời ấy phản đối kịch liệt. Tôn Thất Tùng không nản chí và bằng nhiều thành công liên tiếp nên không vì thế mà làm lu mờ tên tuổi nhà khoa học trẻ đã được ghi nhận ở các hội nghị khoa học và trên báo chí.

Năm 1977, sau khi hoàn thiện phương pháp cắt gan khô, mỗi ca chỉ mất từ 4 đến 8 phút thì Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris trao tặng Huy chương quốc tế mang tên Lannelongue dành cho những nhà phẫu thuật giỏi nhất thế giới. Ông là người thứ 9 và là người đầu tiên ở Châu Á được đón nhận danh hiệu cao quý này. Các giáo sư chuyên khoa tim mạch nhiều nước trên thế giới lần lượt sang Việt Nam học tập kỹ thuật cắt gan khô theo phương pháp Tôn Thất Tùng.

Ông còn được mời đi trình bày kỹ thuật cắt gan khô ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi…

Một bác sĩ Tôn Thất Tùng từng được Bác Hồ mời vào Bắc Bộ phủ khám bệnh, biết tin vợ bác sĩ Tùng vừa sinh con trai. Bác Hồ tâm sự, chúc mừng và nói: “Chú là Tôn Thất Tùng, họ dòng dõi hoàng tộc, Bác đặt tên cho cậu con trai vừa mới sinh của chú là Tôn Thất Bách – Tùng và Bách”.

Noi gương truyền thống từ người cha, Tôn Thất Bách sau này cũng trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Ngoại khoa Pháp, Phó Giáo sư, bác sĩ chuyên khoa tim mạch hàng đầu của Việt Nam và là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao trọng trách cho các ông: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng thành lập Trường Đại học Y khoa khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, các ông đã sáng tạo ra  một phương pháp học “rất Việt Nam”: Mỗi năm sinh viên chỉ học lý thuyết từ 3 đến 4 tháng rồi các giáo sư đích thân dẫn sinh viên ra mặt trận phục vụ chiến đấu. Ông Tôn Thất Tùng đã từng đi phục vụ các chiến dịch như sông Lô, Hoàng Hoa Thám, Điện Biên Phủ…

Tôn Thất Tùng là một trí thức nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới của cách mạng và một Tôn Thất Tùng nóng tính trong nghề nghiệp. Ông bỏ cuộc sống nơi phồn hoa đô thị một cách nhẹ nhàng để dấn cuộc đời mình gắn với kháng chiến với cách mạng. Điều đáng nói hơn là ông quyết định đưa thuốc men, máy móc, dụng cụ mổ xẻ và vận động các bác sĩ, nhân viên, sinh viên đang học cùng lên chiến khu. Bộ đồ phẫu thuật ông luôn mang theo bên mình - có lần địch lùng sục vào căn cứ, nhà cửa, trường học, khu bệnh viện bị chúng đốt sạch, phá sạch - nhưng bộ đồ phẫu thuật của ông và ông cũng vẫn còn nguyên.

Suốt đời làm nghề, ngoài sự điều hành bệnh viện, quan hệ giao tiếp với các thày thuốc, y bác sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới, ông còn trực tiếp thực hiện 715 ca mổ gan, không phải dùng bằng phương tiện hiện đại như dao điện, tia laser mà bằng thứ dụng cụ thô sơ do chính mình tự tạo. Một kỷ lục về mổ mà trên thế giới này chưa mấy ai đạt tới.

Tôn Thất Tùng hay nóng tính trong nghề nghiệp. Điều đó đúng, đã từng có những y bác sĩ phụ mổ cho ông chia sẻ với nhiều người như vậy. Cách mạng có thể cảm hóa được ông trong tư tưởng, nhận thức và hành động nhưng tính nóng không bao giờ thay đổi ở một thày thuốc kỳ tài, sử dụng kỹ thuật cứu người thật chính xác và điêu luyện; trong khi những người phụ mổ cho ông thì vụng về, lóng ngóng và cũng có thể là do họ luống cuống mà mất bình tĩnh.

Qua lời kể của một bác sĩ sau này đã từng làm giám đốc của một bệnh viện ở Hà Nội: “Thời kỳ ở rừng, khoảng năm 1950 tôi làm phụ mổ thường xuyên cho thầy Tùng. Thương binh vào viện ngày càng nhiều, vết thương thì nguy hiểm và mất máu nhiều lắm. Anh em phụ mổ chúng tôi không cầm máu kịp, đưa dụng cụ thì luống cuống, mất bình tĩnh mà đưa lẫn lộn. Thày Tùng nổi cáu, đá luôn vào ống chân chúng tôi bằng giầy săng - đá, đau lắm nhưng cố chịu, chỉ nhìn nhau và im lặng. Thế đấy. Sau này, chỉ có bà Vi Thị Nguyệt Hồ (phu nhân yêu quý của ông) trực tiếp phụ mổ, gây mê hồi sức mới làm cho bác sĩ Tùng vừa ý”.

Những người lớn tuổi ở Hà Nội rất nhiều người biết bà Vi Thị Nguyệt Hồ nổi tiếng là Hoa khôi đất Hà Thành một thời. Bà đã trực tiếp chăm sóc sức khỏe, giúp ông khi phụ mổ “tâm đầu ý hợp” nhất. Sau khi ông qua đời, người ta biết cứ đến ngày chủ nhật là bà Vi Thị Nguyệt Hồ lại đến nghĩa trang Mai Dịch thăm và tâm sự bên mộ với người bạn đời tài năng và tri kỷ, đã cùng nhau chịu đựng gian khổ, ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến khi ông qua đời.

Giáo sư – Viện sĩ Tôn Thất Tùng – Còn mãi trong ký ức Hoàng Kim Đáng - 2

Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Tôi may mắn được gặp và làm quen với nhà báo danh tiếng Hàm Châu chuyên viết về chân dung các nhà khoa học Việt Nam. Ông nhiều lần tiếp xúc với bác sĩ Tùng và ông mượn được cuốn nhật ký mà Tôn Thất Tùng viết trong kháng chiến chống Pháp. Ông cho tôi xem đôi dòng nhật ký:

“Điện Biên, ngày 9/4/1954 (ở Đội điều trị 1). Tối qua, mưa bão. Tiếng sấm và tiếng súng hòa vào nhau. Một cây to đổ, giết chết hai y sĩ và một sinh viên. 10 giờ: mổ luôn một đợt để thanh toán hết các trường hợp ứ đọng. Máy bay ném bom chung quanh. Mổ xẻ! vẫn cứ mổ xẻ! Máy bay gầm rú trên đầu, mặc! 11 giờ 30: mưa bão liên miên làm anh em mệt. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Ruồi vàng cắn chân mọi người sưng vù. Nhớ đến ba cái khổ của miền Tây Bắc: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”!

19 giờ: Tối về, mổ xong, mệt quá, không ăn hết bát cơm. Mổ não, căng vì phải luôn tay tiêm thuốc tê và liên tục cắt gân, xương đầu. Mỏi nhức mười đầu ngón tay. Đau hết các bắp thịt. Thương binh lên đến 700 mà chỉ có 6 y sĩ, 20 y tá, hộ lý. Anh em phòng mổ ai nấy đều mệt bã người, không ăn được cơm… Mưa dầm dề suốt ngày đêm, suốt một tuần.

Ngoài kia, các anh bộ đội ngâm mình trong chiến hào bùn lõng bõng… Một anh bộ đội trạc 20, giọng miền Trung trọ trẹ: “Xin bác sĩ đừng làm tui đau mà tội tui!”. Bụng anh thủng, ruột thối làm cho cả bụng cũng thối theo. Tiêm hết các thứ thuốc. Mổ đến cùng và bằng mọi giá cứu anh thoát chết!”.

Trong nhật ký còn ghi tiếp: “Nếu không có cuộc kháng chiến vĩ đại này, thì có lẽ chẳng bao giờ mình biết được nhân dân ta anh dũng đến thế!...kháng chiến, chiến trường đã thay đổi rất nhiều trong con người mình, đã cách mạng hóa mạnh mẽ tư tưởng và hành động của mình… Cách mạng đã thấm vào mình rồi!”.

Cũng qua tác giả Hàm Châu mà tôi biết: Một Tôn Thất Tùng trong giờ làm việc cũng như ngoài đời, rất ít thấy ông cười, ấy vậy mà tâm hồn thơ lai láng. Năm 1947, Tôn Thất Tùng đã làm bài thơ mang tên Tưởng niệm bằng tiếng Pháp, đã được nhiều vị trí thức rất thích, chép tay truyền cho nhau đọc, gửi vào tận liên khu IV. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đọc bài thơ đó ở Quảng Ngãi và cũng ít ai biết Tôn Thất Tùng, Phan Nhuận, Kỳ Anh, Jacgues, Gaucheron và Georges Budarel là những người đã dịch thơ Tố Hữu ra tiếng Pháp, in trong tập thơ Từ ấy, do NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) ấn hành năm 1968 và những dòng nhật ký ghi trong ngày 7/5/1954:

“Chiều hôm kia, anh  em cho biết: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sẽ đi thăm Đội điều trị 2, Đội điều trị 3 và một đơn vị đang chiến đấu. Chuẩn bị ra ô tô. Đợi tại một bản vừa cháy trụi ở cây số 64. Một đồng chí đi xe đạp qua nói to: “Điện Biên Phủ hoàn toàn giải phóng rồi!”. Cũng có thể lắm chứ, vì từ trưa đến nay, lạ quá, không nghe thấy tiếng súng! Lúc ra đường cái, khoảng 6 giờ chiều, mình thấy anh Ch. chạy đến nói: “Anh Tùng, anh Tùng! Ta đã chiếm Điện Biên Phủ! Mình ôm lấy anh Ch. và cụ Tụng (Vũ Đình Tụng) mà hôn. Mình hét to: “Hoan hô! Hoan hô!” như một người điên!”.

***

Hôm chủ nhật ấy, tôi tranh thủ xem lại tài liệu vừa ghi chép được. Đã 10 giờ tối không thấy ông điện thoại, nghĩ chắc là ông chưa về. Tôi đâu có biết ông đã ra đi từ sáng thứ sáu tuần trước, ngày 7/5/1982.

Thứ hai tuần sau, trong buổi họp tòa soạn, Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng xúc động báo tin: Bác sĩ Tôn Thất Tùng sau một cơn đau tim nặng đã đột ngột… “đi”… rồi! Nước mắt ông trào ra, nói như khóc: “Thế là đất nước ta lại mất một nhà khoa học lớn! Anh Đáng chắc còn đang làm dang dở. Chị Ngọc Tú cần viết bài in ngay trong số này”. Nói xong, ông nhắc phòng trị sự phải đi đặt vòng hoa kẻo không lại nhỡ, không có hoa đi viếng.

Quả nhiên, dù đã biết trước nhưng cửa hàng hoa vẫn thành thật xin lỗi Báo Văn Nghệ vì vòng hoa đã hết ngay từ 9 giờ sáng. Chị bán hoa chỉ còn biết nói lời cuối cùng: các anh chị trong tòa soạn báo xin vui lòng nhận một bó hoa cuối cùng đi viếng vậy. Không riêng gì cửa hàng bọn em hết hoa đâu. Các cửa hàng bán hoa ở Hà Nội đều hết hoa từ sớm. Chỉ cần một chi tiết: Bác sĩ Tùng qua đời, cả Hà Nội hết hoa cũng đủ nói lên điều gì rồi. Tôi bàng hoàng sực nhớ hôm nay với hai sự kiện trùng khớp:

Ngày 7/5/1954 tin giải phóng Điện Biên, ông ôm hôn đến cuồng nhiệt vì tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông hoan hô, hoan hô và ông hét to như một người điên!

Ngày 7/5/1982, sau 28 năm, ông ra đi. Ngày đưa tang người Hà Nội đổ ra đường đông nghịt để tiễn đưa Giáo sư – Bác sĩ Tôn Thất Tùng. Cả một rừng hoa rùng rùng chuyển động trên đường phố.

Người đi tiễn đưa ông là những bệnh nhân đủ các thế hệ, lứa tuổi biết ơn ông đã cứu sống họ. Hàng nghìn học trò là các thế hệ thầy thuốc đi tiễn đưa người thầy lớn. Trên gương mặt họ tựa như muốn vỡ òa ra tiếng khóc cho vơi đi nỗi đau, bởi sự mất mát không thể bù đắp.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú hoàn thành bài viết về vị Giáo sư – Viện sĩ vĩ đại ấy. Khi bài viết in ra đã gây xúc động trong lòng bạn đọc Văn Nghệ cả nước. Còn tôi, tôi đành bất lực trước những dự kiến, những tình huống như đã nói ở trên để hoàn thành một thiên phóng sự về vị giáo sư khả kính ấy.

Đã gần 40 năm, Hà Nội mất đi một danh nhân, một nhà khoa học lớn của đất nước và nhân loại. Nhưng trong tôi, trong mọi người dân Việt Nam, tên tuổi nhà bác học Tôn Thất Tùng còn mãi trong ký ức!

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T