Hồ Chí Minh – Một quan niệm mĩ học mới về cái đẹp!

Xin được giới thiệu hai cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất có tên “Hồ Chí Minh và Ấn Độ” (Ho Chi Minh and India) ngày 14/5/2022 tại Kolkata (Ấn Độ). Trước đó tại Mỹ, tháng10/2019 là Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ). Từ góc nhìn mỹ học nhiều học giả khẳng định Bác Hồ chính là hiện thân của vẻ đẹp mà nhân loại hôm nay hướng tới: một vẻ đẹp hài hòa, thống nhất, ở giữa tự nhiên, gắn liền với thiên nhiên, vì con người. Họ đã nói rất đúng về Bác của chúng ta!

Trước nay chúng ta đều khẳng định ở Bác là sự hội tụ tuyệt đẹp nhiều phương diện: nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà giáo dục… Là một nghệ sĩ lớn với tư tưởng mĩ học độc đáo, đặc sắc, Người vừa là đối tượng vừa là chủ thể của mĩ học cái đẹp được biểu hiện rất sinh động, thuyết phục ở chân dung, cuộc đời cũng như trong sự nghiệp đầy huyền thoại. Mỗi nghệ sĩ lớn có một quan niệm mĩ học riêng. Ở Bác điều này càng rõ.

Hồ Chí Minh – Một quan niệm mĩ học mới về cái đẹp! - 1

Hồ Chủ tịch cầm nhịp hát bài “Đoàn kết”.

Đầu năm 1946, một nhạc sĩ băn khoăn hỏi thế nào là tác phẩm có tính dân tộc mà vẫn hiện đại, Bác nói luôn đó là những sáng tác được nhân dân thích, mọi tầng lớp thích. Một câu nói tuyệt vời, ngắn gọn, đúng và trúng vào vấn đề bản chất của nghệ thuật: nhân dân là đối tượng tiếp nhận nghệ thuật trí tuệ, tinh tế nhất. Đồng thời cũng thể hiện một quan niệm biện chứng cái đẹp là sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, nằm trong cuộc sống, thuộc về và phục vụ quần chúng, tiêu chuẩn đánh giá cũng do quần chúng. Hệ mĩ học này hoàn toàn nhất quán với tư tưởng chung “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”.

Một người rất yêu cái đẹp như Bác tất nhiên sẽ có một phẩm tính riêng là yêu thương con người sâu nặng. Vì “Người ta là hoa đất”, xét đến cùng có gì đẹp hơn con người đâu. Cả cuộc đời cách mạng của Bác xét đến cùng cũng là vì con người. Ở đây xin nói về cái đẹp tự nhiên được Bác trân quý như con người. Được sống cạnh Bác thời kỳ ở Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Diệp Minh Châu khẳng định Bác có một tâm hồn nghệ thuật đậm chất Á Đông mà rất phương Tây.

Người rất chú ý đến cái đẹp nơi thiên nhiên, thích nơi ở có tre trúc rủ trước nhà, có mây vờn lưng núi, có suối khe róc rách gần bên, trên đường đi, chỗ nào có cảnh đẹp, dù bận cũng cố dừng lại giây lát để thưởng thức. Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể giữa bộn bề công việc nơi ở Phủ Chủ tịch vẫn rất gọn gàng, một ngôi nhà bốn mái lợp bằng cỏ tranh giản dị, rất đẹp ở giữa khu rừng có núi, có đồi, có suối nước bốn mùa trong vắt. Mùa đông kín gió, mùa hè gió nồm nam thổi lồng lộng. Lại có một khoảnh đất rộng để tăng gia, chơi bóng, ai vào cũng có cảm giác Phủ Chủ tịch là nơi đồng bằng thơ mộng.

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người cận vệ thân tín của Bác sau 1955, kể một lần đi công tác, được Bác giao tìm chỗ nào đẹp mà tĩnh để nghỉ trưa mãi vẫn không tìm được, cuối cùng lại phải Bác tìm. Đó là một ngọn đồi nhìn thấy cả biển lúa trập trùng, những mái trường trông xa như những chiếc phao đỏ bập bềnh bên những hòn đảo thôn xóm xanh xanh…

Hồ Chí Minh – Một quan niệm mĩ học mới về cái đẹp! - 2

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi)

Bác đặc biệt thích hoa, thích nhất là hoa hồng và hoa huệ. Nơi ở của Bác đầy hoa, trên bàn làm việc lúc nào cũng có hoa tươi. Bác tiễn khách thường tặng một bông hồng. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh Bác nhắc thư ký tặng hoa cho các nữ y tá. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp đã đi vào đời sống của Bác một cách tự nhiên nhất. Đó cũng là quy luật cái đẹp tìm đến với cái đẹp vậy!

Điều đặc biệt là Bác tự tay trồng, chăm bón, yêu hoa đến mức nhớ rõ vườn có bao nhiêu bông hoa mà Bác nói vui là “hoa đoàn kết” các màu tím, đỏ, vàng, trắng… Nhân đây cũng lại xin muốn khái quát về Bác không chỉ yêu quý và hiểu mà còn là người sáng tạo ra cái Đẹp. Đồng chí Dương Đại Lâm kể thời mới về Việt Bắc Bác tự tay sửa sang chỗ ở. Người đào đất thành cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá xếp thành núi non bộ cũng có hang, khe, đỉnh, có vách đá cheo leo. Một cái cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chỗ chân núi, chung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh “sơn thuỷ hữu tình”. Một con cò lửa được chính Bác đẽo bằng đá gan gà vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép. Một chiếc thuyền gỗ nhỏ bồng bềnh trôi... Bác từng làm nghề thợ ảnh, vẽ truyền thần... Bác là họa sĩ đích thực, là bạn thân của Picátxô - người từng nói nếu Bác tiếp tục con đường hội họa thì có thể sẽ trở thành một danh họa. Là họa sĩ vĩ đại hàng đầu thế giới, hẳn nhiên lời của Picátxô có sức thuyết phục. Là tác giả của nhiều bức tranh chống đế quốc thực dân in trên các báo Pháp như Nhân đạo, Người cùng khổ... Bác còn là nhà điêu khắc. Hồi ở Pác Bó, tự tay Bác tạc bức tượng Các Mác. Những điều ấy cho thấy Bác rất am hiểu nghệ thuật hiện đại.

Là tác giả của nhiều truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp mà nhiều học giả Pháp khẳng định văn Bác tinh tế, sâu sắc, hóm hỉnh, rất Pháp. “Nhật ký trong tù” là “bảo vật quốc gia” của Việt Nam và là tài sản văn hóa của nhân loại. Thơ Bác đẹp, cái đẹp kết tinh từ nhiều mạch nguồn văn hóa, cái đẹp vượt qua đỉnh cao nghệ thuật để trở về với cái tự nhiên giản dị, sự giản dị của một “thần bút”. Ví như bài thơ “Thướng sơn” (Lên núi): “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên đỉnh núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai”, là sự gặp gỡ của tứ thơ Phật giáo và tứ thơ cách mạng (Phan Ngọc) trong một không gian nguyên sơ, tinh khiết… 

Một nghệ sĩ như thế hẳn nhiên là nhạy cảm với cái đẹp. Ngoài hai mươi tuổi, khi ở trên tàu, Anh Ba thường dậy thật sớm xem mặt trời mọc và hầu như không ngủ mỗi đêm trăng sáng. Mỗi khi thấy một cảnh đẹp, Anh ngây người và nhắc đi nhắc lại với bạn mình: “Đẹp quá! Hùng vĩ quá!”. Ở thời điểm tháng Tám năm 1945 với áp lực của cả một núi công việc, khi đồng chí Tố Hữu báo cáo về tình hình Huế và nói để chống đói mà chính quyền phát động trồng rau màu khắp nơi, Bác hỏi ngay khắp nơi là thế nào, Huế có nhiều vườn hoa cũng phá à. Một câu hỏi chỉ có ở một tầm nghệ sĩ lớn luôn yêu, trân trọng cái đẹp!

Chân dung, cuộc đời và sự nghiệp rất đẹp của Người xứng đáng là đối tượng của nghệ thuật. Đã có bao tác phẩm văn thơ, nhạc, họa, điêu khắc… với nhiều cách thể hiện, đa dạng cảm hứng mà chưa thể khai thác hết tầm cao, chiều sâu của một tâm hồn, một trí tuệ Việt Nam mang tầm nhân loại. Ngay ở phương diện ngoại hình Bác rất đẹp với vẻ tinh anh mà rất mực hiền từ của đôi mắt; giọng nói ấm và vang; chòm râu phất phơ; đôi dép lốp huyền thoại… đã hấp dẫn bao nghệ sĩ. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác nhận xét Người “đẹp rực rỡ như một ông tiên trong các truyện cổ tích”.

Vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của cái đẹp nên Bác cũng là người tiếp nhận và thưởng thức cái đẹp theo cách riêng. Ngày 25-6-1946, Chủ tịch mời các phóng viên dự tiệc trà tại Khách sạn Roay Môngxơ (Pháp). Người cầm những bông hoa trên bàn tiệc tặng mỗi nữ phóng viên một bông, còn lại một bông, Người tặng cho nam phóng viên nhiều tuổi nhất (1). Người lấy cái đẹp làm phương tiện để con người hiểu nhau hơn.

Cũng dịp ấy, một lần họp báo khác, một nữ nhà báo hỏi móc máy “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là Cộng sản không?”. Bác không trả lời mà đi đến bàn có lọ hoa rút một bông hồng rồi mang đến trao cho người hỏi và nói: “Tôi là Cộng sản như thế này này!” (2). Một hành động, một câu nói trên cả tuyệt vời. Cả khán phòng lặng đi rồi “ồ” lên, khâm phục, kính trọng!!! Mọi khoảng cách như được xóa đi. Mọi băn khoăn như được hóa giải để chỉ còn sự gần gũi, chan hòa, ấm áp! Một hành động ý nhị, vừa thể hiện sự quan tâm quý mến tới người đối thoại vừa mang tính ngụ ngôn: hoa luôn tượng trưng cho cái đẹp, cho tình yêu, hạnh phúc…

Tình yêu con người sâu nặng là cơ sở cho những quan niệm thực sự nhân văn, sâu đậm tình người. Một lần Bác thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn”. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan niệm đã là người thì “máu nào cũng đều quý như nhau”. Nhiều nơi trên thế giới gọi Bác là “Thánh nhân”, “bậc Thánh” một phần là vì lẽ đó!

Vì nhân dân là chủ thể, là đối tượng sáng tạo cũng là đối tượng tiếp nhận cái đẹp nên Bác rất tôn trọng văn hóa phong tục của dân. Là nhà văn hóa lớn, hơn ai hết, Người thấu hiểu phong tục là sự kết tinh giá trị văn hóa. Đồng chí Vương Văn Long kể Bác dặn:

“- Chú Long này, Bác mới đi qua vùng dân tộc, thấy họ kêu ca về cách xây dựng làng kiểu mẫu của các chú nhiều lắm! Kiểu mẫu về nội dung chứ không phải kiểu mẫu về hình thức bên ngoài. Đồng bào là người dân tộc, mà các chú bắt mở đường to, xoay hướng nhà ở, thì ai người ta nghe? Làm thế là đảo lộn phong tục của người ta đấy” (3). Đây không chỉ là bài học trong giữ gìn và phát triển văn hóa về làm mới nội dung hơn là hình thức, mà còn là bài học biết cách yêu dân, trọng dân ở những phương diện văn hóa cụ thể. Điểm đặc sắc trong quan niệm cái đẹp của Hồ Chí Minh là cái đẹp trong trắng, tinh khiết.

Hồ Chí Minh – Một quan niệm mĩ học mới về cái đẹp! - 3

Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Người. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Vũ Kỳ có kể một dịp Tết Bác Hồ đến làm việc, thấy trong phòng của anh em có chậu hoa trà mi mới nở một bông rất đẹp, Bác nhớ đến câu thơ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, ứng khẩu đọc: “Đẹp thay một đóa trà mi/ Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về”. Trong “Truyện Kiều”, câu này Nguyễn Du nói về Thuý Kiều, một cô gái tài sắc, trong trắng là thế mà sống trong một xã hội đen bạc nên cuối cùng trinh tiết của nàng bị huỷ hoại bởi một tên vô lương, hèn hạ.

Nguyễn Du than thở: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Bác Hồ dùng lại (tập cổ) hai câu ấy để ca ngợi vẻ đẹp của hoa trà mi, nên không có gì phải “tiếc”. Bác thốt lên: “Đẹp thay một đóa trà mi!”. Hoa trà mi đã đẹp rồi, nhưng Bác nói nó còn đẹp hơn nữa vì “Bướm ong chưa tỏ đường đi lối về” (4). Hai đại văn hào, hai khoảng không thời gian, hai quan niệm khác nhau nhưng đều có những ý thơ để đời. Cùng một đối tượng thẩm mỹ, Nguyễn Du xót xa, có gì đấy chua chát. Hồ Chí Minh ý nhị, vui vẻ, lạc quan.

Trong thơ Hồ Chí Minh, hình tượng hoa mai là một tín hiệu thẩm mỹ đặc sắc. Có một dấu nối tuyệt đẹp giữa Mãn Giác thiền sư - Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, chỉ xét riêng ở hình tượng hoa mai mà thôi. Cùng một đối tượng thẩm mỹ nhưng là ba miền ý nghĩa ở ba khoảng không thời gian: thơ Mãn Giác đậm sắc thiền, thơ Nguyễn Trãi vượt khỏi cái trần tục vươn tới cái cao cả, thơ Hồ Chí Minh vừa có cái trầm lặng, thư thái của thiền, vừa có cái ung dung trong sáng của tiên, vừa có cái khát khao đời thường về cái thái bình viên mãn.

Không gian thơ Hồ Chí Minh trong sáng lạ thường. Có một chút ngỡ ngàng trong thơ làm bừng nở cả một mùa xuân: “Đường về chợt gặp cây mai núi/ Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân” (Tìm bạn không gặp). Phiên âm chữ Hán “Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ/ Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân” được dịch rất chuẩn. Chữ “ngẫu” (chợt) diễn tả thần thái cái ngỡ ngàng sững sờ trước cái đẹp của chủ thể. Phải thật nhạy cảm với cái mới mẻ, thật yêu vẻ đẹp của mai, phải thật tràn trề giàu có vốn trải đời về cái được mất phù du mới có chữ “ngẫu” quý giá này!

Là biểu tượng của văn hóa hòa bình, cũng là biểu tượng cho cái đẹp, tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận.

----------

(1). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2006, tr 258.

(2). Ban Tuyên giáo Trung ương – Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, 2015, tr 15.

(3). Nhiều tác giả -  Đường Bác Hồ đi cứu nước. Nxb Thanh Niên, 2011, tr 452.

(4). Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 2. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 139.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Tin liên quan

Tin mới nhất