Phía sau những tà áo đẹp

Tặng áo dài cho chị em phụ nữ miền Trung ngay giữa hai cơn bão tám và chín, ý tưởng này bị cười nhiều hơn khen, bởi nó không thực tế và có gì đó kiểu như ngu ngu. Nhưng tôi vẫn xin và mang đi tám trăm bộ áo dài.

Vừa tặng vừa… run

Người đầu tiên kêu lên thích thú là Hải - Phó Giám đốc Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vợ Hải là cô giáo. Hôm lũ về đột ngột, phụ huynh xin các cô giữ con giúp vì gần như mọi con đường bị chia cắt. Các cô ở lại với học sinh mặc tài sản trôi theo dòng nước. Lấy xe của mình, Hải đưa chúng tôi đến ngay trường tiểu học xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vẻ mặt ngỡ ngàng và hạnh phúc của các cô giáo khiến tôi và cô bạn nhà báo nhẹ lòng: “Ổn rồi”.

Phía sau những tà áo đẹp - 1

Các cô giáo trong tà áo dài mới

Người đi trao quà từ thiện có một nỗi sợ, đó là sợ bị từ chối. Giờ này người ta cần lương thực, thực phẩm, nước uống... nếu quần áo thì sẽ là những bộ mặc hàng ngày. Tặng nhiều quà nhưng trong đó có áo dài, tôi có chút run rẩy trong lòng. Nhưng mọi việc diễn ra rất khác với những gì chúng tôi nghĩ. “Cho tôi một chiếc áo dài để tôi đi đám cưới”, “Chúng tôi rất muốn có chiếc áo dài để đi lễ nhà thờ”, “Tôi muốn mặc thử chiếc áo dài một lần xem sao”... thật xót xa khi nghe những lời này. Phụ nữ miền Trung rất đẹp nhưng “cái đẹp” thường bị đặt sau “cái ăn”, và cái đẹp không được thêm quần là áo lượt thì khó mà tỏa sáng được.

Quay về Phan Thiết, chúng tôi trao đổi với các nhóm thiện nguyện khác. Vì ta cần nhau là nhóm hưởng ứng đầu tiên với địa bàn quyên góp áo dài là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Nhóm cũng nêu sáng kiến đề nghị người tặng ghi rõ chiều cao, cân nặng của mình cho từng bộ để chủ sau dễ chọn. Nói thì nói vậy nhưng nhiều người quá bận nên chỉ bỏ hết áo dài vào túi rồi mang tặng. May thay, cái ý tưởng tặng áo dài có vẻ vô lý ấy lại được rất nhiều người ủng hộ. Giặt, phơi, là ủi, “nhìn áo đoán người”... được chia sẻ cho hàng xóm, sinh viên, hội phụ nữ. Và chỉ chưa đầy hai tuần, gần mười nghìn chiếc áo dài đã sẵn sàng về với chủ mới. Gần cuối đợt quyên góp, việc thiếu vải may quần cho đủ bộ vì thói quen một quần ba, bốn áo khiến chúng tôi bối rối. Tiền thì đã cạn, 50 cuốn truyện ngắn Đi dưới mặt trời của Thanh Chung - Lâm Cúc - Kim Oanh được đem bán và thu về mười lăm triệu cho công việc này. Ông Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận là người mua 10 cuốn sách đầu tiên với giá năm triệu đồng.

Phía sau những tà áo đẹp - 2

Phụ nữ giáo dân mặc và thử áo dài

Thương nhất là phụ nữ huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Không chỉ gom và chia bộ hơn 400 áo dài, các chị còn tặng thêm 30 áo dài cưới - xưa nay vẫn được coi như kỷ vật của từng người, lý do: “Áo cưới đắt lắm, thuê cũng tốn kém, các cô dâu để tiền lo cho gia đình mới đi, mặc áo của chúng tôi nè”. Nhiều người tặng áo còn gửi kèm thiệp dặn dò “Áo này bằng tơ tằm, chị giặt tay cho bền nhé”, “Chúc cô mặc đẹp”, “Mong các cô chỉnh sửa một chút nếu chưa vừa nhé”...

Đáp lại, bên nhận liên tục diện áo dài mới, chụp ảnh gửi qua điện thoại hoặc đăng trên mạng xã hội. Lời hỏi thăm, cám ơn của hai bên càng lúc càng nhiều. Nhiều trường lấy size từng cô gửi cho bên tặng. Những người phụ nữ ở giáo xứ Thông Thống,  xã Quảng Minh, thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đưa lên trang Facebook riêng của Giáo xứ: “Bây giờ các chị có những chiếc áo dài rất đẹp để tham dự thánh lễ. Tấm lòng của mọi người không bao giờ giáo họ chúng con quên.”

Những câu chuyện như cổ tích

Thành - Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị gọi điện vào: “Chị ơi, các cô giáo mặc áo dài đẹp quá cám ơn em đoạ luôn”. Một nhà báo quê Quảng Trị còn xin cho mỗi xã vài chục bộ để phụ nữ mượn đi đám cưới. “Phụ nữ xã giữ, hôm sau đám cưới thì hôm trước sẽ đến mượn đông đen”.

Phía sau những tà áo đẹp - 3

Phụ nữ giáo dân mặc và thử áo dài

Tặng đi và còn tiếp tục suy nghĩ về món quà của mình, còn mong nhìn thấy nó lần nữa với hy vọng nó đẹp hơn khi ở với mình. Nhận quà mà còn muốn người tặng thấy mình sử dụng ra sao, mà còn muốn khoe với chủ cũ... Áo dài đã làm được điều này.

Họ, chưa từng gặp nhau, có lẽ cả đời cũng không gặp nhau nhưng chung một tấm áo, một manh quần, như những người chị em ruột thịt.

Phía sau những tà áo đẹp - 4

Các cô giáo trong tà áo dài mới

Câu chuyện người Việt Nam giúp nhau trong cơn bão có lẽ là một giải thích rõ ràng cho chữ Bác Hồ từng gọi “Đồng bào”, chúng ta cũng chưa chắc mường tượng ra được cảnh mười xe ô tô ở miền Trung thì bảy xe cứu trợ... nhưng tất cả đã diễn ra trong những trận lũ vừa qua.

Chương trình tặng áo dài cũng vậy, khó mà nghĩ rằng nó thành công nhưng giờ thì không còn xa lạ, không phân biệt lương, giáo. Phía sau những tà áo đẹp là những câu chuyện như cổ tích.

None

Kim Oanh

Tin liên quan

Tin mới nhất