Vài nhận xét về diễn viên trong phim truyền hình

Hiện nay, trong các chương trình của các đài truyền hình, phim truỵên là một món ăn tinh thần không thể thiếu với số đông người dân, trong đó phim Việt Nam rất được khán giả quan tâm, chờ đợi. Dẫu còn nhiều hạn chế, song không thể phủ nhận một sự thật là phim truyền hình Việt Nam đang ngày càng phát triển về số lượng, chiếm một thời lượng phát sóng đáng kể.

Trong số hàng ngàn phim đã ra đời, công bằng mà nói cũng có đựơc mấy chục phim khá, có chất lượng tư tưởng và nghệ thuật. Có thể kể tới một số phim tiêu biểu: “Blu trắng”, “Đồng tiền xương máu”, “Đất và người”, “Nghề báo”, “Những người bạn quanh tôi”, “Nữ bác sĩ”, “Cảnh sát hình sự”, “Cổ cồn trắng”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Phía trước là bầu trời”, “Sóng ở đáy sông”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Người phán xử”… Nhưng chừng ấy là quá ít so với số lượng nhiều phim tầm thường, non yếu, dưới mức trung bình, sơ sài về nội dung, nông cạn về tư tưởng và dễ dãi về nghệ thuật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một yếu tố rất quan trọng: xử lý diễn viên.

Vài nhận xét về diễn viên trong phim truyền hình - 1

Phía trước là bầu trời (2001) - Bộ phim làm nức lòng thế hệ thanh niên một thời.

Đã làm đạo diễn phim (điện ảnh hay truyền hình) hẳn là ai cũng quan tâm chú trọng đến diễn viên, bởi họ chính là phương tiện chuyển tải mọi ý đồ về tư tưởng của tác giả đến người xem. Kịch bản có hay, sâu sắc đến mấy, đạo diễn có giỏi, tầm cỡ tới đâu mà diễn viên kém tài cũng sẽ làm sụt giảm giá trị bộ phim rất nhiều.

Dẫu biết như thế nhưng do nhiều khó khăn khách quan, không ít đạo diễn đã trở nên quá dễ dãi trong việc lựa chọn diễn viên mà tình trạng phổ biến nhất là không chịu kiếm tìm những gương mặt mới, cứ bằng lòng với việc huy động dàn diễn viên quá quen thuộc “tuần chay nào cũng có nước mắt”, cho nên đã rơi vào tình trạng “Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người” (Huy Cận).

Nếu diễn viên có tài đặc biệt, việc này không có gì đáng nói, bởi họ có khả năng hóa thân vào rất nhiều loại nhân vật có tính cách khác hẳn nhau với những sáng tạo đột xuất, không bao giờ lặp lại mình. Ở nhân vật sau, người xem không thấy bóng dáng nhân vật trước. Họ luôn “lột xác”, thâm nhập vào nhiều phim có đề tài phong phú, hoá thân vào nhiều loại tính cách nhân vật.

Vài nhận xét về diễn viên trong phim truyền hình - 2

Một số bộ phim truyền hình Việt Nam gần đây.

Ví như diễn viên kiêm đạo diễn Xô Viết nổi tiếng Bondarchuk là trường hợp tiêu biểu. Những năm 60 của thế kỷ trước, khán giả Việt Nam hẳn không quên 3 bộ phim đặc sắc có nghệ sĩ tài ba này xuất hiện: Sô-cô-lốp trong “Số phận một con người”, nguời cha trong “Cậu bé Xê- ri- ô- gia”, Pi-e Bê-du- khốp trong “Chiến trang và hòa bình”. Đó là 3 nhân vật có tính cách khác xa nhau trong 3 bộ phim cũng rất khác biệt về đề tài, chủ đề tư tưởng. Người xem chỉ có thể nhận ra nghệ sĩ qua diện mạo, còn thì đó là 3 người đàn ông riêng biệt thật độc đáo.

Ở nước ta, tôi thấy có quá ít diễn viên điện ảnh vào phim mới mà khiến khán giả bị hút hồn, không mảy may gợi nhớ bóng dáng những nhân vật cũ họ đã sắm kể cả là NSND. Tình trạng phổ biến là xem họ vào vai lập tức bắt gặp rất nhiều nét quen thuộc mà họ đã diễn ở các phim khác. Chắc chắn nhiều người xem phim truyền hình Việt Nam sẽ có cảm giác sau đây: Mới bật máy xem phim, thấy một diễn viên xuất hiện, cứ ngỡ như đã xem rồi. Mãi sau, theo dõi cốt truyện mới yên trí là phim mới, chưa xem.

Lại có tình trạng nữa: Do không thoả mãn với phim đang xem mà nhiều người đã bấm sang kênh khác thì thấy cùng một lúc có diễn viên xuất hiện ở vài ba phim, vẫn cử chỉ, điệu bộ như thế ở các phim khác nhau. Tất nhiên đó chỉ là ngẫu nhiên do nhiều kênh cùng phát phim truyện trùng giờ. Nhưng tình trạng trên không phải là hãn hữu đã nói lên sự lạm dụng diễn viên, để họ đóng phim với “tần suất” quá nhiều. Không ít diễn viên tài năng rất bình thường nhưng “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Có diễn viên còn trẻ, chưa phải là “sao” mà một năm đóng những… 5 phim. Như vậy làm sao tránh khỏi sự trùng lặp, nhàm chán?

Vài nhận xét về diễn viên trong phim truyền hình - 3

Một tình trạng khá phổ biến nữa là không ít người đóng phim mà như diễn kịch trên sân khấu. Cần thấy rằng đóng phim khác hẳn đóng kịch. Trên sân khấu, ít nhiều còn có chút cách điệu. Nhưng trên màn ảnh thì mọi thứ phải giống như ngoài đời, không thể như vậy. Không ít những cảnh phim diễn ra khá vô lý, không tự nhiên ví như cảnh sau đây: Một cặp vợ chồng ở trong nhà đang bàn bạc một việc gì đó rất hệ trọng đòi hỏi cả hai người phải tập trung tư tưởng cao độ.

Vậy mà họ cứ đi lại trong phòng, vừa đi vừa nói, khoát tay, vung vẩy khi trong phòng có gường, bàn ghế, bộ salon (không phải là đang xung đột, cãi nhau). Người thì đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, người thì đi lại, không ngồi xuống ghế. Rất sân khấu từ cách di động đến lời thoại. Hãy nghĩ xem: Ngoài đời, có cặp vợ chồng nào lúc đang bàn một việc nghiêm túc lại như vây? Họ sẽ nằm trên giường vắt tay lên trán mà suy nghĩ, bàn bạc hoặc ngồi tại ghế hay salon.

Ở nước ta, không phải là không có những diễn viên có tài. Nhưng cần thấy là so với mặt bằng diễn viên bình thường, họ nổi trội hơn, chứ quá hiếm những tài năng kiệt xuất như trường hợp Bondarchuk của Liên Xô như vừa nói. Vậy nên ngay cả với những diễn viên quý hiếm này cũng không nên xuất hiện quá nhiều bởi như các cụ ta đã dạy “Người khôn nói lắm cũng nhàm”. Khôn còn nhàm, huống hồ chưa thực sự khôn?

Sử dụng diễn viên nghiệp dư chỉ nên vào phụ, những vai quần chúng, hoặc xuất hiện ít, còn đã can dự vào việc thúc đẩy truyện phim phát triển thì đối tượng này khó đảm đương được sứ mạng. Trên các phim truyền hình Việt Nam hiện nay, một người thợ may, một giáo viên về hưu non, một cựu công nhân cơ khí, một người lái xe… cũng thấy thường xuyên đóng phim với những vai có khi xuất hiện khá nhiều, người xem thấy chỉ nói, cười hoặc nhăn nhó và đọc lời thoại chứ không lột tả được tính cách nhân vật.

Có thể nhận ra khoảng mươi diễn viên nam đã “lên lão” từ lâu, thường xuyên vào các vai ông già gần như giống hệt nhau ở tất cả các phim. Cũng số lượng chừng ấy các bà lão na ná giống nhau giữa phim này và phim khác với cùng một dạng nhân vật đau khổ, tủi cực, buồn phiền, khắc khổ… Có cảm giác như đóng phim truyền hình là công việc rất dễ dàng, ai cũng có thể làm trong khi sự thực thì không đơn giản chút nào bởi làm nghệ thuật - đúng nghĩa - luôn đòi hỏi tài năng mà đã là tài năng thì luôn quý hiếm, không dễ có.

Các đạo diễn có thể viện dẫn các lý do khiến họ khó khai thác nguồn diễn viên mới, có tài. Diễn viên có tài thì phải trả cát-xê cao, họ lại không dễ nhận đóng các phim có kịch bản bình thường. Mời diễn viên mới thì phải tốn thời gian phân tích, góp ý, có khi phải thị phạm trong khi việc hoàn thành phim cần gấp rút. Vậy nên tiện nhất là mời những diễn viên thạo việc. Trong nghệ thuật, sự thuận tiện thường dễ đồng nghĩa với sự dễ dãi, hạ thấp yêu cầu về chất lượng.

Tất nhiên diễn viên có thể đưa ra lý lẽ: Kịch bản tầm thường, nhân vật nhạt nhoà đã không có đất để họ diễn, nên chỉ có thể cho ra những sản phẩm như thế. Quả là có vấn đề này, nhưng ngay cả những phim có kịch bản văn học hay, nhân vật có chiều sâu thì nhiều diễn viên vào vai vẫn cứ bất cập. Vậy nên, vấn đề tài năng của diễn viên không thể bị xem nhẹ, nếu các đạo diễn không muốn phim của mình mãi kém chất lượng./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Suy ngẫm từ những câu ca xưa

Suy ngẫm từ những câu ca xưa

Trong 12 con giáp, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng, lại được cho là uy quyền của nhà vua, không gần gũi với dân chúng, nên rất ít ca dao, thành ngữ mượn con rồng để bàn chuyện thế sự. Tuy vậy, có mấy câu sau đây, nhân ngày Xuân năm Thìn, đàm luận một chút cũng vui.