Văn hóa bên chén trà

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định: Việt Nam là cái “nôi” của cây chè (trà). Cây chè có lịch sử lâu đời, gắn với tập quán sản xuất, canh tác nông nghiệp. Theo đó, thói quen uống trà của người Việt có “bề dày lịch sử”; đây là thú vui tao nhã, nét văn hóa, của người Việt.

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Bên cạnh các loại cây lương thực, người Việt còn trồng cây công nghiệp, cây ăn quả; trong đó, cây chè gắn bó lâu đời nhất.

Văn hóa bên chén trà - 1

Mời trà là nét đẹp văn hóa của người Việt...

Trước khi trở thành hàng hóa, xuất khẩu đi các quốc gia, mỗi năm thu về hàng chục tỷ USD, người Việt trồng chè đơn thuần để làm thức uống hàng ngày trong mỗi gia đình. Do đó, chè xanh giữ vị trí đặc biệt từ xa xưa và đến tận bây giờ. Bên bát nước trà xanh, người dân quay quần bên nhau nói chuyện xóm giềng, mùa màng, cấy hái... tình làng nghĩa xóm nhờ thế thắt chặt bền lâu.

Chẳng biết tự bao giờ, thói quen uống trà trở thành tập quán của người Việt, từ hình thức uống tra đơn giản, thông dụng cho đến thực hiện nghi thức cúng tế đều có sự góp mặt của trà. Trà gắn liền với đời sống người Á Đông, nhất là người Việt từ khi sinh ra cho đến khi mất, trà như là một phần tất yếu của đời sống người Việt.

Người xưa coi trà như lẽ sống, người đời nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Một người bạn hiền (hợp tính cách, sở thích); một không gian yên tĩnh, nâng chén trà thơm, cho nhau một chút tình đời ý đạo, còn gì thú vị hơn!

Văn hóa bên chén trà - 2

Kỹ thuật pha trà ngày nay cũng lắm cầu kỳ...

Uống trà làm con người thấy an lạc, thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, trạng thái thoải mái, ung dung, tự tại... Uống trà để đàm đạo, sẻ chia, tâm sự với người tâm giao... Chẳng có ai khi tâm trạng bồn chồn, đầu óc rối bời hay đang vội điều gì đó… mà ngồi nhâm nhi chén trà?!.

Uống trà là thói quen phổ biến từ già đến trẻ, từ người giàu sang cho đến kẻ nghèo; từ thành thị đến nông thôn; từ trí thức cho đến nông dân… Dù cuộc sống phát triển đến đâu, thói quen uống trà của người Việt vẫn không thay đổi. Có chăng là ở kỹ thuật pha trà cầu kỳ hơn, “khó tính” hơn trong cung cách thưởng thức trà mà thôi.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, ở Việt Nam chỉ có tập quán uống, mời trà như một nghi thức giao tiếp mà chưa có trà đạo như một tôn giáo theo đúng nghĩa trà đạo Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản có hẳn giáo chủ, giáo lý và thánh đường. Trung Quốc có “Trà kinh” của Lục Vũ (đời nhà Đường) như một bách khoa toàn thư về trà…

Ngày nay, việc uống trà của một số người cầu kỳ và phức tạp, có cả nghi thức uống trà, có hẳn lý thuyết về trà qua tác phẩm “Trà kinh”, một nghi thức uống trà gọi là trà đạo. Có kinh, có đạo đó là tính chất tôn giáo của trà. Với người Việt, chén trà dâng cúng tổ tiên; chén trà để người ta xích gần lại gần nhau; hiểu nhau hơn, sẻ chia mọi điều buồn, vui trong cuộc sống… Những cảnh ồn áo, gây gỗ, thậm chí văng tục có thể xảy ra ở các quán nhậu, ít thấy ở quán trà. Uống trà làm người ta nghĩ đến những điều thiện, việc thiện… ấy là “đạo” trong trà Việt !

Những “danh trà” nổi tiếng

Trước nay, Việt Nam có nhiều vùng trồng chè nổi tiếng như: Vùng Tây Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu…) với cây chè shan tuyết rất quý; Thái Nguyên với thương hiệu trà Tân Cương; Hà Nội với trà sen phủ Tây Hồ từ xa xưa… Đặc biệt, Lâm Đồng là vùng trồng chè lớn nhất nước.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 11.287,4 ha chè các loại; sản lượng đạt 160.729,5 tấn. Cây chè ở Lâm Đồng chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước; tập trung chủ yếu ở Thành phố Bảo Lộc, với 2.650 ha các loại chè cao cấp, gồm các giống: Trà Trung du và Shan, LĐ 97, TB 11, TB 14, Tứ Quý, Ngọc Thúy, Kim Tuyên…; huyện Bảo Lâm có diện tích chè lớn nhất tỉnh, với 7.150 ha chè; sản lượng đạt 103.050 tấn; Di Linh có 505,6 ha chè; Thành phố Đà Lạt có 237,2 ha chè Olong các loại… Ngoài sản xuất các loại trà đen, trà xanh truyền thống, những năm qua, các doanh nghiệp, hộ gia đình còn liên kết, sản xuất và chế biến các loại trà Olong nguồn gốc nước ngoài, có giá trị, mang lại thu nhập cao cho các doanh nghiệp, sơ sở, hộ dân và đóng góp vào ngân sách địa phương đáng kể.

Văn hóa bên chén trà - 3

TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) nổi tiếng với những đồi chè bạt ngàn. Ảnh Thanh Dương Hồng.

Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có trên 250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà, tập trung ở Thành phố Bảo Lộc, với 195 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trà; sản lượng hàng năm khoảng 25.000 tấn (trà đen, trà Ôlong xuất khẩu, trà ướp hương…). Tại Thành phố Đà Lạt có 26 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trà xanh, trà đen, trà Olong, trà atiso; huyện Bảo Lâm có 21 doanh nghiệp...

Trong 34 tỉnh, thành cả nước hiện sản xuất và kinh doanh trà, Lâm Đồng có lịch sử trồng và có ngành công nghiệp trà sớm nhất, với sự ra đời Nhà máy chè Cầu Đất từ năm 1927, do người Pháp xây dựng và cả vùng Cầu Đất được người Pháp cho trồng chè phủ kín trên các vùng đồi. Ngày nay, nhà máy chè này vẫn hoạt động và đã được chứng nhận Kỷ lục “Nhà máy chè cổ xưa nhất Việt Nam còn hoạt động”.

Văn hóa bên chén trà - 4

Công nhân đóng gói, kiểm tra bao bì, nhãn mác sản phẩm Trà Ôlong trước khi xuất bán. Ảnh: Thanh Dương Hồng.

Có thể thấy, trồng, chế biến, kinh doanh và uống trà của người Việt có lịch sử rất lâu đời. Cây chè gắn bó thủy chung với người Việt từ thuở hồng hoang cho đến thời hiện đại. Mời trà, uống trà trở thành nghi thức trong giao tiếp, trong nghi lễ cúng tổ tiên, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Uống trà là tập quán văn hóa, thú vui tao nhã, mạch nguồn văn hóa Việt trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.

Dù người ta cho rằng người Việt chỉ biết uống trà chứ chưa có trà đạo, trà Kinh… song, người Việt bên chén trà cùng sẻ chia vui, buồn và cùng hướng về những điều tốt; khuyên nhủ nhau làm việc lành; chí ít, uống trà để thấy lòng thư thái, tự tại trước những sân si, đố kỵ, hẹp hòi…!

Nhàn đàm bên chén trà, tiện lời “điểm” lại vài nét về lịch sử cây chè và thói quen uống trà của người Việt xưa - nay, biết đâu có điều suy gẫm…

Ghi chép:Thanh Dương Hồng

Bắc Hà mùa hoa mận
Bắc Hà mùa hoa mận

Ngày đầu tiên ở thị trấn Bắc Hà (Lào Cai), sáng dậy, phố huyện ngập tràn trong sương. Từ sân thượng tầng ba khách sạn...

Tin liên quan

Tin mới nhất