Xây dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa

Từ năm 1987 đến đầu năm 1988, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức đóng giữ 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa trước sự tranh chấp quyết liệt của hải quân Trung Quốc. Phương pháp lắp dựng nhà C3 là chủ yếu, kết hợp với tàu đổ bộ LCU, pông tông. Nhà C3 là công trình dã chiến, lắp dựng nhanh, yêu cầu của Bộ Tư lệnh Hải quân là nhà tồn tại được trong 6 tháng. Các công trình có độ bền vững hơn được nghiên cứu thiết kế để xây dựng tiếp theo. Phương án lắp dựng nhà kết cấu bê tông cốt thép lắp ghép và kết cấu thép lắp ghép được nghiên cứu, do điều kiện thi công trên đảo chìm, thiếu các thiết bị hỗ trợ nên phương án nhà kết cấu thép phù hợp hơn được lựa chọn.

Sau sự kiện ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Gạc Ma và chiếm đóng một số đảo chìm khác. Bộ đội Hải quân với quyết tâm cao tiếp tục lắp dựng các nhà C3 chốt giữ đảo. Hai đảo chìm Cô Lin và Len Đao ta chưa dựng nhà được nhà C3 theo kế hoạch, hai bộ khung nhà C3 bị đánh chìm theo tàu HQ 604 tại đảo Gạc Ma. Tàu vận tải HQ 605 bị bắn chìm tại Len Đao, ta vẫn đưa tàu cá ra Len Đao với danh nghĩa cứu hộ tàu HQ 605, trên đảo Len Đao đã cắm cờ Việt Nam. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao lên đảo Cô Lin, hiện vẫn trên Cô Lin, ta đã cắm cờ trên đảo chìm Cô Lin.

Chủ trương tiếp tục đóng giữ đảo chìm Cô Lin và Len Đao được Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức triển khai.

Xây dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa - 1Một góc đảo Song Tử Tây - đảo phía bắc thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh minh hoạ. (Nguồn ảnh: Báo Thanh niên)

Chuyến công tác Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân

Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến công tác Trường Sa để động viên bộ đội, kiểm tra chỉ đạo các mặt sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đoàn cán bộ 30 người do Đại tá Mai Xuân Vĩnh - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng làm Trưởng đoàn, Chuẩn đô đốc Trần Khoái - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng làm phó đoàn, Đại tá Nguyễn Ngọc Sâm - Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Vùng 4 làm Tham mưu trưởng đoàn.

Các cán bộ có Trung tá Văn Đình Nhu - Trợ lý Phòng tác chiến, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhắc - Trợ lý Phòng Cán bộ, Đại uý Nguyễn Đình Hải - Trợ lý Phòng Quân lực, cùng một số cán bộ cơ quan Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146. Đội văn công Hải quân do đồng chí Hoàng Nguyên phụ trách, có hoạ sĩ Mai Quang Huy của Phòng Tuyên huấn Hải quân. Đoàn đi theo tàu HQ 613 do đồng chí Đại uý Cao Đức Tại làm Thuyền trưởng, xuất phát từ Cam Ranh vào ngày 29/3.

Chuyến đi 30 ngày đến 32 điểm đảo, trong đó có đến Cô Lin động viên bộ đội trên tàu HQ 505 và Len Đao nắm tình hình. Hai lá cờ Việt Nam trên đảo Cô Lin và Len Đao vẫn tung bay trước mênh mông sóng nước. Hành trình trên biển, tàu chiến Trung Quốc bám theo, đoàn vẫn bình tĩnh xử lý, thực hiện theo kế hoạch. Chuyến đi này cũng nhằm thăm dò phản ứng của đối phương.

Trên cơ sở chuyến đi kiểm tra chỉ đạo các đảo, nắm tình hình đã hoàn thành, Đại tá Mai Xuân Vĩnh - Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đã đề xuất các vấn đề cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ đóng giữ hai đảo chìm Cô Lin và Len Đao.

Chuyến công tác Trường Sa của Đại tướng Lê Đức Anh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Tiếp sau đoàn công tác Trường Sa của Bộ Tư lệnh Hải quân trong tháng 4/1988, để động viên cán bộ, chiến sĩ tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa tiếp tục giữ vững chí khí chiến đấu, kiên trì đấu tranh, kiên quyết giữ đảo, Đại tướng Lê Đức Anh đã vượt sóng ra Trường Sa và thăm cán bộ chiến sĩ từ ngày 4 đến ngày 9/5/1988. Đây là “chuyến thăm đặc biệt” nhằm củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa sau sự kiện hải quân Trung Quốc sát hại 64 cán bộ chiến sĩ ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin thuộc Cụm đảo Sinh Tồn, đánh chiếm đảo Gạc Ma của ta.

Dự lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam tổ chức tại đảo Trường Sa ngày 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu: “Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Qua chuyến công tác này, và phát biểu của người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân Việt Nam đã tạo nên khí thế, động lực tinh thần cho toàn thể cán bộ chiến sĩ ta nói chung và bộ đội bảo vệ Trường Sa nói riêng. Trước tình hình Biển Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Song song với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, ngày đêm cán bộ chiến sĩ vẫn miệt mài huấn luyện, rèn luyện, xây dựng củng cố doanh trại, hầm hào công sự trận địa với tinh thần “giữ Trường Sa bằng sức mạnh dân tộc và trái tim người lính biển”.

Nhiệm vụ xây dựng công trình bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa tiếp tục được đẩy mạnh với các phương án mới.

Sản xuất nhà sắt C2

Thiếu tướng Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Công binh tham gia đoàn công tác Trường Sa của Bộ Quốc phòng. Qua kiểm tra công trình, nghiên cứu thực tế tại đảo, xem xét các nhà cao chân C3, Bộ Tư lệnh Công binh đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Hải quân việc chế tạo, lắp dựng nhà sắt C2 trên quần đảo Trường Sa; Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương thống nhất cùng triển khai. Bộ Tư lệnh Công binh chỉ đạo thiết kế nhà sắt C2 ngay, Phòng Công trình Quốc phòng do kỹ sư Phạm Tiến Nhượng làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, sau đó kỹ sư Nguyễn Hữu Lập đảm nhiệm. Nhà có kết cấu thép 2 tầng, tầng 1 có 16 téc chứa nước ngọt mỗi téc 2m, có kho hậu cần, kỹ thuật. Tầng 2 là nơi ở cho một trung đội giữ đảo, thời gian bảo đảm 2 năm. Phương án được Bộ Tư lệnh Hải quân hoan nghênh.

Đại tá Nguyễn Quí - Cục trưởng Cục kỹ thuật Công binh chỉ đạo cơ quan bảo đảm vật tư, nhà máy Z49 triển khai khẩn trương sản xuất. Đại tá Đào Minh Châu - Giám đốc tổ chức cho các kỹ sư, công nhân nhà máy Z49 lao động liên tục, tăng ca tăng kíp sản xuất đồng bộ, vận chuyển bằng đường sắt vào bàn giao cho Vùng 4 Hải quân 10 bộ nhà sắt C2 tại ga Ba Ngòi, dùng ô tô vận chuyển vào bán đảo Cam Ranh. Mỗi bộ nhà C2 gồm 100 tấn thép, kết cấu các bộ phận hoàn toàn bằng thép, liên kết bu lon, mái lợp tôn, lắp dựng nhanh thuận tiện trên đảo chìm.

Thiếu tướng Vũ Trọng Hà chỉ đạo Phòng Công trình và Nhà máy Z49/ Bộ Tư lệnh Công binh hướng dẫn Phân đội của Lữ đoàn Công binh 229/ Bộ Tư lệnh Công binh lắp dựng thử trên bờ tại Cam Ranh để các đơn vị Công binh Hải quân tham quan học tập. Công tác chuẩn bị chu đáo, huấn luyện thành thạo, tạo niềm tin cho các đơn vị công binh sẵn sàng chuẩn bị làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Theo kế hoạch, các tàu vận tải của Vùng 4, Lữ đoàn 125 vận chuyển, các đơn vị công binh của quân chủng Hải quân, được tăng cường thêm lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh triển khai xây dựng ngoài đảo, Lữ đoàn 146 tiếp nhận để tăng cường thêm lực lượng bảo vệ chủ quyền Trường Sa.

Quyết tâm lắp dựng nhà sắt C2 ở Cô Lin và Len Đao

Ngày 16/6/1988 Bộ Tư lệnh Hải quân họp và quyết định xây dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm Cô Lin và Len Đao, đồng thời dựng các nhà C2 bên cạnh nhà C3 ở một số đảo chìm khác. Kế hoạch tổ chức đóng giữ đảo được Tư lệnh Hải quân trực tiếp thông qua và chỉ huy triển khai.

Đại tá Lê Văn Thư - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Vùng 4, Đại tá Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và Trung tá Trần Đình Dần - Trung đoàn phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 83 được giao nhiệm vụ tổ chức đóng giữ hai đảo Cô Lin và Len Đao. Tư lệnh Hải quân giao cho Đại tá Lê Văn Thư xuống trực tiếp chỉ huy Lữ đoàn 146, Đại tá Phạm Công Phán - Lữ trưởng Lữ đoàn 146 trực tiếp ra Trường Sa chỉ huy lực lượng của Lữ đoàn 146 khu vực cụm đảo Sinh Tồn, Trung tá Trần Đình Dần chỉ huy lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 ra lắp dựng hai nhà sắt C2 ở Cô Lin và Len Đao.

Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung, mỗi khung 30 người. Trung tá Trần Đình Dần, Trung đoàn Phó - Tham mưu trưởng chỉ huy chung. Khung xây dựng đảo Cô Lin do Cù Kim Tài - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 làm khung trưởng, Nguyễn Bá Chiến - Đại đội trưởng Đại đội 6 làm khung phó, Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 887 cùng ra chỉ huy tại Cô Lin.

Khung xây dựng đảo Len Đao do Nguyễn Văn Tuấn - Đại đội trưởng Đại đội 7 làm khung trưởng, Nguyễn Văn Cần - Phó Đại đội trưởng làm khung phó. Trung tá Trần Đình Dần đi cùng khung này trực tiếp chỉ huy.

Quá trình chuẩn bị, thường xuyên được Chuẩn đô đốc Phạm Huấn - Phó Tư lệnh phụ trách Lục quân, Chuẩn đô đốc Lê Văn Xuân - Phó Tư lệnh về chính trị đến thăm, kiểm tra, động viên. Trước khi lên đường, Tư lệnh Giáp Văn Cương đến giao nhiệm vụ cho Chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung tá Trần Đình Dần và nói: Chuyến này các đồng chí đi là rất nguy hiểm, có thể hy sinh, nhưng chết cũng nhất định phải ra xây dựng nhà chốt giữ đảo. Trung tá Trần Đình Dần hứa với Tư lệnh là sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Việc triển khai xây dựng nhà C2 trên đảo được tiến hành từng bước rất thận trọng. Thuyền trưởng HQ 613 - Cao Đức Tại được gọi lên, Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó Tư lệnh chính trị Lê Văn Xuân giao nhiệm vụ: Tàu HQ 613 đưa lực lượng và 2 khung nhà ra đảo Sinh Tồn nằm ở đó chờ lệnh, phải tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ kế hoạch.

Vào 1 giờ ngày 21 tháng 6 năm 1988 tàu HQ 613 rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa, Đại tá Lê Văn Thư và Trung tá Trần Đình Dần cùng hai khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 và hai bộ nhà sắt C2 trên tàu. Tàu cập đảo Sinh Tồn vào 10 giờ ngày 23 tháng 6. Lúc này ở Cô Lin ta có các tàu HQ 505 đã lao lên bãi cạn.        Tại Len Đao có tàu cá HQ706 và tàu cá HQ 187 neo trực với danh nghĩa cứu hộ tàu HQ 605.

Đại tá Lê Văn Thư lên đảo Sinh Tồn chỉ huy chung.

Đại tá Phạm Công Phán đi trên tàu kéo HQ965 kéo Tàu đổ bộ LCM 8 - HQ462 thuộc Vùng V tăng cường đã có mặt ở Trường Sa Đông sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi có lệnh từ Sở chỉ huy Cam Ranh, Tàu HQ 462 ra Cô Lin, Len Đao trước thăm dò phản ứng của Trung Quốc, nếu yên tĩnh thì HQ462 đến Sinh Tồn nhận hàng và phân đội Công binh chuyển sang sau đó đến Len Đao.

Quan sát thấy tình hình yên tĩnh, vào 16 giờ ngày 23 tháng 6, tàu HQ 965 kéo tàu HQ 462 qua Cô Lin thăm dò sau đó về đảo Sinh Tồn cập mạn HQ 613 nhận bộ nhà sắt C2 và khung xây dựng.

Tàu HQ 965 do Đại tá Phạm Công Phán chỉ huy đến Cô Lin và Len Đao vào xác định vị trí xây dựng nhà sắt C2 và cắm cờ địa điểm xây dựng nhà.

Tàu HQ 462 cơ động từ đảo Sinh Tồn đến Len Đao tiến hành ủi lên bãi cạn lúc 1 giờ ngày 24 tháng 6 đã vào vị trí quy định.

Theo kế hoạch 14 giờ ngày 25 tháng 6 tàu HQ 706 từ Len Đao về Sinh Tồn gặp HQ 613 để nhận khung nhà C2 và phân đội công binh do Cù Kim Tài phụ trách thi công ngay nhà C2 ở Cô Lin, do tình hình yên tĩnh nên tàu HQ 613 không chuyển hàng và lực lượng sang HQ 706 nữa. Lúc 17 giờ ngày 27 tháng 6, Tàu HQ 613 chở phân đội công binh do Nguyễn Văn Tuấn làm khung trưởng cùng bộ nhà C2 từ đảo Sinh Tồn đi sang đảo Cô Lin, Trung tá Trần Đình Dần đi cùng chỉ huy.

Tàu HQ 613 hạ xuồng máy và xuồng chuyển tải đưa cấu kiện và lực lượng vào tập kết tại vị trí thi công để dựng nhà ở Cô Lin.

Trung tá Trần Đình Dần - Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng và Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 dùng xuồng máy luân phiên kiểm tra, chỉ huy cả hai khung xây dựng trên 2 đảo Cô Lin và Len Đao.

Vào 18 giờ ngày 29 tháng 6 năm 1988, nhận lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, đơn vị  bắt đầu xây dựng. Sở chỉ huy chỉ thị: Tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ ánh sáng. Do đêm tối đen như mực, trời biển mịt mùng, không có ánh sáng không thể làm gì được, Đại tá Phạm Công Phán và Trung tá Trần Đình Dần trao đổi phải đốt đuốc cho bộ đội thi công. Các cột nhà được dựng lên trong ánh lửa lập loè giữa trùng khơi mênh mông sóng vỗ.

Sáng sớm hôm sau, Đại tá Lê Văn Thư đi tàu từ đảo Sinh Tồn ra kiểm tra điện báo cáo về Sở chỉ huy về đã dựng các cột nhưng chưa đủ 8 cột, do nhìn xa bị che khuất chứ đã dựng xong cả 8 cột nhà trong đêm 29/6.

Hồi 11 giờ ngày 1 tháng 7 năm 1988 tàu chiến Trung Quốc từ đảo Gạc Ma sang khiêu khích, khi ấy hai khung nhà C2 đã dựng lên.

Cán bộ chiến sĩ của ta vẫn bình tĩnh thực hiện đối sách, dùng loa phát đi lời khẳng định: đây là chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không được xâm phạm.      Đại tá Lê Văn Thư trực chỉ huy ở đảo Sinh Tồn đã phát hiện tàu chiến Trung Quốc từ Gạc Ma sang uy hiếp, đã điện báo cáo vào Sở chỉ huy Cam Ranh. Bộ đã lệnh cho Quân chủng Không quân, kịp thời điều động một tốp 3 máy bay Su22 bay ra uy hiếp, lượn hai vòng trên cao quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Tàu chiến của đối phương phải rút lui.

Hai công trình nhà sắt C2 cao 2 tầng được xây dựng trên đảo chìm Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa trước sự uy hiếp đe dọa của tàu chiến đối phương, thể hiện quyết tâm, ý chí, bản lĩnh rất cao từ Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đến Trung đoàn Công binh 83 và cán bộ chiến sĩ trực tiếp thi công. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc các công trình khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đây. Thật vui mừng phấn khởi và tự hào.

Sau khi hoàn thành xây dựng hai công trình, bàn giao nhà cho hai phân đội của Lữ đoàn 146 giữ đảo, toàn bộ lực lượng thi công của Trung đoàn quay về tàu HQ 613 ở đảo Sinh Tồn trở về đất liền an toàn.

Lắp dựng nhà sắt trên các đảo chìm tiếp theo

Để triển khai lắp dựng các nhà sắt C2, Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức lực lượng chi viện cho Hải quân, cùng hai Trung đoàn Công binh Hải quân tổ chức lắp dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm.

Lữ đoàn 229/Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức hai khung xây dựng cấp đại đội cơ động từ Bắc Ninh vào Cam Ranh, tiếp nhận vật liệu đi trên hai tàu vận tải ra lắp dựng 2 nhà sắt C2 ở Trường Sa. Ngày 12/7/1988 hai nhà C2 trên đảo Đá Thị và Đá Tây hoàn thành.

Trung đoàn 83 tổ chức tiếp 2 khung đi xây dựng 2 nhà C2, ngày 31/10 hoàn thành nhà C2 Đá Đông, ngày 1/11/1988 hoàn thành nhà C2 ở Tốc Tan.

Trung đoàn 131 tổ chức 2 khung tiếp nhận vật liệu ra thi công lắp dựng 2 nhà C2, ngày 31/10/1988 hoàn thành nhà C2 ở Tốc Tan, ngày 1/11/1988 hoàn thành nhà C1 ở Thuyền Chài.

Lắp dựng nhà sắt C2 - Điểm đóng quân thứ 33 tại quần đảo Trường Sa

Năm 1990 Trung đoàn Công binh 83 được giao nhiệm vụ:

- Thi công phá đá hoàn thành mở luồng vào hồ Đá Lớn

- Xây dựng nhà sắt C2 bên cạnh bờ phải luồng Đá Lớn khi thông luồng.

Thiếu tá Hoàng Kiền - Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 83 ra trực tiếp chỉ huy lực lượng thi công ngoài đảo.

Sau khi nổ lượng nổ lớn nhất 110 tấn thành công, luồng vào hồ Đá Lớn dài 750 mét, rộng 50 mét, sâu 5 mét do Viện kỹ thuật Công binh thiết kế, tiến sĩ Lê Văn Trung làm Chủ nhiệm đồ án, Trung đoàn Công binh 83 thi công đã cơ bản hoàn thành. Nhà sắt C2 được triển khai lắp dựng bên cạnh bờ phải cửa luồng ngay. Thiếu tá Hoàng Kiền - Phó tham mưu trưởng chỉ huy chung, Đại uý Phạm Như Mứt - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đôn đốc thi công, Thượng uý Dương Chóng - Đại đội trưởng Đại đội 5 trực tiếp chỉ huy đơn vị thi công, Thiếu uý Hoàng Bá Định - Trung đội trưởng cùng  tham gia, Trung uý - Kỹ sư Võ Hồng Khanh - Trợ lý Ban Tham mưu phụ trách kỹ thuật.

Trong quá trình thi công đêm mùng 3 tháng 5 năm 1990 gặp cơn bão số 1 nổi lên ngay ở Trường Sa nơi đơn vị đang thi công, vô cùng nguy hiểm, lo lắng trôi mất hết 16 téc nước và một số vật liệu đã tập kết lên bãi đá bên bờ luồng. Sáng sớm hôm sau tôi trực tiếp đi xuồng máy chỉ huy một tổ ra cứu được hết các téc sắt khi bắt đầu trôi. Sau đó ẩn nấp vào sau các mô đá san hô do nổ phá tạo lên, chờ ngớt gió trở về tàu an toàn. Do bão to, chim hải âu bay về trú tránh bão sau các tảng đá bên bờ hồ rất nhiều, anh em bắt được một số mang lên tàu LCU HQ 557 liên hoan mừng chống bão thành công.

Nhà C2 tại cửa luồng Đá Lớn được xây dựng, ngày 14 tháng 5 năm 1990 hoàn thành, đây là điểm đóng quân thứ 33 ở Trường Sa.  Trong cuốn sách Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2015) ghi: đến năm 1988 ta đã đóng giữ 21 đảo, đá với 32 điểm đóng quân.

Hiện nay ta đang tuyên truyền và thực tế hiện quản lý là 21 đảo, đá với 33 điểm đóng quân. Điểm đóng quân thứ 33 là nhà sắt C2 tại bên phải luồng Đá Lớn do Trung đoàn Công binh 83 thi công tại đảo, Thiếu tá Hoàng Kiền chỉ huy, hoàn thành ngày 14 tháng 5 năm 1990 bàn giao cho lực lượng đảo Đá Lớn quản lý bảo vệ đảo. Ôn lại kỷ niệm xưa, thật vui mừng, xúc động và tự hào.

Các nhà sắt C2 đã xây dựng

Tổng số có 10 bộ nhà sắt C2 do Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế chế tạo giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp nhận tại Cam Ranh. Đã tổ chức lắp dựng trên các đảo chìm ở Trường Sa 9 bộ, các đơn vị Công binh Hải quân lắp dựng 7 bộ trên 6 đảo, Lữ đoàn Công binh 229 thuộc Bộ Tư lệnh Công Bình lắp dựng 2 nhà trên 2 đảo. Nhà C2 vật liệu bằng thép hình, kết cấu hai tầng, có diện tích lớn hơn nhà C3, bảo đảm cho một trung đội giữ đảo, sẵn sàng chiến đấu. Thời gian sử dụng được hai năm trở lên, bảo đảm an toàn trước bão gió. Nhà C2 đã góp phần quan trọng tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa trong những năm 1988 - 1990.

Với 9 nhà sắt C2 trên các “đảo chìm” bên cạnh các nhà C3, thi công trong mùa sóng gió lớn vô cùng khó khăn, luôn bị tàu chiến của đối phương ngăn cản, đe doạ. Các đơn vị công binh phối hợp với lực lượng tàu vận tải, lữ đoàn 146 quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa trong giai đoạn quan trọng cấp thiết này.

Trong quá trình xây dựng công trình chiến đấu nói chung, nhà sắt C2 nói riêng, Thiếu tướng Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Công binh trực tiếp ra Trường Sa cùng Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiểm tra, chỉ đạo xây dựng công trình chiến đấu. Tư lệnh Hải quân đánh giá cao sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh và cá nhân Tư lệnh Vũ Trọng Hà với nhiệm vụ xây dựng công trình bảo vệ Trường Sa trong đó có nhà sắt C2. Đô đốc Giáp Văn Cương nói với một số cán bộ Hải quân, lúc khó khăn nhất chỉ có Công binh là gắn bó với Hải quân nhất, khi nào Thiếu tướng Vũ Trọng Hà từ trần, anh em Hải quân nhớ lên viếng ông ấy.

Thiếu tướng Hoàng Kiền

Tin liên quan

Tin mới nhất