Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững

Ngày 15/9, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Viện Tư vấn công nghệ và Đào tạo Toàn Cầu cùng các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Hội thảo khoa học: “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức với mục đích tư vấn xây dựng chính sách nhằm góp thêm những ý kiến hữu ích cho việc xây dựng cơ chế chính sách, đặt trọng tâm cao vào tính thực tiễn để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hội thảo diễn ra dưới dự chủ trì của PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Tư vấn và Công nghệ đào tạo toàn cầu; PGS.TS Bùi Tất Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 1

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ khoa học; Đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương; Các đại biểu quan tâm đến vấn đề kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đông đảo các cơ quan báo chí,…

Tại Hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái, nên việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 2

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn cũng được thể hiện rõ trong Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7-6-2022 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Tư vấn và Công nghệ đào tạo toàn cầu khẳng định: Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng lớn, hiện đại trên thế giới, không chỉ được các nhà khoa học, các đơn vị xuất kinh doanh mà còn được Chính phủ các nước hết sức coi trọng, trở thành chiến lược phát triển, cùng với việc xây hệ thống cơ chế chính sách đầu tư và phát triển tương ứng, nhất là trong bối cảnh của tác động sâu rộng của biến đổi khi hậu và hệ quả của mô hình phát triển kinh tế tuyến tính.

“Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam” là Hội thảo khoa học tư vấn xây dựng chính sách nhằm góp thêm những ý kiến hữu ích cho việc xây dựng cơ chế chính sách, đặt trọng tâm cao vào tính thực tiễn để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 3

Các đại biểu nghe tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Trong tham luận gửi Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ để trở thành một sự thay thế khả thi cho hệ thống tiêu dùng lãng phí hiện tại. Nó đang dần dần hình thành và được áp dụng, đòi hỏi ít hy sinh của người tiêu dùng hay ngành công nghiệp. Hệ thống này sẽ đi tiên phong trong thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài”.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 4

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận. (Ảnh: Huyền Thương)

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho biết hoạt động kinh tế tuần hoàn hiện nay được phân ra các cấp độ và được chia thành ba cấp: cấp độ thấp, cấp độ vừa và cấp độ cao. Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần phải hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này gắn với hợp tác công – tư và ủng hộ của cộng đồng người tiêu dùng. Nhận thức được các thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công nghệ chủ đạo của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tiếp cận, vận dụng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: “kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, nếu như con người không muốn tự hủy diệt mình thì không có lối thoát nào khác ngoài kinh tế tuần hoàn”. TS. Cao Trường Sơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đặt ra một số vấn đề về phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 5

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tham luận. (Ảnh: Huyền Thương)

TS. Cao Trường Sơn cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn bởi nước ta có nền nông nghiệp phát triển từ lâu đời. Có hai tiềm năng nổi bật trong thực hiện phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam: Thứ nhất là tiềm năng phát triển tuần hoàn tận dụng phụ phẩm công nghiệp; Thứ hai là tiềm năng phát triển tuần hoàn chất thải chăn nuôi.

Tại Hội thảo, TS. Cao Trường Sơn đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp tuần hoàn như việc: Hoàn thiện khung pháp lý về thực hiện kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng; Xây dựng quy chuẩn/tiêu chuẩn/Tài liệu hướng dẫn; Xây dựng cơ chế khuyến khích và thúc đẩy thực hiện nông nghiệp tuần hoàn; Thực hiện tốt công tác Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tuần hoàn; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 6

TS. Cao Trường Sơn đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp tuần hoàn. (Ảnh: Huyền Thương)

Tại Hội thảo, các chủ đề khác về kinh tế tuần hoàn cũng được đưa ra trao đổi như: Tổng quan về kinh tế tuần hoàn; một số lý luận và thực tiễn về việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; phát triển kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Áp dụng khoa học tư duy hệ thống trong nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tại một số khu vực, xu hướng phát triển các lĩnh vực kinh tế trên thế giới và Việt Nam; hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong giai đoạn mới và vai trò của Ngân hàng đối với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; ứng dụng cách tiếp cận Tầm nhìn chiến lược (foresight) trong hoạch định chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…

Từ đó, đưa ra các định hướng quy hoạch, thúc đẩy và phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 7

Đại biểu Hoàng Đức Vượng tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các Bộ Ban nghành Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng như các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp làm rõ cơ sở lý luận – thực tiễn về phát triển kinh tế tuần hoàn; chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phát triển kinh tế tuần hoàn của quốc tế, các đối tác FTA; tiếp cận tài chính xanh, tài chính số phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta trong giai đoạn mới.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Tư vấn và Công nghệ đào tạo toàn cầu khẳng định: Kinh tế tuần hoàn đối với con người, đối với sự phát triển của xã hội không chỉ ở nội hàm kinh tế, ở lợi ích kinh tế, mà còn ở sự liên kết tổng hợp các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, con người và môi trường sinh thái, lấy mục tiêu phát triển bền vững làm hạt nhân chi phối trong suốt quá trình phát triển, trong đó các nhân tố, các yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng qua phát triển của xã hội được sử dụng liên tục một cách hiệu quả nhất theo hướng thuận với các quy luật tự nhiên sinh thái, nâng cao giá trị gia tăng, giảm tối đa các tác động tiêu cực, mang tính hủy hoại môi trường, mất cân bằng sinh thái.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững - 8

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Tư vấn và Công nghệ đào tạo toàn cầu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Ban tổ chức tin tưởng Hội thảo này sẽ góp phần tăng nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn, từ việc thiết kế, triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từ lãnh đạo các cấp quản lý đến từng doanh nghiệp, người dân. Đồng thời định hướng cho doanh nghiệp, các chính sách hoạt động; thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất