Được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân: EVN, PVN đang kinh doanh ra sao?
Trước khi được giao làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, hoạt động kinh doanh của EVN và PVN hoàn toàn trái ngược.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia, Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, dự kiến hoàn thành đầu tư trong 5 năm. Theo đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Sáng 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) sẽ làm chủ đầu tư nhà máy Ninh Thuận 2.
Trước khi được giao làm chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, hoạt động kinh doanh của EVN và PVN hoàn toàn trái ngược khi một đơn vị vẫn đang chìm trong thua lỗ và doanh nghiệp còn lại ghi nhận lãi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của EVN đã kiểm toán cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận hơn 500 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, EVN ghi nhận lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ gần 7.400 tỷ đồng xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng. Chi phí tài chính lại tăng mạnh từ gần 18.200 tỷ đồng lên hơn 22.686 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng từ hơn 14.504 tỷ đồng lên gần 19.000 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ ghi nhận lần lượt hơn 6.600 tỷ đồng và gần 14.800 tỷ đồng.
Trừ các khoản chi phí, EVN ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 26.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 19.515 tỷ đồng của năm 2022. EVN ghi nhận lỗ trước thuế 25.565 tỷ đồng và lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng, cùng tăng so với khoản lỗ trước thuế 18.613 tỷ đồng và lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng của năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2023, EVN có tổng tài sản gần 649 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số hơn 666 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ phải trả tăng nhẹ từ hơn 440 nghìn tỷ đồng lên hơn 452 nghìn tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán, EVN ghi nhận lỗ lũy kế hơn 41.824 tỷ đồng.
Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 - Ảnh: VGP
Trái ngược với khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN, Tập đoàn PVN lại cho thấy hoạt động kinh doanh hiệu quả. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PVN cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 517.514 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ghi nhận hơn 40.278 tỷ đồng, giảm hơn 16.000 tỷ đồng so với năm 2022. PVN cũng có hơn 41.229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của PVN trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy doanh thu tăng mạnh từ hơn 97 nghìn tỷ đồng nửa đầu năm 2023 tăng lên hơn 122.598 tỷ đồng nửa đầu năm 2024. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, PVN ghi nhận lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 2.523 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 7.488 tỷ đồng, chi phí tài chính ghi nhận hơn 2.138 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 2.398 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, PVN ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 5.466 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số hơn 6.160 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
PVN ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 5.478 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 4.717 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lợi nhuận trước thuế hơn 6.167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.195 tỷ đồng nửa đầu năm 2023.
Tại ngày 30/6/2024, PVN có tổng tài sản hơn 534.792 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 521.952 tỷ đồng hồi đầu năm. Tổng nợ phải trả của PVN ghi nhận hơn 161.856 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 21.243 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn chỉ hơn 15.699 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán riêng lẻ, PVN có gần 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bình luận