Kỉ lục: Bà Kamala Harris huy động được 1 tỷ USD chỉ sau 80 ngày tranh cử
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris vẫn chưa thể chuyển hóa lợi thế về tài chính thành ưu thế trong các cuộc thăm dò ở các bang dao động quan trọng, nơi quyết định kết quả bầu cử.
Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã huy động được một khoản tiền kỷ lục lên đến 1 tỷ USD trong 80 ngày. Con số này vượt xa so với 309 triệu USD mà chiến dịch của ông Donald Trump thu được tính đến cuối tháng 8 và bằng với toàn bộ số tiền mà Joe Biden huy động được cho cuộc tranh cử năm 2020.
Mặc dù chiến dịch của bà Harris đã thành công lớn trong việc huy động quỹ, một số chiến lược gia lo ngại rằng điều này có thể làm giảm nhiệt huyết của các nhà tài trợ, khiến họ không muốn đóng góp thêm khi cuộc đua ngày càng căng thẳng. Một thành viên trong chiến dịch của bà Harris đã thừa nhận rằng mặc dù việc gây quỹ mạnh mẽ và sự nhiệt tình của các tình nguyện viên là tín hiệu tích cực, nhưng không có gì đảm bảo rằng điều này đủ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
James Carville, một trong những chiến lược gia đứng sau chiến thắng của ông Bill Clinton năm 1992, nhận định rằng bà Harris cần phải trở nên "tấn công mạnh mẽ hơn" nếu muốn vượt qua những trở ngại hiện tại.
Một cuộc thăm dò của trường đại học Quinnipiac công bố hôm thứ Tư cho thấy bà Kamala Harris kém ôngTrump lần lượt là hai và ba điểm ở Wisconsin và Michigan.
Bất chấp thành công về tài chính, bà Harris vẫn chưa thể tạo ra lợi thế đáng kể trong các cuộc thăm dò ở các bang dao động – những bang đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả bầu cử.
Các cuộc thăm dò mới nhất từ Đại học Quinnipiac cho thấy Harris đang bị Trump dẫn trước ở cả Wisconsin và Michigan – hai bang quan trọng trong cái gọi là “bức tường xanh” của Đảng Dân chủ. Điều này khiến nhiều người lo ngại về khả năng chiến dịch của bà Harris không thể biến lợi thế tài chính thành lợi thế chính trị tại các bang này.
Một quan chức trong chiến dịch của bà Harris đã thừa nhận rằng cuộc bầu cử lần này sẽ rất sát sao và khó đoán. "Chúng ta đang đối mặt với một cử tri đoàn bị phân hóa sâu sắc. Mỗi chu kỳ bầu cử, số lượng cử tri thực sự dao động ngày càng nhỏ đi", vị này nói.
Bình luận