Phải trả tiền điện lên đến 5.000 đồng/kWh, người thuê trọ tính “trăm phương nghìn kế” tiết kiệm

“Sau 3 đêm bật điều hoà, công tơ điện mà nhà chủ lắp trước cửa phòng bất ngờ nhảy thêm 40 số, tôi hoảng quá phải mua thêm chiếc quạt nữa chứ không dám bật điều hoà”.

Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Đức An (SN 2004), sinh viên thuê trọ tại Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về cách đối phó với cái nắng nóng mùa hè đang tới.

Người thuê trọ lo lắng vì phải dùng điện giá cao

An cho biết, mình thuê trọ cùng một bạn nữa ở khu trọ này. Trước đây, chủ trọ thu tiền điện với giá 4.500 đồng/số. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, tiền điện được tăng lên 5.000 đồng/số khiến An choáng váng.

“Bác chủ trọ cũng tốt tính, hiền lành, ở đây cũng vui nhưng chỉ có mỗi tiền điện là cao quá. Để tiết kiệm điện, mấy đứa tôi rút tủ lạnh không dùng, ăn bữa nào đi chợ bữa đó. Phòng có nóng lạnh nhưng cũng không dám bật nước nóng để tắm, cắm cơm cũng nấu 1 lần ăn 2 bữa”, An kể.

Theo An, cả mùa hè năm trước, cậu chỉ dám bật điều hoà vài đêm một tháng, vào những ngày nóng nhất.

Phải trả tiền điện lên đến 5.000 đồng/kWh, người thuê trọ tính “trăm phương nghìn kế” tiết kiệm - 1

Giá điện thuê trọ tăng lên 5.000 đồng/số khiến An "méo mặt".

“Đợt mới chuyển đến, đứa nào cũng vui mừng vì phòng có điều hoà. Tôi nhớ mấy hôm nóng quá, bật điều hoà lên nằm ngủ cho mát, 3 ngày sau xem đồng hồ thấy tăng lên 40 số. Hoảng quá chúng tôi không dám bật nữa. Năm nay tiền điện còn lên 5.000 đồng/số thì chắc chỉ dám dùng quạt, không dám bật điều hoà”, An kể.

Đọc báo thấy thông tin giá điện tăng, Thu Hạnh (SN 2006), sinh viên thuê trọ tại Đống Đa (Hà Nội) lo lắng không yên vì suốt hơn một năm qua, Hạnh đã phải trả số tiền điện lên tới 5.000 đồng/kWh. Nếu bây giờ giá điện tăng tiếp, Hạnh nghĩ sẽ phải tìm nơi trọ mới vì không chịu nổi tiền điện hàng tháng.

“Chỗ này tôi trọ được cái gần trường, mọi người cũng thân thiện, mỗi là giá điện cao quá, giờ mà tăng tiếp chắc mấy đứa tôi không ở lại đây được”, Hạnh nói.

Phải trả tiền điện lên đến 5.000 đồng/kWh, người thuê trọ tính “trăm phương nghìn kế” tiết kiệm - 2

Theo quy định, trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Nghĩ đến “chiêu” tiết kiệm điện, Hạnh cho biết, những ngày nóng nhất, cô và bạn cùng phòng rủ nhau lên thư viện ngồi đọc sách đến tối mới về. Chưa kể, Hạnh phải mang chiếc quạt màn 5 cánh to hơn bàn tay, mua từ Bắc Ninh xuống Hà Nội, mắc lên để dùng cho đỡ tốn tiền điện.

“Dãy trọ trang bị cho mỗi phòng một chiếc điều hoà nhưng hôm nào nóng quá, chị em mấy phòng cùng tầng rủ nhau ngủ luân phiên, chung một phòng, bật 1 chiếc điều hoà ngủ cho đỡ tốn. Ví dụ 6 người bật một đêm ở phòng này thì mai lại sang phòng kia ngủ, vừa tiết kiệm vừa vui”, Hạnh kể.

Sinh viên, người lao động được hưởng giá bán lẻ điện như thế nào?

Theo quy định, đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

Phải trả tiền điện lên đến 5.000 đồng/kWh, người thuê trọ tính “trăm phương nghìn kế” tiết kiệm - 3

Pháp luật quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định.

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện, bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà, căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, thay vì áp dụng mức giá theo quy định, nhiều chủ nhà trọ vẫn “tận thu” của người đi thuê trọ, nâng giá điện lên mức 4-5 nghìn đồng/kWh mặc dù biết là sai quy định của pháp luật.

Phải trả tiền điện lên đến 5.000 đồng/kWh, người thuê trọ tính “trăm phương nghìn kế” tiết kiệm - 4

Nhiều người vẫn "phớt lờ" quy định, cho thuê nhà với giá từ 4-5 nghìn đồng/số điện.

Nếu phát hiện các trường hợp chủ nhà trọ tại Hà Nội thu tiền điện sai quy định, sinh viên, người lao động nên liên hệ đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHANOI qua số điện thoại: 19001288 hỗ trợ 24/7, số của Sở Công Thương là: 024.22155571 và 024.22155527 để EVNHANOI phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm của chủ nhà trọ để làm cơ sở xử phạt theo quy định.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao được quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) như sau: Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Minh Khôi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras  Shevchenko và Nguyễn Du

Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras Shevchenko và Nguyễn Du

Taras Shevchenko và Nguyễn Du - hai nhà thơ lớn ở hai đất nước xa nhau về địa lý, nhưng hai trái tim lớn của họ đều đập cùng nhịp với muôn triệu trái tim của nhân dân cần lao với hướng đi: "đến với dân, sống vì dân và làm thơ vì hạnh phúc của nhân dân".